logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 27/02/2014 lúc 05:57:27(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,241

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Hôm rồi, tôi đến thăm ông giáo già, cựu giảng viên đại học. Ông là lứa sinh viên đầu tiên, được sang Đức du học, vào đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Vì vướng vào vụ án ủng hộ chủ nghĩa xét lại, nên ông ở lại Đức. Nhân nói về, cuốn sách(tiểu thuyết) lịch sử Nguyên Khí của nhà văn Hoàng Minh Tường, không được phép xuất bản, ông phàn nàn: Cứ gì trong nước, ngay đến cuốn Thơ Người Việt Ở Đức, xuất bản ở Berlin, không hiểu có bàn tay lông lá nối dài nào đứng sau, cũng đang tìm cách đình chỉ, thu hồi đấy. Rồi ông than thở: Sự định hướng tư tưởng, kiểm duyệt xuất bản đã bóp chết bao tài năng văn học, nghệ thuật. Câu nói của ông, chợt làm tôi nhớ đến lời kể về giấc mơ của Nguyễn Kỳ Vọng. Một nhân vật trong Thời Của Thánh Thần, cuốn sách cũng bị thu hồi của Hoàng Minh Tường:“…Tôi mơ gặp anh Vỹ tôi. Anh Vỹ mặc bộ quần áo trắng, treo ngược người, như trồng cây chuối trước nhà thờ ở Nguyễn Kỳ Viên. Tôi đến định cởi dây thừng cho Vỹ. Nhưng Vỹ xua tay và bảo: “Anh không muốn sống nữa”. Tôi hỏi vì sao? Vỹ bảo: “Có nhà sử học vừa viết rằng Cách mạng nước ta không phải mãi tháng Tám năm 1945 mới thành công mà đã giành chính quyền từ tay thực dân Pháp từ năm 1930… Đọc đến đây anh không muốn sống nữa. Vì nếu như vậy thì văn học nghệ thuật nước nhà làm sao có được những trào lưu như Thơ Mới, Tiểu thuyết Thứ Bẩy, Tự lực Văn đoàn, những Tân nhạc, Mỹ thuật Đông Dương… mà hàng loạt tên tuổi lừng danh đã làm vẻ vang cho xứ sở, như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên…”

Vâng! Chỉ là một giấc mơ như vậy, nhưng khi đọc Hoàng Minh Tường, tôi đã cảm được tư tưởng, nỗi đau của ông, nằm trọn trong giấc mơ đó. Và nó không chỉ có ở Thời Của Thánh Thần, mà còn xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhà văn Hoàng Minh Tường sinh năm 1948 tại Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình thuần nông. Ông đến với văn chương trong một lần Bộ giáo dục mở cuộc thi viết về ngành, một cách ngẫu nhiên, khi đang dạy học ở Việt Bắc. Thông thường, các nhà văn bắt tay viết truyện dài, tiểu thuyết khi đủ vốn sống và đã có trải nghiệm từ truyện ngắn. Nhưng Hoàng Minh Tường ngược lại, đặt viên gạch đầu tiên, bằng tiểu thuyết Đầu Sông, cho sự nghiệp viết văn của mình. Đây là cuốn sách, được cho là “hiền lành“ nhất của ông và nghe đâu cũng được ẵm giải của ngành chủ quản.

Là người đi nhiều, viết nhiều, nhưng Hoàng Minh Tường vẫn gắn bó với đề tài nông thôn, những người nông, ngư dân, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Phải nói thẳng, ông là nhà văn âm thầm và can trường. Bằng ngòi bút của mình, ông cày tung lên những mảng đen, bóng tối, nỗi đau con người trong xã hội đương thời. Ông đã có tới ba cuốn tiểu thuyết bị thổi còi, cấm, đình chỉ phát hành. Đó là những cuốn sách, đang góp phần làm hồi sinh lại dòng văn học hiện thực nhân đạo, dù nó đã bị tuyên án tử hình từ mùa thu năm 1945 và hành quyết vào những năm sau 1954.

Thật vậy, người nối lại được mạch văn hiện thực phê phán của những Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng… chắc chắn, là một trong những người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông, nhà văn Hoàng Minh Tường. Và (tiểu thuyết) Thời Của Thánh Thần là cuốn sách tiêu biểu nhất của ông, đã nói lên điều này.

