Theo tiến sĩ Gardiner, được sống ở Úc là một điều đáng để ăn mừng .Trong cuốn sách xuất bản sắp tới, tiến sĩ John Gardiner ca ngợi những kì quan thiên nhiên của Úc và những thành tựu của văn hóa Thổ Dân.
Ngồi ở Úc nhìn lên trên bạn có thể nhìn thấy dải Ngân Hà. Bao quanh Úc là biển nam và vùng Nam cực, phía dưới Úc là những dải san hô ngầm, và trên mặt đất là những sinh vật kì lạ khiến Charles Darwin lúc còn sống còn nghĩ chúng xuất phát từ một hệ tạo hóa riêng. Trong cuốn sách xuất bản sắp tới, tiến sĩ John Gardiner ca ngợi những kì quan thiên nhiên của Úc và những thành tựu của văn hóa thổ dân.
Tiến sĩ Gardiner lớn lên tại một thị trấn nhỏ mang tên Muswellbrook, thuộc vùng thung lũng Upper Hunter, bang New South Wales. Ngay từ nhỏ tiến sĩ đã luôn hứng thú với thế giới tự nhiên, thể hiện qua thói quen thu lượm hóa thạch và trưng bày chúng trong phòng ngủ. Nơi yêu thích của Gardiner là Bảo Tàng Úc, nơi trưng bày các hóa thạch cổ, và thư viện Muswellbrook, nơi tiến sĩ thường đến chia sẻ với mọi người bộ sưu tầm đá cứng của mình.
Ngay từ nhỏ, Gardiner cũng luôn đánh giá cao những thành tựu của văn hóa thổ dân. Khi học tiểu học, cậu bé Gardiner tìm được viên đá lửa được trau chuốt, cắt xén một cách tinh xảo ở gần trường. Ngay từ khi đó, Gardiner biết rằng cậu, cũng như bao người dân Úc gốc Âu khác, đang sống trên mảnh đất giàu văn hóa, lịch sử.
Hiện nay, dù đang sống ở thành phố nhưng Gardiner không quên gốc gác của mình. Anh tiếp tục niềm đam mê khám giá tự nhiên, sinh thái, và hiện giờ đang làm nghiên cứu tiến sĩ về lĩnh vực sinh học tế bào
Gardiner tin rằng người dân tại Úc nên cảm thấy tự hào về những di sản tự nhiên và văn hóa của đất nước. Anh tin rằng Úc có nhiều thứ đáng để ca ngợi hơn là những đội bóng đá hay văn hóa bia hơi.
Theo Gardiner, Australia có rất nhiều kì công về địa chất. Tuy nổi tiếng là vùng đất khô cằn với khí hậu khắc nghiệt, Australia có rất nhiều sông chảy qua vùng trung tâm châu lục. Ví dụ như sông Finke, một trong những con sông lớn nhất tại trung tâm Úc, chảy từ nơi giao nhau của hai nhánh sông Davenport và Ormiston tới phía bờ tây của sa mạc Simpson. Con sông này được nhà thám hiểmJohn McDoual Stuart đặt tên năm 1860 theo tên một người đàn ông sống ở Adelaide – William Finke.
Ngoài sông Finke, trung tâm Úc còn có các con sông khác như Todd, Hale và các con sông bắt nguồn từ núi. Những con sông này được coi là những con sông lâu đời nhất trên thế giới.
Không chỉ vậy, Úc cũng sở hữu nhiều sinh vật sống đa dạng, tuyệt vời. Ví dụ là Ediacara, một loại sinh vật được đặt tên theo khu vực mà nó được phát hiện lần đầu tiên (khu vực này nằm ở Nam Úc). Hóa thạch của sinh vật Ediacara giúp ta có thể tái tạo lại lịch sử tiến hóa của thế giới tự nhiên.
Ross Fargher, chủ nhân của ga Flinders Ranges với sở thích sưu tập hóa thạch, đã bắt gặp hóa thạch của Eidacara trên đường về nhà.
