logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 19/07/2014 lúc 06:38:21(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Ngày tôi rời Hà Nội 60 năm trước - Kỷ Niệm 60 Năm Di Cư

Hà Nội những ngày Tháng Tám, 1954 là khoảng thời gian mọi người đều bối rối, tất bật, và hoang mang với những gì sắp xảy đến. Còn tôi, người viết bài này, khi ấy còn là một chú bé mới lớn, đủ để biết được nhiều chuyện nhưng chưa thể cảm nhận và suy nghĩ về nhiều việc khác.
UserPostedImage
Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Tôi nhớ rằng hiệp định đình chiến ký kết ngày 20 Tháng Bảy ở Geneva không được đón mừng như sự khởi đầu của một giai đoạn hòa bình. Từ nhiều năm, tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” đã là chuyện bình thường không làm mấy ai quan tâm lo lắng. Hệ thống đồn bót do quân đội Liên Hiệp Pháp thành lập làm vòng đai bảo vệ vùng đồng bằng sông Hồng, có thông lệ bắn yểm trợ lẫn cho nhau bằng ít phát trọng pháo vu vơ ngay cả khi không bị tấn công, mà chỉ nhằm mục đích răn đe đối phương hay tạo sự an tâm cho đơn vị bạn.

Giữa đất nước chiến tranh, Hà Nội là một hậu phương hoàn toàn thanh bình. Thời kỳ ấy hiếm có những cuộc đột kích vào thành phố hay nổ bom khủng bố. Chiến tranh chỉ xuất hiện gián tiếp bằng những đơn vị quân đội trở về hậu cứ nghỉ ngơi sau một chiến dịch dài. Lúc đó cái làm cho người dân e ngại là những chú “Tây say,” lính Lê Dương uống rượu đi lang thang phá phách trên đường phố. Tuy nhiên chuyện ấy chỉ xảy ra ở một số khu vực gần các doanh trại và tình trạng gây rối loạn ít khi lên tới mức độ trầm trọng.

Ðối với đám học sinh nhỏ chúng tôi thì chiến tranh là những hình ảnh lạ mắt, có thể là hấp dẫn như phim chiếu bóng. Buổi nào có giờ nghỉ học tình cờ, chúng tôi thường kéo nhau ra chơi ngoài bờ sông và từ trên đê cao thỉnh thoảng nhìn thấy máy bay thả lính nhảy dù xuống bãi tập ở phía xa bên kia sông Hồng.
UserPostedImage
Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân. (Hình: Hà Tường Cát)


Trong mấy tháng đầu năm 1954, tôi theo dõi được trận Ðiện Biên Phủ qua những chiếc máy bay. Những máy bay vận tải DC-3 Dakota của quân đội Pháp, sau này gọi là C-47, lên xuống phi trường quân sự Bạch Mai đều đặn hàng ngày lượn vòng trên phía Nam thành phố và bay qua nhà tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi cũng quen để phân biệt được ngay cả các máy bay chiến đấu F6F Hellcat của hải quân và F8F Bearcat của Không Quân, thoạt nhìn rất giống nhau.

Bay cao hơn ngang qua không phận Hà Nội là những chiếc máy bay oanh tạc B-26 của Không Quân Pháp và sau đó một vài chiếc PB4Y-2 Privateer của Hải Quân Mỹ cất cánh từ phi trường Cát Bi, Hải Phòng.

Cũng là lần đầu tiên những chiếc “máy bay hai mình” Flying Box Car của Mỹ (C-119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa sau này) chở hàng thả dù xuống Ðiên Biên Phủ tiếp tế cho quân đội Pháp, thường xuyên bay ngang bầu trời Hà Nội mỗi ngày. Ngoài ra đám bạn học chúng tôi cũng thường rủ nhau đến bãi đất trống trước bệnh viện quân sự Ðồn Thủy để nhìn thấy tận mắt những chiếc trực thăng tải thương từ Ðiện Biên Phủ trở về khi cứ điểm này chưa bị siết chặt vòng vây.

Bằng sự tò mò ham thích về các loại máy bay như thế, việc di cư vào miền Nam bằng đường bay được coi như một cơ hội vô cùng thú vị, chứ ở tuổi thiếu niên tôi chưa thể hiểu hay có quan tâm thắc mắc gì về tương lai. Có điều tôi không khỏi có nhiều lưu luyến với những nơi chốn, với nếp sinh hoạt đã quen và một số bạn bè thân ở lại miền Bắc. Thứ tình cảm ấy là do tuy còn bé, tôi đã có nhiều kỷ niệm về Hà Nội hơn những người cùng lứa tuổi. Là con một trong gia đình nên ông bố tôi đi đâu cũng dắt theo, chỉ dẫn tỉ mỉ về thành phố Hà Nội và làng mạc phụ cận, từ Nghĩa Ðô trong các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến cho tới làng Vòng nổi tiếng về làm cốm, Trại hàng hoa Ngọc Hà hay làng Nhật Tân chuyên trồng cành đào bán ngày Tết...

Thời gian ấy nhiều người vẫn tin rằng di cư vào Nam chỉ là một cuộc ra đi tạm thời, hai năm sau có tổng tuyển cử sẽ có thể trở về bình thường. Nhưng bố tôi bảo rằng sẽ còn lâu lắm hay không bao giờ trở về nữa.
Tôi chẳng thắc mắc vì sao ông tin như vậy, và bây giờ chắc chắn hiểu rằng ông không thể nào mường tượng rằng tôi sẽ còn phiêu bạt xa hơn rất nhiều nữa.

