logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 04/12/2012 lúc 12:05:30(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Vài lời phi lộ: Về Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), thủ lĩnh tinh thần và trong thực tế của phong trào Nhân văn Giai phẩm, hào kiệt bậc nhất của xứ Bắc – con người mà khi mất, anh Phạm Xuân Nguyên đã ghi sổ tang: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử – Nền dân chủ tự do của nước Việt sẽ có ghi tên Ông” – có khá ít tư liệu, cho dù ông là một trong số ít những nhà hoạt động văn hóa, chính trị lỗi lạc hàng đầu của Việt Nam có cuộc đời gần trọn một thế kỷ.

Một trong những tư liệu hiếm hoi về Nguyễn Hữu Đang là bài viết sau đây của Hoàng Khoa Khôi (1915-2009), một Việt kiều tại Pháp, sang Pháp làm thông dịch viên cho các nhóm lính thợ ONS (Ouvriers Non Spécialisés – công nhân không chuyên nghiệp) từ năm 1939. Sau đó, ông là người đứng đầu nhóm Đệ tứ Việt Nam tại Pháp, trước sau như một tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam và cho một lý tưởng Marxist chân chính mà họ coi là đã bị Stalin và các hậu duệ xuyên tạc, làm cho méo mó, biến thái.

Năm mươi lăm năm sau ngày xa xứ, Hoàng Khoa Khôi đã có dịp về “chui” thăm quê hương, lần đầu và cũng là cần cuối. Trong chuyến đi ấy, ông đã gặp gỡ được nhiều văn nghệ sĩ có tư tưởng độc lập, mà dù chưa gặp nhưng ông đã tâm đắc và ngầm hỗ trợ trong nhiều năm, trong đó có Nguyễn Hữu Đang. Những hồi tưởng, ghi chép của Hoàng Khoa Khôi để lại sau chuyến về Việt Nam đã là những tư liệu hết sức quý báu đối với người quan tâm và nghiên cứu lịch sử nước ta hậu bán thế kỷ 20.

Đăng tải “Người làm báo “Nhân Văn” (*), bài viết của Hoàng Khoa Khôi, vừa để tưởng nhớ 5 năm ngày mất của Nguyễn Hữu Đang, vừa như nhánh gương thắp muộn cho bác Khôi, người anh lớn, người thầy của nhiều anh em cầm bút Đông Âu. Một con người “trung thực hiếm hoi (…) kiên định, nhưng cởi mở, hiếu khách và tử tế với mọi người bất kể từ chân trời chính trị nào ghé tới nhà chàng”, “đã sống và chết như một người cộng sản có niềm tin, tri thức và đạo đức, biết tôn trọng người suy nghĩ khác mình” (Phan Huy Đường).

Riêng với mình, những bài viết của bác Khôi là hình mẫu, là bài học vỡ lòng và chuẩn mực cho thể loại văn chính luận: hết sức khoa học và nghiêm túc, lập luận logic và gãy gọn, sáng sủa và cô đọng, lưu loát, ý tưởng nhiều khi mang tính tiên tri. Không phải ngẫu nhiên mà xuất phát từ một người tự học qua sách vở, bác đã thấu hiểu cặn kẽ các học thuyết chính trị phức tạp, đã tự tin và chiếm “thượng phong” trong những cuộc tranh luận tay đôi gay gắt nhưng cũng rất mã thượng tại Paris với các “đại trí thức” Trần Đức Thảo và Nguyễn Khắc Viện thời thập niên 40 thế kỷ trước.

“Hoàng Khoa Khôi vĩnh viễn ra đi, để lại một khoảng trống lớn trong lòng mùa xuân Paris, trong lòng bạn bè trong và ngoài nước” như một con người “tận tuỵ với bạn bè, không phân biệt phe phái, tuổi tác”, “đặc biệt yêu quý người đồng hương mà anh tận tình giúp đỡ” (đánh giá của anh Đặng Tiến). Thế hệ bác Khôi và các đồng chí ở Pháp (Đặng Văn Long, Nguyễn Khánh Hội, Nguyễn Văn Liên…) có lẽ là những người Mohican cuối cùng còn giữ được ý nghĩa trong sáng ban đầu của hai từ “cách mạng”…

(*) Bài viết được biên tập và hiệu đính theo bản do Hoàng Khoa Khôi cung cấp.
Thời gian trôi thật nhanh, thờ ơ với mong muốn của tôi là muốn sống với thành phố và con người Hà Nội lâu hơn nữa. Đã sắp đến lúc tôi phải lên đường vào TP. HCM, để từ đó đáp máy bay trở về châu Âu xa xôi. Biết mình bất lực trước thời gian, nên tôi vội vã như chạy đua với nó.

Vào buổi sáng sau hôm tôi gặp anh Lê Đạt, một anh bạn quen đã thuê “trọn gói” (tức là thuê cả chuyến vừa đi, vừa về) một chiếc tắc xi cho tôi để tôi đi gặp anh Nguyễn Hữu Đang, người cách đây gần bốn mươi năm đã bị bắt giam và bị kết án tù trong vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”. Vì có việc riêng, hôm đó anh bạn cùng về Việt Nam với tôi từ châu Âu không đi cùng tôi. Chúng tôi tạm chia tay nhau, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, hẹn chiều tối gặp lại nhau ở khách sạn.

Sáng nay tôi không nghe thấy tiếng rao bán hàng như thường lệ với chữ “đây” buông dài ở cuối câu, nghe như chữ “đơi”. Thoáng bâng khuâng, tôi bỗng phát hiện một điều, thì ra tôi nặng tình với Hà Nội hơn tôi tưởng. Có ai đó đã bảo tôi rằng, nếu anh đã từng là người sống ở Hà Nội lâu năm, thì chỉ cần trở lại Hà Nội mấy hôm thôi và chịu khó “lê la” các hang cùng ngõ hẻm của mảnh đất 36 phố phường này một chút, anh sẽ cảm thấy anh hội nhập ngay với nhịp sống và con người Hà Nội. Cái cảm giác “kiều” trong anh sẽ thực sự biến mất. Ngẫm nghĩ, tôi thấy điều anh nói cũng đúng. Tôi không phải là một nhà tâm lý học hay di truyền học, nhưng tôi ngờ rằng con người có khả năng lưu giữ một cách bản năng những thông tin thuộc về cội nguồn, về đất nước – nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Tất nhiên, đây là thông tin về tâm lý và sinh học mà người ta quen gọi nôm na là “dấu ấn.” Nếu nói theo cách nói của các nhà nghiên cứu di truyền thì nhiễm sắc thể ADN trong dòng máu Việt của tôi vẫn chưa bị “phân chia” sau mấy mươi năm xa Tổ quốc.

