Mạng wefightcensorship có đăng bài viết của bloger Việt Nam Paulus Lê Sơn (DR)Các bloger, nhà báo, những người vẽ biếm họa thường bị kiểm duyệt giờ đây có được một công cụ để thoát nạn này : đó là website chống kiểm duyệt mang tên WeFightCensorship. Địa chỉ web này vừa được tổ chức Phóng viên Không Biên giới, trụ sở tại Pháp, tung ra vào hôm qua 27/11/2012.
Trong buổi giới thiệu website này, Tổng giám đốc Phóng viên Không Biên giới Christophe Deloire, đã giải thích rằng sáng kiến này được đề ra là vì « chế độ kiểm duyệt cũ kỹ, ngu xuẩn và tai ác vẫn còn tồn tại ». Ông nhắc lại là hiện nay trên thế giới có 155 nhà báo và 130 cư dân mạng đang ngồi tù.
Ông nhấn mạnh là « Tất cả mọi người đều có quyền phổ biến thông tin mà không bị giới hạn ranh giới. Mục tiêu của website là cung cấp cho tất cả những ai bị kiểm duyệt, một công cụ để phổ biến các nội dung họ muốn nói ».
Tổ chức cho biết là trước khi đưa lên mạng các nội dung bị kiểm duyệt, họ phải kiểm tra tính xác thực của nội dung, và nhất là xem xét những rủi ro đối với tác giả, họ phải được sư đồng ý của tác giả hay người thân.
Theo kiểu như WikiLeaks, trang web
https://www.wefightcensorship.org liệt kê bằng tiếng Anh và tiếng Pháp những bài viết, video, âm thanh hay hình ảnh mà những người bị kiểm duyệt, nhà báo hay cư dân mạng gởi đến.
Theo AFP, điều khác với WikiLeaks, là website của Phóng viên Không Biên giới là họ đưa lại trong bối cảnh của nó các nội dung được công bố trong ngôn ngữ gốc - tiếng Malaysia, Iran, Nhật, Azerbaidjan ..., và cho biết hiện tại người đó ở đâu.
Trong những tài liệu có thể tham khảo ngay hôm qua, 27/11/2012, có bài viết về cách điều hành tồi tệ ở Tchad, mà tác giả, nhà báo Jean - Claude Nékim đã bị kết án một năm tù treo vào tháng 9 vừa qua, hay bài phân tích về nhóm từ "tuyên truyền chống Nhà nước‘’ của bloger Việt Nam Paulus Lê Sơn, được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh trong lúc tác giả ngồi tù từ tháng 8/2011.
Bên cạnh đó có một video cho thấy cảnh cảnh sát đàn áp ở Belarus. Hai số đầu tiên và duy nhất của tạp chí độc lập "De Cuba", ra mắt vào giữa những năm 2002-2003 trước khi vị chủ nhiệm bị kết án 20 năm tù.
Source: RFI