Facebook và sự đánh phá của dư luận viên Công cụ báo cáo lên facebook những tài khoản vi phạm. Screen capture
Trong thời gian gần đây, sự việc các dư luận viên trong nước sử dụng thủ thuật mới để tấn công các Facebooker, những nhà hoạt động dân chủ, và các blogger, trong chính sách bóp nghẹt tự do ngôn luận đang làm xôn xao cộng đồng mạng. Với con số lên đến hàng ngàn các dư luận viên đã ồ ạt báo cáo lên facebook những tài khoản họ muốn triệt tiêu. Và đây cũng là đề tài mà Chân Như muốn được cùng trao đổi với một số các khách mời, những người đã từng bị facebook khóa tài khoản chỉ vì họ bị các dư luận viên báo cáo.
Tìm kẽ hở bịt miệng nhà bất đồng chính kiến Chân Như: Xin gởi lời chào đến 4 bạn Phạm Thanh Nghiên, Lê Dũng Vova, Bạch Hồng Quyền và Gió Lang Thang.
Trước tiên xin các bạn cho biết là các tài khoản facebook của các bạn bắt đầu bị đánh phá từ khi nào, và cho đến thời điểm nào thì facebook của các bạn hoàn toàn bị mất?
Phạm Thanh Nghiên: Bình thường thì ngày nào tôi cũng vào các trang facebook, đọc tin cũng như truyền tải các tin tức, nhưng đến sáng ngày 15 tháng 7, tôi phát hiện ra facebook của tôi không thể đăng nhập được nữa, tôi đã làm các động tác như bên facebook họ yêu cầu và đến ngày hôm nay facebook cũ vẫn chưa làm được, và ngay buổi chiều ngày 15 tôi cũng đã lập một nick mới tuy nhiên chiều ngày 18 cũng đã bị đánh sập, tức là trong vòng 3 ngày mà 2 tài khoản facebook của tôi đã bị cướp mất, chính thức là tôi đã bị đẩy ra khỏi cộng đồng facebook.
Lê Dũng Vova: Trường hợp cá nhân của tôi trong ngày 17 tháng 7 vào tầm khoảng 2 giờ thì tài khoản của tôi trên facebook người ta bắt phải kê khai để kiểm tra. Tôi không thể rời facebook được khoảng trong một hai tiếng bởi vì nhu cầu xem tin rồi trao đổi với bạn bè trong cộng đồng, thế thì phải làm một tài khoản khác cũng vẫn với tên đó, bằng số điện thoại của mình, được đúng đến 6 giờ chiều ngày 18 lại bị mất và họ lại bắt kê khai lại, nhưng mà cũng không thấy họ trả lời lại. Tôi nghĩ là, đây là một cái mạng xã hội có vẻ như họ còn nhiều lỗ hổng về kỹ thuật; Chính thức là bao nhiêu công lao của mình, đưa bài, viết bài, đưa ảnh tư liệu, ảnh cá nhân, ảnh về cộng đồng của bạn bè, rất nhiều nội dung ở trên đấy trong vòng mấy năm nay thì tự nhiên mất hết. Bây giờ cứ giống như là người mất của rất là khó hiểu.
Bạch Hồng Quyền: Tài khoản facebook của em bị đánh sập vào khoảng 7 giờ tối ngày 14 tháng 7. Cách đó vài phút thì em vẫn đăng nhập và em nói chuyện với một người bạn rất bình thường, nhưng chỉ sau vài phút thì nó (facebook) bắt mình xác minh một số thông tin. Em thấy một điều rất thắc mắc là tại sao tài khoản facebook cá nhân của mình bị một lực lượng dư luận viên rất lớn đánh sập, mà bên facebook không có một khắc phục nào để cho các tài khoản cá nhân ấy được lấy lại nhanh chóng nhất? Đấy là cái lỗ hổng rất lớn của facebook.
Gió Lang Thang: Tình trạng này thì không chỉ 4 người mình đang nói chuyện đây mà hiện tại theo thống kê thì khoảng hơn 30 cá nhân, những người cổ súy cho quyền tự do ngôn luận, và đấu tranh cho nhân quyền. Mình nghĩ là facebook họ cũng cần phải xem xét lại vấn đề này.
