Thuở ban đầu hơi ngố ấy, đến chừ dễ mấy tôi lại quên, vâng dạo đó tôi bạo phỗi cầm bút làm liều viết lách và lân la làm quen với vài tờ báo ở Cali tính đến nay gần một thập niên.
Năm đó tôi sang Cali ăn tết ta, cũng là lần thứ hai tôi trở lại Sàigòn Nhỏ.
Sau hai tuần du sơn du thủy, ngày về cả nhà đưa tôi đi ăn sáng ở một quán cháo trong khu chợ ABC.
Ra về cô em mua cho tôi xôi nếp than, bánh bao, nó nói lên máy bay ăn cho bỏ thèm, kèm theo tờ báo việt ngữ, đọc cho biết tin tức ở đây.
Yên vị trên máy bay tôi đọc báo, từ tin tức cho đến rao vặt không bỏ sót mục nào cả, đọc đến mỏi mắt và thiếp đi, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy cô em chở tôi chạy vòng vòng xóm Bolsa.
Ngọn mía, ngọn bắp, buồng chuối nhà ai ló khỏi bức tường rào, cô em giải thích, mấy căn nhà đó là của phe ta, mít mình (tiếng lóng đọc từ chữ Anamite mà tây thuộc địa gọi dân VN) đi đâu cũng mang theo một góc quê nhà.
Ghé vào tiệm chè, tôi mua chuối xào dừa, thêm bịch chè đậu ván, ờ lấy thêm cơm rượu xôi vò …
Đúng lúc tôi cầm gói cơm rượu trong mơ cũng là lúc bà khách ngồi phía trong với tay đở ly coca từ tay cô tiếp viên hàng không, máy bay vừa vào vùng trũng, thế là nửa ly coca mát rượi tưới lên đùi tôi.
Xôi chè biến mất, trước mặt tôi, cô tiếp viên và bà khách rối rít xin lỗi và chùi coca.
Tôi dụi mắt, cười xã giao đáp lời họ, không có chi.
Nói thế chứ tôi tiếc đứt ruột mấy món chè vừa nghía trong mơ, nhìn thức ăn nhẹ cô tiếp viên mời, tôi chỉ lấy ly nước lọc và móc gói xôi ra thưởng thức.
Uống hết ly nước tráng miệng, tôi nhìn chung quanh, toàn là tây đầm chứ không thấy phe ta đâu cả, làm răng mà bắt chuyện cho đở buồn đây.
Chả bù trên chuyến bay về Sàigòn Cũ năm ngoái, dân ta thuộc thành phần đa số áp đảo đám tây đầm về xứ nhiệt đới tìm đến gốc dừa mắc võng nằm chơi.
Hôm đó nghe đồng hương tâm sự, lòng tôi chao đảo dù phi cơ đang bay rất êm, chuyện cứ như đùa.
Ông trẻ mới sáu mươi năm cuộc đời về cố hương sắm một em vừa tròn đôi mươi mang về Mỹ rửa sạch nước phèn, chân em vừa ráo phèn cũng là lúc em hết nói ngọng tiếng « gút bai », tình nghĩa đôi ta là cái thẻ xanh.
Thua keo này ta bày keo khác, và ông cứ thua dài dài đến lúc không còn keo nào để bày, thế là ngày trở về có việt kiều khờ chống nạn đi vào nhà gìa sau cơn « xì tróc » khi bể cái keo cuối cùng, vậy là hết chuyện tình xa xứ.
Sao đờn ông nhẹ dạ rứa, trách hờn cũng tội, bởi vì bên ni « lê đi phớt », ông phải về bên kia mua chút tự hào nam nhi, cái gì chả có cái giá của nó.
Trở lại chuyến bay rời Cali, buồn quá không có ai để mách lẻo, tôi bèn viết về buổi gặp gỡ với các bạn Văn Khoa. Dạo Sàigòn bị đổi tên, sinh viên trước 75 chúng tôi bị liệt vào đám « tàn dư chế độ cũ » phải học chính trị đến khờ người mà áng sáng đảng có soi sáng nỗi cuộc đời mình đâu.
