Thủ tướng Việt Nam bị đại biểu Quốc hội kêu gọi từ chứcThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội, 22/10/2012. REUTERSThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang gặp nhiều khó khăn lần đầu tiên bị Quốc hội Việt Nam kêu gọi từ chức vì những sai sót và yếu kém trong lãnh đạo đã đẩy kinh tế đất nước vào tình trạng khó khăn.
Bản tin của Hãng thông tấn AFP hôm nay nói rằng đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng của Việt Nam bị một đại biểu của Quốc hội gồm 500 ghế của nhà nước độc đảng kêu gọi từ chức.
Trong chất vấn tại Quốc hội sáng thứ Tư, ngày 14 tháng 11, Ðại biểu Dương Trung Quốc nói:
“Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không phải chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm.”
Ðại biểu Dương Trung Quốc nói tiếp:
“Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta cũng coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Còn đảng ta cũng đã từng có một vị tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng tháng 8 năm 45, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956, đã từ chức và tiếp tục phấn đấu, để rồi 3 thập kỷ sau trở lại với cương vị tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc “Đổi mới”, trước khi từ trần.”
Ông Dương Trung Quốc đúc kết chất vấn của ông bằng hai câu hỏi chính:
“Một, thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân? Và hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”
Cũng theo tin của AFP, Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói những sai sót của Thủ tướng Dũng trong việc lập kế hoạch đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn đã gây mất niềm tin trong công chúng đối với sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản.
Ðáp lại những công kích công khai hiếm thấy, Thủ tướng Dũng, tự hào với 51 năm tuổi đảng của mình, nói:
“Chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng trong 51 năm qua đó tôi không có xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác.Và mặt khác thì tôi cũng không có từ chối, không có thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.”
Ông Dũng quả quyết rằng ông sẽ tiếp tục làm thủ tướng như được đảng tín nhiệm giao phó:
“Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương đảng, của Quốc hội”.
Quốc hội Việt Nam hiện đang xem xét một nghị quyết có thể sẽ bắt buộc các nhà lãnh đạo cấp cao cần phải chiếm được phiếu tín nhiệm để tiếp tục tại vị, song không rõ liệu phiếu tín nhiệm như vậy có thực sự mang lại thay đổi thiết thực nào, hay chỉ là một hình thức chiếu lệ.
Source: AFP
Sửa bởi người viết 14/11/2012 lúc 09:36:45(UTC)
| Lý do: Chưa rõ