Thật ra, Hoàng Minh Tường, không phải là nhà văn đầu tiên bẻ cái ổ khóa cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp…những đề tài được cho là cấm kỵ, chạm nọc này ra. Mà ngay từ năm 1957, Vũ Bão đã bắn phát súng đầu tiên bằng tác phẩm Sắp Cưới…Để rồi đến mãi hơn ba mươi năm sau, lợi dụng sự hô hào cởi trói cho các văn nghệ sỹ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Trần Mạnh Hảo với Ly Thân, Ngô Ngọc Bội với Ác Mộng, lần lượt ra lò. Nhưng các bác nhà văn tiên phong này, trước sau đều bị đánh cho tơi bời khói lửa. Những năm gần đây, không khí có vẻ dịu lại, nên một số nhà văn trở lại với đề tài này, như Dưới Chín Tầng Trời của Dương Hướng, Cuồng Phong của Nguyễn Phan Hách, Ba Người Khác của Tô Hoài…Và đặc biệt Thời Của Thánh Thần của Hoàng Minh Tường. Cuốn sách này, đã gây chấn động văn đàn, không những trong nước, còn vang ra đến hải ngoại. Làm cho nhiều người liên tưởng đến sức nổ Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh.

Cải cách ruộng đất, không những đã được định hướng về tư tưởng, hành động mà nó còn là một kịch bản, công thức áp dụng cho từng làng quê trong thời kỳ sục sôi đó. Định mức, chỉ tiêu địa chủ cũng như kích động, sử dụng ngay con cháu, người ở để đấu tố, chỉ điểm, đã được sắp xếp theo một khuân mẫu. Sự tan đàn xẻ ghé, người đi, kẻ ở lại, trong một xã hội vô luân ấy, là một điều khó tránh khỏi. Do vậy, khi đọc Thời Của Thánh Thần, ta thấy cách dựng truyện, cũng như hành động nhân vật có nhiều tình tiết trùng với những tác phẩm của các nhà văn khác, cùng viết về đề tài này. Âu đó cũng là điều dễ hiểu. Như trong cải cách ruộng đất, gia đình tôi đã phải gánh chịu, có rất nhiều tình tiết giống trong Thời Của Thánh Thần. Thím tôi lúc đó mới 16 tuổi, bị các ông đội kích động, mua chuộc đấu tố chính bố mẹ chồng, tức ông bà nội tôi, cụ Cửu Điếm (Đỗ Văn Điếm) làng Cát Chử, Trực Ninh, Nam Định. Sau đó, thím chỉ điểm cho đội những nơi cất giấu vàng bạc. Bác ruột tôi, bà Lý Âm bị người con nuôi tên Phố, đấu tố làm nhục, tức đến mức xé quần áo bện thành dây, thắt cổ chết ngay trong đêm. Sau sửa sai, bà nội tôi lên Hà Nội, nhờ bà ngoại tôi, là bác của ông chủ tịch ủy ban cải cách TW, dẫn đến quốc hội, gặp ông chủ tịch. Năm sau, họ mới trả cho cái từ đường họ Đỗ, để có nơi tá túc. Vâng! Cái nỗi đau này, tôi đã viêt thành truyện, Những Ngày Tháng Không Bình Yên.

Thật vậy! với đề tài này, không phải dễ viết, nó có mặt hạn chế cho sự sáng tạo của nhà văn. Nếu như hình tượng hóa nhân vật một cách quá thái, sẽ mất đi tính lịch sử. Và tiểu thuyết hóa sự việc nó sẽ mất đi tính hiện thực phê phán. Làm cho người đọc có cảm giác giả giả, không thật. Do vậy, khi viết nhà văn cần có một sự dung hòa.

Nói là như vậy, nhưng tôi cho rằng, Hoàng Minh Tường đã đưa nhân vật Nguyễn Thị Kỳ Hậu vào Thời Của Thánh Thần, là một sáng tạo rất nhân văn. Khi nhìn thấy cha, ông Kỳ Phúc bị đấu tố làm nhục, đã dộng đầu xuống đất tự tử, cô bé Nguyễn Thị Kỳ Hậu sợ quá, từ đó trở nên câm lặng, với cuộc sống vật vờ. Hình ảnh nhân vật này, chợt làm cho tôi liên tưởng đến, sự thui chột tinh thần của con người trước cái ác, cái vô luân, không chỉ một thế hệ, và đóng khung trong một làng xã, hay một tỉnh, thành… trong suốt trên nửa thế kỷ qua. Tuy Nguyễn Thị Kỳ Hậu chỉ là nhân vật mờ nhạt, thấp thoáng ở phía sau, nhưng nó lại phản ánh hiện thực, phê phán một cách rất sâu sắc, thâm cay.