Sau khi tốt nghiệp mạnh ai nấy chạy tìm đường thoát thân, một số bạn đã chọn thủ phủ tỵ nạn này làm quê hương cho đoạn cuối cuộc đời, vì vậy chúng tôi mới có cuộc hội ngộ hơn hai mươi năm sau khi ra trường.
Cơm no rượu ngà ngà, chủ nhà đề nghị, « dĩ vãng đời tôi » mỗi người tự thuật, tình rơi, tình rụng, tình hờ thuở xưa, cơ hội ngàn năm đấy, nhỡ mai này có ai bỏ cuộc chơi thì chúng mình cũng còn chút gì để nhớ về nhau.
Thế là bạn hiền tâm tình, tan học tui rủ em đi uống nước mía, bị các bạn bắt gặp, em mắc cở không dám đi nữa, chưa tìm ra xe nước mía khác để dụ dỗ, em đã ra khơi mất tiêu, giờ em đã có chồng, hình như ở bên miền đông.
Chủ nhà trêu, người ta có chồng tại thầy không chịu nói, giờ này thầy cũng êm ấm rồi, cứ coi như « đời con trai cũng cần dĩ vãng » ấy mà.
Cô bạn chợ Nhỏ Sàigòn chắc mẫm, chuyện xưa nhắc lại để thấy mình trẻ lại vài chục tuổi, để làm le với đời, chứ con tim bi chừ bị dầu mỡ vây hãm, làm sao nó có thể lắc lư như trước được.
Ông kẹ « gươm lạc giữa rừng hoa » của nhóm gật gù, chính xác, bạn hiền nhắc chuyện xưa làm mình nhớ con nhỏ bên lớp Anh Văn khóc như mưa với mình.
Cô bạn hay hò hét các bạn họp mặt ăn chơi, nheo mắt, khiếp mối tình câm có ngày cũng phải lên tiếng, ông kẹ làm răng để con gái người ta khóc thấy thương vậy.
Tôi can, tha cho ông kẹ đi, bắt khai tùm lum một hồi mũi lòng thầy bật khóc là tụi mình dỗ mệt nghỉ đó.
Bữa tiệc kết thúc trong tiếng cười vang của đám bạn, trước giờ chia tay lại hẹn lần sau, thì cứ hẹn chứ chuyện hẹn hò của chúng mình khá nhiêu khê, các bạn phải chạy theo cơm áo gạo tiền, tôi ở tận bên này đại dương.
Về nhà vật vờ mấy ngày vì lệch múi giờ, đến lúc tỉnh hẳn tôi lôi bản viết tay trên máy bay ra đánh vào máy vi tính.
Bài Hội Ngộ gửi các bạn đọc chơi, có đứa khen, bồ viết khá đấy, làm thêm mấy bài nữa cho tụi này đọc.
Nghe nở mũi đến nổ mũi, tôi gửi tiếp một bài khác viết về Cali, tuy đã rời xa sao Cali vẫn còn nóng hổi trong tim.
Ông kẹ gươm đao kia, chủ văn phòng CPA trên Santa Monica xúi dại, sao không gửi bài đến báo việt ngữ ở đây để người ta đăng, biết đâu chả được nhuận bút.
Tôi nghe thất kinh hồn vía phân bua, tay mơ như mình mà đòi đăng báo, rồi tiền nhuận bút, ông kẹ làm nghề kế toán nên tính kỹ chứ mình không dám liều.
Cô bạn dưới chợ Phước Lộc Thọ đổ dầu vô lửa, thầy kế toán nói đúng, bồ cứ gửi báo đại đi, được ăn cả, ai bắt đền đâu mà sợ.
Được tiêm hai mũi thuốc liều, tôi hiên ngang gửi đến toàn soạn báo, tờ báo tiếng việt đầu tiên tôi biết khi đến Cali và đã đọc không thiếu một chữ lúc ngồi trên máy bay.
Thư đi rồi mà « sao chưa thấy hồi âm », mấy tuần liền tôi leo lên trang mạng của báo mà có thấy gì đâu, chuyến này coi như hố hàng.