Chân Như: Theo Chân Như biết, Việt Nam luôn cho rằng họ không hề vi phạm quyền Tự do internet người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình và như các bạn đã biết facebook là một công cụ được tạo ra để mọi người có thể bày tỏ quan điểm của mình, tuy nhiên giờ đây facebook lại được sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, vấn đề này nói lên điều gì?
Phạm Thanh Nghiên: Tôi có thể khẳng định rằng một kẻ nói dối thì bao giờ cũng phải cố bằng mọi cách để bao biện, thanh minh cũng như làm các việc khác để để che dấu cái sự dối trá, sự vi phạm của mình. Thực ra facebook được sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến thì tôi cho rằng nó chỉ đúng trong trường hợp mà áp dụng trong những nước có thể chế độc tài như Việt Nam mà thôi, tức là Việt Nam họ đang tìm những kẽ hở hay những cái chưa hoàn chỉnh của facebook để bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Điều này có thể khẳng định facebook là một môi trường rất thuận lợi và có tác dụng vô cùng to lớn, giả sử không có facebook thì số lượng người biết đến những công cuộc đấu tranh đòi dân chủ của chúng tôi trong phạm vi rất là hẹp. Tôi nghĩ việc làm của nhà cầm quyền là sợ cái sự loan tỏa từ những người làm việc như chúng tôi.
Lê Dũng Vova: Cá nhân thì tôi nhìn ra 2 vấn đề như thế này, thứ nhất về vấn đề thương mại, khi mà facebook họ làm một cái mạng xã hội để tạo ra một cái sân chơi, thế thì việc kinh doanh của họ rất là phát đạt. Không những facebook phát đạt mà các nhà cung cấp hạ tầng mạng họ cũng thu hoạch được rất nhiều tiền từ những người sử dụng. Lẽ ra họ đã bán cái dịch vụ và họ cung cấp thì họ phải phục vụ đúng các tiêu chí về thương mại, họ phải đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi về chất lượng sử dụng. Nhưng mà hiện giờ chúng tôi đang dùng hạ tầng mạng của Việt Nam, dùng facebook, thế thì cả hai đều cung cấp rất lởm khởm; mạng thì chập chờn lúc được lúc không, facebook thì kiểu như thế này, đấy là vì chúng tôi chưa có sự lựa chọn nào khác. Vấn đề thứ 2, tôi làm kỹ thuật tôi biết thừa là facebook họ đang để một cái lỗ hổng tạo lý do cho các lực lượng đánh phá. Tôi chắc là dư luận viên của chính quyền Việt Nam rồi, tại vì sao? Ngày xưa ông Triều, sếp an ninh của Việt Nam đã từng lên báo, lên TV tuyên bố là đã phải nuôi lực lượng dư luận viên để đánh sập hàng mấy trăm trang mạng. Chính quyền Việt Nam và luật Việt Nam không có cấm mạng xã hội, nếu cấm thì chặn hẳn và không cho các facebook và mạng xã hội hoạt động; Nhưng ngược lại họ lại dùng cách không chính danh để phá, rồi họ cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng rất kém. Chúng tôi là người dân mà phải dùng những dịch vụ bị o ép. Tôi thấy facebook họ kém, có thể đấy là một lỗ hổng kỹ thuật mà trong thời gian tới chúng tôi hy vọng họ sẽ khắc phục.
Chân Như: Theo các bạn thì việc nhà cầm quyền áp dụng giàn dư luận viên để gây khó khăn cho cư dân Facebook như thế phải chăng là họ đang lo sợ về sự lớn mạnh trên mạng của phong trào đòi dân chủ?
Phạm Thanh Nghiên: Vâng tất nhiên rồi họ rất lo lắng chứ, bởi vì facebook thì cũng mới có trong khoảng thời gian vài năm gần đây. Như các bạn đã biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng độ hơn 800 tờ báo, khoảng trên dưới khoảng 17 ngàn nhà báo được cấp thẻ, đa số họ đều phục vụ cho chế độ và thêm vào đó có số liệu vừa rồi cho thấy có khoảng trên dưới 84 ngàn lực lượng được gọi là dư luận viên để tô vẽ cho chế độ để nói dối, đánh bóng. Những số liệu tôi đưa ra đã một phần nào nói lên được bản chất cũng như sự thật của câu chuyện này.