Khi đọc và viết về Thời Của Thánh Thần, tôi không nghĩ nó là tiểu thuyết. Dư âm và hồn cốt câu chuyện, dường như có lời chậm rãi, thủ thỉ của bà, kể cho tôi nghe thuở nào.

UserPostedImage
Với cái tựa Thời Của Thánh Thần, nó đã tóm gọn được tư tưởng, suy nghĩ của nhà văn Hoàng Minh Tường một cách trọn vẹn về đời sống, xã hội con người, từ trên nửa thế kỷ qua. Thật ra, cái tựa này là sự ẩn ý của tác giả muốn hướng người đọc, về giai đoạn mộng mị, không có thật này. Vì thánh thần nào, lại đi vật chết con cháu bằng những cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm…? Và có ai đã gặp, nhìn thấy các ngài? Mà chỉ thấy những điều quái gở, lừa dối, trong cái đường lối không tưởng, đang diễn ra trong xã hội đương thời. Sự thù hằn, đấu tố, giam cầm, đày đọa nhau về cả thể xác lẫn tâm hồn, dẫn đến mọi quan hệ làng xóm, gia đình, dòng họ bị đảo lộn tùng phèo. Thời linh hồn người đã biến thành con. Một thứ con mà tôi không thể gọi thành tên. Nhưng nó hoàn toàn ngược lại với lòng nhân của các vị Thánh nhân.

Những cái tựa: Tốt sang sông, hay Những người khốn khổ, là ý định ban đầu của tác giả, với tôi, nó không có tính khái quát và hình tượng sâu sắc bằng Thời Của Thánh Thần.

Tuy Thời Của Thánh Thần không có những đoạn văn tả cảnh, tả tình đẹp và mượt mà như trong Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, nhưng lời văn của Hoàng Minh Tường lại có cái thong thả, dân dã, nó chầm chậm ngấm dần vào lòng người. Đọc Thời Của Thánh Thần, ta thấy Hoàng Minh Tường đã đưa nhiều khẩu ngữ, nhất là thành ngữ vào trang văn của mình, làm cho câu văn sinh động, gần gũi với người đọc hơn. Và đúng như vậy, đọc văn của ông, ta có cảm giác gặp lại hình bóng của các nhà văn tiền bối Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… ở trong đó.

Thời Của Thánh Thần, được xuất bản vào mùa thu 2008, vừa chạm tay bạn đọc, đã có lệnh thu hồi. Cái lệnh từ trên giời rơi xuống này, hỏi từ bác trưởng ban tuyên huấn TW trở xuống, ai cũng ngơ ngác không biết, không thể trả lời. Ấy vậy, mà nó đủ sức đưa Thời Của Thánh Thần nhập kho. Cũng may, Hoàng Minh Tường không phải nhập cùng. Nhưng nghe nói, “nhà xuất bản“ Đinh Lễ (Hà Nội) vẫn cho ra lò đều đều, chứng minh sức sống mãnh liệt của Thời Thánh Thần. Như vậy, những thiệt hại nặng nề về vật chất, tinh thần của tác giả, ai dám nói, Thánh Thần đã không vận vào và vật cổ ngay tức thì Hoàng Minh Tường nào?

Từ tấn bi kịch của gia đình họ Nguyễn Kỳ, Thời Thánh Thần mở ra tấn bi kịch của cả một dân tộc trải dài trên nửa thế kỷ. Từ cải cách ruộng đất, đến nhân văn giai phẩm, hợp tác hóa, cho đến biến cố 1975, cải tạo công thương và cuộc vượt biên, di tản lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Những chính sách sai lầm, mù quáng không tưởng ấy, đưa đất nước đi vào ngõ cụt. Mỗi nhân vật là một mũi dao, bóc tách dần ra mọi địa tầng ung nhọt của xã hội, rồi như những lát cắt, được Hoàng Minh Tường đặt vào trang viết. Với mảng đề tài dài và rộng như vậy, nên Thời Của Thánh Thần có nhiều nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Nguyễn Kỳ Khôi là một trong những nhân vật trung tâm ấy.