Nghe tôi than, chàng chế diểu, ai biểu mẹ nó nhẹ dạ nghe lời đường mật của đám bạn làm liều quá trớn.
Bị quê độ tôi khều cô bạn bên chợ Sàigòn Nhỏ rên rỉ, bài của mình bị bỏ xọt rác rồi, đã vậy còn bị chàng chọc quê.
Cô nàng la làng, bài được đăng rồi mà, mình có mua thêm một tờ báo để tặng bồ làm kỷ niệm.
Tôi sửng sốt, sao mình leo lên mạng đi rảo cả tuần nay đến rạt giò mà có thấy gì đâu.
Cô bạn giải thích, bài chỉ đăng trên báo giấy chứ không có trên mạng.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, viết thư cho toàn soạn hỏi cớ sự tại sao báo không đăng bài trên mạng cho tôi nhờ.
Ban biên tập trả lời, không phải bài nào cũng được đưa lên mạng, mà đôi khi chỉ đăng trên báo giấy thôi.
Tôi ấm ức, vậy thì thiệt thòi cho « kẻ ở miền xa » như tôi đây, làm sao biết bài mình được lên khuông mà xem.
Như để an ủi tôi, nhà báo bèn báo tin vui, hình như bài đó được đọc trên đài VOA trong tháng bảy vừa rồi.
Tôi leo lên trang mạng của đài VOA, vô Chuyên Mục / Đọc truyện, đây rồi bài của mình nằm chình ình trên đó.
Giời ạ, giọng Hồng Vân thật truyền cảm, tôi ngẫn người chưa tin vào tai mình, nghe đến lần thứ hai tôi mới yên trí.
Sau đó tôi chép vào máy dưới dạng MP3 và gửi cho các bạn nghe.
Ông kẹ làm toán giỏi chế diễu, thấy chưa tụi này nói bạn viết được lắm mà không chịu tin.
Tôi ngập ngừng, ờ thì, tại, bị mình chỉ mới tập tành viết lách nên kém tự tin, vã lại thời nay văn nhân thi sĩ tự phát, tự sinh, tự tồn nhiều vô số kể, nên độc giả không còn khó tính như thuở xưa.
Ông kẹ cố chấp, chính xác, nhưng đâu phải ai muốn viết cũng được, như tui đây viết bao nhiêu con số không ngán, giỏi lắm làm vài câu thơ để lấy le, chứ viết cho ra ngô ra khoai là tui chịu thua.
Cảm ơn bạn hiền, nói dài như rứa đủ làm mình mát dạ rồi, có điều không biết sự nghiệp của mình « sẽ ra sao ngày sau », nhưng ít nhất cũng có các bạn đọc giùm nếu mình viết dở.
Sau khi bài viết của tôi được « lên đài » tôi lấy trớn viết dữ lắm, nhưng ít dám gửi báo đời, chỉ gửi báo đạo cho chắn ăn, vì dù sao ở « cửa thiền » cũng tránh được cảnh bon chen.
Tuy nhiên tôi vẫn không quên cái lò đã « lăng xê » thuở ban đầu của mình nên sau đó tôi hay gửi bài cho tòa soạn và bắt cô bạn bên đó canh me, khi nào bài của tôi được lên báo giấy, cô báo cho em gái của tôi mua số báo đó để tôi làm của hồi môn.
Thỉnh thoảng có bài được lên báo mạng, tôi mừng húm in ra giấy xếp làm tư bỏ vào hộp bánh Lu để dành.
Chàng trợn mắt, thời buổi này mà mẹ nó cất vào hộp Lu cứ như thiên hạ cất vàng thời ăn bobo không bằng, xưa rồi Diễm ơi, để bố chép vào cái USB tha hồ để dành làm của.
Thằng út nhà tôi nghe bố phán như rứa tự động cãi chính, mẹ tên Diễm hồi nào mà bố gọi như vậy.
Chàng lắc đầu, chịu thua con em luôn, đúng là mẹ làm thầy con bán sách, thằng con không ràng tiếng việt còn lâu mới hiểu chữ nghĩa của mẹ nó viết ra.
Tôi bào chữa, tại anh chơi chữ làm sao thằng nhỏ hiểu nỗi, nó nói tiếng Việt rành như vậy là giỏi rồi.