Bạch Hồng Quyền: Theo quan điểm của em, facebook nó cũng chỉ phát triển cách đây vài năm, mà bây giờ chính quyền phải dùng đến một lực lượng lớn như thế để đánh sập. Thế nên từ những cái nhỏ như thế này họ sẽ dần dần đánh phá những cái lớn hơn, vì những phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam nhe nhói từ những con số vài người bây giờ lên đến con số vài trăm người, có thể đến vài nghìn người rồi. Cũng nhờ các trang mạng cá nhân hoặc những trang mạng cộng đồng để cho mọi người biết thì theo em nghĩ đây là cách đối phó của nhà cầm quyền. Tự do ngôn luận ở Việt Nam mình không còn nữa.
Gió Lang Thang: Cá nhân mình nghĩ việc họ (nhà cầm quyền VN) phải sử dụng một lượng rất lớn Dư luận viên để đánh phá trang Facebook cá nhân, thể hiện sự bất lực của họ; Vì khi một đất nước họ luôn tự hào là tự do dân chủ nhưng phải dùng chiêu trò rất bẩn thỉu, trẻ con như vậy để đối phó, thì mình nghĩ việc làm của họ rất là lố bịch.
Lê Dũng Vova: Theo tôi cái mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng thì nó gần giống với hệ thống báo chí tư nhân. Như các bạn đã biết ở Việt Nam chính quyền nhất quyết là chưa cho phép thành lập các tòa báo tư nhân, thế thì các mạng xã hội lại không hề bị kiểm duyệt. Chúng tôi coi đó là mảng báo tư nhân hỗ trợ cho số đông, những người cần tìm tòi tin tức, chia sẻ tin tức mặc dù chúng tôi không dám nhận mình là những nhà báo. Việc chặn phá, đánh phá facebook thì trong thời gian tới tôi nghĩ chính người làm ra mạng facebook này có thể khắc phục những cái lỗ hổng nếu không thì uy tín của họ và thứ hai chính họ sẽ phải gánh chịu những rắc rối không riêng gì chúng tôi.
Ngược xu thế nhân loại sẽ bị đào thải Chân Như: Mới đây đã có nhiều thỉnh nguyện thư kêu gọi facebook nên quan tâm và có biện pháp đối với hành động này. Theo Chân Như nghĩ thì đó cũng là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn hành động của các dư luận viên. Các bạn có ý tưởng nào hữu hiệu cho việc dập tắt các hành động report này?
Phạm Thanh Nghiên: Phải thừa nhận một điều là tôi không giỏi về công nghệ thông tin, cho nên khi mà tôi bị đánh sập hai tài khoản facebook thì tôi cũng đã làm các bước như họ yêu cầu. Một số bạn bè tôi sau vài ngày họ lấy lại được tài khoản, nhưng còn bản thân tôi đến giờ phút này thì tôi cũng đang rất là băn khoăn không hiểu tại sao tôi cũng chưa khắc phục được cái vấn đề này; Quả thật tôi rất là bối rối.
Lê Dũng Vova: Tôi có quan điểm như thế này, thật ra nhà sản xuất ra facebook chúng ta đều biết họ rất là thành công trong việc kinh doanh. Tôi nghĩ là họ không thể bỏ mất cái miếng bánh thị phần của họ càng ngày càng lớn. Tôi nghĩ là họ sẽ phải khắc phục giống như là những bản vá lỗi về kỹ thuật. Họ có thể sửa chữa được ngay; Cũng có thể họ chưa hiểu hết tình hình ở từng quốc gia; Có thể ở Mỹ họ thấy không có những người bất đồng chính kiến mà phải dùng đến mạng facebook rồi dùng tên ảo để mà khai thác thông tin và đưa ý kiến của mình lên; Có thể là ông chủ của facebook họ cũng đang nghĩ là ở Việt Nam cũng giống như ở Mỹ; Tôi hy vọng họ sẽ phải tìm hiểu thêm. Vấn đề thứ hai để chấm dứt việc đánh phá của dư luận viên thì tôi nghĩ là điều đó rất khó vì chúng ta đang phải chiến đấu với một trong những cái cối xoay gió, không có tư duy, và chúng ta không thể chiến thắng khi mà lỗ hổng về kỹ thuật quá lớn.