Anh lái xe tắc xi nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy tôi từ cửa khách sạn ra. Hai chúng tôi chào nhau, rồi cùng bước lên xe. Anh nổ máy, nhấn chân ga. Chiếc xe lăn bánh, rời vệ đường. Sau khi quành ngang, rẽ dọc qua các đường phố, chiếc xe bám theo con đường dẫn ra ngoại thành. Nhà cửa hai bên đường thưa thớt dần, nhường chỗ cho những rặng cây xanh thẫm, um tùm. Tôi mải mê và tò mò ngắm nhìn quang cảnh ở bên ngoài đang chạy nhanh qua ô cửa xe. Ngoại thành Hà Nội, dĩ nhiên, đã thay đổi quá nhiều so với hồi tôi còn ở nhà. Bây giờ ở đó nhộn nhịp hơn, màu sắc hơn vì được điểm xuyến bằng những ngôi nhà xanh xanh, hồng hồng mới được xây cất và không dễ phân định kiến trúc của chúng thuộc trường phái nào mà tôi đã từng biết. Vùng đất nửa quê, nửa tỉnh này đã có dây điện giăng ngang ngọn cây, có tiếng nhạc “Pop – Top trong năm” ngồn ngộn âm thanh của bộ gõ và hối hả những giai điệu, xập xình phóng ra từ các dàn loa xịn, xen với tiếng gà cục tác, tiếng chó sủa chốc chốc vang lên.

Lẫn với mùi ẩm của đất, mùi hoa lá xung quanh, tôi còn ngửi thấy thoang thoảng mùi khen khét của khí thải từ các ống “bô” sáng loáng của những chiếc xe máy Dream, hoặc Cub, với tiếng động cơ ròn tan, râm ran đây đó. Thấp thoáng sau những rặng cây ô-rô cao ngang tầm mắt là những mái nhà lợp giấy dầu đã bợt thếch, đôi chỗ có cả mái rạ, mái cọ lẫn với mái ngói đỏ au, mái bằng sáng vôi mới. Không biết có phải vì chưa quen mắt không, chứ tôi chưa thể phân biệt được người ngoại thành với người nội thành, nhất là các cô gái trạc đôi mươi. Các cô thôn nữ cũng “mắt xanh, môi đỏ”, da không mấy vương hạt nắng, cũng uyển chuyển thướt tha như ai. Có thể tôi chưa gặp những con người lam lũ hơn, vì quang cảnh vùng ngoại thành chỉ vụt đến, rồi vụt đi theo tốc độ xe chạy.

Vì mải nghĩ, nên một lát sau tôi mới nhận ra anh lái thật ít lời. Suốt dọc đường, anh chỉ nói với tôi những câu thật cần thiết. Có thể anh cũng đang mê mải với những ý nghĩ của riêng anh?

Anh lái giảm tốc độ, đánh tay lái đưa xe vào một con đường hẻm. Mặt đường không trải nhựa, hai bên không có vỉa hè, mà là những mô đất nhỏ, vương vãi những viên gạch vỡ lẫn trong những đám cỏ gà cằn cỗi, mọc lan tới tận chân tường của những ngôi nhà. Sau hai lần rẽ, chiếc xe dừng lại bên đường, trước một ngôi nhà gác. Tôi vừa đặt một chân xuống đường, thì một anh thanh niên chừng ngoài ba mươi tuổi bước tới chào tôi và hỏi: “Bác tới thăm chú Đang phải không ạ?”. Tôi gật đầu đáp: “Vâng!”. Nghe tôi nói vậy, anh vội mở hẳn cửa xe, nắm lấy tay tôi và dắt tôi đi nhanh vào một ngôi nhà bên cạnh. Tôi chưa kịp nhận ra bên trong ngôi nhà đó ra sao, thì anh đã dắt tôi lên cầu thang dẫn lên tầng trên. Lên tới nơi, tôi gặp ngay anh Nguyễn Hữu Đang đang ngồi đợi tôi. Anh đứng dậy, mỉm cười nắm tay tôi, rồi thân mật mời tôi ngồi. Tôi tự giới thiệu tôi với anh. Anh khẽ gật đầu và nói, anh đã được biết về tôi. Cách đây mấy chục năm, ở nước ngoài tôi đã nghe, đã đọc thấy tên tuổi của anh gắn chặt với vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” rồi. Nay, tôi mới có dịp gặp anh, pho sách sống về những tháng ngày đầy biến cố đó.

Theo bản “Sơ yếu lý lịch” của Nguyễn Hữu Đang, anh sinh ngày 15 tháng 8 năm 1913, vậy là năm nay anh đã 82 tuổi. Tuy gầy gò, vóc người nhỏ bé và gương mặt hằn sâu nhiều nét khắc khổ, nhưng nhìn anh, tôi không nghĩ anh đã nhiều tuổi như thế. Tóc anh bạc nhiều, nhưng cũng lạ, mái tóc cứng đó vẫn còn khá nhiều sợi đen. Nhìn anh, tôi thoáng nhớ đến ông anh cả đã quá cố của tôi. Chỉ khác là cuộc đời Nguyễn Hữu Đang đượm nhiều thăng trầm quá.

Tiết trời hơi lạnh, nên ở trong nhà anh Đang vẫn mặc hai áo. Hai tấm áo sơ-mi được mặc lồng với nhau, trông như khoác vội. Chiếc áo bên ngoài màu sáng, không cài khuy ngực và khuy măng-séc, có vẻ mới hơn nhiều so với chiếc bên trong màu nâu. Chiếc quần màu xanh cổ vịt anh mặc cũng khá mới, khiến tôi nghĩ có lẽ bộ quần áo mới đó là bộ “đại lễ” anh dùng để tiếp khách. Trông anh bảnh hơn nhiều so với Nguyễn Hữu Đang “đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng…” mà Phùng Quán đã mô tả cách đây ba năm (1). Nhìn một người có dáng dấp một ông cụ chất phác từ nông thôn ra tỉnh như anh, khó có thể nghĩ rằng anh là người đã được ông Hồ Chí Minh, lúc đó Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, giao cho nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập mồng 2 tháng 9 năm 1945.

Sau này, báo chí, đài phát thanh và truyền hình thường lặp đi lặp lại quang cảnh buổi lễ trọng đại đó với hình ảnh ông Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bằng chất giọng pha tiếng Nghệ An. Nhưng ít ai biết rằng, tác giả bản vẽ thiết kế lễ đài đó là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh và nó đã được anh Nguyễn Hữu Đang thay mặt Ban tổ chức Ngày Độc lập ký duyệt, rồi giao cho anh Quỳnh và họa sĩ Lê Văn Đệ thực hiện. Trong vòng có hai ngày, lễ đài đã được hoàn thành (2).

