Cử tri Hồng Kông xếp hàng đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về dân chủ - REUTERS /Bobby Yip
Sự kiện các nhà dân chủ Hồng Kông tổ chức trưng cầu ý về thể thức bầu cử lãnh đạo rất được báo Pháp ngày đầu tuần này theo dõi bên cạnh những hồ sơ Irak, kinh tế Pháp hay Cúp bóng đá thế giới.
Le Figaro và Les Echos hầu như chạy cùng một dòng tựa : Tại Hồng Kông một cuộc trưng cầu bán chính thức để thách thức Bắc Kinh, tít của Les Echos, Le Figaro nêu cụ thể hơn : Hồng Kông : Các nhà dân chủ thách thức Bắc Kinh.
Điều mà các báo Pháp nêu bật trước tiên là thành công cuộc trưng cầu được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt, như ghi nhận của Le Figaro bên dưới dòng tựa.
Tờ báo nhìn thấy như "một cái gai trong chân của chàng khổng lồ Trung Quốc ", phe đối lập, các nhà dân chủ công khai thách thức Bắc Kinh. Tờ báo mô tả cảnh hàng ngàn người xếp hàng rồng rắn trước các phòng phiếu mở ra hôm qua.
Thành công này theo Le Figaro là do Bắc Kinh kiểm soát đời sống chính trị Hồng Kông, và người dân đặc khu hành chính này, trên nguyên tắc hưởng quyền tự trị và tự do, đã lo ngại khi thấy quyền của họ bị gặm nhắm và có nguy cơ biến mất dần.
Ngược lại thì Bắc Kinh không thể đáp ứng nguyện vọng dân chủ của người Hồng Kông, vì e ngại ảnh hưởng ở Trung Quốc, và đe dọa sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Còn mở đầu bài viết thông tín viên Les Echos nhìn thấy có một cái gì đấy khiêu khích trong việc tổ chức trung cầu ý kiến này, thể như để chế nhạo Bắc Kinh.
Tờ báo cũng ghi nhận trưng cầu thành công ngoài sức tưởng tượng của các nhà tổ chức, vượt xa ước mơ của họ : ở mức hiện tại đã có hơn 700 000 người tham gia trong lúc khi tung ra chiến dịch, họ chỉ hy vọng có được 300 000 người hưởng ứng.
Nhìn sang phía Bắc Kinh, Les Echos ghi nhận dấu hiệu bực dọc không ít trước sự kiện ở Hồng Kông. Tờ báo nêu một bằng chứng là thông báo của Trung Quốc : "cuộc trưng cầu dân ý trên thể thức bầu cử không có cơ sở pháp lý do đó bất hợp pháp và không có giá trị".
Les Echos có vẻ thích thú trước phản ứng của giới dân chủ Hồng Kông : Benny Tai, một người trong ban tổ chức, đã phản bác : đó là do "không hiểu biết về luật pháp và nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông".
Les Echos nhắc lại sự kiện trang web cuộc trưng cầu trên mạng và báo Hồng Kông bị tin tặc tấn công, cho là sự việc này đã có tác động ngược lại với mong muốn của Bắc Kinh, vì tạo cho người Hồng Kông cảm giác là họ phải hành động khẩn cấp trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên các chủ đề này.
Les Echos còn nhắc đến tác đông của "bạch thư " mà Trung Quốc công bố cách đây 2 tuần, trong đó khẳng định quyền lực của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và cảnh báo giới dân chủ Hồng Kông. Điều này theo Les Echos đã không làm cho đầu óc người Hồng Kông " bớt sôi sục ".
Le Monde cũng chú ý đến sự kiện ở Hồng Kông, nhưng chỉ nói đến "cuộc trưng cầu ảo ở Hồng Kông ", tựa trang quốc tế.
Tờ báo cũng nhấn mạnh trên thành công cuộc trưng cầu ảo này mà theo tờ báo đã " vượt xa những ước mơ điên rồ nhất " của các nhà tổ chức. Cũng như đồng nghiệp Les Echos, Le Monde nhìn thấy một yếu tố của sự thành công đó là chiến dịch tấn công tin tặc đã mang lại " tính chính đáng đạo đức " cho sáng kiến các nhà dân chủ Hồng Kông.
Theo RFI