Cựu nhân viên sứ quán Úc tại Trung Quốc (Credit: ABC) .
Câu chuyện của những người Úc từng chứng kiến vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn kể về việc họ cung cấp nơi ẩn náu cho những người cầm đầu phong trào biểu tình bị truy đuổi.
Lưu Hiểu Ba từ chối tị nạn trong đại sứ quán Úc
Lưu Hiểu Ba (Liu Xiabo), người giành giải Nobel hòa bình bị chính quyền Trung Quốc kết án và giam giữ, đã được chính quyền Úc cho tị nạn nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động, trở thành nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Với vai trò hỗ trợ phong trào biểu tình của sinh viên dẫn đến vụ đàn áp đẫm máu trong năm đó, từ một tác giả với những bài viết bình luận chính trị, Lưu Hiểu Ba trở thành nhà tư tưởng và dẫn dắt quần chúng, bị quản thúc và ngược đãi.
Sau Olympics 2008, ông lại bị bắt và chịu án tù 11 năm vì “xúi giục chống phá nhà nước”. Giải Nobel hòa bình năm 2010 được trao cho tên ông đặt trên một chiếc ghế bỏ trống vì lúc này Lưu Hiểu Ba đang bị giam trong tù.
Nick Jose, tham tán văn hóa Úc tại Bắc Kinh năm 1989, đã trở thành bạn tốt của Lưu Hiểu Ba khi giúp ông ẩn náu trước giờ Quân Giải Phóng dùng vũ khí đàn áp người biểu tình để giành lại quảng trường Thiên An Môn vào đêm mùng 3, rạng sáng mùng 4 tháng 6.
"Tôi đưa anh ta vào ô tô của tôi và lái xe tới cổng đại sứ quán Úc tại Bắc Kinh. Tôi nói: Cánh cổng này sẽ mở ra cho chúng ta vào, nó sẽ khép lại, anh có quyền xin tị nạn ở Úc. Anh cũng có thể đưa thêm bạn anh vào đây, nhưng phải là những người tôi biết”. Ông Jose kể.
"Anh ấy suy nghĩ sau đó nhìn tôi và nói ‘Cám ơn, nhưng tôi không tị nạn’. Anh ấy nói sẽ sống ở Trung Quốc vì anh ấy mãi mãi là người Trung Quốc. Đối với anh ấy Trung Hoa là tổ quốc và số phận”.
"Sau đó anh ấy đi tìm những người bạn của mình. Tới 11 giờ đêm hôm đó, bạn gái anh ấy gọi điện cho tôi, vô cùng lo sợ, cô ấy kể họ đang đạp xe trên một con phố vắng vẻ bỗng có chiếc xe tải không biển số tới bắt và đưa anh ấy đi”.
Sau đó ông Jose nhận được câu hỏi ông cảm thấy thế nào khi nhận được điện thoại của bạn gái Lưu Hiểu Ba nói rằng anh ấy đã bị bắt, liệu ông có hối tiếc vì không thuyết phục được Lưu Hiểu Ba vào tạm lánh trong đại sứ quán”.
"Có, tôi nhận thấy nhiều khả năng anh ấy sẽ bị bắt. Nếu lúc đó tôi thúc ép mạnh hơn thì anh ấy có thể đã vào trong đại sứ quán" Ông Jose nói.
"Đêm hôm đó tôi ngả lưng trên sàn nhà của đại sứ quán, tôi thức cả đêm để nghĩ về tất cả những khả năng đó. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng Lưu Hiểu Ba còn ý thức rõ hơn tôi về những tình huống anh ấy phải đối mặt, tôi không có quyền bảo anh ấy phải làm theo ý mình, đưa anh ấy vào tị nạn trong đại sứ quán đồng nghĩa với việc anh ấy không thể trở lại nữa.
Ca sĩ người Đài Loan, Hou Dejian, trốn trong đại sứ quán Úc
Ông Jose và những người khác đã đưa nam ca sĩ Đài Loan Hou Dejian vào chương trình giải cứu. Ca sĩ này từng là một người mang tư tưởng thân thiện với Đảng Cộng Sản Trung Quốc khi anh bỏ Đài Loan để về biểu diễn tại đại lục, nhưng sau đó anh lại ủng hộ phong trào biểu tình của sinh viên.
