Không hiểu sao, Phú Yên không lôi cuốn tôi như những nơi khác, tôi cứ hình dung Phú Yên là nơi khô khan, chẳng có gì cho kho hình ảnh của mình. Trước đây có lần tôi đã ghé thăm ghềnh Đá Dĩa ở Tuy An, khá lạ mà địa phương không biết cách khai thác. Trên những chuyến tàu Nam Bắc, khi qua sông Drang, nhìn lên ngọn núi phía Đông bên kia cầu, có ngôi tháp trên cao, khách đi tàu ai cũng biết đấy là Tháp Nhạn (Tuy Hòa). Tháp thì từ Đà Nẵng vào Phan Rang, Phan Thiết, biết bao nhiêu, khu tháp cổ Mỹ Sơn (Quảng Nam), Tháp Cánh Tiên (Bình Định), Tháp Bà (Nha Trang), Tháp Chàm (Phan Rang)… Tôi nhìn Tháp Nhạn như đã quen biết lâu ngày. Nhưng trong một dịp tình cờ gặp lại người bạn tù cải tạo năm xưa ở trại A30, nhà thơ Phan Long Yên, anh cho nghe mấy câu:
Sông Đà núi Nhạn lúc canh thâu
Gió viếng trăng thăm cảnh đượm màu
Lấp lánh non vàng ôm cổ tháp
Long lanh sóng biếc vịn chân cầu.
… … … … … … … … … … … … … … … .
Tháp Nhạn tên nghe thơ mộng nhẹ nhàng… mà có thơ thật, tại sao không đi thăm.
Từ Nha Trang tôi đi tàu địa phương ra Tuy Hòa. Tàu địa phương thì thoải mái, không phải gấp gáp, chen lấn như các chuyến tàu nhanh, có khi chờ đợi đến mệt. Vé tàu ghi 6 giờ chạy, mà 6 giờ 30 chưa cho khách ra ga. Tàu chạy chừng 3 tiếng về đến Tuy Hòa.
Thành phố Tuy Hòa nhỏ, không có đại lộ, chưa có nhà cao tầng, thành phố khá yên tĩnh bình dị. Trước đây đã có một thời Tuy Hòa nhập chung với Khánh Hòa làm thành Phú Khánh. Nhưng, chuyện tình duyên gán ghép không ổn, gia đình không “phú” mà “hèn”, nên rồi thả nhau ra. Ngày Phú Khánh phân thân, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện kỳ lạ giữa hai tỉnh khi “thôi nhau”. Nha Trang đánh dấu ngày lịch sử bằng cách chiếu phim “Thoát ách nô lệ” và tổ chức nhiều cuộc vui mừng như mừng ngày chiến thắng. Dư luận cho rằng hàng lãnh đạo của Phú Khánh toàn người Phú Yên nên Nha Trang không ngóc lên được. Phú Yên thì hậm hực về lại quê cũ mà chẳng mang theo được gì. Rồi đến màn tranh chấp Vũng Rô mới gay cấn. Có hồi hai bên đã nổ súng vào nhau… Chuyện xin trả về cho lịch sử, chỉ nhắc sơ một chút thôi.
Tuy Hòa nằm sát biển, từ nhà ga ra biển không xa. Đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi nhà cửa chưa có gì mới, riêng ngôi chợ đang xây thì rất đồ sộ không thua gì chợ An Đông, Sài Gòn. Đường sá ít xe mà không được sạch. Con đường biển mở rộng, lề đường lát gạch nhiều khu nhà mới xây, đẹp và sáng hẳn lên. Không có dấu hiệu kinh doanh du lịch dọc theo bãi biển, nước biển xanh tận bờ, rừng phi lao mới trồng…
Ngồi xe ôm vòng ra bến cá, cảnh ghe chài không tấp nập lắm, tôi cố tìm những cánh buồm trắng nhưng chỉ thấy toàn thuyền máy. Nhiều bạn nhiếp ảnh đã chụp được cả đoàn thuyền buồm kéo vào cửa sông Drang, tôi ước ao có một dịp may như thế nhưng cũng như Mây Luồn Sapa, biết chứ không dễ gặp.
Xe leo đồi lên Tháp Nhạn, đường nhựa dễ đi. Tháp Nhạn là di tích được Văn Hóa công nhận nhưng chưa là nơi khai thác du lịch nên không phải mua vé. Một vài cô nữ sinh thơ thẩn, không thấy du khách. Tôi đi quanh một vòng xem qua toàn cảnh, thật không ngờ, từ trên cao mới thấy vẻ đẹp thơ mộng của biển trời Phú Yên.
… … … … … … … … … … … …
Trông lên mây bạc đã xây lầu
Tháp vẫn còn đây Nhạn ở đâu
Núi nhớ sầu dâng sương đọng lệ
Sông thương tình lặng nước hoen mầu.
(Thơ Phan Long Yên)
Có lẽ đau lòng nhớ quê xưa mà nhà thơ thấy nước hoen màu chứ đứng bên chân tháp mà ngắm cảnh sông Ba đổ ra biển theo một đường cong uốn lượn, dòng nước xanh ôm bờ cát trắng có hàng dừa, thấp thoáng những mái ngói đỏ như những vệt sơn dầu trên một tuyệt tác của họa sĩ bậc thầy. Cái đẹp ở đây vẫn toát ra từ vẻ nghèo nàn. Nếu nhà cửa ven sông toàn năm bẩy tầng thì chẳng có gì đáng nói. Có thể cảnh chẳng khác gì một nơi nào đó ở Ý, Pháp hay Mỹ. Nhìn xuống cầu Drang, dòng sông lại uốn khúc về dãy Trường Sơn xa thẳm, khúc uốn mới đẹp làm sao, ở giữa sông có cồn cỏ xanh, tạo cho con sông dáng thon thả nhẹ nhàng. Tưởng tượng có dăm bảy cánh buồm trắng nối đuôi nhau, có người sẽ thốt lên: “Chốn Bồng Lai!”. Óc tưởng tượng gợi nhớ trong tôi một câu hát không biết của nhạc sĩ nào: “Con sông sâu, cánh buồm nâu, qua mấy nhịp cầu, lòng thêm sầu, đường lên tơ, gửi mấy câu thơ”.
