Con cháu các nạn nhân bật khóc khi nghe tin hai lãnh đạo khmer đỏ lãnh án chung thân - REUTERS/Damir Sagolj
Hôm nay, 07/08/2014, trong một phiên tòa tại Phnompenh, tư pháp Cam Bốt ra phán quyết kết án tù chung thân hai cựu lãnh đạo cao cấp nhất của Khmer Đỏ còn sống, Khieu Samphan, người đứng đầu nhà nước Campuchia Dân chủ, và Nuon Chea, nhà tư tưởng của chế độ Khmer Đỏ, vì tội diệt chủng, phạm tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Hai bị cáo tuyên bố sẽ kháng án.
Bản án đã được tuyên với sự có mặt của hai bị cáo. Án chung thân là mức án cao nhất theo dự kiến trong khuôn khổ các phiên tòa đặc biệt của Cam Bốt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc xét xử các tội phạm Khmer Đỏ.
Từ năm 1975 đến 1979, gần hai triệu người, tức gần một phần tư dân số Cam Bốt đã bị giết hại, chết vì đói hay kiệt sức dưới chế độ Khmer Đỏ. Hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Khieu Samphan, 83 tuổi, và Nuon Chea, 88 tuổi, phủ nhận mọi trách nhiệm của mình trong tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ. Khieu Samphan và Nuon Chea bị bắt năm 2007. Cùng với hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ khác, hai bị cáo bị tòa án đặc biệt Cam Bốt xét xử từ tháng 7/2011. Ieng Thirith, cựu Bộ trưởng Bộ Xã hội, người phụ nữ duy nhất trong số 4 bị cáo, đã được trả tự do năm 2012 vì mắc bệnh tâm thần. Cựu Ngoại trưởng Khmer Đỏ Ieng Sary chết hồi năm ngoái.
Do các bị cáo tuổi cao và bị cáo buộc nhiều tội danh, quá trình xét xử được chia thành nhiều giai đoạn, để một phán quyết được đưa ra trước khi các bị cáo qua đời. Theo thông tín viên RFI tại Phnompenh, Stéphannie Gée, phán quyết đầu tiên đối với hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ đặc biệt liên quan đến việc cưỡng bức dân chúng di tản bằng bạo lực, nhằm kiểm soát dân cư và tiêu diệt các kẻ thù của chế độ. Trong phiên tòa nói trên, Nuon Chea và Khieu Samphan bị xét xử với tư cách là các lãnh đạo, chịu trách nhiệm về tội ác chung của toàn chế độ.
Tòa nhắc lại rằng thực hiện bằng mọi giá một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, chế độ Khmer Đỏ đã phạm phải vô số tội ác chống thường dân Cam Bốt. Trong số các biện pháp nhằm khắc phục thiệt hại đối với các bên dân sự, có việc tổ chức một Ngày tưởng niệm chính thức.
Vào tuần trước, hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ tiếp tục bị xét xử trong một phiên tòa khác, liên quan đến tội ác diệt chủng nhắm vào người Việt và thiểu số người Chăm theo đạo Hồi, cũng như các tội ác tại các trại giam và nhà tù, trong đó có nhà tù Tuol Sleng (S-21).
Các phản ứng tại chỗVề một số phản ứng tại chỗ sau phán quyết của tòa, Thông tín viên RFI Stéphanie Gee cho biết cụ thể :
« Phiên tòa kết thúc với sự thở phào nhẹ nhõm. Hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ sẽ phải sống phần còn lại sau chấn song sắt, như điều mà đông đảo người Cam Bốt trông đợi. Tuy nhiên, đằng sau thái độ hài lòng ra mặt, có nhiều phản ứng khác nhau. Một viên chức ở thủ đô bày tỏ : ‘‘Việc họ không được trả tự do là một phán quyết tốt. Tuy nhiên, không cần thiết phải xét xử tiếp, vụ việc này sẽ không thể đi xa hơn được’’.
Tuy nhiên đây không phải là quan điểm của một người cao tuổi đến từ tỉnh Kampot : ‘‘Tôi thấy vui ! Như vậy là tốt, nhưng với tôi việc này vẫn chưa kết thúc. Tôi trông đợi phiên tòa tiếp tục công việc của mình. Chúng tôi không muốn những người cộng sản nữa. Họ giết hại tất cả mọi người !’’.
Mọi việc sẽ kết thúc khi những người Khmer Đỏ chết hết, một người phụ nữ bên cạnh thì thầm. Đối với bà, án tù chung thân chỉ là một giai đoạn, trước khi các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ đối mặt với nghiệp ác của họ (sau khi họ qua đời).
Trong khi một số người khác, như một nhà nông vùng ngoại ô Phnompenh, thì có thái độ nặng nề hơn đối với phán quyết : ‘‘ Vẫn còn các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ trong chính quyền hiện nay. Theo tôi, công lý sẽ không được thực thi chừng nào những người này còn chưa bị bắt giữ. Đứng từ quan điểm quốc tế, phán quyết này được coi là tốt, nhưng đối với tôi, với tư cách là một công dân Cam Bốt và tất cả những ai phải chịu đau khổ, thì những phiên tòa này mới chỉ là một màn trình diễn. Cần phải đưa ra tòa thêm những thủ phạm khác’’.
Người thanh niên nói trên nhấn mạnh, rất nhiều người Cam Bốt ở xa không theo dõi phiên xét xử qua đài hay truyền hình. Theo anh, quá trình xét xử quá chậm và quá mang tính tượng trưng khiến họ chán nản
Theo RFI