Đại sứ Nga Vitaly Churkin phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu các nước không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vùng Crimea.Nga phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu các nước không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật về vùng Crimea của Ukraina.
Nga là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an ngày thứ Bảy phủ quyết nghị quyết này trong khi Trung Quốc vắng mặt. 13 thành viên khác ủng hộ nghị quyết.
Quyết định của Trung Quốc từ chối không theo bước Nga phủ quyết nghị quyết có thể cho thấy Moskva ngày càng bị cô lập trong việc ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea.
Đại sứ Anh Mark Lyall Grant nói “thông điệp” của cuộc bỏ phiếu ngày thứ Bảy là “Nga bị cô lập” tại Hội đồng Bảo an và trong cộng đồng quốc tế.
Cuộc trưng cầu dân ý dành cho cư dân ở Crimea hai lựa chọn: sáp nhập vào Nga hoặc tăng cường đáng kể quyền tự trị bên trong Ukraina.
Trước cuộc bỏ phiếu không lâu, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói nghị quyết của Hội đồng đi ngược với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Nghị quyết của LHQ khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina bằng cách tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý Crimea vào Chủ nhật này “không có tính hiệu lực.”
Sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất nói giải pháp duy nhất của nước ông là vắng mặt vì dự thảo nghị quyết của LHQ chỉ làm phức tạp thêm tình hình tại Ukraina.
Phản ứng trước việc nghị quyết thất bại, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói “Đây là một thời điểm buồn và đáng ghi nhớ.”
Trong một diễn biến khác cũng vào ngày thứ Bảy, quân đội Ukraina cho biết đã đẩy lui một nỗ lực của lực lượng Nga nhằm xâm nhập một vùng gần Crimea. Bộ quốc phòng Ukraina nói quân đội nước này đã sử dụng máy bay và các lực lượng trên bộ để đẩy lui lực lượng Nga.
Ngày thứ Bảy, hàng vạn người đã tụ tập ở Moskva để tham gia những cuộc biểu tình đối nghịch nhau về vấn đề Crimea.
Những người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý Crimea vẫy cờ Nga và cờ Liên Xô trong lúc tuần hành tới Quảng trường Cách mạng. Nhiều người mặc trang phục giống nhau với hai màu đỏ và đen.
Những người chống đối vẫy cờ Ukraina và cờ Nga. Một số người tỏ ý lo ngại là sự can thiệp của Nga ở Crimea có thể đưa tới chiến tranh.
Tại Kyiv hàng trăm người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ việc Crimea vẫn là một phần của Ukraina.
Ngày thứ Bảy, các quan sát viên quốc tế bắt đầu tới Crimea để theo dõi cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật. Những người này được Nga và các giới chức Crimea thân Nga mời đến.
Ông Alexander Simov, một nhà báo Bulgaria trong toán quan sát viên, nói ông tin rằng cuộc đầu phiếu này là hợp pháp.
“Tôi sẽ theo dõi toàn bộ tiến trình. Tôi nghĩ đây là một cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp. Tôi nghĩ cuộc trưng cầu dân ý này rất hợp pháp.”
Một quan sát viên khác, giáo sư Johan Backman của Đại học Helsinki, nói rằng các cường quốc Tây phương không hiểu rõ tình hình ở Crimea.
“Các chính trị gia phương Tây không hiểu rõ những gì đang xảy ra. Bởi vì theo sự hiểu biết của tôi, các nước này và đặc biệt là Hoa Kỳ rất yếu trong việc có được những thông tin về những gì xảy ra trước hết tại Nga và thứ nhì là tại Ukraina. Và các chính trị gia của EU cũng không thực sự hiểu được những gì xảy ra tại Nga. Các nước phương Tây đang lâm vào ngõ cụt. Trên thực tế, các nước này không thể áp dụng bất cứ biện pháp nào để chống lại Nga trong tình thế này. Và Nga hoàn toàn kiểm soát và an ninh.”
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng nếu Nga chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý Crimea tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga thì đó sẽ là “sự thôn tính cửa sau” bất hợp pháp.
Phó Tổng thống Joe Biden sẽ đi thăm Ba Lan và Lithuania tuần tới để gặp các đối tác trong vùng nhằm thảo luận về những sự kiện tại Ukraina. Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden sẽ tham khảo về những bước nhằm ủng hộ chủ quyền của Ukraina và khẳng định “những cam kết về phòng thủ tập thể theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.”
Theo VOA