Thẻ Chủ tịch cơ quan KGB thời Liên Xô của ông Yuri Andropov, có ghi ngày hết hạn 31/ 12/1980. @wikipedia
Nhiều phim chiếu trên đài truyền hình, một cuộc triển lãm mở cho đến tháng 08/2014, Matxcơva kỷ niệm một cách long trọng sinh nhật thứ 100 của cố lãnh đạo Liên bang Xô Viết, Yuri Andropov, người cũng như đương kim Tổng thống Nga, đã từng lãnh đạo cơ quan KGB.
Trong khi giới ly khai không thể quên chính sách đàn áp hung bạo thời Andropov, thì trong mắt của đương kim Tổng thống Nga Putin, ông Andropov là một ‘người có tài năng’. Ông Putin đã ca ngợi tài năng của nhân vật "lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước Andropov" trong bài diễn văn khai mạc triển lãm vào cuối tháng Sáu.
Phóng viên AFP đến xem triển lãm ghi nhận chỉ thấy những tài liệu chính thức, không một lời bình luận. Trên tường là những phát biểu của ông Andropov tố cáo "âm mưu lật đổ chế độ của tình báo nước ngoài". Một không khí tuyên truyền thời kỳ Xô Viết và chiến tranh lạnh như bao trùm lên người.
Cuộc triển lãm có mục tiêu ca ngợi và tưởng niệm Yuri Andropov, cho nên không nêu lên những gì làm hoen ố hình ảnh và vai trò của ông, như việc đàn áp các nhà ly khai, đưa vào bệnh viện tâm thần một số người, đầy ải sang vùng Siberi, giam đến chết trong các trại, như nhà thơ Yuri Galanskov - chết lúc mới 33 tuổi - hoặc Vladimir Chelkov, chết trong ngục tù năm 85 tuổi.
Tuy nhiên, trong những tài liệu trưng bày, có một số cho thấy, dù không cố tình, những điểm ‘đen’ của lãnh đạo Xô Viết, như bức thư gởi cho Bộ Chính trị vào năm 1951, trong đó ông Andropov, lúc đó là ủy viên Trung Ương đặc trách các nước Ban tíc mà Liên Xô vừa chiếm đóng, xin phép cho lưu đày các nông dân đã thoát được các cuộc truy bắt đầu tiên.
Một phần quan trọng của triển lãm dành cho vai trò của ông thời kỳ ông làm đại sứ Liên Xô ở Hungary, trong việc đàn áp cuộc nổi dậy ở Budapest năm 1956.
Một phần lý thú khác nữa trong mắt phóng viên AFP, là giai đoạn Andropov lãnh đạo KGB (1967-1982), dưới thời Leonid Brejnev. Những tài liệu mà chính tay ông ký liên quan đến nhà ly khai Yuri Orlov chẳng hạn, cho thấy KGB định trước như thế nào những bản án đối với giới ly khai.
Báo cáo của Andropov lên bộ chính trị cho thấy chi tiết các vụ theo dõi nhà văn Alexander Soljenitsyne, hay ông Andrei Sakharov, những người bị xem là ‘chống Liên Xô’.
Bên cạnh các tài liệu chính thức trên người ta còn thấy trưng bày một đĩa nhạc jazz của nhóm nhạc Mỹ, Texas Jazz Lab band, để cho thấy một nét khác của lãnh đạo ‘đầy tài năng’. Ông Andropov có tiếng là thích nhạc jazz và cũng thích whisky !
Theo phóng viên AFP, các phim chiếu trên truyền hình Nga cũng là để vinh danh ông Andropov : một nhà lãnh đạo gần như hoàn hảo, một nhà ngoại giao tài giỏi, một nhà thơ lúc rãnh rỗi, một người khiêm tốn có cuộc sống không xa hoa.
Nhưng trong mắt giới ly khai hiện nay, như đánh giá của sử gia Nikita Petrov, ông Andropov chỉ là một ‘kẻ vi phạm nhân quyền’.
Cuộc tưởng niệm chính thức ông Andropov hiện nay cũng nằm trong nổ lực phục hồi quá khứ Xô viết của ông Putin, từ khi ông vào điện Kremly vào năm 2000 và tăng tốc rõ rệt trong những năm gần đây.
Theo RFI