Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khai mạc Đối thoại Chiến lược Mỹ Trung, ngày 09/07/2014 tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại Giao Mỹ
Đối thoại Mỹ - Trung lần sáu về kinh tế và chiến lược vừa kết thúc. Về mặt hình thức, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đưa ra những dấu hiệu cởi mở trong quá trình diễn ra Đối thoại. Cả hai bên đều có những lời lẽ có vẻ hòa dịu như « đối đầu Mỹ - Trung sẽ là một thảm họa » theo như phía Bắc Kinh, hay như « thành công của mỗi phía cũng là lợi ích từng bên », Washington đánh giá.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, những lời lẽ xã giao đó cũng không che dấu được các căng thẳng đang gia tăng giữa đôi bên, nhất là về vấn đề an ninh mạng, cái gai chính trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Chủ đề này được hai nhật báo lớn Le Monde và Le Figaro hôm nay 11/07/2014 đề cập đến.
« Washington và Bắc Kinh cố che đậy các bất đồng », tựa trên Le Figaro. Trong cuộc đối thoại lần này, cả hai bên chỉ đạt được một điểm chung duy nhất là phát triển quan hệ song phương trên bình diện quân sự và hợp tác chống khủng bố. Còn các hồ sơ nhạy cảm như nhân quyền đã không đạt tiến bộ nào. Hai hồ sơ gai góc nhất gây căng thẳng cho đôi bên chính là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và gián điệp mạng.
Về điểm này, nhật báo Le Monde nhận thấy là đang có « Chiến tranh lạnh giữa Washington và Bắc Kinh trên hồ sơ gián điệp tin học ». Le Monde trích dẫn bình luận trên tờ Tân Hoa Xã, cho rằng mọi tiến bộ sẽ phụ thuộc vào « sự thành tâm » của Washington, « bởi vì điều đáng nực cười, chính Hoa Kỳ là quốc gia có mạng lưới nghe lén trên mạng lớn nhất hành tinh ».
Trong lúc chờ đợi, viện dẫn vì lý do an ninh quốc gia, Trung Quốc đã có những động thái phản công như cấm các cơ quan Nhà nước cài đặt phiên bản mới nhất của hệ điều hành Microsoft Window 8 trên toàn bộ các máy vi tính vào tháng 5/2014. Xem xét lại việc sử dụng máy vi tính IBM và cho thay thế dần bằng các máy vi tính do hãng Inspur trong nước sản xuất. Hay như kêu gọi các tập đoàn kinh tế Nhà nước không nên nhờ đến các hãng tư vấn của Hoa Kỳ.
Tuy vụ tiết lộ nghe lén của Snowden có làm cho doanh thu của nhiều tập đoàn mạng của Hoa Kỳ tại Trung Quốc sụt giảm, nhưng đối với ngành tin học, giới chuyên gia trong lãnh vực ngân hàng cho rằng Trung Quốc khó có thể tồn tại mà không không cần đến hệ điều hành của IBM, do những đòi hỏi khá cao về hiệu năng trong lãnh vực này. Một khả năng cho đến hiện nay ngành công nghệ thông tin Trung Quốc vẫn chưa thể đạt đến được.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, báo cáo của Ủy ban Đầu tư nước ngoài đưa ra hồi tháng 10/2012 lại cho rằng các nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông Trung Quốc như Hoa Vi hay ZTE « đang đe dọa an ninh quốc gia ». Trong bối cảnh đó, những năm gần đây Hoa Vi đã tập trung đầu tư vào Châu Âu, trong khi vẫn bị cấm cửa vào thị trường Mỹ.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 11/07/2014 lúc 07:40:12(UTC)
| Lý do: Chưa rõ