Với giọng chậm rãi, rành rọt, anh kể với tôi về cuộc đời đầy lao lung, nhưng cũng đầy hào hùng của anh. Nghe anh nói, những gì tôi đã biết về anh lại hiện lên trong óc tôi. Năm 1929, Nguyễn Hữu Đang đã tham gia Học sinh hội, một tổ chức thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và sau này trở thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì thế, năm 1930, anh đã bị Tổng đốc Vi Văn Định, vị quan khét tiếng của chính quyền thực dân, bắt giam hai tháng rưỡi trong nhà giam thị xã Thái Bình. Năm 1931, anh và nhiều người yêu nước khác đã bị chế độ thực dân xét xử. Nhưng vì chưa đến tuổi thành niên (trên giấy tờ anh đã khai rút tuổi xuống để vào học trường Pháp – Việt), nên anh chỉ bị quản thúc tại quê. Trong những năm 1932 – 1936, anh học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, làm biên tập viên của các báo “Thời Báo”, “Ngày Mới” và báo “Tin Tức”, “Đời Nay” của Đảng Cộng sản Đông Dương cùng với các ông Đặng Xuân Khu (tức ông Trường Chinh), Trần Huy Liệu, v.v…

Trong những năm 1938 – 1945, Nguyễn Hữu Đang đã tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng các ông Võ Nguyên Giáp, Đặng Thái Mai. Cuối năm 1945, anh là thứ trưởng Bộ Thanh niên. Ngoài ra, anh còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác của phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Tuy đã tham gia vào nhiều hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng mãi đến năm 1947 Nguyễn Hữu Đang mới được “truy nhận” là đảng viên chính thức từ năm 1943. Việc truy nhận này do hai ông Nguyễn Khánh Toàn và Xuân Thủy tiến hành theo sự ủy nhiệm của ông Trường Chinh, lúc đó là Tổng bí thư của đảng. Vẫn theo bản “Sơ yếu lý lịch” của anh, từ năm 1937 – 1939, anh đã hoạt động như một đảng viên cộng sản và được tổ chức đảng mặc nhiên coi là đảng viên, chỉ có việc kết nạp anh vào đảng là “chưa được tiến hành theo đúng nguyên tắc, điều lệ của đảng”.

Thế nhưng, người đảng viên cộng sản được kết nạp muộn màng đó lại là một trong những người sớm nhìn thấy những khuyết tật to lớn của đảng, dẫn đến những sai lầm quá tải trong cải cách ruộng đất, trong chỉnh huấn vào những năm 1953 -1956 và nhiều sai lầm về sau này. Căn nguyên là do những người cộng sản Việt Nam đã chịu ảnh hưởng quá nặng nề của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao. Chỉ cần đảo qua lĩnh vực văn nghệ cũng đủ thấy điều đó. Cảm kích trước sự qua đời của ông Stalin, bị thế giới gọi là kẻ “độc tài đỏ”, ông Tố Hữu (phụ trách công tác tuyên huấn của đảng lúc đó) đã viết những câu thơ như sau:

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! (3)

Dù có cho rằng đấy là tình cảm thật sự của ông Tố Hữu đi nữa, thì cũng khó che giấu được sự thái quá và khá sượng, thể hiện một sự lệ thuộc sâu sắc vào bên ngoài về mặt tư tưởng.


xuong  
#2 Đã gửi : 04/12/2012 lúc 12:10:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Anh Đang cho những sai lầm của đảng là “bệnh ấu trĩ tả khuynh”. Căn bệnh đó đã dẫn tới sự phân liệt về chính trị thể hiện qua hàng loạt những chủ trương chính sách thấm đậm tính giáo điều, ấu trĩ. Hơi xuống giọng một chút, Nguyễn Hữu Đang nói về nguyên nhân khiến lòng tin của anh đối với đảng bắt đầu lung lay trong những năm tháng đó như sau: “Ban Tuyên huấn Trung ương đảng có đưa ra một thông tri khẳng định những đảng viên thuộc giai cấp tiểu tư sản là không đáng tin cậy lắm, cần phải cảnh giác, vì giai cấp tiểu tư sản rất bấp bênh, dễ thì làm, khó thì bỏ và không trung thành.” Đó là một trong những quan niệm cực đoan, quá tả về chuyên chính vô sản, về đấu tranh giai cấp của đảng cộng sản ở Việt Nam. Chính Lenin đã đánh giá một đảng có tư duy giáo điều như vậy là “đảng chuyên chính của lãnh tụ” và “nó chứng tỏ một tư tưởng hồ đồ tới mức không thể tưởng tượng được và không thể cứu vãn được” (4). Nói một cách cụ thể hơn, đảng đó đã bộc lộ những triệu chứng cho thấy đảng không hoàn toàn là tổ chức chính trị của dân như đảng vẫn nói.

Anh Nguyễn Hữu Đang nói tiếp: “Sau đó mấy tháng, tôi có dự tính một cuộc chỉnh huấn. Trước khi vào chỉnh huấn, tôi biết là tôi sẽ phải bộc lộ thành phần của tôi là tiểu tư sản trí thức. Tôi sẽ phải nhận không biết là bao nhiêu khuyết điểm do tôi thuộc thành phần đó. Nào là giao động, bấp bênh, v.v… Từ đó, tinh thần hăng hái của tôi kém đi nhiều”. Tình hình giống hệt như ở Trung Quốc cũng vào thời gian này. Một cuộc đấu tranh giai cấp triệt để và tàn bạo đã được phát động trong toàn xã hội.

Những điều phi lý và bất công nói trên cộng với sai lầm của đảng trong cải cách ruộng đất đã tác động mạnh vào tư tưởng của những người cộng sản trung thực như Nguyễn Hữu Đang. Anh đã định xin ra khỏi đảng. Tôi không coi đây là cái “bấp bênh” của giới trí thức. Anh hoàn toàn có quyền trăn trở, khi những gì anh tưởng là tốt đẹp đã và đang diễn ra không đúng với sự mong mỏi của anh và của biết bao người khác lúc đó. Anh thổ lộ ý định này với người đã kết nạp anh vào đảng là ông Nguyễn Khánh Toàn. Ông Toàn khuyên anh không nên làm việc đó.