Những ngày trước khi rời Hà Nội, tôi thường xách chiếc Kodak 6x9, kiểu máy chụp hình kéo ra như chiếc đàn phong cầm, đi chơi khắp thành phố để cố ghi lại những kỷ niệm. Ðó là những hình ảnh qua cặp mắt của một thiếu niên, nghĩa là rất trẻ con, không có trình độ diễn tả được những nét tiêu biểu trong sinh hoạt của một thành phố đang biến chuyển.
UserPostedImage
Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)


Thành phố đông đúc hơn do dân chúng từ các tỉnh đồng bằng đổ về tìm đường di cư, nhưng sinh hoạt ở những khu phố buôn bán thì sút giảm không còn vẻ rộn rã thường ngày. Nơi tập trung nhộn nhịp nhất là khu vực gần hồ Thiền Quang phía Nam thành phố, một khu nhà dân, không có những cửa hàng thương mại nhưng có hè phố rộng. Nơi đây trở thành Chợ Trời (dân Bắc gọi là Chợ Giời) có lẽ là đầu tiên ở Hà Nội.

Khác với chợ trời năm 1975 ở Sài Gòn, dân Hà Nội 1954 không có nhiều thứ đồ gia dụng nên hầu hết những món đem ra bán là đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ và cả bàn thờ.

Tôi rời bỏ miền Bắc ngày 30 Tháng Tám, 1954, 40 ngày sau Hiệp Ðịnh Geneve và hãy còn thời gian hai tháng để ai muốn ra đi hay ở lại được quyền tự do chọn lựa. Bố tôi nói là đừng nên đi trễ quá, có thể gặp khó khăn và không giải thích gì thêm. Hầu hết những gia đình định di cư vào Nam đều giữ kín ý định cho đến ngày ra đi. Trái lại gia đình tôi thì không làm được điều ấy. Trong khoảng một tháng trước ngày đi, nhà tôi trở thành chỗ tạm trú của nhiều người quen từ Nam Ðịnh, Ninh Bình, Phát Diệm lên Hà Nội tìm đường ra đi.

Ðến lúc ấy tôi mới dần dần hiểu ra rằng bố tôi là người có nhiều liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, chẳng biết là đảng viên hay thế nào, vì ông không bao giờ cho biết. Ông nói với con đủ mọi chuyện nhưng trước sau không bao giờ nói chuyện gì liên quan đến chính trị. Sau này khi tôi trưởng thành và ông đã già yếu cũng không khi nào ông tỏ ra thắc mắc với sinh hoạt của tôi và luôn luôn đồng ý về tất các việc gì tôi làm. Ðó là điều khiến tôi rất thân và quý mến ông bố mình.

Buổi tối trước ngày đi, gia đình tôi thuê một chiếc xe “ba gác,” kiểu như xe bò bánh gỗ nhưng do người kéo, chất đầy hành lý, đi đến nơi tập trung ở một trường tư thục nhỏ ngay giữa trung tâm thành phố. Tôi nhớ đã làm một việc dại dột là khi mọi người còn đang bận rộn thu dọn nơi tạm trú qua đêm thì lén ra ngoài và đi bộ chừng hơn một cây số trở về để nhìn lại căn nhà cũ.

Bà mẹ tôi chửi mắng nặng nề khi thấy tôi về sau khoảng một giờ vắng mặt đâu mất khiến mọi người đều sợ tôi “bị người ta bắt thì sao.” Như thường lệ, ông bố tôi bình thản can thiệp, nói rằng việc qua rồi không có gì lo lắng nữa. Nhưng nghĩ lại tôi mới cảm thấy hơi sợ, không phải vì cho rằng có ai muốn bắt mình, nhưng nhớ lại cảnh đường phố vắng lặng dù mới là chập tối, các nhà đều đóng cửa sớm, sinh hoạt khác hẳn bình thường trước kia.

Chúng tôi lên máy bay từ phi trường Gia Lâm và bay ngang thành phố thân thiết một lần chót cho tới gần 40 năm sau mới có lần thấy lại. Ðó là một máy bay vận tải C-46 hai động cơ cánh quạt chở được trên 50 người, nghĩa là gần gấp đôi loại C-47 quen biết hơn với mọi người. Thân máy bay ghi tên hiệu CAT (Civil Air Transport) có vẻ như một máy bay hàng không dân dụng, thật ra hầu hết sứ mạng của nó là những hoạt động bí mật. Ðây là kiểu máy bay gắn bó với chiến tranh Việt Nam sau này, thường không sơn chữ số và dấu hiệu gì trên thân, thi hành những phi vụ thả dù biệt kích, đồ tiếp liệu hoặc chuyên chở hàng hóa và nhân viên cho các cơ quan dân sự hay tình báo Hoa Kỳ.

UserPostedImage
Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)


Qua khung cửa sổ máy bay là hình ảnh của những nơi sẽ trở thành rất thân thuộc với tôi trong hơn 30 năm kế tiếp, từ bờ biển, sông ngòi, núi rừng Trường Sơn cho đến các chiếc tàu biển trên dòng sông uốn cong bên thành phố Sài Gòn có những nhà mái ngói đỏ.

Tuy nhiên khác nhạc sĩ Vũ Thành và nhiều người ở thế hệ ông chỉ có “Giấc Mơ Hồi Hương,” sau này tôi có thể trở lại nơi cũ dù trong những hoàn cảnh và điều kiện khác với mong ước. Ðiều tình cờ chua chát là tôi trở về gần quê cũ, 23 năm sau cũng đúng vào ngày 30 Tháng Tám, trên đoàn xe chở “tù cải tạo” xuất phát từ trại T-20 đi ngược quốc lộ 1 về hướng Bắc.

