Bì bõm vượt qua lớp bùn dày và cỏ răng cưa đến một khu đầm hôi thối, những “nhân viên kiểm lâm mặc đồ đen” đánh dấu khu vực bằng một thiết bị GPS, đo độ sâu của khu đầm nhớp nháp rồi tiếp tục đi. Đây là hình ảnh đầu tiên của một trong những loài động vật hiếm nhất hành tinh – tê giác Java. Tê giác Java được chụp bằng camera đặt tại Rừng Quốc gia Ujung Kulon, Java, Indonesia. (Mike Griffiths/WWF) .Hiện chỉ còn khoảng 40 con sống trong tự nhiên. Vùng rừng rậm và đầm lầy trong Rừng Quốc gia Ujung Kulon, nằm ở cực tây Java, Indonesia, là nơi trú ẩn cuối cùng của chúng.
Cách đây hai năm, có một đàn tê giác Java khác sống ở Việt Nam, số còn sót lại của loài động vật trước đây từng sống khắp Châu Á. Tuy nhiên, số tê giác ở Việt Nam đã bị những kẻ săn lậu giết hại tới con cuối cùng tại Rừng Quốc gia Cát Tiên. Tê giác bị săn để lấy sừng vì mặt hàng này trong thị trường thuốc đông y cổ truyền Trung Quốc trị giá 65.000 đô-la Mỹ/ kilogram, đắt hơn cả vàng.
Tê giác Java không đơn độc trong khó khăn. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp chúng là 3 trong số 5 loài tê giác đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Họ hàng gần nhất của chúng, tê giác vùng Sumatra và Borneo, có số lượng khá thấp, chỉ còn khoảng 275 con trong tự nhiên. Các chuyên gia đánh giá khả năng sống sót của hai loài này là 50%.
Viễn cảnh ở Châu Phi, quê hương của 3 loài tê giác với khoảng 20.000 con, chỉ tươi sáng hơn đôi chút. Giá sừng tê cao do nhu cầu bùng nổ của giới trung lưu ở Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới vấn nạn săn bắn loài động vật hiếm này. Trong năm 2011, Nam Phi, nơi sinh sống của hơn 70% số tê giác trên thế giới, đã lập một kỷ lục mới: 448 con tê giác bị bắn trộm. Cũng tại thời điểm này, thế giới tuyên bố tê giác đen phương Tây tuyệt chủng do nạn săn bắn phi pháp.
Áp lực dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác rất lớn. Trong một thời gian dài, tình trạng mất môi trường sống là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, khi số lượng giảm, mối đe dọa với từng loài tê giác đã phân tán. Tại Châu Phi, nơi tê giác sinh sống ở các xa-van rộng lớn và những vùng đất ít được bảo vệ, nhu cầu sừng tê là mối đe dọa chủ yếu. Ở Châu Á, nơi tê giác được bảo vệ tương đối tốt, tình trạng thiếu môi trường sống phù hợp và mật độ thấp là những hiểm họa lớn nhất.
Tình trạng của tê giác Java đặc biệt nghiêm trọng. Môi trường sống duy nhất của chúng là khu rừng được hình thành do hậu quả của đợt phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883; tro núi lửa và đợt sóng thần đã cuốn đi tất cả người dân sống ở khu vực ngày nay là Rừng Quốc gia Ujung Kulong. Nỗi sợ núi lửa sẽ tiếp tục phun trào khiến cho khu vực không còn ai sinh sống, Rừng mọc lên và loài tê giác Java lại có nơi sinh sống trên hòn đảo có mật độ dân số cao nhất Indonesia.