Tôi mà làm du lịch, tôi sẽ không ngần ngại đầu tư một số thuyền buồm, để cho du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của Tuy Hòa. Vịnh Hạ Long đẹp không chỉ ở dáng thế của hang Bồ Nâu, của hòn Gà Chọi mà còn sự kết hợp hài hòa với những cánh buồm căng gió. Tiếc thay, ngày nay toàn tàu chạy máy. Những chiếc tàu làm mất vẻ thanh tú của Hạ Long.
Tôi đã từng lên đỉnh đồi biệt điện Bảo Đại ở Đồ Sơn, Tháp Bà Nha Trang, Dinh Cô Long Hải, nhìn xuống bãi biển nhưng không nơi nào đẹp bằng đây. Hướng nào cảnh cũng thoáng, cũng hay. Quay nhìn sang núi Chóp Chài, Ngọn núi như một đụn thóc khổng lồ làm phong cho thành phố, nhà cửa san sát, ít cao tầng, ngôi nhà thờ Tin Lành vút hẳn lên như một bút tháp. Sau lưng là núi và đồng ruộng, trước mặt là biển, bên cạnh là sông, Tuy Hòa được ôm ấp che chở bằng một vòng tay thiên nhiên như thế thì “Phú” và “Yên” là phải.
Địa danh xứ mình thường xuất xứ từ điển tích; Phú Yên, nghĩa đã rõ, giàu có và yên bình, nhưng chữ từ đâu, chắc phải có nguồn gốc.
Tháp Nhạn sừng sững một mình, góc cạnh rất sắc, đã được sửa chữa nhiều. Cửa tháp quay về hướng Đông, người Chăm tin hướng mặt trời mọc là nơi ở của các vị thần linh. Ba mặt kia xây kín, tháp vuông, có ba tầng, hai tầng trên nhỏ dần và các mặt có đắp khung cửa giả. Đỉnh tháp là tượng Linga đã bị đạn pháo của thực dân Pháp, nay đắp lại bằng xi măng. Tháp cao chừng 20 mét, chân tháp rộng hơn 10 mét. Hiện dưới chân tháp bên bờ sông có một tảng đá lớn cao chừng 5 mét trên mặt bằng phẳng, có khắc ba chữ cổ kiểu chữ Phạn. Cửa tháp đã xây lại bằng gạch nung, tiệp màu nhưng mới quá, lại nguyên cây đà ngang bằng xi măng trên đầu cửa, trông rất chõi. Theo sử liệu, tháp có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 11.
Tu sửa các di tích là điều phải làm, nhưng, xứ mình thường làm cách tùy tiện, kiến thức và chuyên môn không có, làm để moi tiền công quỹ, nên lắm khi tôn tạo hóa ra phá hỏng. Những ai thường du lịch đều nhận ra điều này, không riêng một địa phương nào mà khắp nơi trong nước.
Tháp Nhạn cũng như bao nhiêu di tích lịch sử khác, chỉ là dấu vết còn lại của một thời đã qua, người thời nay vẽ vời trang trí với mục đích khai thác kinh doanh, lại cho đó là làm văn hóa. Tôi nghĩ đến lúc nào đó di tích phải được trao cho một tổ chức chuyên ngành như Viện Khảo Cổ chẳng hạn, may ra mới tránh được những lợi dụng sai lầm như đã thấy.
Cầu Drang dài tăm tắp, ngày trước màu đen nay sơn bạc, không nhịp không vài, nhờ vậy vẻ đẹp của dòng sông không bị phá. Mùa này con sông Ba trông rất hiền lành, thế mà có năm gặp nước lũ về đã nhận chìm nguyên đám rước cô dâu.
Hai cô học sinh đang ngồi chơi bên thềm chân tháp, tôi tạt qua hỏi thăm:
- Các cháu học trường nào vậy?
- Dạ trường Nguyễn Huệ.
- Trước đây có thầy Nguyễn Đức Giang làm hiệu trưởng các cháu biết không?
Hai em nữ sinh nhìn nhau, tôi biết mình hớ rồi, chuyện hơn 30 năm về trước mà hỏi một học sinh trung học thì thật quá lẩn thẩn, hoài niệm lắm khi làm cho con người không còn phân định được mốc thời gian. Tôi chuyển nhanh một câu khác:
- Lễ hội ở tháp tổ chức vào ngày nào hả cháu?
- Dạ, cháu không để ý, nhưng vào dịp Tết người ta lên chơi rất đông, cũng có cúng tháp nữa.
- Có người Chăm làm lễ không?
- Dạ, không thấy.
Thăm núi Nhạn, ngắm sông Ba mới thấy tài trí và tâm hồn người xưa phong phú như thế nào. Chọn nơi quần cư, hoặc xây dựng một công trình đều rất tinh ý, không những hợp tình hợp lý mà còn giúp cho đời sống xã hội ngày mỗi phát triển phong phú hơn, đẹp hơn. Bây giờ khoa học có tiến bộ, con người có học vị uyên bác, nhưng không ít công trình xây rồi phá, làm rồi sửa. Làm nên tốn bạc tỉ, phá đi còn tốn hơn, đài liệt sĩ ở bờ biển Nha Trang là một thí dụ.
Trần Công Nhung
————–
(1) Đền Lương Văn Chánh