Lần thứ nhất tôi thực sự trở lại Hà Nội là năm 1989 khi làm việc trong văn phòng của một nhóm tư vấn đầu tư ở Sài Gòn, và được cử đi thương lượng cho một hãng Pháp có dự án mua lại các xe điện cũ ở Hà Nội để thay thế bằng xe bus. Năm ấy thành phố chưa thay đổi nhiều ngoại trừ một số cư xá mới xây cất cho cán bộ công nhân và những “chuồng cọp” trên các tầng lầu. Trong thời chiến tranh, dân Hà Nội ở những căn hộ do chính quyền phân phối cấp phát, tìm cách tăng diện tích bằng cách lấn ra ngoài các bao lơn được quây xung quanh bằng lưới sắt và họ đặt cho cái tên là “chuồng cọp.” Chưa phát triển theo đường lối kinh tế tư bản nên thành phố năm ấy còn sạch sẽ vì chẳng có nhiều hàng hóa tiêu dùng và rác.

Nhưng tới năm 2010 khi Hà Nội kỷ niệm “1000 năm Thăng Long” thì nhiều cảnh vật đã hoàn toàn khác. Ðường phố đầy người và xe cộ, nhất là xe máy hai bánh, hàng quán mọc lên vô trật tự khắp nơi và những nét cổ xưa chỉ còn rải rác len lỏi ở một đôi chỗ. Giống như Sài Gòn, Hà Nội có rất nhiều quán cà phê từ hạng sang trọng và đẹp cho đến những quán nằm trong các ngõ phố hay trên tầng lầu hiểm hóc. Ðó là nơi hấp dẫn du khách tò mò và người như tôi, muốn trao đổi tìm hiểu những khía cạnh sinh hoạt của người mới và người cũ.

Một buổi tối vào Cà Phê Giảng, tên quen thuộc của dân Hà Nội ngày xưa, bây giờ không còn là căn nhà nhỏ bé ở phố Cầu Gỗ mà là cửa hàng ba tầng lầu gần hồ Hoàn Kiếm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một nhóm sinh viên vừa mãn giờ học về. Họ không còn cắn hạt hướng dương bỏ rác đầy sàn mà phần lớn đều bận bịu với máy điện thoại di động trong tay. Tình cờ một cô bé nhận xét: “Bác nói tiếng Hà Nội chuẩn lắm.” Tôi bật cười hỏi lại theo em thế nào là chuẩn? Ðúng là có một thời gian người dân miền Nam, trong đó có tôi, cảm thấy thứ tiếng của dân “Bắc Kỳ 75” rất khó nghe. Nhưng rồi tôi thành thật giải thích với họ: “Chẳng có thứ tiếng Hà Nội nào là chuẩn. Thời vua Lý Thái Tổ 1000 năm xưa khác, thời Tây trước 1954 khác và sau này khác. Không có người Hà Nội truyền thống đâu, hầu hết họ là người từ những nơi khác đến thành phố làm việc ở mỗi thời kỳ của lịch sử. Như thế tôi coi giọng Hà Nội ngày nay không giống tôi mới là Hà Nội chuẩn.”

Tôi hiểu nhiều người sẽ không đồng ý với tôi về suy nghĩ ấy. Nhưng thời gian đem đến mọi thay đổi và muốn hay không muốn, phải chấp nhận thực tế là nói chuyện 60 năm cũ thì được, chứ người ta không thể trở lại với sinh hoạt của 60 năm hay 1000 năm trước


Hà Tường Cát

phai  
#2 Đã gửi : 19/07/2014 lúc 06:41:36(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Đi cùng Thánh Giá sang phía Tự Do - Kỷ Niệm 60 Năm Di Cư
Ngày 21 Tháng Bảy, 1954, nhật báo The Los Angeles Times đi tin lớn: “Armistice signed ending fighting in Indo-China, Vietnam to be split in 2 Zones” (Hiệp định đình chiến được ký kết, chấm dứt chiến tranh Ðông Dương, Việt Nam bị chia đôi).

UserPostedImage
Trang đầu nhật báo The Los Angeles Times số ra ngày 21 Tháng Bảy, 1954, với bản tin lớn nhất có tựa đề: “Armistice signed ending fighting in Indo-China, Vietnam to be split in 2 Zones.” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Nhật báo The New York Times cũng đi tin lớn: “Indochina armistice is signed; Vietnam split at 17th parallel; US finds it can “respect” pact” (Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được ký kết, Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, Hoa Kỳ tôn trọng thỏa thuận.)

Tại Pháp, đài phát thanh Hirondelle của quân đội Pháp vang lên lời loan báo: “Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được ký kết.” Tờ báo của quân đội Pháp cũng đăng nguyên câu ấy trên trang nhất bằng chữ lớn.

Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế nào việc này cũng sẽ đến.

Thôi, thế là không còn gì để phải băn khoăn về tình hình đất nước!

Giờ đây, điều khẩn cấp nhất mà nhiều người cần quyết định là ở lại đất Bắc hay đưa gia đình vào Nam. Và nếu đi, thì phải làm gì cho kịp thời hạn. Hà Nội có 80 ngày, Hải Dương có 100 ngày, còn Hải Phòng thì có 300 ngày cho mọi người di tản.

Người muốn di cư vào Nam thường là vì lý do chính trị, kinh tế, hay những kinh nghiệm đau thương từng có với Việt Minh - tức Cộng Sản. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.