Theo Việt Minh từ khi biết rình, nhìn trộm đàn bà tắm và là người có chút học vấn, nên chỉ trong thời gian ngắn Nguyễn Kỳ Khôi đã gỡ bỏ được cái tên cúng cơm, lột xác thành Chiến Thắng Lợi. Với mớ lý thuyết giáo điều hoang tưởng, và lối sống đổi màu của loài kỳ nhông ấy, Chiến Thắng Lợi từng bước leo lên, ngồi vào chiếc ghế cao chót vót của quyền lực. Cùng nhau để lại những dấu ấn lịch sử, như cải cách, nhân văn… man rợ đến kinh hoàng. Sự giả tạo, dối trá đó là nhân cách điển hình của những lãnh đạo đương thời như Tư Vuông, Văn Quyền…Cùng với sự hoang tưởng mu muội của quyền lực, chính sách Giá-Lương-Tiền dẫn đến cái đói và bệnh tật bao trùm lên toàn quốc sau này. Cái thời, cột điện biết đi, nó cũng rời khỏi đất Việt. Bàng hoàng đến nỗi đạo diễn Trần văn Thủy ngơ ngác, phải đi tìm lại sự tử tế cho con người, cho xã hội, bằng Câu Chuyện Người Tử Tế.

Với bản chất kiêu ngạo, độc quyền chân lý một cách tàn bạo, Chiến Thắng Lợi cùng với Tư Vuông đã đẩy chính người em ruột mình, một nhà thơ tài năng, tự do tư tưởng, tự do sáng tác vào tù, hành hạ đến phế tàn. Chân lý nào? Chủ nghĩa, hay Thánh Thần nào? Đã biến một Nguyễn Kỳ Khôi trong sáng, lễ giáo là thế, trở thành Chiến Thắng Lợi, như kẻ vô học, dối trá và tàn nhẫn đến như vậy. Chúng ta đọc lại đoạn thoại dưới đây, để thấy được cái không tình người, vô nhân tính ngay cả với cha mẹ, dòng họ của ông quan cách mạng Chiến Thắng Lợi, khi biết tin người em Nguyễn Kỳ Vọng đã di cư vào Nam:

“- Nó bỏ đi Nam rồi. Nó có thư để lại cho các anh…

Không để ông Lý nói hết, Lợi đã đập hai tay xuống chiếc tràng ký, rít qua kẽ răng:

- Thầy giết anh em chúng tôi rồi.

- Thì thầy u cũng như các anh. Nó đi rồi mới biết. Nó nghe chúng bạn rủ rê… – Đầu ông Lý Phúc rũ xuống, như một tội đồ.
- Chúng bạn nào rủ rê? Thầy xui nó. Thầy muốn bắt cá hai tay. Rút cục thầy vẫn lòi ra cái bản chất tư sản phong kiến, chân nọ chân kia. Thằng Vọng cam tâm làm tay sai cho địch rồi. Nó đã nhảy sang chiến tuyến bên kia rồi. Nó chính là một thằng Việt gian phán động. Tôi mà biết âm mưu phản dân hại nước của nó từ trước, tôi sẽ bắn bỏ – Lợi vừa nói dằn tìm tiếng vừa đưa tay vào bao súng, như một phản xạ – Hai thằng chúng tôi không quản hy sinh xương máu, đi theo cách mạng là muốn cứu cho cái lý lịch bất hảo của gia đình này. Vậy mà thầy và nó đã làm hỏng tất cả.

- Anh đừng nghĩ thế – ông Lý Phúc cố kìm nén – Ai làm người ấy chịu. Thằng Vọng làm, cùng lắm là tôi với u các anh phải chịu chứ không đến lượt các anh. Chính phủ Việt Minh sẽ công tâm mà nhận ra chuyện này…

Lợi vò đầu, bứt tóc. Anh giơ tay đấm vào ngực mình thùm thụp. anh tiên cảm thấy hiểm hoạ mà Vọng sẽ mang đến.