Các nhà bảo tồn đang nỗ lực mở rộng môi trường sống của tê giác Java. Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế đang thảo luận với Quỹ Bảo vệ Tê giác Indonesia (YABI) và cơ quan quản lý rừng quốc gia để mở rộng diện tích khu bảo tồn thêm khoảng 3.000 hec-ta, nâng diện tích môi trường sống cho tê giác lên 38.000 hec-ta. Mục tiêu đặt ra là nhân thêm số lượng khoảng 70–80 con tê giác trước năm 2015, hơn gấp đôi số lượng hiện nay. Đây là việc hoàn toàn không dễ dàng: tê giác phải cạnh tranh với những người phát rừng làm nông nghiệp và những tên thợ săn sẵn sàng xả súng vào những động vật hiếm không được phép săn bắn như tê giác.
Vấn đề đa diệnNăm 2010 và 2011, ban quản lý rừng phối hợp với YABI đã thuyết phục 70 nông dân rời bỏ những cánh đồng trồng trọt bất hợp pháp trong rừng quốc gia với một khoản tiền đền bù. Mặc dù vậy, nạn săn bắn lậu vẫn là một vấn đề lớn. Chính vì lẽ này, các đơn vị tuần tra được huấn luyện đặc biệt phải nhập cuộc để bảo vệ tê giác.
Đơn vị tuần tra phối hợp với ban quản lý rừng có nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ và giám sát tê giác Java. Những người coi rừng làm việc theo nhóm 4 người và chủ yếu đi bộ tuần tra trong rừng. Năm 2011, các đội tuần tra phát hiện thấy 563 dấu vết của tê giác nhưng chỉ trực tiếp nhìn thấy tê giác một lần. Nhờ sự có mặt của các tổ tuần tra, chưa một con tê giác nào bị săn bắt trong rừng quốc gia, không có hiện tượng đặt bẫy và đốn gỗ trái phép. Nhân viên tổ tuần tra phần lớn là dân địa phương. Họ biết rõ nhu cầu trên địa bàn và có mạng lưới truyền tin về tệ nạn săn bắn và các hoạt động phi pháp khác. Người làm việc cho YABI được trả lương cao và trở thành biểu tượng địa vị trong làng bởi cơ hội việc làm ở đây rất hạn chế.
Ông Muhammad Waladi Isnan, người phụ trách bộ phận bảo vệ tê giác của YABI, cho rằng phát triển du lịch thiên nhiên dựa trên những bãi cát trắng và những vỉa san hô tuyệt đẹp có thể giảm áp lực nạn săn bắn tê giác. Tuy nhiên, thậm chí nếu tê giác Java được bảo vệ khỏi tệ săn bắn, cơ hội tồn tại của chúng cũng chưa được đảm bảo. Môi trường sống chủ yếu của tê giác ở rừng Ujung Kulong đang mất dần do cây cọ, tiếng địa phương là langkap. Loài cây này tiêu diệt những loài thực vật là thành phần chính trong khẩu phần ăn của tê giác. YABI hiện bàn thảo với ban quản lý rừng để xóa bỏ cây langkap.
Phối giốngThách thức với họ hàng gần gũi nhất của tê giác Java rất khác biệt. Mặc dù môi trường sống đã bị thu hẹp do nạn phá rừng và tình trạng biến đồng cỏ và đầm lầy thành đất nông nghiệp, vấn đề chính với tê giác Sumatra là mật độ thấp. Loài này sinh sống rải rác ở Sumatra và Borneo nên từng con tê giác khó có thể tìm được bạn đời. Các nhà bảo tồn đang thực hiện những biện pháp nhằm phối giống những cặp tiềm năng và để chúng sinh sản trong môi trường giam lỏng. Các nhà chức trách đã bắt một con tê giác cái hoang dã ở Sabah và chuyển tới một khu vực khép kín có một con tê giác đực Sumatra sinh sống.