Hãm hại người Công Giáo muốn ra đi


Giới tư sản lo gia tài của họ có nguy cơ bị tịch thu. Thành phần trí thức không thích Chủ Nghĩa Cộng Sản. Người theo đạo Công Giáo thấy rằng không thể tiếp tục sống nơi họ không được thờ phượng Chúa.

Cũng có người từng là nạn nhân trực tiếp, hay có người thân bị đấu tố, tài sản bị tước hết trong cuộc cải cách ruộng đất từ năm 1953. Cả những đồng bào Thượng ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, trước đây theo quân đội Pháp chống Việt Minh cũng tràn về Hà Nội để tìm đường vào Nam lánh nạn.

Ký giả Gertrude Samuels, trong bài “Passage to Freedom in Vietnam,” đăng trên ấn bản Tháng Sáu, 1955 của The National Geographic, viết về trường hợp của ông Ngô Văn Hội, một người mà ông mô tả là “còm cõi trong chiếc áo rách nát và quần cụt đen,” như sau: “Gia đình tôi có nhiều người bị giết, cả vì bom của Pháp lẫn vì bị Việt Minh sát hại. Chúng tôi còn bị cộng sản cấm đi nhà thờ.”

Và kết luận: “Ðó là lý do tại sao ông Hộ mang vợ và 7 con đến nhà thờ Hưng Yên, nơi ông cùng nhiều người khác trong cùng xứ đạo, bắt đầu cuộc hành trình hơn 1,600 cây số đi tìm tự do.”

Theo ghi chép của ông Ðức Khương, trong tài liệu “Người Công Giáo di cư, khúc quanh lịch sử,” Giáo Phận Thái Bình có 80,000 giáo dân cùng hơn 60 linh mục đi theo làn sóng di cư.

Trong khi đó, cũng trong tài liệu này, sổ tay của ông ÐÐK, một người Công Giáo Thái Bình, sau này định cư tại Hố Nai, ghi lại: “Sáng ngày 27 Tháng Bảy 1954, cha Chánh Xứ Ðaminh Ðỗ Ðức Thụ cùng toàn thể dân xứ hiệp dâng Thánh lễ cuối cùng tại nhà thờ nhà xứ Lai Ổn để xin ơn bình an cho cuộc lữ hành. Sau Thánh lễ, cha xứ bùi ngùi lên tiếng từ giã thầy xứ và những giáo dân ở lại, từ giã ngôi thánh đường thân yêu, giã từ quê hương yêu dấu là nơi tổ tiên đang an nghỉ, làm nhiều người mủi lòng và khóc nức nở.”

“Ðúng 13 giờ cùng ngày, cha xứ dẫn đoàn chiên lên đường, đoàn người lũ lượt theo nhau, tay xách, nách mang ra đi trong thinh lặng buồn bã. Họ bỏ lại sau lưng tất cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Hành trang quý nhất họ mang theo là một “niềm tin.” Thỉnh thoảng, người ta ngoảnh đầu lại ngắm nhìn làng xã thân yêu mỗi lúc một xa dần, rồi mất hút. Sau ba cây số, qua sông Luộc rồi họ nghỉ đêm tại Phụ Dực. Sáng ngày, một đoàn xe đến chở dân xứ sang An Thổ, nghỉ lại đây một đêm, cha xứ cho giết con ngựa quý của mình đãi giáo dân một bữa tiệc.”

“Ngày hôm sau, đoàn xe lại đến chở dân xứ ra Xuân Sơn (Kiến An), nghỉ lại đây 25 ngày tại giáo xứ Liễu Dinh để chờ đón những người trong xứ đi sau. Ở đây, tất cả mọi người đều được chích ngừa và chủng đậu. Ngày thứ 25, xe lại đến chuyển dân xứ ra Hải Phòng tá túc qua đêm. Sáng sớm hôm sau, dưới cơn mưa dầm, đoàn xe tiếp tục chuyển bánh ra bờ biển, sau đó mọi người được hướng dẫn xuống tàu ‘há mồm.’”

Ký giả Gertrude Samuels, theo sát cuộc di cư kéo dài gần một năm, cho biết, ở nhiều nơi, cả làng kéo nhau đi, và câu hỏi chung của ông với nhiều người “tại sao lại bỏ hết để đi vào Nam,” đã được đáp lại bằng những câu trả lời tương tự:

“Vì chúng tôi muốn sống tự do.”

“Vì chúng tôi sợ chủ nghĩa Cộng Sản!”

“Vì muốn con cái chúng tôi được tự do theo Ðạo.”

“Vì chúng tôi bị bắt phải bỏ Ðạo.”

Nhiều tài liệu, tuy đưa ra những con số khác nhau, đều cho rằng việc cấm Ðạo là nguyên nhân khiến phần lớn người Bắc di cư vào Nam là tín đồ Công Giáo.
UserPostedImage
Trang đầu nhật báo The New York Times số ra ngày 21 Tháng Bảy, 1954 nói về Hiệp Ðịnh Geneva: “Indochina armistice is signed; Vietnam split at 17th parallel; US finds it can “respect” pact.” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Bác Sĩ Tom Dooley, viết về thời gian phục vụ trên chiến hạm USS Montague trong công tác đưa người di cư vào Nam trong cuốn “Deliver Us From Evil” (Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ), xuất bản năm 1961, kể lại một chuyện đàn áp tôn giáo hãi hùng. Ông viết: “Một hôm người ta đưa đến trại tị nạn (ở Hải Phòng) bảy em trai bị thương ở hai tai, máu chảy lênh láng, và một người đàn ông miệng bê bết máu đã ngất xỉu, để xin cấp cứu.”

