Ngày 12 tháng 6 năm 2014, trả lời chất vấn của một đại biểu Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “tham nhũng cả thế giới chứ không riêng của nước ta, nên phải kiên quyết kiên trì có bước đi thích hợp, có giải pháp mạnh mẽ.”
Trước hết, tham nhũng là một căn bệnh của cả thế giới, quốc gia nào cũng có, điều này không bàn cãi. Tổ chức minh bạch thế giới Transparency Internationnal vẫn dùng chỉ số tham nhũng (Corruption Index) để xếp hạng hàng năm. Năm 2013, trong 175 nước, kể cả các quốc gia trong sạch nhất như Ðan Mạch, New Zealand, Phần Lan, Thụy Ðiển, Na Uy, Singapore, v.v.. cũng không phải hoàn thiện hoàn toàn. Thế nhưng, các chỉ số thấp nhất thường thuộc về các nước có chế độ độc tài, toàn trị, thiếu vắng các quyền dân chủ tự do như Venezuela, Bắc Triều Tiên, Syria, Somalia, v.v... Việt Nam được xếp thứ 116/175 nước trong bảng xếp hạng.
Trong thực tế, khi nắm giữ quyền lực con người có xu hướng lạm quyền. Quyền lực đi liền với quyền lợi nên những nhu cầu và lòng tham của cá nhân dẫn đến sự lạm dụng địa vị, chức quyền để chiếm đoạt vật chất. Vì thế, công cụ hiệu quả để phòng và chống tham nhũng là khả năng kiểm soát và trừng phạt của xã hội đối với quan chức chính quyền.
Ở Việt Nam, thể chế chính trị hiện tại là độc tài toàn trị (totalitanism), một đảng giành độc quyền lãnh đạo và chi phối toàn xã hội. Cấu trúc của nhà nước Cộng Sản Việt Nam bao gồm quốc hội, chính phủ và ngành tư pháp, nhưng chỉ để trưng diễn hình thức. Trong thực tế tất cả các cơ quan này đều đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản.
Không có hệ thống chính trị đa đảng, có nghĩa rằng, Quốc Hội không phải do dân bầu chọn qua bầu cử tự do, không có đối lập để kiểm soát các chính sách đảng cầm quyền. Ðảng Cộng Sản Việt Nam trở thành một băng đảng thâu tóm quyền lực và sử dụng chúng theo ý thích của mình. Những kẻ phạm tội tham nhũng chỉ được xử lý có mức độ và đến lằn ranh an toàn. Giới lãnh đạo chóp bu, nếu có dính líu vào các vụ bê bối, thì hình thức kỷ luật cao nhất thường được áp dụng là cho nghỉ hưu, hạ cánh an toàn, nhân danh bảo vệ hình ảnh “thiêng liêng” của đảng.
Ðặt vấn đề “có ý kiến tỏ ra nghi ngại khi chúng ta chỉ bắt được “con mèo ăn miếng mỡ,” còn “con cọp bắt heo” lại không tóm được bao nhiêu,” bài “Xử lý ai nếu chính người đứng đầu tham nhũng” trên tờ Người Ðưa Tin ngày 9 tháng 8 năm 2012 viết rằng, thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cho biết, “đã hoàn thành dự thảo bổ sung, sửa đổi nghị định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. (...) Theo đó, mức độ xử lý kỷ luật được đề nghị trong dự thảo bao gồm 3 hình thức: khiển trách, cảnh cáo và cách chức.” Ðúng là luật lệ rừng! Không có sự hài hước nào hơn!
Cấu trúc tam quyền phân lập của một nhà nước là điều cơ bản cho việc chống lạm quyền. Người ta đã đúc kết:
“Tam quyền phân lập hay còn hiểu theo nghĩa phân chia quyền lực là một mô hình quản lý nhà nước với mục tiêu kiềm chế quyền lực để hạn chế lạm quyền, bảo vệ tự do và công bằng pháp luật. Mô hình và khái niệm này được biết đến từ lâu, ít nhất là từ thời La Mã cổ đại và được thể chế hóa trong hiến pháp hiện đại của rất nhiều quốc gia, trong đó có Hiến Pháp Hoa Kỳ, Hiến Pháp Ðức quốc. Trong mô hình này, quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được tách biệt và giao cho ba cơ quan độc lập khác nhau thực hiện và qua đó ràng buộc, kiểm tra và giám sát hoạt động lẫn nhau. Theo thể chế này, không một cơ quan hay cá nhân nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của một quốc gia.”
“Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra” (Wikipedia).
Hiến pháp mà Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) thiết lập cho guồng máy cai trị của mình trở nên vô nghĩa khi điều 4 xác định sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Nguyễn Minh Triết, cựu chủ tịch nước, không cần giấu giếm, đã từng nói “bỏ điều 4 đi là tự sát”!