Bạch Hồng Quyền: Theo quan điểm của em, cho dù chúng ta có gởi thỉnh nguyện thư đến được tay người thành lập ra facebook cũng chưa thể giải quyết ngay được. Một số trường hợp như của em, của chị Phạm Thanh Nghiên, anh Dũng Vova hoặc Gió Lang Thang thì từ khi chúng em đã gởi những thông tin, trang facebook đòi hỏi chúng em xác nhận để lấy lại tài khoản thì vẫn chưa thấy một chút gì hồi âm mà cách đây ít nhất là 4- 5 ngày rồi. Cách tốt nhất để khắc phục thì chỉ có người sáng lập ra facebook, đóng cái lỗ hổng thì lực lượng dư luận viên, cho dù có lớn đến mấy thì cũng không có thể truy từng cái facebook để đánh sập được nữa.
Phạm Thanh Nghiên: Tôi cũng xin nói thêm một ý ngắn thế này, Việt Nam thay vì đi triệt tiêu đàn áp những tiếng nói đối kháng, và nuôi một đội quân rất là hùng hậu chỉ để rình mò đánh sập các trang facebook của những người đấu tranh nhân quyền dân chủ, thì tiền tài vật lực, nhân lực ấy hãy tập trung làm một cái điều gì đó hữu ích. Tôi nghĩ rằng nó không chỉ mang lại lợi ích cho đất nước mà ở một mức độ nào đó nó cũng sẽ tránh được những cái tai họa dành cho đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai, bởi vì tôi khẳng định cái xu thế dân chủ là xu thế mà con người đang hướng tới, nó là một cái xu thế tất yếu của nhân loại. Tôi nghĩ rằng bất cứ một việc làm nào đi ngược lại xu thế của nhân loại tất sẽ bị đào thải.
Lê Dũng Vova: Tôi thì tôi luôn nghĩ là, những cái đánh phá mạng xã hội nhằm bịt miệng hay là ngăn chặn tiếng nói chính kiến của cộng đồng mạng hay là của người dân. Điều đó là họ đang chèn bánh xe lịch sử. Việc đánh phá facebook hay là đánh phá mạng xã hội nói chung cái mục đích chính ai cũng biết đấy là hòng ngăn chặn những người truyền tải những thông tin từ Việt Nam lên cộng đồng mạng. Ở Việt Nam thực ra thì nó đang dần như là cái hố đen của cái bóng tối về văn minh về nhân quyền; Thế thì người dân họ nói ra chúng tôi đưa lên mạng xã hội để cho bạn bè rồi để cho mọi người cùng biết. Thực ra thì nhà cầm quyền họ không muốn, họ muốn một cái nhóm của họ thôi, chúng tôi cho rằng đó là cái bước cùng quẫn và họ không thể chặn được.
Chân Như: Xin cám ơn 4 bạn, Phạm Thanh Nghiên, Lê Dũng Vova, Bạch Hồng Quyền và Gió Lang thanh đã bỏ thời gian để đến với Diễn đàn bạn trẻ kỳ này, đề kết thúc cho diễn đàn tuần này, mời quý vị và các bạn cùng nghe phần chia sẻ của chị Angelina Trang Huỳnh, là người đang hoạt động sát với Facebook để giúp phục hồi lại tài khoản của các nhà dân chủ trong nước, và được chị cho biết những thành quả đã làm được.
“Hiện nay qua dịch vụ help desk trang no fire wall của chúng tôi, thì chúng tôi đã có khoảng hơn 20 nhà dân chủ đã liên lạc để giúp. Hiện giờ chỉ khoảng 1/3 đã được facebook họ phục hoạt trở lại; Những người còn lại thì chúng tôi hàng ngày chúng tôi follow up (theo dõi sát) và họ biết cái vấn đề này rất là cấp bách. Tuy nhiên facebook là công ty lớn thành ra đòi hỏi một chút thời gian; Tôi cũng mong rằng trong những ngày tới những người còn lại sẽ được giải quyết. Thông điệp mà chúng tôi muốn gởi đến đó là, chúng ta bị report bị mất khoảng 1 vài ngày1 tuần không lên facebook được thì điều đó rất là khó chịu, nhưng mà chúng ta bình tĩnh từ từ để chúng ta giải quyết”.
Theo RFA
VIDEO Sửa bởi người viết 24/07/2014 lúc 06:45:17(UTC)
| Lý do: Chưa rõ