Quyết định của Hạ viện có nguy cơ làm giới đầu tư chuyển hàng loạt dịch vụ ra khỏi nước Nga - REUTERS /Sergei Karpukhin
Hôm qua, 04/07/2014, Hạ viện Nga đã thông qua luật buộc các doanh nghiệp internet nước ngoài phải đặt các dữ liệu của người sử dụng trên lãnh thổ Nga. Lo ngại trước quyết định này, giới đầu tư công nghệ có thể chuyển hàng loạt dịch vụ quan trọng ra khỏi nước Nga.
Theo luật mới, kể từ ngày 01/09/2016, các mạng xã hội, các dịch vụ thư điện tử và các công cụ tìm kiếm nước ngoài buộc phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng tại một máy chủ ở Nga. Theo ông Vadim Denguine, một trong các nghị sĩ đề xuất luật này, « đa số người Nga muốn các dữ liệu của họ ở trên đất Nga ».
Theo hiệp hội Nga về truyền thông điện tử RAEC, tập hợp các doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực này tại Nga, « Việc thông qua luật về lưu trữ các dữ kiện riêng tại một số nước khác đã khiến cho nhiều dịch vụ quan trọng phải ra đi và gây tổn thất kinh tế lớn ».
Luật nói trên cũng dự kiến cơ quan kiểm soát các phương tiện truyền thông của Nga, Roskomnadzor, có quyền giới hạn việc truy cập các thông tin vi phạm luật pháp nước Nga về lĩnh vực dữ liệu cá nhân. Luật gây tranh cãi này sẽ có có hiệu lực, sau khi được thông qua tại Thượng viện và được Tổng thống phê chuẩn.
Các dữ liệu cá nhân và cách thức sử dụng chúng là tâm điểm của các mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa chính quyền Nga và các tập đoàn internet.
Hồi tháng 4/2014, Nghị viện Nga đã bỏ phiếu thông qua một luật khác, có hiệu lực từ ngày 01/08, buộc các chủ blog nào có hơn 3.000 người truy cập tuân thủ các đòi hỏi pháp lý tương tự với các báo đài, vốn rất bị kiểm soát tại Nga.
Hôm qua, Hạ viện Nga cũng mở rộng phạm vi áp dụng của luật chống đánh cắp bản quyền, có hiệu lực từ tháng 8/2013, cho phép chặn mọi trang mạng sử dụng các phim hay video đánh cắp, chỉ cần người nắm quyền tác giả đưa ra yêu cầu, chứ không cần phải đợi đơn khiếu nại được thụ lý. Văn bản mới mở rộng phạm vi sang cả âm nhạc và sách.
Theo RFI