Nhân loại đã có nhiều mô hình về thể chế chính trị, nhưng chưa có mô hình nào tốt đẹp hơn thể chế dân chủ tự do.
Willson Churchill, cố thủ tướng Anh quốc, đã có nói rằng, “với nhiều hợp lý, dân chủ là mô hình tệ nhất của một chính phủ, ngoại trừ tất cả các mô hình được biết cho đến nay.”
Còn Karl R. Popper, nhà triết học Áo, người đề xuất các ý tưởng một xã hội mở, xã hội mà ở đó sự bất đồng chính kiến được chấp nhận và đó được xem như một tiền đề để tiến tới việc xây dựng một xã hội hoàn thiện, viết: “Bất kỳ ai sống trong các điều kiện của mô hình quyền lực độc tài, người đó sẽ hiểu rằng, dân chủ, dù chưa hoàn thiện, nhưng nó tạo nên một điều gì đó để chiến đấu, và vì cái gì đó cần phải chết.”
Tức là, mặc dù không phải hoàn hảo, nhưng dân chủ là mô hình tốt nhất có thể phục vụ nhân loại. Chỉ những ai đã từng sống trong hệ thống độc tài và sau đó được làm nhân chứng của một xã hội dân chủ thì mới hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của các giá trị dân chủ.
Song song với cấu trúc nhà nước tam quyền phân lập, một điều then chốt, không thể thiếu trong xã hội dân chủ là báo chí truyền thông tự do và hoạt động tự do của các tổ chức dân sự (cyvil society).
Vì là tự do nên báo chí không chừa ai và sẵn sàng đưa ra ánh sáng công luận những hiện tượng lạm quyền, tham nhũng, cho nên nó là luồng không khí trong sạch lành mạnh hóa xã hội.
Hoạt động tự do của các tổ chức, đoàn thể dân sự bảo đảm cho quần chúng không nằm trong bộ máy cầm quyền tham gia vào các hoạt động xã hội, thúc đẩy và kiểm soát nó. Trong các nước thời hậu cộng sản, quốc gia nào duy trì báo chí tự do tuyệt đối và sự hoạt động năng động của các tổ chức dân sự tốt, thì quốc gia đó tiến tới dân chủ bền vững hơn và phát triển.
Ở Việt Nam hiện nay có 845 cơ quan báo chí với 1050 ấn phẩm báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và tỉnh, thành, 650 đài cấp huyện, hàng nghìn đài truyền thanh cơ sở, một đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền miệng được cấp thẻ từ trung ương đến cơ sở lên đến 10 ngàn người,” nhưng toàn bộ hệ thống làm công tác tư tưởng này do đảng cộng sản quản lý, nên chỉ là cái loa tuyên truyền theo định hướng của đảng cộng sản. Trong khi đó, mọi hội đoàn đều là các tổ chức ngoại vi của đảng. Hơn 10 triệu công nhân trong cả nước cũng không có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình.
Những yếu tố cơ bản nêu trên đảm bảo cho bộ máy nhà nước vận hành bình thường, lành mạnh, nhưng tiếc thay, không tồn tại trong thế chế độc tài toàn trị của ÐCSVN. Mọi phương tiện hiệu quả để có thể ngăn ngừa, chống tham nhũng đều nằm trong tay một đảng cầm quyền, tự tung tự tác, vừa đá bóng vừa thổi còi.
Vì thế, quan chức cộng sản càng nói tới chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển, sâu rộng hơn, tinh vi hơn, từ trung ương xuống địa phương, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực đời sống, “trở thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nửa” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thanh Niên Online ngày 6 tháng 12, 2013).
“Tất cả cũng do đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, coi thường giá trị con người. Ðồng tiền chà đạp xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ. Cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay” (Nguyễn Phú Trọng, Infonet ngày 7 tháng 12, 2103). Công trình, dự an bị rút ruột thảm hại, chất lượng sút kém ngay sau khi khánh thành. Lượng tiền bỏ ra đầu tư không đến được với sản xuất chiếm khoảng 17% (Thesaigontimes.vn ngày 13 tháng 6, 2014).
Vì thế, trên diễn đàn quốc hội, ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, dù thời gian qua đã phát hiện, điều tra, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhưng tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi xảy ra trên nhiều lĩnh vực (Vietnamnet.vn 12 tháng 6, 2014)
Và theo ông Phúc, chống tham nhũng “phải kiên trì,” nhưng có lẽ kiên trì bằng... mắt, bởi vì nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã triệt tiêu hoàn toàn khả năng “ có bước đi thích hợp, có giải pháp mạnh mẽ”!
Lê Diễn Ðức