VRNs (05.08.2014) – Sài Gòn - Triết gia cổ Hy Lạp Aristotle (384-322 BC) xem cộng đồng như một sinh vật thay vì
là một cỗ máy – tức là luôn luôn thay đổi và tiến hoá. Trong tác phẩm ‘Politics’ (Chính Trị Luận) ông cho rằng con
người có bản chất của một “sinh vật chính trị” — tức là bao giờ cũng cố tìm một vị thế thuận lợi nhất (nhiều quyền
lực nhất) cho mình trong xã hội.
Nhưng nếu mỗi cá nhân đều hành động một cách ích kỷ thì cộng đồng sẽ có nguy cơ tan rã. Vì thế Aristotle đề cao
cộng đồng như là một “tập thể chính trị” nơi mà các thành viên ý thức được lợi ích chung và sẵn sàng nhượng bộ lợi
ích riêng của mình. Họ có thể đồng thuận về việc đề cử những ai có khả năng để quản lý công việc của cộng đồng.
Một khi họ sẵn sàng tham gia công việc quản lý cộng đồng, hay chọn lựa người thay mặt họ để làm việc này thì,
theo định nghĩa của Aristotle, họ trở thành ‘công dân’ của cộng đồng đó. Sự tham gia chính trị đó của các công dân
được xem như là một nghĩa cử và khiến cộng đồng trở thành một ‘hợp tác chính trị’.
Khái niệm ‘công dân’ và ‘hợp tác chính trị’ là nền tảng của khái niệm ‘đa nguyên chính trị’, vì trong sự hợp tác này,
các công dân phải chấp nhận sự hiện hữu của các lợi ích khác nhau, thậm chí xung khắc nhau, để thương lượng với
nhau nhằm hướng đến lợi ích chung.
Để cho nguyên tắc đa nguyên thành công trong việc ấn định lợi ích chung, mọi thành phần trong cộng đồng đều
phải đồng thuận về một hệ giá trị chung, và trong hệ giá trị đó, sự tôn trọng và dung nhượng lẫn nhau là cơ bản nhất.
Khái niệm này đã và đang được dùng như là nền móng của dân chủ. Đây chính là nguyên do tại sao chủ nghĩa cộng
sản không chấp nhận đa nguyên chính trị.
Chế độ cộng sản muốn áp đặt một khuôn mẫu cứng nhắc lên cộng đồng — tức là muốn biến cộng đồng thành một
cỗ máy nhất định chứ không xem nó là một sinh vật có thể thay đổi và tiến hoá.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo lý tưởng cộng sản, thay vì tôn trọng và dung nhượng các chính kiến
khác nhau, nhà nước cộng sản dùng bạo lực và thủ đoạn để diệt trừ tất cả ngoại trừ tư tưởng cộng sản.
Thay vì là ‘công dân’, thành viên của cộng đồng được chế độ cộng sản tôi luyện để thành ‘công cụ’. Nhiệm vụ của
‘công cụ’ không phải là để thương lượng với các thành phần khác trong cộng đồng mà chỉ là để thừa hành các công
tác cần thiết để duy trì quyền lực của tập đoàn chuyên chế. Một khi đã trở thành ‘công cụ’, thì người dân mất đi khả
năng đối thoại với nhau và với thành phần lãnh đạo.
Đa nguyên chính trị chính là khắc tinh của chủ nghĩa cộng sản.
TRẦN HẠNH
Nguồn:
http://www.tienve.org