Tuy không xin ra khỏi đảng nữa, nhưng Nguyễn Hữu Đang đã chán đảng. Trong khi nhiều đảng viên có cùng tâm trạng như anh, thì tin tức về Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1956 lan tới Việt Nam. Thần tượng của phong trào cộng sản thế giới và của Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam) là Stalin bị chỉ trích mạnh mẽ vì lối hành xử bạo chúa và những sai lầm nặng nề của ông ta. Trong suy nghĩ của Nguyễn Hữu Đang đã nảy ra một ý rằng, các đảng cộng sản vẫn có thể bị thế lực nào đó “lũng đoạn và phạm sai lầm nghiêm trọng”. Cái huyền thoại đảng cộng sản vốn là chân lý, lãnh tụ là chân lý đã sớm tan rữa trong tâm niệm của anh. Ngược lại, anh tự tin vào mình hơn và tin rằng chỉ có lẽ phải mới là chân lý đích thực. Vì thế, một tinh thần tranh đấu cho lẽ phải bùng lên trong anh. Nói tới cuộc đấu tranh tư tưởng trong anh lúc đó, giọng anh trở nên sang sảng, mạnh mẽ: “Kỷ luật đảng không thể trói buộc mình được. Mình thấy phải, mình cứ làm, cứ nói. Mình thấy trái, mình cứ phê phán, chống lại… Phải thẳng thắn đấu tranh. Cần phải chống cái gì thì cứ chống. Chống đảng, chống cách mạng thì không. Nhưng chống từng việc là nhất định chống”.

Thật là “cây ngay không sợ chết đứng”! Tinh thần quyết đoán của người cán bộ tuyên truyền và tổ chức xốc vác năm xưa đã biểu hiện bằng đức tính khảng khái, dám bảo vệ cho lẽ phải, quật mạnh vào tư duy giáo điều của đảng, coi thường bản lĩnh của người trí thức. Tôi nghĩ, có lẽ anh nói chưa hết ý. Nếu đối chiếu với những điều anh đã nói ở trên, hẳn anh đồng ý với tôi rằng, chỉ có một tổ chức chính trị thực sự “do dân”, “vì dân” và “của dân” thì mới có khả năng giữ được lòng tin của nhân dân.

Sự ấu trĩ và giáo điều của đảng đã làm cho phạm trù chuyên chính vô sản biến dạng thành chủ nghĩa cực quyền. Vì cực quyền nên đã xảy ra bao vụ tố oan những người vô tội trong cải cách ruộng đất. Cũng vì cực quyền, trong vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”, đảng đã kết án oan những người trung thực. Anh Nguyễn Hữu Đang kể: “Sách báo cứ nói rằng bà Thụy An thuộc nhóm “Nhân văn”. Thực ra, bà Thụy An không hề tham gia nhóm “Nhân văn”, không hề bàn bạc gì với tôi, hay bày mưu tính kế gì, tuy thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau nói chuyện. Vì bà là văn nghệ sĩ nội thành, tôi là văn nghệ sĩ kháng chiến về, nên quan hệ hữu nghị, tươm tất với nhau lắm. Nhưng tại sao cứ qui cho bà ấy là “Nhân văn”, thì tôi hiểu như thế này. Cơ quan an ninh nghi bà làm gián điệp cho Pháp, vì thời tạm chiếm, bà quan hệ nhiều với người Pháp.

Lẽ ra, bà đã di cư vào Nam (khi đó bà có uy tín và sắp được cử làm giám đốc đài phát thanh). Nhưng vì lý do cá nhân, bà đã ở lại. Người ta lại càng nghi bà được địch cài lại, rất nguy hiểm. Trong khi bà bị theo dõi, thì có phong trào “Nhân văn”. Tuy không tham gia “Nhân văn”, nhưng bà đã làm một vài việc không hợp ý lãnh đạo lắm. Thí dụ bà đã thuê những bộ phim của Pháp, như phim “Hamlet”; người ta cho rằng, bà làm như vậy là để cạnh tranh với những phim không hay lắm của Trung Quốc, của Liên Xô. Bà đã cùng với anh Phan Tại tổ chức vở kịch “Thày tú”. Khi người ta đã nghi, thì qui cái nọ ra cái kia, trông gà hóa cuốc. Thế là bà ấy và anh Phan Tại cũng bị qui tội “phá hoại chính trị” và cùng bị mang ra xử cùng một buổi với tôi, cùng một phiên tòa, nhưng hai vụ khác nhau. Khi đó người ta chẳng hỏi gì tôi về bà Thụy An, mà người ta cũng chẳng hỏi bà Thụy An về tôi hay về tờ “Nhân văn”. Người ta đã tạo ra một sự hiểu lầm rằng bà Thụy An cùng một vụ với tôi”.

Hậu quả của bệnh “ấu trĩ tả khuynh” là như vậy đấy. Đồng thời nó cũng cho thấy sự hoảng hốt thường trực của đảng. Thật ngộ nghĩnh, sự hoảng hốt đó lại được đề cao là tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ. Vẫn chưa hết, Nguyễn Hữu Đang kể tiếp: “Trước khi xử tôi, công an và Viện Kiểm sát đã soạn một bản cáo trạng, ghi rằng tôi quan hệ với Thụy An là một phần tử gián điệp. Ông luật sư Đỗ Xuân Sảng đọc hồ sơ nói cho tôi biết như vậy. Ông ta ngạc nhiên nói với tôi rằng, trước đó tôi đã nói chuyện với ông ta về báo chí, kỷ luật tuyên truyền, nhưng hồ sơ của tôi lại là “vụ gián điệp”. Nhưng rồi phiên tòa đó đã hoãn. Đến phiên tòa sau thì không thấy nói gì đến bà Thụy An, đến gián điệp nữa, mà chỉ đơn thuần xử việc “vi phạm kỷ luật tuyên truyền và phá hoại chính trị” của tôi thôi”. Anh Nguyễn Hữu Đang cho biết, vì bị hỏi cung, truy bức ráo riết, nên bà Thụy An đã nhận đại “tội” của bà là “địch trong Nhân văn”. Khi gặp lại anh vào năm 1973, bà Thụy An đã xin lỗi anh. Sự việc này cũng nói lên thói vô trách nhiệm, bất chấp luật pháp, chà đạp lên nhân phẩm con người của bộ máy tư pháp và hành pháp của chế độ.

Vẫn với giọng khá khỏe ở tuổi ngoài “bát thập”, anh Nguyễn Hữu Đang nói: “Tôi được về không phải vì nhà nước khoan hồng hay vì hết án, mà là tôi thuộc diện “đại xá chính trị phạm trong Hiệp định Paris. Bên miền Nam đại xá chính trị phạm. Bên miền Bắc cũng đại xá chính trị phạm”. Tôi bỗng nghĩ, nếu không có Hiệp định Paris thì sao nhỉ? Chắc Nguyễn Hữu Đang phải ngồi đếm tháng ngày cho tới khi mãn hạn tù. Hàng năm vào dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9, chính phủ Việt Nam có ra lệnh ân xá cho tù nhân. Vậy mà hơn một chục ngày lễ mùng 2 tháng 9 trôi qua, anh vẫn không được hưởng cái “ân” đó.