‘Thời kỳ thả tê giác Sumatra sinh sống trong môi trường tự nhiên, bảo vệ chúng, hi vọng chúng sẽ không bị săn bắt và sẽ sinh sản đã qua rồi,” ông John Payne từ Liên minh Bảo tồn Tê giác Borneo, người chỉ đạo hoạt động phối giống năm 2011, cho biết. “Rất ít con tê giác còn sót lại có khả năng sinh sản. Những con có khả năng sinh sản không tiếp cận được với bạn đời bởi hiện hầu như không còn tê giác sống sót.”
Các nhà bảo tồn hi vọng rằng với phương án bảo vệ tốt, môi trường sống đầy đủ và điều kiện phối giống thuận lợi, tê giác Sumatra và Java sẽ phục hồi. Hiện tượng này đã từng xảy ra tại Nepal. Tê giác Ấn Độ phục hồi số lượng lên 534 con trong những năm gần đây nhờ kết hợp thực thi các điều luật nghiêm khắc và triển khai các chương trình mang lại lợi ích cho những người sinh sống gần môi trường sống của tê giác. Năm 2011, không một con tê giác nào ở Nepal bị thợ săn giết hại.
Đồng thời, tê giác trắng Nam Phi cũng thoát khỏi tuyệt chủng và hiện có 17.000 con sống trong tự nhiên. Mặc dù đã đạt được một số thành công, thách thức trong công cuộc bảo tồn loài tê giác vẫn còn rất lớn do tỉ lệ săn bắn phi pháp cao ở Châu Phi. Một trong những rào cản lớn nhất để bảo tồn tê giác là giá sừng tê cao, nhu cầu chủ yếu từ các thị trường thuốc đông y Trung Quốc, nơi sừng tê được cho là phương thuốc chữa ung thư và các căn bệnh khác. Một phần vấn đề là tình trạng khan hiếm do số lượng tê giác còn ít và do lệnh cấm buôn bán hợp pháp đẩy giá thành tăng cao.
Thị trường hợp phápÔng Michael 't Sas-Rolfes, một nhà kinh tế học bảo tồn kiêm chuyên gia về sừng tê làm việc tại Nam Phi, tin rằng việc buôn bán sừng tê được giám sát chặt chẽ lấy từ tê giác nuôi có thể giúp giảm giá thành và áp lực đối với tê giác.
Tuy nhiên, các nhà bảo tồn coi ý tưởng này là ‘kinh khủng.’
“Thị trường này sẽ khuyến khích người bị bệnh tiêu thụ sừng tê thay cho việc điều trị theo tây y và như vậy một số kẻ sẽ thu lợi nhuận,” bà Rhishja Cota-Larson từ tổ chức Saving Rhino, một tổ chức ngăn chặn nạn buôn bán các bộ phận của tê giác, nhận định. “Những kẻ buôn bán sừng tê tiếp thị mặt hàng này là thuốc chữa ung thư. Đây còn là vấn đề vi phạm đạo đức nghiêm trọng.”
Bà Rhishja Cota-Larson lo ngại rằng việc mở thị trường buôn bán sừng tê hợp pháp sẽ không ngăn nạn săn bắn tê giác hoang dã. Bà tin tưởng rằng nâng cao nhận thức tại Việt Nam và Trung Quốc là giải pháp dài hạn hiệu quả hơn đối với nạn buôn bán sừng tê.
Tuy nhiên, ông Sas-Rolfes nghi ngờ việc nâng cao nhận thức sẽ không thành công với những người đang sử dụng sừng tê bởi thói quen này đã có hàng ngàn năm và ăn sâu trong nền văn hóa. Ông cho rằng kể cả khi khoa học chứng minh sừng tê không có tác dụng chữa bệnh cũng sẽ không có ý nghĩa gì với những người sử dụng chúng.
Ông Payne từ Liên minh Bảo tồn Tê giác Borneo cho rằng việc tích cực tạo điều kiện sống thuận lợi sẽ hứa hẹn tương lai cho loài tê giác. Hiện số lượng loài này còn quá ít và con người cần can thiệp để chúng không bị tuyệt chủng.
Source: ABC Australia