PINE HILL, Alabama (AP) - Gánh nặng của tiểu bang Alabama là mức thất nghiệp cao nhất nước, các nhà máy dệt, xưởng đóng tủ bàn bỏ hoang phế từ lâu, quận Wilcox County hết sức cần có việc làm.
Nhưng chúng đang đến kìa, và từ một nơi xa xôi, đó là từ tỉnh Hồ Nam, cách xa đến 7,600 dặm.
Thống Ðốc Alabama, Robert Bentley, cùng Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Houston, Quingmin Li, cắt băng khánh thành một nhà máy tại địa phương. (Hình: AP Photo/Alabama Governor's Office, Jamie Martin)
Tổ hợp Golden Dragon Precise Copper Tube Group hồi tháng rồi mở một nhà máy tại Pine Hill và sẽ mướn vào khoảng 300 người.
Ðiều đang xảy ra ở Pine Hill đang bắt đầu xảy ra trên khắp nước Mỹ.
Sau hằng thập niên hút hết việc làm ở Mỹ, Trung Quốc bắt đầu tạo một số nơi đây.
Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, năm ngoái, các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ một con số kỷ lục là $14 tỉ. Nói chung, họ mướn hơn 70,000 người Mỹ làm việc, tăng từ con số không so với cách đây một thập niên.
Năng lực dồi dào, lương bổng ít cách biệt, giá năng lượng và thị trường tiền tệ ít thay đổi, là những động lực thu hút các công ty Trung Quốc từ bên kia Thái Bình Dương.
Các thị trưởng và kế hoạch gia kinh tế Hoa Kỳ xếp hàng chào mời các nhà đầu tư Trung Quốc.
Những tiểu bang miền Nam đặc biệt năng nổ nhất với lời mời, nào là lao động rẻ, giá đất bèo.
Tỉ phú Hồng Kông, Ronnie Chan hô hào: “Bước xuống máy bay đi, quí vị sẽ được thị trưởng chờ đón.”
Tại Moraine, Ohio, tổ hợp làm kiếng Trung Quốc Fuyao Glass Industry Group phục hồi một nhà máy mà hãng General Motors bỏ phế từ 2008 và tạo được ít nhất 800 việc làm.
Ở Lancaster County, South Carolina, nhà máy dệt Keer Group Trung Quốc đầu tư $218 triệu vào một nhà máy sợi kỹ nghệ, và sẽ mướn chừng 500 công nhân.
Tại Gregory, Texas, Tianjin Pipe đang đầu tư hơn $1 tỉ vào nhà máy chế tạo ống dẫn cho dàn khoan dầu và khí đốt. Công ty này dự trù bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm hay đầu năm tới. Ðến cuối 2017, công ty sẽ có từ 400 đến 500 thợ.
Trong ba thập niên qua, vô số nhà sản xuất Hoa Kỳ đã dọn sang hoạt động bên Trung Quốc. Quan hệ mậu dịch giữa hai nước chỉ có tính cách một chiều: Trung Quốc làm ra sản phẩm và Hoa Kỳ mua vào.
Thâm thủng mậu dịch của Mỹ hồi năm ngoái đụng mức kỷ lục $318 tỉ.
Dòng chảy này ít nhất đang bắt đầu xoay chiều.
Một lí do là trong thập niên qua, chi phí lao động đã tăng 187% tại các nhà máy ở Trung Quốc, so với chỉ 27% ở Mỹ, theo Boston Consulting Group.
Hơn nữa, chi phí về điện tăng 66%, hơn gấp đôi sự gia tăng ở Mỹ. Việc Hoa Kỳ bắt đầu khai thác hằng loạt shale gas, tức khí đốt rút từ đá phiến, khiến giữ yên được giá điện.
Ngoài ra, đồng tiền Trung Quốc tăng hơn 30% so với đồng dollar trong thập niên qua. Ðồng nguyên cao giá nâng cao giá hàng hóa Trung Quốc bán ở nước ngoài, trong khi hàng làm ở Mỹ dễ tiêu thụ hơn ở Trung Quốc.
Những sự gia tăng chi phí nói trên làm Trung Quốc mất đi ưu thế cạnh tranh.
Năm 2004, chi phí sản xuất ở Trung Quốc rẻ hơn so với ở Mỹ 14%; sự thuận lợi đó đã thu hẹp lại còn 5%.
Cứ với cái đà lương bổng, chi phí năng lượng và giá trị đồng tiền tiếp tục cao thêm, Boston Consulting tiên đoán trước năm 2018, ngành sản xuất ở Mỹ sẽ ít mắc mỏ hơn so với ở Trung Quốc.
Theo báo Viễn Đông