Anh Nguyễn Hữu Đang khẳng định: “Dù thế nào đi nữa cũng không thể chấp nhận chế độ cực quyền, toàn trị”. Suy nghĩ đó của anh cũng trùng hợp với suy nghĩ của một số văn nghệ sĩ và trí thức lúc bấy giờ. Anh nói: “Nhưng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Mao hay chủ nghĩa Stalin thể hiện cụ thể bằng cái gì? Có cái gì trong tay để đấu tranh? Cuối cùng cũng chỉ có tự do sáng tác. Cụ thể là chỗ không chấp nhận hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Stalin đề ra, mà muốn thực hiện hiện thực phê bình như là ở thế kỷ 19 ở phương Tây, như Balzac, Flaubert, Hugo…”.

Cái gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong văn chương, thực ra là phương pháp sáng tác dùng văn học nghệ thuật để “tô hồng” chế độ. Hay nói theo “ngôn ngữ văn học” gần đây, có vẻ dịu hơn, thì “tô hồng” là ưa đề cập đến những “mảng sáng” trong xã hội. Ngược lại, “hiện thực phê bình”, hay “hiện thực phê phán”, là đề cập đến những thói hư tật xấu, tức là nói cả về những “mảng tối” trong xã hội. Trong khi bộ máy tuyên truyền của chế độ đang ra sức quảng cáo chủ nghĩa xã hội là tươi đẹp, để lôi kéo hàng chục triệu nhân dân, thì các anh đã dám vạch ra những khiếm khuyết cơ bản của xã hội, của đảng. Tôi cho việc làm đó của các anh, ngoài lòng can đảm ra, là tự nhiên. Nhìn về lâu dài, thì việc làm đó là hợp lẽ. Bởi vì khó có một xã hội không có tiêu cực. Hiện nay, trên mặt báo ở trong nước, người ta thấy la liệt những hiện tượng tiêu cực của xã hội. Hơn nữa, việc làm đó của các anh còn biểu hiện cái “tâm”, thực sự muốn cái xã hội mà các anh đã không tiếc xương máu vì nó trở thành một xã hội tốt đẹp, vững chắc. Nghe Nguyễn Hữu Đang nói, tôi lại nhớ, gần đây trong một tạp chí của đảng có câu đại ý, đảng đã biết nhận sai lầm, điều đó chứng tỏ là đảng mạnh. Chắc đảng sẽ mạnh hơn ở chỗ đảng giữ được lòng tin của nhân dân, nếu từ đó đảng đã sớm nhận ra sai lầm và dám sửa chữa kịp thời tất cả những sai lầm của mình.

Hơi bất ngờ với tôi, khi anh Nguyễn Hữu Đang thổ lộ: “Có một người ở Trung Quốc làm được một việc mà anh em coi là mẫu mực, coi là bậc thầy muốn noi theo. Đó là Đỗ Phủ. Suốt đời ông cô trung đối với nhà Đường, đến nỗi ông không được hiểu, không được trọng dụng. Cô thì cô, mà vẫn cứ trung. Lòng trung thành của Đỗ Phủ đối với nhà Đường rất cao, rất đẹp. Nhưng không phải vì thế mà ông không viết “Thạch hào lại” để phê phán xã hội đó đầy tội lỗi, đầy thối nát”. Nói đến đó, anh cười. Gương mặt anh trông bớt khắc khổ. Anh nói tiếp: “Thế là các ông “Nhân văn” này là một thứ Lương Sơn Bạc đây, muốn được phê bình chứ không phải là không được phê bình cái gì cả. Thế là nên chuyện ở chỗ đó”.

Vậy là, thông qua việc đòi tự do sáng tác, nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì các anh chỉ muốn chỉ ra những “hiện tượng tiêu cực” trong xã hội thôi. Việc đảng kêu gọi đảng viên hãy gương mẫu trong việc phê và tự phê, nhưng lại “đánh” những người thẳng thắn và trung thực phê đảng, có thể hiểu rằng, muốn phê gì thì phê, nhưng chớ có sa chân vào “vùng cấm”. Hiện tượng này tương tự phong trào “Trăm hoa đua nở” ở Trung Quốc. Người ta kêu gọi phê bình đấy, nhưng lại tìm cách trả thù những người phê bình – một chước “đà đao” về chính trị. Ngày nay, hiện tượng trên đã đỡ, nhưng “vùng cấm” thì vẫn còn. Ai lạc vào đó là sẽ gặp phiền toái ngay. Tính “cực quyền”, “toàn trị” của nhà nước cộng sản Việt Nam là ở chỗ đó, khiến người ta có cảm tưởng rằng nó có vẻ “khoái” ngược đãi những người đã từng chịu hy sinh mất mát to lớn, hoặc đã hết lòng vì nó, như các anh Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính và nhiều người khác. Nguyễn Hữu Đang đã bị nhà nước mà anh đã tổ chức đón nó chào đời kết án, đày ải suốt nửa cuộc đời: 15 năm tù tại tỉnh miền núi Hà Giang, cộng thêm 20 năm bị quản thúc trong đói nghèo ở quê anh, tại thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cả thảy là 35 năm anh mất tự do, mất quyền công dân. Hết sống dưới mái nhà tù, lại sống trong trại lợn, rồi chỉ có cái chái nhà dột nát để chui ra chui vào, mỗi ngày hai bữa anh ngập ngụa trong khói bếp mịt mù…

Khi anh bị “đánh” trong vụ “Nhân văn – Giai phẩm” vào năm 1985, người ta cố tình bôi nhọ anh, gán cho anh những hình ảnh xấu xa của “tên gián điệp”, “tên phản bội”, “tên khiêu khích”: “Đang tham gia phong trào đã lâu, nhưng vì đầu óc vô chính phủ và tư tưởng cơ hội nặng nề như vậy nên mãi đến năm 1947 mới được kết nạp vào đảng” (5). Có lẽ anh Nguyễn Hữu Đang là một trong những người phải chịu hình phạt nặng nề nhất của chế độ (ngoài Nguyễn Hữu Đang ra, còn có chị Thụy An bị phạm giam 15 năm tù, anh Phùng Cung 12 năm tù và một số người khác).

