Hành trình dự phiên xử Blogger Trương Duy NhấtTòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng tại 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng nơi diễn ra phiên tòa sơ thẩm xử nhà báo, blogger Trương Duy Nhất sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014. Citizen photo2h30 sáng ngày 4/3/2014 tôi dậy, suy nghĩ có nên tham dự phiên tòa không, trước đó tôi không có ý định đi vì sức khỏe còn mệt mỏi. Sau khi đắn đo, tôi quyết định nên đi vì đến để chứng giám cho quyền mở miệng, có góc nhìn khác của công dân, trong đó có tôi.
Anh Phan Đình Thành ra quan sát xem có ai theo dõi không vì tối đó chó nhà bên sửa bất thường thì thấy nhà đối diện bên kia đường có hai thanh niên bắt ghế nhìn quan sát qua.
Để khỏi gặp rắc rối, chúng tôi đi ngõ sau. Anh Thành cõng tôi (tôi đang đau chân, đi lại khó khăn) vượt qua cồn cát tầm 1km để đi đến một nơi khác bắt xe dù nhà anh nằm trên đường lộ 1 bắt xe rất tiện.
Chúng tôi bắt được xe khách Hoàng Long, đến bến xe Đà Nẵng tầm 5h30 sáng, chúng tôi thuê nhà nghỉ gần đó để nghỉ đến 6h30 thì thuê taxi chạy về tòa án nhân dân TP Đà Nẵng.
Các cuộc gọi từ nước ngoài bị chặn hay phá sóng. Citizen photoTầm 7h xe đến tòa, quan sát thấy đông nhân viên an ninh gồm nhiều sắc phục cũng như nhiều người thường phục tụ tập thành nhóm phía trước mảnh đất trống của tòa. Thấy không khí có vẻ căng thẳng. Tôi và anh Thành đến quán café bên hông tòa để uống café nghe ngóng. Trong quán rất đông người, tôi thấy nhiều khuôn mặt căng thẳng quan sát tôi khi tôi bước vô. Chọn vị trí ngồi, chúng tôi vừa uống nước vừa quan sát, người đến có vẻ ngày càng đông. Tôi thấy nhiều gương mặt bên an ninh trước đây làm việc với tôi nay mặc thường phục đi lại xung quanh tòa.
Tôi thấy có nhiều khuôn mặt thân quen đến từ Đà Nẵng như Lãng Tử Lang Thang,.....đến từ Huế như Thanh Hoang,... đến từ Quảng Trị như Phương Anh Lê Thị, Nha Trang-Mẹ Nấm Gấu... các bạn cố gắng vô tòa với tư cách đàng hoàng lịch sự như một công dân có trách nhiệm với đất nước nhưng không được. Thậm chí quyền chụp hình cũng bị ngăn cản.
Tôi thấy tòa án này mang tên nhân dân, nó là của nhân dân nhưng hình như nó đang bị một thế lực chiếm đóng trái phép.
Có một số tên mặt có vẻ căng thẳng, côn đồ xung quanh, thỉnh thoảng lén lút lấy điện thoại chụp ảnh tôi.
Có lỗi với dân tộcTrong thời gian đợi, tôi viết một số status lên wall:
“Bỏ tù nhà báo Trương Duy Nhất là mang bệnh phong cùi đến cho dân tộc.”
“Mỗi khi có dịp về Qui Nhơn, tôi tranh thủ ghé Ghềnh Ráng thăm mộ thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh: Hàn Mặc Tử.
Nhà thơ bị một căn bệnh quái ác đó là bệnh phong cùi. Bệnh này do vi khuẩn Hansen gây ra, vi khuẩn tấn công vào dây thần kinh làm cho người bệnh mất cảm giác do không nhận được thông tin phản hồi. Vì không có thông tin phản hồi nên não bộ không biết tình hình bên dưới để ra lệnh sao cho kịp thời. Ví dụ người bệnh phong có thể cho tay vào lửa mà không biết nóng. Hậu quả của tình trạng này là cơ thể bị tổn thương, lẻ loét, tàn phế.
