Nghịch lý gấp đôi
Với giới phân tích thường quan tâm đến những quốc gia khép kín, một điểm khá tương đồng không thể bỏ qua giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam là lượng dự trữ ngoại tệ mạnh của hai nước này đã đại nhảy vọt trong mấy năm qua.
Về phần Ngân hàng trung ương Trung Quốc, thành tích này thậm chí còn không thèm che giấu. Chưa bàn tới tính trung thực của báo cáo, tính tới nay chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy” đã phóng dự trữ ngoại tệ lên gần $4,000 tỷ, theo một công bố mới nhất của cơ quan này. Như vậy, cùng với tốc độ tăng tiến gấp đôi số nợ của các chính quyền địa phương từ $1,500 tỷ lên $3,000 tỷ chỉ từ năm 2011 đến cuối năm 2013, dự trữ ngoại tệ cũng tăng gấp hai lần. Đó chính là một trong những nghịch lý lớn nhất của nền kinh tế mà một chuyên gia phương Tây đã vẽ nên ảnh “Voi cưỡi xe đạp”.
Tuy nhiên, hiện giờ kinh tế Trung Quốc chỉ mới có biểu hiện tăng trưởng chậm lại và cách nào đó gây lo ngại cho Bộ chính trị Bắc Kinh cũng như với các đối tác lớn của Trung Quốc trên thế giới như Mỹ và Australia, chứ chưa lâm vào tình trạng chịu quá nhiều điều tiếng như Việt Nam trong suốt gần bảy năm qua. Còn với “tổ quốc ngàn năm Bắc thuộc”, tình cảnh tồi tệ hơn nhiều sau cú khủng hoảng kinh tế thế giới từ đầu năm 2008. Vào giữa năm 2011, sau khi con sóng đầu cơ bất động sản ở Hà Nội đã đi hết chiều dài của nó, thị trường nhà đất Việt Nam ngay lập tức rơi vào cảnh hoàng hôn. Cũng từ đó bắt đầu xuất hiện một từ ngữ mà giới ngân hàng ghét cay ghét đắng: “nợ xấu”.
Trong cảnh chợ chiều Việt Nam, nợ xấu là nguồn cơn của mọi nguồn cơn, khiến sinh ra mọi chuyện không thể gọi là tốt đẹp. Từ năm 2011 đến nay, bất chấp thái độ cố tình bưng bít của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, con số về tỷ lệ nợ xấu mới nhất do hãng tư vấn xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố vào đầu năm 2014 vẫn là 13%, tương đương với khoảng 500,000 tỷ đồng trên tổng số 3,400,000 tỷ đồng tổng nợ trong hệ thống ngân hàng. Có lẽ không quá khó để lý giải là con số nợ xấu hoặc nợ không thể đòi như thế đã khiến cho khối ngân hàng thương mại mất ngủ đến mức nào. Nhưng chính thế vong thân lãi suất cho vay đến hơn 20%/năm của các ngân hàng này lại làm cho ít nhất 200,000 doanh nghiệp phải vong mạng, và trên thực tế cũng chừng đó số doanh nghiệp không có khả năng đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Con số này chiếm đến 35% tổng số doanh nghiệp còn nằm trên danh mục đăng ký hoạt động ở Việt Nam tính đến thời điểm này.
Thế nhưng bất chấp tất cả, dường như chưa bao giờ Hà Nội quên đi niềm tự hào anh em môi răng với Bắc Kinh, kể cả trong tận cùng của những nghịch lý bị coi là tật xấu khủng khiếp. Trong bối cảnh nền kinh tế đã rơi vào suy thoái trầm trọng và khiến hiệu ứng tiêu dùng tương đương với tình trạng giảm phát, lượng dự trữ ngoại tệ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố vẫn gia tốc một cách đáng sợ. Nếu từ năm 2011 trở về trước, dự trữ ngoại tệ là chủ đề được coi là tuyệt mật và hầu như không thể công bố, thì nghịch lý ngơ ngác là trong lúc nền kinh tế ngày càng hội ngộ đầy đủ các thành tố khủng hoảng từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng nhà nước lại càng lúc càng trở nên dạn dĩ hơn để “giải mật”. Lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng theo đó mà xuất thần: từ khoảng $15 tỷ vào năm 2011, bầu sữa này đã lên đến hơn $30 tỷ vào đầu năm 2014. Thậm chí có ước đoán hiện thời dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn lên đến gần $40 tỷ, tức tương đương 1% của cái giá trị nhất thời chưa được kiểm chứng như vậy ở Trung Quốc.