Tại sao chính quyền lại “ưu đãi” Nguyễn Hữu Đang, dành cho anh khung hình phạt cao như vậy? (6) Vẫn giọng nói khỏe khoắn, anh Nguyễn Hữu Đang nói: “Lúc bấy giờ người ta gọi tôi là “đầu sỏ” trong “bọn Nhân văn – Giai phẩm”. Nghe anh nói, tôi nghĩ rằng, có một điểm khá mâu thuẫn là trong khi báo chí (tất nhiên là vừa ngoan ngoãn theo lệnh của đảng, vừa bị đảng kích động và vừa nịnh bợ đảng) buộc cho anh đủ thứ tội tày đình, hào phóng dành cho anh vô số “mỹ từ” như ở trên, thì tòa lại kết án anh là “phạm kỷ luật tuyên truyền và phá hoại về chính trị”. Cái nặng là ở những chữ “phá hoại chính trị”. Với những chữ đó, người ta có thể hiểu rằng anh là người phá hoại chế độ, chống đảng, chống nhà nước. Tuy nhiên, trong bản luận tội anh, tuyệt nhiên không có tội danh cụ thể hơn như “chống đảng”, “phản cách mạng” hay “âm mưu lật đổ” như người ta đã cố tình thổi phồng.

Nhớ lại phiên tòa đó, anh Nguyễn Hữu Đang nói: “Trong phiên tòa tôi chỉ nhận rằng tôi đã phạm kỷ luật của đảng và nhà nước về tuyên truyền. Trong việc làm của tôi có những sai sót. Nhưng động cơ là tốt, tin rằng việc mình làm là ích nước lợi dân”. Đương nhiên, một chế độ cảnh sát đã quen được phỉnh nịnh, thì làm sao có thể tin vào sự ngay thẳng, vào động cơ tốt đẹp của các anh được. Vả lại, kỷ luật của một chế độ độc tài là chỉ có nghe và làm theo đảng, dù đảng có sai. Phản ứng một cách thẳng thắn là bị qui tội liền.

Trong khi các anh bị dập vùi như thế, thì những kẻ đánh hôi cố lớn tiếng la lối, cốt tỏ lòng “trung thành” với chế độ, để đánh đổi lấy bổng lộc. Cái chức Ủy viên Bộ Chính trị dành cho ông Tố Hữu sau vụ đó là một thí dụ trong nhiều thí dụ điển hình.

Vào giữa thập kỷ 50-60, sau khi hòa bình lập lại, Nguyễn Hữu Đang là một trong những người tổ chức và biên tập báo “Văn nghệ”. Trong nhóm “Nhân văn – Giai phẩm”, với hơn bốn mươi tuổi đời, Nguyễn Hữu Đang là người anh cả của nhóm và được anh em kính trọng. Mấy chục năm sau, “cậu em út” Phùng Quán của nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” đã kể lại cảm giác của ông khi được gặp Nguyễn Hữu Đang như sau: “Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê người, đầu không khiến mà chân cứ rụt về đứng thành tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm lính trinh sát mỗi lần được chính ủy sư đoàn hỏi chuyện”. (7)

Nguyễn Hữu Đang vốn là người tháo vát, quen biết rộng giới trí thức và tư sản ở Hà Nội. Đó là điều kiện rất thuận lợi để các anh in ấn và phát hành tạp chí “Giai phẩm” và báo “Nhân văn”. Cuối năm 1956, anh tổ chức và lãnh đạo báo “Nhân văn”. Anh cũng là người giúp đỡ tích cực tạp chí “Giai phẩm”. Nếu như các anh Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán và nhiều người khác đã dùng thơ văn để nói lên khát khao được tự do sáng tác của mình, nghiêng về lĩnh vực văn nghệ nhiều hơn, thì Nguyễn Hữu Đang đã viết những bài lý luận, đề cập trực tiếp đến đường lối lãnh đạo văn nghệ của đảng lúc đó. Anh công khai bày tỏ sự bất đồng chính kiến gay gắt đối với ban lãnh đạo đảng. Báo chí của chế độ khi đó đã trích dẫn quan điểm của Nguyễn Hữu Đang về đường lối lãnh đạo văn nghệ của đảng như sau: “Cho tới nay, trên thực tế, đảng đã dùng văn nghệ một cách căn bản là sự vụ chủ nghĩa, căn bản là thực dụng chủ nghĩa, bó buộc về cả nội dung lẫn hình thức, không kể người sáng tác có cảm nghĩ sâu sắc hay không, bó buộc đến thời gian bao giờ cũng quá ngặt nghèo”.

Nguyễn Hữu Đang phê phán quan điểm “văn nghệ phải phục vụ chính trị” của đảng. Một khi mục đích chính trị lấn át cảm xúc nghệ thuật, thì tác phẩm được tạo ra thật khó vẹn tròn, nếu như không nói là khiên cưỡng, sai lệch. Về việc này, tôi vẫn còn nhớ cái “đỉnh cao muôn trượng” đầy tự mãn, kiêu căng của Tố Hữu vào năm 1961 (*). Qua đó cũng có thể đánh giá phần nào tư duy văn nghệ của đảng lúc bấy giờ. Và câu thơ: “Bốn nghìn năm ta lại là ta” trong bài thơ đã được “nhân gian” bình rất khôi hài rằng “ta vẫn là ta”, nghĩa là ta vẫn lạc hậu, chẳng tiến được chút nào thì có gì đáng tự hào! Kết quả là đảng đã làm cho văn nghệ trở nên xơ cứng, nghèo nàn, tạo ra không ít “hàng rởm”. Cho dù người ta đã trích dẫn rằng Nguyễn Hữu Đang có viết: “Vì bất cứ phát hiện sự việc gì, hoặc tìm giải quyết vấn đề gì, tổ chúng tôi cũng thấy cái nút cuối cùng ở chỗ lãnh đạo” (Tạp chí “Văn nghệ”, Tlđd), tôi thấy cũng không có gì là quá đáng, khi đối chiếu những dòng viết đó với đường lối lãnh đạo văn nghệ toàn diện, thực chất là độc đoán của đảng. Thế nhưng, người ta đã coi những dòng viết đó là âm mưu “đánh mạnh vào đường lối và sự lãnh đạo của đảng” (T.l.đ.d).