“Tôi đã dùng thuốc trụ sinh, và mọi phương tiện khó khăn lúc đó, để cứu sống những nạn nhân này, nhưng họ vẫn bị tàn tật suốt đời.”

“Một người được chứng kiến câu chuyện, sau đó kể cho chúng tôi biết là, hôm đó Việt Minh kéo vào làng, họ đến ngôi trường mà một thầy giáo bị tố cáo là đã lén lút tổ chức những lớp học giáo lý vào buổi tối.”

“Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói ra đằng sau.”

“Hai người công an đi đến từng đứa trẻ. Một người dùng hai tay nắm chặt lấy đầu đứa bé. Người kia lấy một chiếc đũa bằng tre chọc mạnh sâu vào cả hai đôi tai, máu các em chảy ròng ròng, và cả làng có thể nghe thấy tiếng kêu hét kinh hoàng của những nạn nhân khốn khổ.”

“Sau khi đã phải chứng kiến cảnh từng học trò của mình bị chọc hỏng tai, thầy giáo bị trừng phạt bằng một hình phạt nặng nề hơn. Một công an nắm chặt đầu ông, còn người kia banh miệng ông ra, dùng kéo cắt đi chiếc lưỡi đã dám rao giảng những giáo điều đi ngược với chính sách của đảng. Những em học trò này từ nay không thể nghe được lời rao giảng nào nữa, và thầy giáo bị câm thì không còn bao giờ nói được những điều bị cấm.”

Bác Sĩ Tom Dooley tâm sự: “Lúc đó tôi mới chỉ là một bác sĩ giải phẫu còn non tay nghề, nhưng đã phải đối phó với nhiều trường hợp mà sách vở nhà trường chưa bao giờ nói đến: chẳng hạn phải làm gì cho trẻ em đã bị chọc đũa vào lỗ tai, cho các bà cụ mà xương cổ vốn đã xốp còn bị đập giập vì báng súng, và cho một linh mục bị đóng đinh vào đầu, vì bị Việt Minh chế nhạo việc chúa Giê Su bị đội vòng gai trên đầu khi chịu chết trên Thánh Giá.”


Lập thành trì chống Cộng tại miền Nam


Có nhiều con số khác nhau liên quan đến số người Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam.

Theo bản tường trình 14 trang về tình hình người tị nạn ở Bắc Việt của Giám Mục Phạm Ngọc Chi (địa phận Bùi Chu), gửi Bộ Truyền Giáo Roma, tháng 10, 1955, thì trong tổng số 860,206 người di cư vào Nam, có 676,348 giáo dân.

Tác giả Jean Marvier trong cuốn “Les combattants de Dieu” cho rằng 100% người di cư là người Công Giáo.

Theo tác giả Piero Ghedo, trong cuốn “Catholiques et bouddhistes au VietNam,” xuất bản năm 1970, thì thống kê của Giám Ðốc Ủy Ban Tị Nạn Sài Gòn cho rằng có tổng số 928,152 người di cư, trong đó 794, 876 là người Công Giáo.

Tác giả Chester Cooper trong “The lost crusade, America in VietNam,” đưa ra con số 85% người Bắc di cư là người Công Giáo.

Hai tác giả J. Buttinger trong “VietNam, a dragon embattled,” và Bernard Fall trong “Les deux VietNam,” cùng đưa ra con số là 65% hay khoảng 650,000 trong 1 triệu người di cư là người Công Giáo.

Dù con số là bao nhiêu, 65%, 78% hay 85%, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người Công Giáo trong cuộc di cư của gần 1 triệu người Bắc vào Nam cách đây 60 năm.

Và khẳng định mạnh mẽ nhất vai trò then chốt này của người Công Giáo trong việc di cư, không ai khác hơn, lại chính là Việt Minh, thông qua thực tế là họ tìm đủ mọi cách ngăn cản người Công Giáo đồng loạt theo nhau vào Nam vào thời gian ấy.

Tập tài liệu lưu trữ tại Bộ Ngoại Giao Ba Lan, có tên “Tường trình về hoạt động của phái đoàn Công Giáo tại Việt Nam từ ngày 13 Tháng Tư đến ngày 30 Tháng Năm, 1955, Hà Nội,” mang chữ ký của Wojciech Ketrzynski, cho chúng ta thêm nhiều chứng cớ về tầm quan trọng của việc người Công Giáo di cư, đối với Việt Minh.

Tập tài liệu nói trên do Tiến Sĩ Trần Thị Liên, tiến sĩ sử học tại Pháp, dịch và phổ biến năm 2005. Ngay từ đầu, tài liệu đã hé lộ cho thấy ngay sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan đã được phía Việt Minh yêu cầu giúp giải quyết vấn đề người Công Giáo ồ ạt di cư vào Nam.

Là một thành viên phái đoàn Công Giáo Ba Lan được Việt Nam mời qua thăm vào mùa Xuân 1955, ông Wojciech Ketrzynski kết luận bản tường trình nói trên bằng câu: “Trong tổng thể các vấn đề chính trị của Việt Nam, yếu tố Công Giáo tuy không giữ vai trò quan yếu nhất, nhưng vì là nhóm tôn giáo có tổ chức, thuần nhất và lớn mạnh nhất, Công Giáo có một trọng lượng nhất định trong cán cân quyền lực chung.”