Tất nhiên, một câu hỏi phải đặt ra: vì sao trong bối cảnh nền kinh tế cực kỳ què quặt mà dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn quá đầy đặn?
Vong thân kinh tế
Một giả thiết nhẹ nhàng có thể phác ra là Ngân hàng nhà nước Việt Nam - cơ quan vẫn ham muốn được nâng cấp lên mức “trung ương” theo cơ chế Trung Quốc - đã in tiền quá mức cần thiết để làm công tác “huy động ngoại tệ trôi nổi” nhằm phòng lúc khốn khó.
Một kinh nghiệm quý báu mà Hà Nội có lẽ đã luôn tham khảo từ “người láng giềng anh em”: Trung Quốc luôn bị xem là kẻ tạo ra lạm phát với tốc độ in tiền gấp đôi nước Mỹ. “Trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc đã dùng quá nhiều tiền để bơm vào nền kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng” - một chuyên gia kinh tế có tên là Wu Xiaoling của chính phủ Trung Quốc nhún vai.
Chỉ tính đến cuối năm 2013, lượng cung tiền bơm vào nền kinh tế của Trung Quốc đã lên tới 110,650 tỷ Nhân dân tệ (tương đương $17,770 tỷ), gấp 4 lần so với 10 năm trước đây. Đây là dấu hiệu sống động nhất và cũng là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc đang in tiền nhanh hơn khá nhiều tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Song cơ chế lạm phát in tiền cũng tất yếu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của đồng Nhân dân tệ. Kể từ khi Trung Quốc bỏ chế độ neo tỷ giá vào năm 2005, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá so với đồng USD do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, nghịch lý xảy ra là trong khi Nhân dân tệ có vẻ giữ giá trị so với đồng tiền của các quốc gia khác, thì nó lại nhanh chóng mất giá ngay trong nước; đồng thời xu thế này cũng không kéo dài khi thời gian gần đây đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá so với các đồng tiền khác. Nếu trong 4 tháng đầu năm 2014, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục giảm giá với biên độ lớn nhất từ khi quốc gia này bắt đầu thực hiện cải cách đến nay, thì vào đầu tháng 5/2014, tỷ giá Nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012, chỉ còn $1 đổi 6,23 NDT.
Hệ quả đương nhiên mà một kẻ sắp vong thân kinh tế phải tính đến là gom góp những tài sản quý giá nhất để phòng thân. Rất có thể cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, một khi vẫn lang thang trên con đường “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, hẳn phải dựa vào đồng đô la Mỹ như một phao cứu sinh để phòng hờ tương lai đồng nội tệ mất giá và nền kinh tế rơi vào lạm phát trầm trọng hoặc bị bão lạm phát.
Với Việt Nam, tương lai này đã hầu như chắc chắn. Còn với Trung Quốc, cả thế giới vẫn đang chờ xem quốc gia 1,3 tỷ dân này phải vật lộn với mầm mống của cơn khủng hoảng sắp tới như thế nào.
Những mầm mống như thế đang có vẻ khá căng cứng. Khi Tết nguyên đán 2014 mới trôi qua được một tháng, những tin tức về một đợt suy thoái kinh tế ở Trung Quốc bất chợt dồn dập. Từ sâu thẳm của những tháng năm chật chội, những nguồn tin bắt đầu lộ diện. Nhưng rõ ràng nhất là việc hãng nghiên cứu có uy tín Business Wisdom đưa ra dự báo sắp có làn sóng vỡ nợ ở 10 ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm: (1) đóng tàu; (2) sắt thép; (3) đèn LED; (4) nội thất; (5) bất động sản; (6) vận tải biển; (7) tín chấp và các định chế tài chính; (8) quản lý tài chính; (9) vốn tư nhân và (10) mua theo nhóm.
