Các vụ tấn công ở nhà ga Côn Minh rồi Urumqi đã làm hàng chục người thiệt mạng - REUTERS /Petar Kujundzic
Người dân Trung Quốc bắt đầu phải đối mặt với nạn khủng bố. Các vụ tấn công xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Nhưng đó là hậu quả từ chính sách đàn áp các sắc tộc thiểu số mà Bắc Kinh đã liên tục theo đuổi từ hàng chục năm qua.
Thông tín viên của báo Le Figaro từ Bắc Kinh, Patrick Saint Paul, phân tích về hiện tượng đe dọa khủng bố ngày càng đè nặng lên đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. Người Trung Quốc ý thức được rằng hiểm họa đó có thực tương tự như tình trạng tham nhũng làm lũng đoạn kinh tế đất nước hay hiện tượng ô nhiễm không khí, thu hẹp tuổi thọ của người dân xứ này.
Từ mùa thu năm ngoái, các vụ khủng bố, tấn công ngày càng thường xuyên xảy ra và càng trở nên khốc liệt hơn. Thủ phạm những vụ khủng bố đó đã chứng minh là họ có thể ra tay ở quy mô lớn, có khả năng nhắm vào bất kỳ một mục tiêu nào và ở vào bất kỳ thời điểm nào.
Khủng bố hay bạo động không chỉ khoanh vùng ở Tân Cương, nơi đa số dân cư là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ mà đã mở rộng ra khắp mọi nơi. Tác giả bài báo điểm lại các vụ tấn công gần đây như vụ khủng bố tự sát hồi tháng 10/2013 ngay tại quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Quảng trường này là biểu tượng của phong trào nổi dậy mùa xuân năm 1989.
Rồi đến tháng 3/2014 là vụ thảm sát ở nhà ga Côn Minh- Vân Nam làm 29 người chết, gần 150 người bị thương. Gần đây nhất là vụ nổ tại một ngôi chợ ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Chính quyền Trung Quốc liền sau đó đã tuyên chiến với quân khủng bố và hứa « nhổ cỏ tận gốc » trong vòng một năm.
Bắc Kinh luôn quy trách nhiệm cho cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi và tố cáo các tổ chức khủng bố có liên hệ trực tiếp với Al Qaeda. Đảng Hồi giáo Turkestan TIP và Phong trào Hồi giáo Turkestan trong tầm ngắm của Trung Quốc và bị tố cáo theo chân các tổ chức cực đoan đang hoành hành tại các nước Trung Á sát cạnh với Trung Quốc. Tuy nhiên mối quan hệ giữa các thành phần khủng bố hoành hành tại Trung Quốc với mạng lưới Al Qaeda trước mắt chưa được chứng minh.
Theo phóng viên của Le Figaro, làn sóng tấn công nhắm vào Trung Quốc trong thời gian gần đây thể hiện bức súc ngày càng lớn của những thành phần cực đoan nhất trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ : đó là những người bị bỏ quên trong tiến trình phát triển kinh tế và là những nạn nhân của chính sách đàn áp nhắm vào các sắc tộc thiểu số mà Bắc Kinh đã liên tục áp dụng từ hàng chục năm qua.
Nói cách khác, nhà báo Patrick Saint Paul cho rằng, Trung Quốc gieo nhân nào, hưởng quả nấy. Trong bối cảnh đó, tác giả e rằng, để bài trừ tận gốc rễ nạn khủng bố, để tránh cho người dân phải sống trong lo sợ, Bắc Kinh sẽ khó có thể chỉ dùng vũ lực để giải quyết một vấn đề mang nặng mầu sắc chính trị.
Theo RFI