Trước cuộc di cư, dân số miền Bắc khoảng 12 triệu người, so với dân số khoảng 11 triệu người ở miền Nam. Con số 1 triệu người di cư vào Nam, với Việt Minh, vừa là một sự mất mặt, vừa là một đe dọa lớn.

Một mặt họ đàn áp người Công Giáo, vì chống đối họ, mặt khác lại tìm đủ mọi cách để đe dọa, ngăn cản, thậm chí hãm hại người Công Giáo tìm cách di cư vào Nam, vì không thể đứng yên nhìn cán cân quyền lực nghiêng về phía đối phương.

Người Công Giáo di cư còn đóng vai trò lớn vì họ không chỉ đi từng người, từng nhà, mà là đi từng làng một. Việc họ đi theo các vị linh mục, lãnh đạo tinh thần, và chăm lo cho cả đời sống xã hội của họ, là một điều hết sức tự nhiên. Thái độ tôn kính và vâng lời gần như tuyệt đối của con chiên với các cha, các giám mục của cộng đồng người Công Giáo miền Bắc cũng gây một ảnh hưởng lớn trong việc tái định cư và hòa nhập của người Bắc di cư vào xã hội miền Nam.

Nhiều thống kê cho thấy, ngoại trừ Hà Nội là một trong 2 điểm tập trung cho quá trình di cư, giáo phận nào có giám mục chọn ra đi thì số linh mục và giáo dân cũng ra đi đông đảo; ngược lại giáo phận nào mà giám mục chọn ở lại thì số ra đi cũng ít hơn.

Khi đã vào Nam rồi, người Công Giáo lại tiếp tục sống quây quần sinh hoạt với nhau trong những giáo xứ, giáo phận, tạo thành một cộng đồng có bản sắc riêng, và tạo nên những thành trì chống Cộng vững chắc cho miền Nam.
Theo báo Người Việt
phai  
#3 Đã gửi : 19/07/2014 lúc 06:44:33(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Câu chuyện Di cư vào miền Nam của tôi

Năm 1954, tôi vừa tốt nghiệp văn bằng Tú tài II qua kỳ thi vào tháng 6 tại Hà nội, thì được tin quân đội quốc gia đã rút khỏi miền quê tôi tại Huyện Xuân Trường Tỉnh Nam Định để ra Hải phòng bằng đường thủy. Và một số bà con ruột thịt của tôi cũng tìm cách kiếm được thuyền bè để mà đi theo đoàn quân tới được thành phố cảng này. Tôi lại có ông anh cả thuộc đơn vị quân đội trú đóng ở Quảng Yên sát với mỏ than Hòn Gai. Nên vào đầu tháng 7, tôi đã tìm cách đi từ Hà nội đến Hải phòng để tìm gặp bà con và đi thăm gia đình ông anh luôn thể.

Trước khi rời Hà nội, tôi phải đến nhà Thầy Nguyễn Ngọc Cư là Phó Trưởng Ban Giám Khảo kỳ thi Tú Tài, để xin Thầy cấp cho một Giấy Chứng Nhận Đã Thi Đậu Tú Tài, để nộp kèm theo hồ sơ ghi danh vào Đại học. Dù đã biết rõ tôi là học trò của Thầy tại trường Chu Văn An, mà đã thi đậu trong kỳ thi vừa qua, Thầy vẫn phải cẩn thận rà lại danh sách các thí sinh trúng tuyển, rồi mới cấp cho tôi một “Giấy Chúng Nhận Tạm Thời” để tùy nghi sử dụng. Thầy nói : Giấy Chứng Nhận Chính Thức phải do Nha Học Chánh thuộc Bộ Giáo Dục cấp phát, chứ Ban Giám Khảo chỉ có thể cấp Giấy Chứng Nhận Tạm Thời mà thôi. Biết tôi có ý định vào miền Nam, Thầy cầu chúc tôi lên đường gặp nhiều may mắn.

Ở vào tuổi 20 lúc đó, tôi nhìn cuộc đời với nhiều lạc quan tin tưởng, nên chẳng hề e ngại trước cuộc phiêu lưu phải rời xa quê hương đất Bắc, để mà đi tới miền Nam xa xôi cả mấy ngàn cây số. Một phần đó là do tính ưa thích đi đây đi đó xông pha mạo hiểm của tuổi trẻ – như cụ Nguyễn Công Trứ nói : “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây – Cho phỉ sức vãy vùng trong bốn bể”. Nhưng phần lớn chính là do động cơ thúc đảy bởi cái chuyện “phải tránh thoát khỏi cái nạn cộng sản độc tài nham hiểm “, mà đang sắp sửa bủa vây, bao trùm xuống khắp miền Bắc.

Tôi phải ở lại thành phố Hải phòng đến hơn một tháng, thì mới tìm được phương tiện chuyên chở vào đến Sài gòn hồi giữa tháng 8. Đó là nhờ một ông chú là cháu của bà nội tôi, tên là chú Nhân. Chú làm việc tại cơ quan hành chánh phụ trách về việc sắp xếp tàu bè đi vào Nam, nên đã xin cấp trên ưu tiên cấp phát giấy tờ di chuyển cho tôi và một bà cô là Cô Nguyệt để leo lên được chiếc tàu khá lớn của quân đội Pháp có tên là Gascogne. Con tàu này chuyên môn chở quân trang quân dụng cho quân đội, nên không có đủ tiện nghi như là tàu chở hành khách thông thường. Nhưng mà lúc đó, lớp người di cư tỵ nạn chúng tôi đâu còn có sự lựa chọn nào khác, miễn là đi thoát khỏi miền Bắc cộng sản là được may mắn lắm rồi. Số lượng hành khách trên tàu lúc đó có đến 7 – 800 người, phần đông là từ các tỉnh xa thuộc đồng bằng sông Hồng mà sớm ra được tới Hải phòng để kịp đi vào Nam trong mấy chuyến đầu tiên được tổ chức cấp tốc sau ngày ký kết Hiệp Định Geneva 20 Tháng Bảy 1954, chia đôi đất nước. Mãi mấy tháng sau, thì mới có loạt các tàu của Mỹ với các tiện nghi thoải mái hơn để chuyên chở số lượng rất đông đảo người di cư từ Bắc vào Nam.