Trong các báo và tạp chí mang tư tưởng tự do khi đó, tờ “Nhân văn” do Nguyễn Hữu Đang lãnh đạo đã được báo chí của chế độ đánh giá như sau: tạp chí “Giai phẩm” để vận động về văn nghệ, tờ “Đất mới” để vận động sinh viên”, tờ “Tự do diễn đàn” để tập hợp trí thức, còn tờ “Nhân văn” là tờ để tuyên truyền về chính trị”. (T.l.đ.d) Rõ ràng, tờ “Nhân văn” được coi là nguy hiểm hơn cả và dĩ nhiên, Nguyễn Hữu Đang cũng được coi là phần tử đầu sỏ, nguy hiểm hơn cả. Người ta tiếp tục qui cho anh “từ chỗ kêu gọi dân chủ tư sản, đến chỗ vu cáo miền Bắc là không có dân chủ, từ chỗ còn gọi đảng và chính phủ một cách kiêng dè, đến chỗ ngang nhiên vu cáo đảng và chính phủ của chúng ta là “tập đoàn thống trị”, từ chỗ đòi hỏi “cần chính quy hơn nữa” đến chỗ hô hào quần chúng đứng dậy biểu tình mưu một cuộc biến động”. (T.l.đ.d) Nguyễn Hữu Đang và tờ “Nhân dân” bị kết tội: “Tờ báo “Nhân văn” không che dấu nổi bộ mặt phản động của nó đã lộ rõ chân tướng một tờ báo khiêu khích vừa sặc mùi tờ-rốt-skít vừa y hệt cơ quan tác động tinh thần của Mỹ – Diệm” (T.l.đ.d). Với lời khẳng định đó, người ta đã xếp những anh chị em trong nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” vào hàng ngũ kẻ thù của đảng, của nhân dân. Họ nói toạc ra rằng “đối với đảng và nhân dân ta”, Nguyễn Hữu Đang “đã tỏ rõ thái độ một còn một mất”, “không hề tự che giấu là kẻ thù bẩn thỉu của nhân dân” (T.l.đ.d). Đúng là những từ ngữ và giọng văn đầy hận thù!

Tôi đang mải nghe anh Nguyễn Hữu Đang kể và thả những suy nghĩ của tôi trôi theo câu chuyện của anh, thì anh thanh niên đón tôi lúc sáng bước vào. Anh nói nhỏ với anh Nguyễn Hữu Đang cái gì đó rồi quay ra. Ngay sau đó, anh thanh niên lại vào, bê một mâm cơm đặt xuống giữa cái chiếu đôi trải dưới sàn nhà bằng gỗ. Thì ra đã hơn một giờ chiều. Hai chúng tôi đắm chìm vào câu chuyện hàng giờ. Thế giới của những người như các anh thật hấp dẫn. Nó ẩn chứa biết bao tư liệu bất ngờ của một thời kỳ đặc biệt của đất nước, của những con người, mà khi được chứng kiến càng nhiều, lại càng bị cuốn hút.

Bữa cơm của chúng tôi thật thanh đạm, thanh đạm nhất trong những bữa cơm tôi đã từng dùng trong chuyến tôi về thăm quê hương. Trước mặt ba chúng tôi có ba món: một đĩa khoảng hai lạng thịt ba chỉ thái mỏng, một đĩa rau muống luộc xanh rờn và một bát mắm tôm dầm ớt. Rau muống luộc mềm như bún, đánh dấm sấu chua là món ăn tuyệt hảo, dễ đưa cơm trong những ngày hè nóng bức. Nhưng tôi cũng nghe nói, rau muống luộc là món ăn “phân cấp”, vì nó là món ăn “chủ lực” trong bữa ăn hàng ngày của đa số các gia đình bình dân ở Hà Nội. Bữa cơm mà có thêm một chút “tươi” như thịt nạc rang khô, cá rô rán dòn, hay tôm rang là sang rồi. Đấy là chuyện ngày xưa. Ngày nay – thời buổi “kinh tế thị trường được định hướng xã hội chủ nghĩa”, người giàu nhiều lên – mà bữa ăn vẫn chỉ có rau muống thôi, thì có nghĩa là cuộc sống vẫn vất vả.

Hình như, vì tôi là khách từ nước ngoài về, nên anh Nguyễn Hữu Đang “chiêu đãi” tôi món thịt ba chỉ chấm mắm tôm, chứ không phải “đặc sản” chả nhái, chả cóc được viên thành những viên đen xỉn, gắp ra từ những bát hương đậy bằng những viên gạch nung già, để tiếp cậu em Phùng Quán khi Phùng Quán về thôn Trà Vỵ thăm anh cách đây ba năm. Nghĩ đến đó, tôi bỗng thấy nghèn nghẹn trong cổ. Tôi cố trấn tĩnh, giấu kín cảm giác của mình vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ với anh. Ở tuổi anh, người ta rất cần có người chăm sóc lúc đau ốm, ít ra cũng là có người nọ người kia cho đỡ cô quạnh. Nhưng anh, khi mái đầu đã bạc, mà vẫn không vợ, không con, không gia đình, một mình vò võ…

Cũng trong bản “Sơ yếu lý lịch” của anh có những dòng: “Sau Đại hội VI Đảng Cộng sản, bắt đầu được sửa sai, phục hồi”. “Kẻ thù nhơ bẩn của nhân dân” năm nào cũng lại được đảng dấm dúi dàn huề, không còn coi là kẻ thù nữa, nhưng như anh Nguyễn Hữu Đang nói: “Dù sao thì thành kiến vẫn còn, phân biệt đối xử vẫn còn”. Tuy màn kịch do đảng đạo diễn vừa bi, vừa hài, đầy vô lý, oan ức, bất công kéo dài gần bốn mươi năm rồi cũng phải hạ màn. Nhưng khó mà biết được, trong thời gian đó, bao nhiêu màn diễn đầy thô bạo khác do đảng dàn dựng cho đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, đặc biệt là vụ án “Xét lại – chống đảng” xảy ra sau đó ít lâu.

Chắc không quá đáng khi cho rằng, việc Đảng Cộng sản ở Việt Nam phạm những sai lầm nghiêm trọng là điều gần như tất yếu. Bởi vì tổ chức chính trị đó đã tích tụ đầy đủ những yếu tố khiến nó sa vào vũng bùn sai lầm. Đó là tư duy giáo điều, ấu trĩ, độc đoán, quan liêu, tự mãn, phiêu lưu, tráo trở và xa rời quần chúng. Những căn bệnh hiểm nghèo đó đã ăn sâu vào cơ thể đảng, không dễ chữa. Đảng có thể sửa sai lúc này, nhưng lúc khác lại phạm sai lầm nghiêm trọng hơn. Không thể không băn khoăn khi trong vòng hơn một thập kỷ, từ năm 1953 đến năm 1967, đảng đã phạm ba sai lầm lớn: cải cách ruộng đất với hàng vạn sinh linh bị chết oan uổng, vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ và vụ án “Xét lại – chống đảng” với hàng trăm người bị tù tội, bỏ mạng mà không được xét xử phân minh.

Đó là chưa kể tới những sai lầm về kinh tế, như chính sách cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp, nóng vội xây dựng công nghiệp nặng, chính sách cải tạo kinh tế trong những năm 1980 dẫn tới tổng khủng hoảng kéo dài… Lại còn những sai lầm trong lĩnh vực giáo dục, xã hội mà chung qui đều “di căn” từ những căn bệnh đã nói ở trên. Với một tổ chức chính trị đầy rẫy sai lầm như thế, mặc dù có hào quang của những chiến thắng, cũng khó để cho người dân “định vị” chắc chắn lòng tin vào đảng. Nhiều người từ trong nước ra và cả những người mà tôi đã gặp gỡ ở trong nước đều lắc đầu buông câu: “Chả biết thế nào cả, bác ạ!” khi tôi hỏi họ về tương lai của đất nước. Dĩ nhiên, tôi tin lời họ là thành thật hơn những câu chữ trong nghị quyết hay trong báo chí của đảng.