Năm 2003, Fargher liên lạc với nhân viên bảo tàng Nam Úc và họ rất sững sờ trước hóa thạch mà Fargher mang đến. Đó là một hóa thạch dài 6 centimet, nhìn giống như sườn lưng với những đường cơ. Đây có thể coi là mẫu hóa thạch đầu tiên tìm thấy được của tổ tiên loài động vật có xương sống, và có vai trò quan trọng trong việc tái hiện lại lịch sử tiến hóa của sinh vật, bao gồm cả loài người.
THẾ GIỚI ĐÃ MẤT
Khái niệm về một “Thế Giới Đã Mất”, theo tiến sĩ Gardiner, là một khái niệm thú vị. Nhiều nơi ở Úc đem lại cho du khách cảm giác như được quay về quá khứ rất xa xôi. Tuy nhiều sinh vật đã bị tuyệt chủng như hổ Tasmania nhưng vẫn còn nhiều sinh vật vẫn còn sống sót, và theo tiến sĩ Gardiner, chúng ta cần công nhận, bảo vệ và duy trì giống nòi của chúng.
Cũng theo tiến sĩ Gardiner, văn hóa thổ dân tuy đã được biết đến nhiều hơn những năm gần đây nhưng thành tựu của văn hóa này vẫn chưa được công nhận như nó đáng có. Nhiều người có lẽ không biết người thổ dân là những người có hệ thống ngôn ngữ ước hiệu (ra dấu) đầu tiên, có trò chơi bóng đá đầu tiên, có dụng cụ sử dụng năng lượng gió đầu tiên (chiếc didgeridoo) và có kiến thức hàng không cổ đầu tiên (với chiếc boomerang).
Rất nhiều kiến thức khoa học hiện đại thực ra đã có trong văn hóa thổ dân từ rất lâu. Ví dụ như thuốc lá và rượu được làm từ nhựa cây rượu táo đều là kiến thức thổ dân Úc đã phát triển từ xưa. Thổ dân úc cũng có nhiều kiến thức về thiên văn cổ và nhiều lĩnh vực khác. Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy thổ dân Úc đã có mặt trong các chuyến thương mại, trao đổi lớn xuyên suốt châu Á và châu Âu chứ không sống cô lập như chúng ta hay nghĩ.
Tiến sĩ Gardiner cho biết hiện nay có rất nhiều dấu hiệu cho thấy văn hóa thổ dân đang bắt đầu phục hồi sau một thời gian dài bị tàn phá nặng nề. Có nhiều lí do dẫn tới sự phục hồi này. Một là việc thổ dân lấy lại được một vài mảnh đất từ người châu Âu; thứ hai là sự kiện Sydney Olympic khuyến khích sự tham gia, đóng góp của thổ dân sống ở những nơi văn hóa bản địa vẫn còn được bảo tồn, duy trì; và thứ ba là lời xin lỗi Thế Hệ Mất Gốc từ Nghị Viện Úc.
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận thời gian khủng khiếp những người thổ dân phải trải qua khi dân da trắng đến và lấy đất của thổ dân. Nếu ai nghi ngờ chuyện đó, tiến sĩ Gardiner khuyên người đó nên đọc cuốn “Máu trên cọc” của tác giải Bruce Elder.
Chính sách thử nghiệm nguyên tử ở khu vực Woomera cũng đã khiến nhiều vùng đất người thổ dân sinh sống bị nhiễm độc nghiêm trọng.
Nói tóm lại, theo tiến sĩ Gardiner, được sống ở Úc là một điều đáng để ăn mừng. Di sản tự nhiên của chúng ta đầy những kì quan tuyệt vời; sức khỏe của người dân ta càng ngày càng nâng cao, và so với thế giới, chúng ta có nhiều thứ đáng để người khác phải ghen tị.
Đó cũng là lí do Gardiner viết cuốn sách về những kì quan thiên nhiên, văn hóa Úc. Qua đó, ông mong rằng người dân Úc sẽ coi trong hơn những di sản thiên nhiên, sinh vật mà nhiều khi chúng ta đã coi là hiển nhiên, và tầm thường.
Tiến sĩ John Gardiner là nghiên cứu viên tại Viện Sinh Học thuộc Đại Học Sydney, và vừa viết xong một cuốn sách về những kì quan thiên nhiên và văn hóa của Úc.
Theo ABC