- Đã đến nước này thì tôi cũng nói thật với thầy. Tôi phải từ thằng Vọng. Từ nay thầy u và cái chi họ Nguyễn Kỳ này đừng gọi tôi là Nguyễn Kỳ Khôi nữa. Thằng Khôi đã chết rồi. Mấy năm ở Việt Bắc, tôi đã có tên mới là Chiến Thắng Lợi…“(trích chương 7-TCTT)

Nếu Chiến Thắng Lợi, Tư Vuông là hình tượng, nhân vật giả dối, kiêu căng đến mù quáng, thì Nguyễn Kỳ Vỹ là một nhà thơ tài năng, giầu cá tính, thật thà và trung thực. Tôi nghĩ, Hoàng Minh Tường đã xây dựng thành công nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ, một nhân vật điển hình bị hành hạ, đàn áp, bóp nghẹt suy nghĩ và tư tưởng. Đây cũng là một nhân vật thành công nhất Thời Của Thánh Thần. Chỉ một hình tượng nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, đã hội tụ đủ tài năng nhân cách của những, Lê Đạt, Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên…và một Trần Dần, dám cả gan phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Trong hoàn cảnh, xã hội như vậy, quả thật, ít có nhà văn đủ dũng khí như Hoàng Minh Tường, dám dùng bút chọc thủng chiếc ô thượng tầng(cao ngất ngưởng). Ở đây là nhà thơ cách mạng, nhà lãnh đạo tư tưởng cấp cao nhất Tư Vuông.

Có một điều thú vị, tác giả không xoáy sâu, hoặc mở ra nhiều chi tiết hình ảnh, nhân vật, những cảnh bắt bớ, phê bình một cách qui mô. Mà chỉ một Nguyễn Kỳ Vỹ và vài người bạn văn, như Châu Hà, Du San…Nhưng người đọc không những cảm nhận được, mà nó còn hiển hiện lên trước mắt, sự nóng bỏng đến nghẹt thở, rất thật, rất rõ như đang phải sống trong cái không khí Nhân Văn Giai Phẩm vậy, dù nó đã đi qua trên nửa thế kỷ. Vâng! Đấy là cái tâm, cái tài của nhà văn.

Tôi cho rằng, tác giả rất thâm thúy, khi gắn nhà thơ với cái nghề chữa trĩ. Hình ảnh so sánh bi hài, đắng chát này như một lời phê phán, tố cáo sâu sắc nhất về sự khinh miệt rẻ rúng trí thức, đàn áp tư tưởng, con người đối với các văn nghệ sỹ của chế độ đương thời. Cái sự cay đắng ấy, nó còn bi hài hơn, khi chính những người ngồi tù, không được biết tội danh, kẻ gác tù cũng mơ màng không hiểu. Con người, xã hội như đang luẩn quẩn, quay cuồng sống trong một màn sương mù dầy đặc vậy. Đoạn trích dưới đây, đã diễn lại cái bi hài ấy, của nhà thơ Nguyên Kỳ Vỹ khi ra tù, sau hơn hai cái lệnh học tập cải tạo:

“- Dạ… thưa, tôi được tự do và được về nhà?

- Chứ còn gì nữa. Tôi rất mừng cho anh. Từ giờ phút này, anh là người tự do.

Anh mân mê tờ giấy đánh máy, cảm thấy tờ giấy chưa đủ độ tin cậy, lại hỏi:

- Dạ, tôi tưởng phải mở phiên toà? Tôi phạm tội danh gì phải có tuyên án?…

- Ôi cái ông văn sĩ này, rõ rách việc. Người ta bảo chúng tôi tha ông thì chúng tôi viết giấy. Chứ chúng tôi cũng chẳng biết gì hơn ông. Mấy chục năm nay hàng nghìn con người vào, ra trại, cũng đều thế cả. Chúng tôi chỉ biết làm việc theo lệnh. Có tội danh hay không có tội danh, đã vào đây đều phải xử theo lệnh. Ai tuyên án ông ngồi tù? Án đâu? Tội danh gì? Tù thời hạn bao nhiêu năm? Đến như giám đốc trại là tôi mà cũng không có nổi những văn bản ấy, thì làm sao có phiên toà để xử ông được?

- Dạ… nhưng khi về địa phương, tôi sẽ không có bằng chứng gì để trình báo rằng tôi đã được tha sau bẩy năm tù.