Chàng nói không sai, mấy thằng nhóc chưa hề đọc bài tôi viết, chỉ nghe chúng nó than, bữa nay tiêu tùng rồi, mẹ lại viết lách, thế nào bố con mình cũng ăn mì gói trường kỳ chinh chiến.
Có lần tôi vặn vẹo thằng con, mi nói « trường kỳ chinh chiến » mà mi có hiểu nghĩa không ?
Thằng nhóc nhanh nhẩu, dễ ợt, là « ăn bobo dài dài », nhưng ở đây là mì gói chứ không có bobo.
Chàng tặc lưỡi, cũng tại mẹ nó cứ liền miệng, trường kỳ chinh chiến với ngô khoai bobo, nên tụi nhỏ nhập tâm nói như con vẹt.
Như thành thói quen, bạ đâu tôi viết đó, chuyện mình, chuyện bạn bè, tức cảnh chuyện người cũng viết, ngồi bên tách cà phê mà « phê chữ nghĩa », mặc cho chồng con gẫy tê tê ăn cơm tay cầm, cơm ngẫu hứng, cơm hẫm hiu.
Nhìn tôi say sưa mười ngón thiên thần đánh bầm dập phím chữ, chàng lắc đầu ngao ngán, có vợ kiểu này có hơn gì độc thân, mợ còn sống chắc mợ sẽ khóc thét lên.
Tôi phân bua, thỉnh thoảng em mới « nghiện ngập » giữa ban ngày, chứ bình thường vẫn cơm nước ngoan lành.
Chàng châm biếm, có thật không, dạo này hình như mẹ nó lậm mất rồi, bất kể ngày đêm, vừa bắt nồi cơm điện đã tuyên bố tuyên mẹ, bố trán trứng hộ, cắt thêm dưa leo rồi ăn cơm với con nhé … sướng chưa.
Tôi gãi đầu, đúng là lúc này cơn nghiện có tăng đô, ngặt nỗi khi « chữ nghĩa lên ngôi» không viết chúng nó biến mất, nấu xong mâm cơm, có uống bẩy tách cà phê thức trắng đêm cũng không viết nỗi.
Chàng thở dài, đành chịu trận, bỗng dưng mẹ nó « khởi nghiệp » bất tử làm chồng con lãnh đạn, gía ngay từ đầu mẹ nó viết lách tùm lum, tôi dễ liệu thân, bi chừ lở làng lở ấp mất rồi.
Tôi cười vã lã, ngày mai em sẽ nấu bún xáo măn để chuộc lỗi, được chưa.
Cơn nghiện chữ nghĩa cứ bám lấy cuộc sống lứa đôi có lúc làm tôi mang mặc cảm có lỗi với chồng con.
Bỏ thì thương cho mớ chữ mình vung trồng, ôm ấp bao nhiêu năm nay, đầu áp tay gối những đêm trằn trọc vì nỗi niềm của ai đó làm mình chạnh lòng, hoặc đêm đầu tiên lên chức bà mình vui đến mất ngủ, và những đêm khác ngồi bên phím chữ vì mê… chữ.
Vương thì tội cho chồng con bị lạc vợ, vắng mẹ mà không tài nào hạ nỗi mớ chữ làm xáo trộn mái ấm gia đình vốn đang đi vào « vùng trũng » của thời kỳ đàn con đang tung cánh bay xa.
Chàng rên, vợ gìa ôm mớ văn chương, bỏ chồng vất vã ôm nồi nấu cơm.
Tôi hớn hở, bữa ni bố làm thơ, hay là bố bị nhiễm chữ nghĩa mất rồi, mà sao chúng mình không là một cặp…
Chàng ngắt lời, bố xin can, nhà này mới có một tay viết lách mà bố con đã ngậm ngùi gậm bánh mì, thêm một tay nữa chắc cả nhà húp cháo quanh năm.
Chàng làm tôi suy tư, giá dạo đó tôi đừng ngố, đừng liều, đừng ham hố, bi chừ chồng con đâu đến nỗi như rứa.
Đoàn Thi