Điều tra bắt đầu từ những vụ nghe lén của News of the World mà nay đã bị đóng cửaNhững hành động bị cho là 'quá trớn' và thậm chí 'bẩn thỉu' của báo chí Anh đã dẫn tới cuộc điều tra tốn năm triệu bảng Anh (150 tỷ đồng) của Thẩm phán Brian Leveson, vốn kéo dài suốt 16 tháng.
Sau khi chất vấn trực tiếp hay gián tiếp hàng trăm nhân chứng từ các nạn nhân của báo chí, các ông chủ và các tổng biên tập, thủ tướng đương quyền và cả các cựu thủ tướng, ông Leveson ra báo cáo có thể coi là tỉ mỉ nhất về báo chí Anh trong hàng chục năm qua.
Báo cáo 2000 trang (miễn phí trên mạng nhưng có thể đặt mua dạng sách với giá 250 bảng (gần tám triệu đồng) phê phán nghiêm khắc các hành vi 'vô đạo đức' diễn ra trong nhiều năm của báo chí Anh.
Thẩm phán nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do báo chí và dẫn lời của Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson nói: "Nơi nào mà báo chí tự do và mọi người đều biết đọc thì mọi thứ đều ổn."
Nhưng ông Leveson cũng nói báo chí không thể "tự chấm bài của chính mình" và khuyến cáo lập ra một ủy ban báo chí độc lập với cả giới báo chí và các chính trị gia để thay thế Ủy ban Xử lý Khiếu nại Báo chí hiện nay mà các thành viên chính là từ chính các tờ báo.
Ủy ban sẽ do chính giới báo chí lập ra nhưng không được phép bao gồm các tổng biên tập đương quyền cũng như không có các quan chức chính phủ hay dân biểu trong đó.
Ủy ban sẽ không có quyền can thiệp vào nội dung của các báo nhưng có quyền xử phạt tới một triệu bảng Anh những sai trái "nghiêm trọng và có hệ thống" của báo giới.
Vị Thẩm phán khuyến cáo chính phủ đưa ra những quy định để đảm bảo ủy ban như vậy thực sự độc lập và hoạt động có hiệu quả, bao gồm khả năng miễn chi phí pháp lý trong các vụ kiện phỉ báng cho các báo là thành viên của ủy ban và bắt các báo không tham gia ủy ban phải trả toàn bộ chi phí pháp lý cho cả tờ báo lẫn nạn nhân.
Phản ứngThủ tướng David Cameron ngay lập tức nói rằng ông không đồng ý với đề nghị ban hành luật để kiểm soát báo giới, vốn đã được cởi trói một phần vào năm 1695 khi họ không còn phải xin phép để ra báo.
Ông Cameron nói ông không muốn đi giật lùi 300 năm và muốn báo chí tự lập ra ủy ban độc lập để xử lý các tồn tại hiện nay, vốn đã dẫn tới chuyện nghe lén hộp thư thoại của từ các nạn nhân mất tích cho tới các thành viên gia đình Hoàng gia hay chuyện truy đuổi những người nổi tiếng mà vốn cũng đã góp phần gây ra cái chết của Công nương Diana nhiều năm về trước.
Lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg, người cũng là Phó Thủ tướng trong liên minh cầm quyền với Đảng Bảo thủ của ông Cameron, có quan điểm ngược lại.
Ông nói báo chí cần tự do để kiểm soát việc lạm dụng quyền lực của các chính trị gia và của xã hội nói chung nhưng báo chí cũng không được phép lạm dụng quyền lực của họ.
Một dân biểu của Đảng Bảo thủ nói với BBC lần cuối cùng có chuyện bất đồng tương tự trong chính phủ liên minh hồi năm 1932, chính phủ đã tan rã sau bốn ngày.
Hiện Đảng Dân chủ Tự do có cùng quan điểm với Đảng Lao động đối lập và họ sẽ áp đảo Đảng Bảo thủ trong một cuộc bỏ phiếu về kiểm soát báo chí, nếu chuyện bỏ phiếu diễn ra.
Nhưng Thủ tướng Cameron đã khẳng định ông sẽ phủ quyết cả Quốc hội để đảm bảo sự tự do cho báo chí.
Với tư cách là một thủ tướng đương quyền, quyết định của ông đã được báo chí khen ngợi và "người hùng" Cameron đã dẫn điểm đối với lãnh đạo hai đảng chính còn lại, ít nhất là đối với báo giới.
Nhưng liệu sự vận động hành lang của giới chủ báo có ảnh hưởng chút nào tới quyết định của ông Cameron không thì vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Cây gậy và củ cà rốtNhìn lại lịch sử 300 năm qua và xa hơn của báo chí Anh, người ta thấy sự quen thuộc của mô hình cây gậy đi trước và củ cà rốt đi sau của sự phát triển báo chí ở nhiều nước.
