Lấy cớ đấu tranh chống kiểm duyệt, Hoa Kỳ đã không cho phép Nga và Trung Quốc phá độc quyền của người Mỹ trong mạng Internet. Tại Hội nghị của Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) ở Dubai vẫn không đạt được thỏa thuận về việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của ITU sang toàn bộ World Wide Web. Trong lịch sử 147 năm của tổ chức viễn thông thế giới, ITU chưa bao giờ chứng kiến những tranh luận và xung đột gay gắt như tại cuộc họp gần đây nhất ở Dubai. Hoạt động này đã kết thúc ngày 14 tháng 12, và các đại biểu chỉ có thể thông qua một văn kiện không có nội dung cụ thể mà chỉ nói về việc ITU phải tiếp cận "tích cực hơn" vào không gian Internet.
Mỹ, Anh, Australia và một số nước khác đã từ chối ký kết các thỏa thuận này. Vì thế văn kiện là vô dụng. Nga và Trung Quốc đã đề nghị chuyển một số chức năng kiểm soát việc phân phối các địa chỉ web cho các nước thành viên ITU hoặc thành lập một tổ chức mới dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Bây giờ, trên thực tế, các công ty của Hoa Kỳ có độc quyền trong lĩnh vực này. Ở đây nói trước hết về Tổng công ty Internet cho tên miền (ICANN). Tập đoàn này được gọi là độc lập, nhưng, trên thực tế, nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Thương mại Mỹ.
Các chuyên gia Nga có ý kiến thống nhất rằng, Hoa Kỳ không muốn chia sẻ độc quyền Internet của họ. Tất cả các nguồn tài nguyên lớn, máy chủ, các giao thức của World Wide Web đều bố trí tại Mỹ. Chuyên viên Nga về các phương tiện truyền thông Anton Korobkov-Zemlyansky nói: “Đã từ lâu ITU chủ trương thảo ra các quy tắc cụ thể, để tất cả các nước hoạt động trong một lĩnh vực pháp lý do chính họ thành lập. Mọi thứ phải rõ ràng và minh bạch. Nhưng, Hoa Kỳ trong nhiều năm dài không ủng hộ sáng kiến này, không muốn đạt thỏa thuận và nói rằng, Mỹ sẽ tự mình xác định mọi thứ”.
Các nước BRICS, CIS, Bahrain, Ả-rập Xê-út, UAE và nhiều nước khác đã ủng hộ sáng kiến của Nga và Trung Quốc. Rất nhiều quốc gia không tán thành việc Mỹ có "đa số áp đảo" trên phương tiện truyền thông mạnh mẽ như Internet.
Một năm trước Hội nghị Dubai, Mỹ đã mở rộng chiến dịch quy mô vì "độc quyền" của họ. Tham gia chiến dịch này có Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, tất cả các đại sứ quán Mỹ, các đại diện thương mại, các nguồn tài nguyên Internet của Mỹ. Đến dự Hội nghị Dubai đã có phái đoàn Hoa Kỳ gồm hơn 100 quan chức. Họ mô tả sáng kiến của Nga và Trung Quốc như là cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận, âm mưu áp đặt chế độ kiểm duyệt, "xích tay Internet".
Trong đề xuất của Nga không có những điều như vậy. Chuyên viên Nga Ilya Rachenkov nói: “Vấn đề ở đây không phải là kiểm duyệt. Vấn đề chính là công cụ kiểm soát. Mỹ muốn giữ lại các công cụ đó trong tay mình. Còn vấn đề kiểm duyệt chỉ là cái cớ”.
ITU là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc, bao gồm 193 thành viên cộng đồng thế giới. Điều sửa đổi cuối cùng trong các tiêu chuẩn quốc tế về liên lạc viễn thông đã được ITU thông qua vào năm 1988. Khi đó, trên thế giới chỉ có 4,5 triệu người thuê bao điện thoại di động. Ngày nay, số người thuê bao là 6 tỷ. Số người sử dụng Internet ước tính khoảng 2,5 tỷ người.
Source: Tiếng nói nước Nga