Nợ công cũng biến thành một vấn nạn không thể chối từ. Không khác mấy điều được coi là “minh bạch số liệu” ở Việt Nam, con số báo cáo của Trung Quốc cho thấy loại nợ này chỉ chiếm khoảng 45% GDP. Nhưng theo cách tính toán khách quan và thành thực hơn rất nhiều của các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, tỷ lệ nợ công quốc gia thực tế của Trung Quốc phải lên đến 150% GDP. Thậm chí, một phân tích của Business Wisdom còn cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ tương đương 265% GDP, vượt hơn nhiều so với tỷ lệ nợ công quốc gia 200% GDP của Nhật Bản khi đất nước này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bắt đầu từ năm 1997, để sau đó phải chấp nhận một “thập kỷ mất mát” không thể khác hơn.
Điều đáng sợ nhất
“Thập kỷ mất mát” hoặc ám ảnh ghê gớm hơn thế chính là hệ lụy mà giới lãnh đạo và các nhóm tài phiệt Trung Quốc lo sợ nhất. Đơn giản là nếu tương lai đó xảy đến, sẽ chẳng bao giờ một tương lai chính trị cùng tài sản cá nhân của họ được bảo đảm.
Cứ cho là đang nắm giữ một lượng ngoại tệ mạnh chiếm gần 50% tổng lượng GDP hàng năm, nhưng không vì thế mà nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi hình bóng “hổ giấy”. Sẽ ra sao nếu một tương lai trơn trượt có thể xảy ra để quốc gia này lâm vào “thập kỷ mất mát” như Nhật Bản và sẽ tiêu tốn đến những đồng đô la cuối cùng để xử lý tình trạng suy trầm kinh tế?
Việt Nam đã có quá đủ bài học từ ảo tưởng đến suy trầm như thế. Vào đầu năm 2011, Bộ chính trị và Chính phủ quốc gia này vẫn còn phơi phới quyết tâm duy trì mức tăng trưởng GDP lên đến 9-9,5%. Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, giới chính khách không mấy chuyên nghiệp ấy phải nhận ra rằng đúng như bài bản lý thuyết Mác - Lê, kinh tế đã quyết định chính trị. Không bao lâu sau, “những người thích đùa” này đã bắt buộc phải rút dần chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 7%, và hiện nay chỉ còn khoảng 5%, cho dù tất cả những con số này thật ra chẳng có ý nghĩa gì lắm nếu xét trên thực tế nền kinh tế đã rất có thể rơi vào tình trạng giảm phát, và do vậy GDP thậm chí còn có thể âm cục bộ vào một số thời điểm.
Nhìn sang “nước bạn”, một giả thiết có thể đặt ra là nền kinh tế Trung Quốc đi sau Việt Nam khoảng 3 năm, tình thế khó khăn của Trung Quốc hiện thời đang khá giống với Việt Nam vào năm 2011. Còn nếu xét về hiện trạng GDP, Trung Quốc hiện nay đang ứng với Việt Nam năm 2012.
Một giả thiết tiếp nối: với đà này, chỉ sau 2-3 năm nữa, tức vào giai đoạn 2016-2017, nền kinh tế Trung quốc sẽ sa vào bẫy chuột của chính nó như Việt Nam đã từng.
Kinh tế quyết định chính trị. Nếu những gì đã và đang xảy ra trong thể chế độc tôn kinh tế và độc tài chính trị ở Việt Nam tái hiện ở Trung Quốc, không hiểu Tập Cận Bình và giàn giáo tướng lĩnh của ông ta còn đủ tĩnh tâm triệt hạ dần vùng lãnh hải Việt Nam ở biển Đông bằng các giàn khoan dầu hay không?
Những dấu hiệu chao đảo của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm 2014 đến nay cũng phác ra một viễn cảnh không mấy nồng cảm cho mối quan hệ “sông liền sông núi lền núi”: nồng độ can thiệp của Bắc Kinh đối với Hà Nội sẽ khó mà giữ nguyên trong những lời hứa hẹn về “làm mọi cách để bảo vệ nền chuyên chính vô sản” từ Hội nghị Thành đô năm 1990. Ngược lại, đó là một cơ hội để biểu tả thánh thiện cho xu thế “Thoát Trung” đang ngày càng mở rộng và ăn sâu vào lòng ít nhất 70% dân chúng Việt Nam - những người túng thiếu tiền bạc nhưng thừa lòng tự trọng non sông.
Phạm Chí Dũng