Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng Úc cần gia tăng sức ép đối với Việt Nam về các vấn đề giam cầm các nhà hoạt động chính trị, tự do ngôn luận và sử dụng lao động cưỡng bức trong các trung tâm cai nghiện ma túy trong bối cảnh viên chức hai nước Úc-Việt chuẩn bị cho các cuộc hội đàm về vấn đề nhân quyền vào hôm nay 28/7.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (trái) nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) trong cuộc gặp gỡ ở Hà Nội vào ngày 19/2/2014. (Credit: Reuters) .
“Việt Nam là một trong những quốc gia khép kín nhất ở Châu Á,” giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Úc, bà Elaine Pearson cho Đài ABC biết.
“Nhiều người chỉ trích chính phủ, các blogger đã bị bắt giam trong thời gian dài. Nhiều người không nhìn thấy mặt này. Họ chỉ thấy Việt Nam như một đất nước có nền kinh tế đang phát triển nhưng chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ, đặc biệt là về vấn đề tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo.”
Úc tổ chức Đối thoại về Nhân quyền với Việt Nam, Trung Quốc và Lào mỗi năm và xem đây là cơ hội để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm.
Theo bà Pearson, đoàn đại biểu Úc cần nhấn mạnh với Việt Nam đồng ý về “những tiêu chuẩn rõ ràng” để dự liệu quá trình về nhân quyền.
Hà Nội thường xuyên bị lên án bởi các nhóm nhân quyền và chính phủ phương Tây về việc bắt giữ những nhà đối kháng chính trị và vi phạm có hệ thống về tự do tôn giáo.
Bà Pearson cho biết chính phủ vẫn tiếp tục bắt giam nhiều người.
“Việt Nam trả tự do cho khoảng một chục người nhưng trên thực tế vẫn còn khoảng 150-200 tù chính trị vẫn bị giam giữ.”
“Vào thời điểm trả tự do cho những tù chính trị này do áp lực từ Hoa Kỳ để ký kết hiệp định tự do thương mại, họ vẫn tiếp tục những vụ bắt bớ khác. Chúng tôi biết có ít nhất 12 người bị bắt trong cùng thời điểm trên.”
Theo bà Pearson, áp lực từ quốc tế có thể mang đến sự thay đổi.
Các nhà hoạt động Việt Nam thường bị buộc tội tiến hành "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của bộ luật hình sự, mà theo các nhóm nhân quyền đó là một trong nhiều điều luật mơ hồ được sử dụng được sử dụng để truy tố các nhà bất đồng chính kiến.
“Nhiều người phải vào tù đơn giản chỉ vì rải tờ rơi với những thông tin chỉ trính chính phủ, thỉnh thoảng là lên án những vụ quan chức tham nhũng.”
Ngoài ra, Tổ chức Quan sát Nhân quyền cũng muốn các chương trình viện trợ của Úc rút ngân sách cho các dịch vụ về HIV tại các trung tâm cai nghiện ma túy ở Việt Nam nơi đang sử dụng lao động cưỡng bức.
Bà Pearson cho rằng Canberra biết rõ về vấn đề này.
“Chúng tôi đã phát hành báo cáo về vấn đề này vài năm trước đây. Các đồng nghiệp của tôi đã có những cuộc thảo luận với các nhân viên tổ chức AusAid.”
“Cai nghiện ma túy có thể thực hiện bằng nhiều cách trên tinh thần tự nguyện chứ không dựa vào cưỡng bức lao động.”
Cuối cùng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng mong muốn Canberra phải minh bạch hơn về những gì sẽ thảo luận trong các cuộc hội đàm. Và phía Việt Nam có cơ hội để nêu những quan tâm của mình về thành tích nhân quyền của Úc.
Theo ABC