- Thì bằng chứng anh đang cầm trên tay đó thôi. Chỉ một tờ giấy xuất trại này là đủ. Nó cũng giống như anh bị bệnh phải nhập viện bắt anh phải đi viện? Chẳng ai bắt. Có bệnh thì anh tự đến, hoặc anh bị đột quỵ ngang đường một người làm phúc nào đó đưa anh vào viện. Có đúng vậy không? Hết bệnh rồi, người ta cho anh một cái giấy ra viện – Giám thị Bản vừa nói vừa cố nhịn cười, vé mỉa mai không cần giấu giếm – Anh không được nói là anh đi tù, phải nói là đi học tập cải tạo. Không được nói là bẩy năm tù mà là hơn hai lệnh. Mỗi lệnh tính ba năm. Có người gần chục lệnh rồi mà vẫn chưa thành án. Số anh vẫn còn may đấy. Có quý nhân phù trợ. Ông nhà văn Châu Hà tốt với anh lắm. Không có ông ấy thì chẳng biết bao giờ anh mới được rời khỏi đây…“(trích chương 22- TCTT)

Tin tưởng chế độ mới, nên sau 30-4-1975 nhà khoa học tài năng Nguyễn Kỳ Vọng đã ở lại. Nhưng anh đã lầm. Với sự kiêu ngạo đến u muội của người chiến thắng, cầm quyền, thì người trí thức có cái lý lịch nhọ như đít chảo của anh, công việc hàng ngày chia thịt, chia đậu ở cơ quan, thay cho chuyên gia cầu đường là cái chắc. Vậy là sự hy vọng, đóng góp tài năng xây dựng lại đất nước của Nguyễn Kỳ Vọng, đã tiêu tan. Bước lên con thuyền lá tre, chòng chành, sóng gió giữa biển khơi, đi tìm chân trời mới của anh, là điều không tránh khỏi. Đây là nỗi đau không phải riêng của trí thức miền Nam, mà nó là nỗi đau chung của những người thua cuộc:

“- Ai tin tôi? Ai cho tôi cống hiến? – Vọng cũng rót một ly rượu ngửa cổ uống cạn, rồi bỗng xấn xổ, như muốn dồn Châu Hà vào chân tường – Các vị có cả một hệ thống tổ chức từ cơ sở tới Trung ương để chọn lọc những người được cầm quyền. Từ tổ phó trở lên đã phải qua hệ thống sàng lọc trước khi đề bạt. Dân thường chẳng ai chen vào được. Đất nước của các vị chứ đâu phải của mọi người Việt…“tríchTCTT chương 27)

Trước Hoàng Minh Tường, cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ ở trong nước viết về mảng đề tài trốn chạy, vượt biển và vượt biên bán chính thức. Nhưng có lẽ, không ai viết hiện thực trần trụi, tang thương như Hoàng Minh Tường. Với cách viết tỉ mỉ, sinh động, rõ nét như những thước phim được tái hiện, nếu ai chưa trải qua, tưởng mình đang xem phim viễn tưởng vậy. Tôi nghĩ, đây không chỉ là những áng văn lên án, phê phán đơn thuần, nó còn là tài liệu giá trị cho các nhà nghiên cứu sử sau này.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên(đại ý)cho rằng, văn Thời Của Thánh Thần nặng về kể chuyện. Tôi có suy nghĩ, hơi khác với Phạm Xuân Nguyên một chút. Trong mạch chảy của những trang kể chuyện ấy, văn của Hoàng Minh Tường, không phải không có những diễn biến tâm trạng của tác giả, được thông qua lời nói, hành động của nhân vật. Từ đó, nó mở ra và lý giải những nguyên nhân, vấn đề tồn tại, làm cho người đọc phải suy nghĩ. Đọc lại đoạn văn dưới đây, ta thấy được cái diễn biến cảm xúc tâm trạng ấy:

“ Bởi văn chương của các anh chỉ là sự minh hoạ… Văn chương cũng như xã hội, mắc phải căn bệnh giả dối trầm trọng. Đời sống xã hội nước ta không tự nhiên như nó cần phải có. Lúc nào người ta cũng lên gân với nhau. Cha lên gân với con, chồng lên gân với vợ. Cấp trên lên gân với cấp dưới… Trẻ học mẫu giáo mà toàn như cụ non, cũng lên gân để cố yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học vẹt những điều lớn lao, sáo rỗng. Chúng không được dạy yêu ông bà, cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ bé của mình, trước khi yêu những gì rộng lớn hơn… Văn chương thì chỉ một gam tô hồng, coi cách mạng Việt Nam là nhất thế giới, là tiên phong của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường, Tư bản là xấu xa, đang giãy chết… Căn bệnh chủ quan giáo điều, bệnh thành tích là nguyên nhân của thói giả dối, đạo đức giả…“(TCTT)

