Hùng sinh năm 1985, tuổi con gà. Loại gà chạy bộ, gà dai, lì lượm. ông Nguyễn Kim Hoàng - ba Hùng - thâm trầm, ít nói, mấy tiếng đồng hồ nói chuyện, ông chỉ dạ thưa lễ phép, ậm ừ... người ta không moi được gì ở ông về Hùng. Giống Cha, Hùng cũng rất ít nói, anh thích biểu hiện những thôi thúc trong tâm tư bằng hành động. Với anh, một hành động hơn nghìn lời nói. Và ngay cả những hành động của Hùng cũng ít ồn ào, phô trương. Nhưng một khi bị dồn nén, Hùng phản ứng rất dữ dội, đôi mắt như trẻ thơ có thể long lanh hận thù, có lần anh bị công an đánh chảy máu mũi cũng vì bản tính gan lì ấy.
Ra trường với mảnh bằng công nghệ thông tin, Hùng có thể tìm được một việc làm vững chắc với đồng lương ổn định, một mái ấm gia đình là chuyện không khó tìm với cậu con trai mới lớn, cao to, khỏe mạnh. Cái nhìn lúc xa vắng, lúc trẻ thơ đã lôi cuốn không ít những tà áo Sài Gòn. Nhưng Hùng đã không chọn cho mình con đường dễ dàng đó. Anh tham gia khối 8406. Anh dùng khả năng vi tính của mình giúp cho các nhà hoạt động dân chủ trong giai đoạn mà công cuộc đấu tranh hãy còn sơ khai, các mạng truyền thông xã hội hãy còn là những phương tiện xa lạ, khi anh và một số người hãy còn lẻ loi trên con đường tìm chân lý, khi mà những cụm từ tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng hãy còn ngập ngừng trong góc tối của những quán café.
Rồi Hùng gặp Đỗ Thị Minh Hạnh, người bạn đồng hành trong những đêm dài bauxit ở Nhân Cơ, Bảo Lâm, Gia Nghĩa. Những buổi tối nhìn ánh lửa mờ mờ sau chập chùng đất đỏ cao nguyên, Hùng miên man nghĩ đến tương lai bấp bênh của một đất nước mà số phận phụ thuộc vào một người hàng xóm rất gần nhưng cũng rất xa lạ. Đứng lên từ nhóm Ngủ Gục, Hùng đã dấn thân vào con đường giúp cho người lao động. Cùng với những người bạn đồng chí hướng, Hùng thành lập Phong trào Lao Động Việt, Hùng đến gần hơn với công nhân để nghe những nổi khổ của họ, để chia với họ những uất hận từ những bất công mà con người dành cho con người.
Cuộc đình công Mỹ Phong! Người thanh niên trong chiếc áo màu lam. Tiếng thét đòi nhân phẩm của những mảnh đời bất hạnh, đòi những đồng lương tức tưởi trong những ngày giáp Tết. Chủ nhượng bộ trước sự đứng lên của hơn 10.000 sinh mệnh. Nhưng đòn thù của chế độ đã không nhượng bộ. Hùng bị bắt ngày 24/2/2010, sau Hạnh 1 ngày và sau Chương 11 ngày. Phiên tòa ngày 26/10/2010 tại Trà Vinh đã bẻ gãy giấc mơ công đoàn vừa nhem nhúm trong tâm hồn 3 người trẻ tuổi.
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 18/3/2011 Hùng gầy gò trước vành móng ngựa. Gầy gò, nhưng không yếu đuối, mệt mỏi nhưng không khuất phục. Khi bị bà chánh án cắt ngang nhiều lần không cho biện hộ, Hùng đã dõng dạc trả lời “Nếu không cho nói thì phiên tòa có thể chấm dứt được rồi!” Tiếng nói của Hùng vang vang như lời buộc tội ngược lại cán cân công lý khập khiểng của chế độ và rồi phiên tòa chấm dứt với bản án 9 năm cho con gấu bất kham Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Trải qua các trại tù Tây Ninh, Xuân Lộc, Xuyên Mộc. Thêm 5 tuổi tù, Hùng vẫn là một cậu con trai lầm lì, ít nói. Có lẽ vì vậy mà bên ngoài ít được tin về Hùng. Mẹ Hùng qua đời trong khi Hùng vẫn lặng lẽ trả giá cho hoài bão của mình trong nắng gió Đồng Nai. Nỗi đau mất Mẹ sẽ như thế nào khi Hùng bỏ lại sau lưng những chấn song tù? Khó mà có thể tưởng tượng nỗi! Sau cuộc nổi loạn ở Xuân Lộc, Hùng bị chuyển trại về Xuyên Mộc. Năm năm ăn cơm tù, có lẽ Hùng cũng chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi: tại sao đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho những công nhân tội nghiệp lại là một cái tội?
Trải qua sinh nhật lần thứ 5 sau những chấn song, Hùng vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ của mình, như giấc mơ của Hạnh, của Chương. Giấc mơ công đoàn đã kết nối những tâm hồn yêu nước, thương dân của ba người bạn trẻ Hùng, Hạnh, Chương thành một ốc đảo vững chãi giữa cơn bão tố ý thức hệ. Một công đoàn thực sự của công nhân sẽ trở thành hiện thực. Như một niềm tin không bao giờ tắt. Ngày đó, sẽ không xa.
25/7/2014
Ca Dao