Trong một bản tin ngắn đánh đi từ Mátxcơva vào hôm qua, 14/08/2012, hãng tin Nga Ria – Novosti cho biết là nhà máy đóng tàu Admiralty tại thành phố Saint Petersburg đã xác nhận rằng trong tháng Tám này, sẽ cho hạ thủy chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số sáu chiếc mà Việt Nam đã đặt mua.
Đây là loại tàu ngầm chạy bằng Diesel – ký hiệu Project 636 – gọi nôm na là tàu ngầm lớp Kilo. Hãng tin Nga đã trích dẫn một nguồn tin từ giới công nghiệp quốc phòng cho biết : “Chiếc tàu ngầm đầu tiên theo hợp đồng (với Việt Nam) sẽ xuất xưởng vào tháng Tám năm nay, sau đó sẽ bắt đầu một chu kỳ kiểm tra”.
Kiểu tàu ngầm của Nga chạy bằng Diesel, còn gọi là lớp Kilo (AFP)Nguồn tin này cho biết thêm rằng lễ hạ thủy sẽ được tổ chức vào ngày 28/08 tới đây, và chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ được bàn giao cho Việt Nam trước cuối năm 2012 này.
Xin nhắc lại là vào tháng 12 năm 2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã loan báo việc ký kết một hợp đồng đặt mua sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga, trị giá khoảng 2 tỷ đô la. Theo một nguồn tin từ giới công nghiệp quân sự Nga, toàn bộ hợp đồng sẽ được hoàn tất vào năm 2016.
Loại tàu ngầm kilo (Project 636) có lượng giãn nước 3.100 tấn, di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu 300 mét, thủy thủ đoàn gồm 52 người. Về mặt vũ khí tàu được trang bị thủy lôi, 6 ống phóng ngư lôi 553 ly, và tên lửa tấn công loại “Caliber”.
Câu hỏi mà giới phân tích đang đặt ra vào lúc Trung Quốc gia tăng đáng kể các hành vi hù dọa Việt Nam tại Biển Đông là liệu việc Hà Nội được giao chiếc tàu ngầm đầu tiên có làm cho Bắc Kinh chùng tay hay không ?
Theo Giáo sư Jim Holmes tại Học viện Hải quân Mỹ (trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 26/07/2012), Trung Quốc có thể là đang thúc đẩy các hành động quyết đoán giành chủ quyền tại Biển Đông vào lúc này vì cho rằng họ không nên chờ cho các nước đối thủ kịp trang bị vũ khí.
Nêu lên ví dụ Việt Nam, tác giả cho rằng Hà Nội có thể mua được các loại vũ khí đủ sức đương cự với các mối đe dọa của Bắc Kinh, hay ít ra là làm cho Trung Quốc bị tổn thất nặng nề hơn trong việc áp đặt ý muốn.
Source: RFI