'Tình hình nhân quyền ở VN không cải thiện, thậm chí còn xấu đi' Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện Mỹ Ed Royce phát biểu tại buổi điều trần.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện mà thậm chí còn đang xấu đi. Đó là nhận định của các dân biểu Hoa Kỳ và các nhân chứng tham gia phiên điều trần tại trụ sở Quốc Hội hôm thứ tư về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện Mỹ Ed Royce trong bài phát biểu khai mạc buổi điều trần nói:
“Ở Việt Nam, chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng đang xấu đi khi chính phủ mạnh tay đàn áp những người chỉ trích chế độ. Chúng ta biết rằng chính phủ Việt Nam trấn áp gần như mọi ý kiến bất đồng thông qua sự đe dọa, bạo lực, thông qua các án tù rất dài hạn; những blogger trẻ tuổi này thường lĩnh án 7 năm tù nếu viết về các đề tài như tự do phát biểu chẳng hạn.”
Trong những năm gần đây số lượng các vụ xử và bắt giam các blogger, nhà báo và những người bất đồng quan điểm đã gia tăng. Theo ước tính của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, có khoảng 150 đến 200 tù nhân chính trị ở Việt Nam và 63 người trong số đó bị kết án trong năm 2013. Theo cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân Chủ-Nhân Quyền-Lao Động Lorne Craner, những cuộc đàn áp đó ban đầu được cho là có liên quan đến cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2011, nhưng chính phủ tiếp tục siết chặt những hạn chế đối với các quyền tự do ngôn luận và tôn giáo có lẽ là do sự lo sợ của họ sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập.
Theo Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, người mới được chính phủ Việt Nam thả sau hơn 3 năm bị giam giữ do “tuyên truyền chống nhà nước”, có khoảng 400 tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Ông Craner, Chủ tịch Viện Cộng Hòa Quốc Tế, là một trong 4 người làm chứng tại buổi điều trần.
“Việt Nam là quốc gia đàn áp chính trị nhiều nhất trong 3 nước mà chúng bàn thảo ngày hôm nay. Đó là quốc gia độc đảng và không dung thứ sự chống đối có tổ chức và hạn chế nghiêm nhặt các quyền tự do tôn giáo và tự do báo chí."
Tại buổi điều trần này, ủy ban thảo luận tình hình nhân quyền ở 3 nước, bao gồm cả Miến Điện và Campuchia, trong đó các vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam được các dân biểu quan tâm và bàn thảo nhiều nhất.
Ông Craner cũng nói để đối phó với Việt Nam về vấn đề nhân quyền, 'chúng ta cần xem họ như một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh'. Ông nói thành tích về nhân quyền ở Việt Nam là tệ nhất thế giới.
Theo chủ tịch Ed Royce, người triệu tập buổi điều trần, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có 18 cuộc họp trong khuôn khổ Đối thoại về Nhân quyền mà vẫn không đạt được tiến bộ nào.
“Tôi kêu gọi chính phủ Việt nam lập tức đình chỉ những vụ vi phạm nhân quyền. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị ở đó.”
Ủy viên Quận Cam Janet Nguyễn và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS, cũng cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang đi xuống và kêu gọi quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua các dự thảo luật nhân quyền về Việt Nam.
“Việt Nam đã không giảm sự đàn áp đối với người dân, bao gồm cả các nhà báo, những người bất đồng chính kiến, hoặc chỉ đơn giản là các nhà đấu tranh cho nhân quyền. Gần 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng quyền lực, sự hăm dọa và giam cầm để đàn áp và buộc người dân im tiếng.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, mặc dù gần đây có thả tự do trước thời hạn 1 số tù nhân lương tâm nhưng chính phủ Việt Nam lại bắt thêm gấp ba số người được thả. Việt Nam, do áp lực quốc tế, đã phải nhượng bộ trong một số trường hợp, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Nhân quyền là một trong những điều kiện của việc thông qua hiệp định.
“Tình hình nhân quyền của Việt Nam đi xuống thấy rõ. Những người biểu tình ôn hòa ủng hộ cho lập trường của nhà nước bảo vệ Biển Đông mà vẫn bị bắt bớ, đánh đập và có người bị tạm giam để truy tố…Các quyền về tự do ngôn luận không có; quyền về tụ tập biểu tình ôn hòa không có; và quyền lập hội thì hoàn toàn không.”
Bà Janet Nguyen kêu gọi việc ủng hộ thông qua H.R.4254, một dự luật do Dân biểu Royce đệ nạp, về chế tài các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Tại buổi điều trần, bà Janet Nguyen trình lên một danh sách chữ ký của các thành viên trong cộng đồng Quận Cam ủng hộ bản dự thảo, và danh sách các công dân Việt Nam được cho là đã vi phạm những quyền con người cơ bản đối với các công dân Việt khác. Bà cũng kêu gọi việc xem xét đưa “Danh sách những cá nhân lạm dụng nhân quyền” vào bản dự thảo và đưa những cá nhân đó vào danh sách bị trừng phạt.
Tiến sĩ Thắng cho rằng dự thảo này, nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam.
“Các quan chức Việt Nam có tài sản ở Hoa Kỳ có thể sẽ bị tịch thu và trục xuất, và sẽ không được đặt chân đến Hoa Kỳ dù là đi họp. Nó sẽ tác động tâm lý và chính danh của các giới chức đó trong con mắt của người dân. Và nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giới chức đó. Đối với người dân, giới chức đó là những tội phạm đã vi phạm trầm trọng luật pháp quốc tế về nhân quyền.”
H.R. 4254 là một trong 2 dự luật về nhân quyền ở Việt Nam đang được bàn thảo ở Hạ viện và Thượng viện.
Theo VOA