Kinh tế Ukraina sắp phá sản Đồng tiền hryvnia của Ukraina không ngừng tuột giá từ khi có khủng hoảng - Reuters /Vasily Fedosenko"Quỹ nhà nước không còn một xu". Ukraina cần gấp 35 tỷ đô la tránh để bị phá sản. Kiev đang phải đi vay tín dụng ngắn hạn với lãi suất là 35 %. Dân chúng ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Đồng hryvnia tuột giá không phanh.
Cuối tháng 11/2013 Nga hứa cho Ukraina vay 15 tỷ đô la và giảm 1/3 giá khí đốt bán cho nước chư hầu cũ này. Khi đó, Tổng thống Ianoukovitch coi đây là phương tiện duy nhất giúp Ukraina tránh bị vỡ nợ khi biết rằng nợ công Ukraina vào năm ngoái tương đương với 43 % GDP của quốc gia này.
Trên thực tế tới nay, Nga mới chỉ tháo khoán 3 tỷ đô la trên tổng số 15 tỷ đã hứa. Nhưng toàn bộ số tiền nói trên đã được dùng để thanh toán nợ của Ukraina do các ngân hàng Nga nắm giữ. Vào lúc Ukraina mỏi mòn chờ đợi khâu giải ngân thứ nhì của Nga, chính quyền Kiev đã phải đi vay tín dụng ngắn hạn với lãi suất đang từ 5 % tăng vọt lên thành 35 %.
Theo thẩm định của ngân hàng Mỹ, Bank of America, nội trong tháng 3/2014 Ukraina phải thanh toán khoản nợ 1 tỷ đô la đáo hạn và 600 triệu tiền lãi cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Ngoài ra từ nay cho đến ngày 30/06/2014 Kiev phải trả xong món nợ 1,5 tỷ đô la cho Liên Hiệp Châu Âu, thanh toán hóa đơn mua khí đốt 3 tỷ đô la cho Gazprom.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng, kịch bản tối ưu đối với Ukraina sẽ đến từ một sự « phối hợp giữa Liên Hiệp Châu Âu với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cùng với Nga để giảm bớt nợ và cho Kiev thêm thời gian để thanh toán các khoản nợ đáo hạn ».
Trong mọi tình huống, Nga luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Ukraina : cung cấp đến 80 % khí đốt cho Ukraina. 25 % xuất khẩu của Ukraina đổ vào thị trường Nga và nhập vào hơn 30 % hàng hóa của Nga. Bên cạnh đó, tư bản Nga kiểm soát tới gần 1/3 nền kinh tế của Ukraina.
Theo phân tích của nhà báo Annie Daubenton và cũng là một chuyên gia về tình hình Ukraina, trước mắt hồ sơ Ukraina tuy vuột khỏi tầm kiểm soát của Nga nhưng Matxcơva vẫn giữ một lá bài then chốt khi biết rằng Ukraina lệ thuộc nhiều vào Nga cả từ tài chính, kinh tế lẫn thương mại :
« Nga đang trong tình thế khó xử. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Nga, Sergei Lavrov liên tục trao đổi với nhau qua điện thoại về tình hình Ukraina. Không thể nói là Nga đứng ngoài hay là bị gạt ra ngoài hồ sơ Ukraina. Matxcơva luôn hiện diện tại các vòng đàm phán cho dù kết cuộc không như mong muốn của phía Nga.
Sau cuộc cách mạng Màu Cam năm 2004, khủng hoảng tại Ukraina lần này thực sự là một bài học khá đau đớn đối với nền ngoại giao Nga. Tuy vậy, điện Kremly vẫn còn một lá chủ bài trong tay, đó là vận mệnh kinh tế của Ukraina. Cho tới nay nga mới chỉ rót cho Ukraina 3 trên tổng số 15 tỷ viện trợ đã hứa vào cuối năm ngoái.
Matxcơva đã đình chỉ khâu giải ngân thứ nhì cho chính quyền Kiev. Ngoài ra cứ ba tháng một lần, Nga và Ukraina phải đàm phán trở lại về thỏa thuận mua bán khí đốt song phương. Chắc chắn là Ukraina sẽ không có trọng lượng trong đợt thương thuyết lần tới với đối tác Nga.
Hiện tại, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã đưa ra một số đề nghị để hỗ trợ Ukraina – đó là những phương án theo tôi, Kiev có thể chấp nhận được. Ngoài ra, đừng quên rằng, Ukraina là một quốc gia có nhiều tiềm lực kinh tế, chưa được khai thác đúng mức. Có nhiều khả năng, trong tương lai, tân chính quyền Ukraina sẽ cùng với phe đối lập phát huy những nguồn lực dồi dào đó để đưa đất nước này đi lên ».
Thách thức đặt ra cho chính quyền Kiev sắp tới là làm thế nào trấn an các đối tác phương Tây về khả năng nhanh chóng phục hồi của Ukraina. Để đạt được mục tiêu đó thì Ukraina cần cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng, từng bước giảm trợ cấp năng lượng cho doanh nghiệp và tư nhân, bài trừ tham những khi biết rằng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ukraina bị coi là một trong những quốc gia có môi trường làm ăn kém cỏi nhất.
Một thách thức quan trọng khác là Ukraina phải giảm bớt mức độ lệ thuộc vào láng giềng to lớn là Nga và bằng mọi giá ổn định đơn vị tiền tệ quốc gia, xua tan mọi đe dọa phá giá đồng hryvnia. Hiện tại một phần lớn các hoạt động kinh tế của Ukraina bị chựng lại do người dân đề phòng hiểm họa chính quyền phá giá đồng tiền.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 01/03/2014 lúc 09:56:16(UTC)
| Lý do: Chưa rõ