Anh em, bạn bè trong một quán cà phê bên ngoài tòa án xử Blogger Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng hôm 4/3/2014. Citizen photo.Trong một đất nước cũng vậy, thông tin phản hồi rất quan trọng, nếu không có nó có thể gây ra thảm họa rất lớn. Lịch sử cho thấy nhiều nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Liên Xô, Trung Quốc,... có nguyên nhân là thông tin phản hồi bị tắt. Lãnh đạo ngồi trên cao không biết điều gì xảy ra, toàn nhận báo cáo láo với thành tích được tô hồng.
Chúng ta thấy người dám nói thật nói thẳng thắng như blogger-nhà báo Trương Duy Nhất có vai trò rất quan trọng trong xã hội. Nó như kênh phản hồi thông tin chính xác từ dưới lên trên. Nếu những người này bị bịt miệng, bị tiêu diệt thì xã hội bị mất thông tin phản hồi.
Do vậy phiên tòa hôm nay nếu kết tội blogger-nhà báo Trương Duy Nhất thì đây là hành vi đẩy dân tộc vào bệnh phong cùi.
Rất thê thảm cho dân, cho nước nếu điều này xảy ra”.
Và status ngắn:
“Dù còn đau, cơ thể rất ê ẩm. Biết trước là không thể vô phiên tòa, chỉ có thể ngồi ở quán cafe để hóng hớt và cảm nhận không khí nhưng tôi vẫn đến đây. Sự hiện diện của tôi để chứng giám cho quyền được mở miệng của công dân. Quyền mà ông Hồ Chí Minh nhân danh nó để làm cuộc cách mạng tháng 8 và ông hứa trước quốc dân đồng bào kể từ ngày đó”.
Những blogger quen biết nhau thì kéo đến ngồi cùng nhau vừa uống café, nước vừa tranh thủ online trên phone. Ngoài nhóm chúng tôi còn có nhóm các vị “bô lão” như blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, anh Lê Hải,….
Tại đây thỉnh thoảng tôi có nhận một số cuộc điện thoại quan tâm tình hình từ trong và ngoài nước nhưng máy bị chập chờn, nhiễu, gián đoạn, thậm chí là không cho phép tiếp nhận cuộc gọi.
Tình trạng vừa uống nước, vừa hóng tin kéo dài đến tầm 12h45 thì chúng tôi cử người mua bánh mì về ăn. Đang ngồi hóng thì bất ngờ có tiếng xe hú còi, tất cả người trong quán lao ra xem. Tôi thấy một chiếc xe bít bùng có chữ Police chạy nhanh từ trong tòa ra đường rồi mất hút. Tiếng xe hú ngày càng xa, tiếng vọng lại rất thê lương. Tôi biết có một con người bị giam cầm trong đó chỉ vì có góc nhìn khác.
Tôi nghe nhiều người nói tòa tuyên án 2 năm tù giam và điều này được khẳng định chính xác sau đó.
Kết quả này tôi không bất ngờ, vì tôi biết luật pháp Việt Nam không có chuẩn mực. Đây là một loại bản án mà nhiều người hay nói là “án bỏ túi”; phiên tòa dàn dựng. Điều tôi lo lắng nhất không phải bao nhiêu năm mà chính là sự chuẩn mực của luật pháp. Không có điều này, chúng ta đang sống trong thời kỳ văn minh bộ lạc chứ không phải nhà nước pháp quyền.
Tôi, anh Thành, anh Quốc, Phương Anh và một người bạn đón xe ra lại Lăng Cô-Huế mà ai cũng buồn thiu.
Tường trình từ Lăng Cô-Huế
19h45 ngày 4/3/2014
Nguyễn Văn Thạnh (RFA)