Con tàu chạy trong chừng ba ngày, thì đến Cap Saint Jacques, tức là cảng Vũng Tàu bây giờ, để chuẩn bị vào cửa sông đi đến bến Nhà Rồng của thành phố Sài gòn. Sau khi tàu cập bến ít lâu, thì chúng tôi được xe chuyên chở đưa tới nơi tạm cư là trường Tiểu học Tôn Thọ Tường trên đường Trần Hưng Đạo bây giờ (mà hồi đó vẫn còn mang tên Pháp là Boulevard Galliéni) cũng gần với Chợ Bến Thành.

Lúc đó bên phía đối diện với ngôi trường, thì có một tòa nhà lớn đang được xây cất, mà sau này chính là rạp chiếu phim Đại Nam. Bà con di cư chúng tôi được các công nhân ở đây thật là hào phóng cấp cho một số gỗ ván gỡ ra từ giàn “cốt pha”(coffrage), để dùng làm củi đun cơm, nấu nước. Đó thật là một nghĩa cử đầu tiên của người dân Sài gòn đối với lớp người mới chân ướt chân ráo từ ngòai Bắc vào miền Nam – chuyện này khiến cho tôi cứ nhớ hoài.

Chúng tôi được mấy bà con đến được Sài gòn vài ba tuần lễ trước, nên họ tìm đến để chỉ dẫn đường đi nước bước tại cái thành phố rộng mênh mông này. Riêng tôi thì gặp lại một số bạn bè cũng từ Hà nội hay từ Nam Định mà đến đây trước như Võ Thế Hào, Trần Ngọc Vân, Nguyễn Phi Hùng . Các bạn cũng giúp tôi việc này chuyện nọ trong bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ.

I – Những kỷ niệm khó quên của Sinh viên Di cư.

Sau vài bữa, thì tôi làm xong thủ tục ghi danh ở Đại học Saigon và được nhận vào ở trong Trường Gia Long là nơi được dành riêng cho các sinh viên di cư. Tại đây, sinh viên chúng tôi được cư ngụ trong khu ký túc xá, nên có đày đủ tiện nghi về nơi ăn chốn ở, nhà vệ sinh, phòng tắm giặt thật là đàng hoàng tươm tất. Ban tiếp cư còn lo cho chúng tôi mỗi ngày ba bữa ăn đày đủ. Và mỗi tháng chúng tôi còn được cấp phát cho một số tiền nho nhỏ để chi tiêu lặt vặt.

Cũng tại nơi tạm cư này, có lần chúng tôi lại được tiếp đón cả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cùng phái đoàn chánh phủ đến thăm nom và úy lạo sinh viên nữa. Nói chung, thì sự chăm sóc của nhà nước đối với lớp người di cư đầu tiên trong mấy tháng cuối năm 1954 rõ ràng là đã được tổ chức hết sức chu đáo, gọn gàng. Đặc biệt là mấy trăm sinh viên từ Hanoi như tôi đã được hưởng một chế độ ưu đãi quá tốt đẹp, vượt xa ngoài sự mong ước của nhiều người trong hàng ngũ chúng tôi.

Nhưng rồi đến lúc các học sinh tựu trường, thì sinh viên chúng tôi phải di rời ra cư ngụ tại khu lều vải được dựng lên trên nền đất của Khám lớn Sài gòn cũ sát bên Tòa Án, để trả lại trường ốc cho nữ sinh Gia Long. Vào cuối năm, trời Saigon nắng nực nên vào ban trưa nhiều anh em chúng tôi phải tìm cách chạy đến các công sở lân cận, nơi có nhiều bóng cây che rợp cho bớt nóng. Và chúng tôi đã ăn cả hai cái Tết Tây và Tết Ta đầu năm 1955, tại khu lều vải tạm trú này.

II – Vài chuyện ngộ nghĩnh tại Khu Lều Khám Lớn.

Xin vắn tắt ghi lại vài chuyện vui vui ngộ nghĩnh trong dịp vui xuân năm Ất Mùi 1955 tại Khu Lều Khám Lớn như sau đây.

1 – Một nhà báo người Pháp của tờ “Le Parisien libéré” đến chụp hình và phỏng vấn sinh viên chúng tôi. Anh chụp ảnh lia lịa về cái cảnh anh Lưu Trung Khảo viết mấy câu đối Tết bằng chữ Hán. Từ đó mà sinh viên chúng tôi tặng cho anh Khảo cái biệt danh “Ông Đồ Khảo”.