Nguyễn Hữu Đang và nhiều nạn nhân của vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” đã được “trả lại quyền lợi theo chế độ hưu trí”. Trong việc này, cũng có nhiều cái hài lẫn với cái bi. Anh Đang nói: “Từ năm 1990, tôi đã được hưởng lương hưu “hạn chế”, không đúng với chức vụ, không đúng với thâm niên và được gọi là “lương hưu theo mức ấn định”, thực ra một thứ trợ cấp thôi”. Cái được gọi là “lương hưu” đó, anh Hoàng Minh Chính đã gọi là khoản trợ cấp “vô nhân đạo”. (9) Hiện nay anh Nguyễn Hữu Đang vẫn sống bằng khoản trợ cấp “vô nhân đạo” đó. Anh cũng vừa được cấp một gian nhà tàng tàng, khiến anh “phấn khởi” (chữ của anh) vì từ thuở bé đến giờ, anh chưa bao giờ có nhà.

Ở đời, có những cái không mua được bằng tiền. Tôi không phải là người ưa hữu danh, nhưng tôi nghĩ, sự thừa nhận thực sự của quần chúng, của bạn bè là cái không mua được bằng tiền và vì thế nó là vô giá. Anh Nguyễn Hữu Đang là người may mắn có được cái vô giá đó. Tháng 11 năm 1992, nhân dịp anh 80 tuổi chẵn, đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ đã tổ chức lễ mừng thọ anh. Tôi cứ tưởng tượng, hẳn buổi lễ phải vui lắm. Nhưng người có tuổi thường sống với quá khứ, nên trong niềm vui của anh, chắc không khỏi lẫn cả những ngậm ngùi.

Với anh, một thời dông bão đã qua đi. Cũng như người lữ hành ở cuối đoạn đường đầy gập ghềnh, chông gai, ý nguyện của anh là “cầu bình yên trong cảnh thanh bần, tìm an ủi trong tình cảm của những người thân quen, hưởng thú vui trong thái độ sống để xem” (anh nhấn mạnh). Như vậy, sự bình yên mà anh muốn chưa hẳn đã là sự bình yên buông trôi, phó mặc. Anh vẫn quan sát cuộc sống quanh anh, dù chỉ để xem. Anh đã viết dăm ba bài báo và cũng được đăng, theo anh vì những bài báo đó “không có gì đụng chạm lắm”. Nhưng chắc anh cũng thấy, cuộc sống ở trong nước bây giờ vẫn bùng nhùng với đủ thứ rối rắm, vẫn có những qui chụp dập theo “model” của những năm 1950, 1960, lạc hậu, ấu trĩ và vô lý.

Bóng nắng vàng lung linh ngoài cửa sổ lại nhắc tôi nhớ đến thời gian. Trời mùa đông mà chói nắng không kém mùa hè. Đã hơn bốn giờ chiều. Tôi đành chia tay Nguyễn Hữu Đang. Khi tiễn tôi ra cửa, bỗng chợt nhớ ra điều gì, anh vội nói tôi đợi anh một lát. Anh chạy lên gác rồi quay xuống ngay, tay cầm tấm ảnh anh chụp hồi trẻ, nước ảnh đã hết bóng, nhưng vẫn còn nét và chưa bị ố vàng, chứng tỏ tấm ảnh đã được cất giữ rất cẩn thận. Anh nói với tôi, đây là tấm ảnh duy nhất thời trẻ anh còn giữ được. Tấm ảnh quí thế mà anh lại tặng tôi, người mới quen anh lần đầu. Anh lật tấm ảnh, đặt lên nóc chiếc xe tắc xi, viết vội mấy hàng chữ cho tôi. Nhìn anh chăm chú viết, tay run run, nắng chiều chiếu xiên làm những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của anh như hằn sâu thêm, lòng tôi bồi hồi. Hình như mắt tôi cay cay. Bóng hình người anh cả của tôi lại thoáng hiện trong tâm trí tôi. Tôi xin phép được chụp ảnh chung với anh. Anh thanh niên đón tôi ban sáng đang đứng bên cạnh lập tức được tôi “ủy nhiệm” làm phó nháy.

Không cuộc chia tay nào giống nhau. Tất cả những gì tôi biết về anh như ào ào xô đến khi chúng tôi nắm tay nhau, khiến cổ tôi một lần nữa như nghẹn lại, không nói nên lời. Tôi cảm thấy, hình như anh cũng có cảm xúc như vậy. Gương mặt anh như hơi biến dạng. Khóe môi như hơi trĩu xuống. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau để nói với nhau những gì chúng tôi đã sống để xem.

Anh lái xe tắc xi đã nổ máy và có vẻ không muốn tăng ga. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi ngoái lại nhìn qua khuôn cửa sau của xe. Bóng anh Nguyễn Hữu Đang nhỏ dần, nhỏ dần. Mái tóc xóa trắng của anh khẽ lay trong nắng lóa.

Nguồn: Facebook Nguyễn Hoàng Linh (danchimviet.info)

Chú thích (của tác giả):

(1) “Phùng Quán tìm thăm Nguyễn Hữu Đang”, “Diễn đàn Forum” (Pháp) số 25, tháng 12, 1993, tr.22.

(2) T.l.đ.đ.

(3) Trích bài thơ “Đời đời nhớ ông”, tháng 5-1953.

(4) “Bệnh ấu trĩ tả khuynh”, Lenin, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Moscow 1973, tr.46.

(5) “Con đường phản cách mạng của Nguyễn Hữu Đang”, Hồng Vân, tạp chí “Văn nghệ” số 12, tháng 5 năm 1958, số đặc biệt thứ hai chống “Nhân văn – Giai phẩm”, tr.45.

(6) Xin xem “Vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” – Trần Minh, Nguyễn Thị Xuân Hòa, Hoàng Trọng Nghĩa, “Thiện Chí” số 25, tháng 1 & 2-1995, tr.14.

(7) “Phùng Quán tìm thăm…” (T.l.đ.d., trang )

(8) “Con đường…” (T.l.đ.d, tr.47).

(9) Xin xem phần “Người đội trưởng Quyết tử quân” của cùng tác giả.

(*) Trong bài thơ “Xuân 1961” của Tố Hữu, có câu “Chào 61- đỉnh cao muôn trượng” (Ghi chú của người ghi).
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.439 giây.