"Tôi nhớ là anh ấy đã trốn vào trái phép, trên người quấn một tấm chăn” ông Jose nói.
"Nhưng anh ấy đã đến nơi an toàn. Chúng tôi thật sự lo lắng cho anh ta. Ngài đại sứ và những nhà ngoại giao cấp cao đã nói chuyện với nhau và quyết định sẽ cho phép ca sĩ này tị nạn. Dù sao thì ca sĩ cũng là một người bạn của nước Úc”.
Sau đó ngài đại sứ David Sadleir đã nói với phóng viên quốc tế "Ông đại sứ Anh có hướng dẫn những người đến xin tị nạn không được ở trong khu vực đại sứ quán vào ban đêm. Nhưng đại sứ Úc không có quy định này, chúng tôi ra quyết định rất nhanh khi mọi thứ còn đang diễn ra. Tôi nghĩ là chúng tôi đã làm đúng khi bảo vệ ca sĩ”.
Ngài đại sứ Sadleir sau đó đã chính thức thông báo với chính quyền Trung Quốc rằng Hou Dejian đã trú ngụ an toàn bên trong đại sứ quán.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi càng chậm trễ thì tình hình càng căng thẳng” ông Jose nói.
"Trung Quốc càng muốn quay trở lại với cộng đồng quốc tế thì cơ hội để chúng tôi giữ mạng sống cho anh ta càng nhiều”.
"Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã được thông báo về việc anh ấy đang ở trong sứ quán Úc, sau đó diễn ra một số cuộc thương lượng về số phận của ca sĩ này. Sau đó thì tôi không rõ là chính quyền có dùng từ “thả tự do” hay không, nhưng tôi biết là anh ấy đã an toàn khi rời khỏi sứ quán và sau đó về lại Đài Loan trong một cuộc trục xuất không an toàn” ông Jose nói thêm.
"Họ đưa anh ấy vào một xe thùng và lái tới Thiên Tân” ông Sadleir nói. "Họ đưa anh ta lên một thuyền ca và thả xuống tại một bãi biển Đài Loan. Từ đó anh ấy tự tìm cách tới New Zealand."
Nhân viên ngoại giao mang băng hình ra khỏi Trung Quốc
Cựu tùy viên Báo chí đại sứ quán Úc, Gregson Edwards, trả lời phóng viên Úc thường trú tại nước ngoài về việc mang những hình ảnh quay được ra khỏi Trung Quốc và phát sóng khắp thế giới mà không được phép của Trung Quốc:
"Tôi được hưởng cơ chế bảo vệ ngoại giao và thật may mắn tôi giảm cân rất nhiều do tập thể thao. Tôi có chiếc áo vét đặc biệt được thiết kế riêng cho tôi trước khi thực hiện nhiệm vụ này. Chiếc áo vét có hai hàng khuy cài lệch sang một bên là nơi lý tưởng cho tôi dán băng cát xét vào trong người, sau đó mặc áo sơ mi và cài khuy khoác áo. Trông tôi khá bệ vệ khi đi qua nhân viên hải quan và nhân viên an ninh xuất nhập cảnh, sau đó tôi có thể đi ra sảnh phía ngoài sân bay và bắt chuyện với người nào trông có vẻ đủ can đảm để mang những băng cát xét này tới Hồng Kông, nơi có nhiều người chờ những tư liệu này để phát sóng trên những kênh “Truyền hình Phương tây".
Ông Edwards và những nhà ngoại giao Úc đã trình bày truớc chính phủ Úc về những sự thật đẫm máu họ đã chứng kiến trong tháng sáu năm đó.
Những báo cáo từ những nhà ngoại giao, kèm theo hình ảnh được phát song qua truyền hình cáp, đã khiến thủ tướng Úc khi đó, ngài Bob Hawke, phải rơi lệ.
Nó khiến cho thủ tướng Hawke quyết định cho phép người Trung Quốc sinh sống tại Úc trong tháng 6 năm 1989 có thể ở lại Úc vì không muốn chứng kiến họ phải trở về quê nhà với một số phận không thể đoán trước.
Theo ABC