Hôm trước, nhân ngồi uống rượu với một bác, nguyên sỹ quan tâm lý chính trị VNCH, là thông gia của ông bạn, tôi có hỏi ông: Đọc Thời Của Thánh Thần, thấy nhân vật ông tướng VNCH Trương Phiên, lúc đầu oai phong là thế, chạy sang đến Mỹ, về già em thấy hèn hèn thế nào ấy? Ông bảo, thằng hèn như vậy thì nhiều lắm, chú không nhìn thấy ông tướng Nguyễn Cao Kỳ xum xoe với các phái đoàn của Việt Nam sang sao? Có lẽ, ông nhà văn này lấy nguyên mẫu ông tướng Kỳ đấy. Vâng! Có thể như vậy, tôi tin lời của ông.

Phải nói Hoàng Minh Tường rất dụng công xây dựng nhân vật Đào Thị Cam. Người phụ nữ đẹp về cả thể xác lẫn tâm hồn. Dù trong hoàn cảnh nào, ở độ tuổi nào chị cũng hừng hực sống, hừng hực yêu. Dù đầu đời có những sai lầm, vấp váp, nhưng bao trùm hơn hết chị có đức tính hy sinh và tấm lòng vị tha.

Có hai đứa con, với hai người tình trước sau đều phụ bạc, ở hai chiến tuyến thù địch. Hận thù nhiều khi muốn bùng cháy cao độ, nhưng tấm lòng nhân ái, vị tha ấy, đã kịp trở về với tính cách vốn có của chị.

Đi theo Việt Minh, rồi từng bước chị đến được với địa vị cao sang. Cũng ngần ấy thời gian theo Việt Minh là bấy nhiêu năm, chị phải trải qua những dằn vặt, mâu thuẫn của nội tâm. Và từ đó, chị luôn luôn có hai khuân mặt, hai con người. Một con người theo Việt Minh, một con người thật của mình. Sự dối trá, đạo đức giả ấy, đâu phải riêng chị, mà còn là tính cách đặc trưng của những Tư Vuông, Chiến Thắng Lợi, Văn Quyền…khi cái vòng kim cô của tổ chức, của quyền lực còn thít chặt trên đầu
Khi con tim đã thôi thúc trở về làm mẹ, làm bà mãnh liệt hơn đã chiến thắng, chị Đào Thị Cam cán bộ phụ nữ, dân vận cấp cao đã gỡ bỏ được cái vòng kim cô đó. Hành động xin từ chức, công khai để nhận con cháu của chị, đó là hành động rất quả cảm. Việc chị ép Chiến Thắng Lợi xin cho Lê Kỳ Chu không phải ra chiến trường, đó là hành động rất bình thường của một người mẹ. Có người mẹ nào đang tâm nhìn con mình đi vào chỗ chết? Tôi nghĩ, đây là những chi tiết rất thật, rất nhân bản, mà nhà văn Hoàng Minh Tường đã xây dựng thành công nhân vật người phụ nữ Đào Thị Cam. Nếu như người mẹ Đào Thị Cam cứ lên gân, lên cốt, để cho Lê Kỳ Chu ra trận, người đọc sẽ có cảm giác giả ngay, vì nó không đúng với tâm lý con người, nhân vật. Và tôi nghĩ, giá trị cuốn sách cũng khác đi nhiều lắm.

Đây là nhân vật có nhiều tình huống và diễn biến mâu thuẫn nội tâm.Tuy có dụng công, nhưng rất đáng tiếc, tác giả chưa đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, hoặc thiếu những trang văn miêu tả cảnh vật, thiên nhiên gắn với hành động cũng như diễn biến nội tâm. Tôi cho, đây là mặt hạn chế lớn nhất của tác phẩm này.

Trên nửa thế kỷ qua, dòng văn học hiện thực phê phán đã bị bỏ tù và khai tử không án. Nhưng nó vẫn như những viên than hồng, ủ trong lòng của mỗi nhà văn. Chỉ cần ngòi dẫn lửa, chắc chắn có lúc nó chợt bùng cháy lên. Và tôi nghĩ, nhà văn Hoàng Minh Tường là một trong những chiếc ngòi dẫn lửa đó.

Leipzig ngày 26-2-2012

© Đỗ Trường (Danchimviet)

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.217 giây.