Hồi đó sinh viên chúng tôi đều nói rành tiếng Pháp, nên đã trả lời các câu hỏi của anh nhà báo này một cách suôn sẻ thỏai mái. Tôi còn nhớ đã nói với anh ấy rằng : “Chúng tôi vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của sự tàn bạo của người cộng sản độc tài. Do đó mà phải bỏ lại quê hương ở miền Bắc để đi tìm được tự do tại miền Nam này. Cụ thể là riêng trong gia đình tôi, thì đã có hai người bị cộng sản sát hại. Đó là vào năm 1947 công an cộng sản đã giết ông cậu là em của mẹ tôi tên là Tống Văn Dung và đem quăng xác ông xuống con sông Trì Chính ở Phát Diệm .Và họ còn đến tận nhà bắt cả cha tôi là Đoàn Đức Hải từ năm 1948 mang đi biệt tích luôn…”

2 – Cũng vào dịp Tết Ất Mùi này, Đoàn Sinh viên Di cư chúng tôi còn thực hiện được một tờ Đặc san lấy tên là “Lửa Việt’ với chủ đề là “Xuân Chuyển Hướng” với các cây bút sau này rất nổi danh, đó là Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sĩ Tế, Dõan Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền v.v…

3 – Và riêng tại căn lều gồm 8 người của tôi, thì để mừng xuân anh bạn Bùi Đình Nam đã ra tay làm đầu bếp chiên cho chúng tôi một món bí tết thật đặc sắc. Chúng tôi lại còn được uống cả một chai rượu chát hiệu Beaujolais của Pháp nữa. Miếng ngon này làm cho bọn trẻ chúng tôi lúc đó mới ở vào cái tuổi đôi mươi, thì không bao giờ mà chúng tôi lại quên được.

Thật là những kỷ niệm khó quên của cái thời bọn thanh niên trai trẻ chúng tôi mới đến sinh sống nơi miền đất xa lạ Sài gòn này. Cuối cùng, thì vào khoảng sau Tết Âm lịch không lâu, chúng tôi được dọn đến khu Đại học xá Minh Mạng vừa mới xây cất xong. Sinh viên di cư chúng tôi là những người đầu tiên đến cư ngụ tại khu cư xá này với đày đủ tiện nghi phòng ốc, giường tủ, điện nước …Và cứ như vậy cuộc sống của chúng tôi lần hồi đi vào mức ổn định và hòa nhập được với nền nếp của cả thành phố thủ đô của miền Nam tự do, phồn thịnh và thanh bình.

III – Chuyện về các anh chị em trong gia đình của tôi.

Còn về phần riêng gia đình các anh chị em ruột thịt của tôi, thì kẻ trước người sau chúng tôi đều quy tụ lại được với nhau trên mảnh đất miền Nam an lành, và nâng đỡ bảo bọc nhau xây dựng lại cuộc sống mới. Lúc đó các anh chị lớn đều ra sức hợp với nhau mà chăm lo chu đáo cho mấy em còn nhỏ dại cỡ tuổi 10 – 16, vì cha mẹ chúng tôi đều đã khuất bóng từ trước rồi.

Và rồi đến lượt các cháu thuộc thế hệ thứ hai trong đại gia đình chúng tôi , thì các cháu đều đã thành đạt tại miền Nam này. Vì thế, khi các cháu khôn lớn, thì đều bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ vì đã hy sinh hết mình, để mà đem được các cháu vào miền Nam – và nhờ đó mà các cháu có được những cơ hội tốt đẹp để học tập và gặt hái được nhiều thành công trên đời. Điều này càng rõ rệt, vì sau năm 1975 chúng tôi được gặp lại bà con từ quê hương ngoài Bắc vào thăm, thì họ đều xác nhận là họ bị cán bộ cộng sản đàn áp, bóc lột, chèn ép kỳ thị tàn bạo đến độ túng đói khốn khổ điêu đứng vô cùng!

Năm 2014 này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Đặt Chân đến miền Nam Tự Do (1954 – 2014), tôi xin ghi lại một số kỷ niệm riêng tư của mình như là một chứng từ của một thanh niên là một thành viên của khối gần một triệu người di cư tỵ nạn cộng sản, mà đã phải bỏ lại tất cả tài sản nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả cha ông trên đất Bắc để đi xây dựng cuộc sống mới tại miền đất tự do, no ấm và an hòa ở phía Nam của tổ quốc Việt nam.

Và nhân dịp này, với tư cách là một người thụ ơn, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân các quốc gia đã góp phần yểm trợ cho công cuộc di chuyển và định cư vĩ đại của cả triệu đồng bào chúng tôi trong những ngày tháng đen tối đó. Và tôi cũng không quên công lao của các nhân viên Chánh phủ, của Quân đội miền Nam Việt nam, và của biết bao nhiêu cơ quan thiện nguyện khác mà đã lo lắng chăm sóc thật là chu đáo tận tình cho lớp người di cư chúng tôi vào thuở đó. Dù chỉ là một cá nhân nhỏ bé, lời nói của tôi lại hết sức trung thực, như là một biểu hiện của sự cảm thông sâu sắc và quý mến chân thành đối với tất cả các vị ân nhân đáng kính của cả một thế hệ người di cư từ miền Bắc Việt nam năm 1954 vậy.

Nhân tiện, tôi cũng thấy cần phải ghi lại nơi đây tấm lòng quảng đại nhân ái của nhân dân miền Nam – đã mở rộng vòng tay đón nhận và bao bọc che chở cho bà con ruột thịt là nạn nhân khốn khổ bất hạnh của nạn độc tài cộng sản, nên đã phải bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn ở ngòai Bắc để tìm tự do tại miền Nam. Ân nghĩa đó thật là cao cả rộng lớn như Trời Biển và đã góp phần củng cố thêm cho Sức mạnh tổng hợp của tòan thể Dân tộc chúng ta nữa.
Costa Mesa California 7/2014
Đoàn Thanh Liêm
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.257 giây.