Trong nửa đầu của thế kỷ 17, Tòa hình của Vua Charles đệ Nhất vẫn còn cắt tai, rạch mũi và khắc chữ lên trán những người chỉ trích nhà vua và các bậc vương giả, theo hai tác giả và luật sư hàng đầu của Anh Geoffrey Robertson và Andrew Nicol.
Đây thực ra đã là bước tiến so với hơn 200 năm trước khi những người phạm thượng có thể bị cắt lưỡi hay chặt đầu.
Nhưng nước Anh được xem là có lịch sử đấu tranh vì tự do ngôn luận với các anh hùng luôn sẵn sàng thách thức chính quyền bất chấp cái giá phải trả và công chúng không ngại đứng bên cạnh những người dũng cảm.
Trong thế kỷ 18, dân biểu John Wilkes đã chỉ trích gay gắt Vua George đệ Tam vì bổ nhiệm bạn thân, người bị xem là không có năng lực, làm thủ tướng; cuối cùng Wilkes bị tống giam nhưng người dân đã ba lần bầu ông vào nghị viện cho dù ông đang ở tù.
Các nhà in ở Anh cũng sẵn sàng in cuốn The Rights of Man (Quyền Con người) của tác giả Anh Tom Paine bất chấp chuyện họ bị kết án lao động khổ sai.
Bản thân Tom Paine phải trốn sang Pháp rồi tới Hoa Kỳ, nơi ông giúp Thosmas Jefferson thảo ra Tuyên ngôn Độc lập mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong bản tuyên ngôn của chính Việt Nam.
Một trong các mốc quan trọng cho tự do ngôn luận ở Anh là việc hủy thuế báo chí, vốn bị gọi là "thuế kiến thức" và đã tăng hơn 260% trong giai đoạn 1789 - 1815, theo hai giáo sư chuyên về truyền thông có tiếng James Curran và Jean Seaton.
Trong thế kỷ 19, chính quyền Anh trong hàng chục năm đã nghĩ ra nhiều loại thuế và đặt cọc để giá báo cao tới mức người dân lao động không đủ tiền mua.
Báo Anh bị chỉ trích là có những tập tục vô đạo đức và xâm phạm không gian riêng tư của người dân và cả chính trị giaHọ cũng dùng luật chống phỉ báng chế độ để xét xử hàng ngàn người.
Hai giáo sư Curran và Seaton cũng nói một số chuyên gia cho rằng bên cạnh sự xuống thang của chính quyền, doanh thu quảng cáo trong thế kỷ 20 có thể coi là "bà đỡ" cho nền báo chí tự do ở Anh và giúp các báo có được sự độc lập về tài chính để bớt phụ thuộc vào tài trợ từ các chính đảng.
Tự quản thế nào?Nhưng ngay cả tới những năm 1980, chính sách của Anh với báo chí vẫn hà khắc tới mức hai tác giả Robertson và Nicol, cũng là hai luật sư hàng đầu ở Anh, định đặt tên cho ấn bản đầu tiên của cuốn Luật Truyền thông ra năm 1984 là 'Bàn chải đánh răng của nhà báo'.
Họ nói việc bảo vệ các nhà báo trong giai đoạn đó vẫn còn khó và các nhà báo thường được khuyên là nên mang bàn chải đánh răng khi bị gọi lên tòa đề phòng trường hợp họ bị giam qua đêm hay thậm chí vài tháng.
Sang thế kỷ 21, báo chí bị cho là có quá nhiều quyền lực trong khi vô trách nhiệm.
Nhưng hai luật sư Robertson và Nicol định nghĩa tự do báo chí là những gì còn lại sau khi luật pháp đã lên tiếng.
Nhiều nhà bình luận cho rằng Anh đã có đủ luật, trong đó có luật hình sự, luật phỉ báng, luật về quyền riêng tư và luật bảo vệ dữ liệu, và họ cho rằng không nên có bất cứ quy định nào thêm cho báo chí.
Vào thời điểm hiện tại, Thủ tướng Cameron có cùng quan điểm và nói rằng ông không muốn có những bước đi đầu tiên để quay lại quá khứ với việc các báo phải xin phép xuất bản và bị chính quyền chèn ép bằng đủ loại thuế cũng như các loại kiện tụng.
Nhưng báo chí sẽ tự quản như thế nào thì vẫn là câu hỏi để ngỏ, ít nhất là trong vài tháng tới đây.
Và cũng không ai có thể loại trừ hoàn toàn khả năng trong tương lai Anh sẽ có những quy định buộc báo chí phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ.
Source: BBC