Chuyện nhất thân nhì thế ở đâu cũng có. Ở quốc gia tự phụ là dân chủ nhất nhì thế giới là Mỹ, chuyện con vua rồi lại… làm lớn là chuyện ai cũng biết rồi, khổ lắm nói mãi. Tiền dẫn đến quyền lực, hoặc ngược lại, khi đã gặp nhau thì quyến luyến khó rời. Ở một nước như Việt Nam thì khỏi nói. Chế độ độc đảng, quyền chức xét xử quyền chức, quyền chức chỉ định quyền chức mới, dĩ nhiên hai chữ thân thế trở thành quan trọng hạng nhất.
Cái uy của hai chữ thân thế không đâu rõ hơn trong thế hệ thứ nhì của những người tai to mặt lớn của chính quyền, đưa đến những lãnh đạo mới trẻ đến “hiện tượng”.
Hiện nay dĩ nhiên không con cháu nào vẻ vang bằng con cháu thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng. Ba người con của ông chỉ có cô con gái là có bằng cử nhân tại một trường đại học Việt, và cả ba đều có bằng cao học từ Anh, Mỹ. Sự việc này, nhìn một mặt là sự chứng tỏ tài năng nhất định của họ, còn mặt khác, nổi bật hơn, là chính thủ tướng Việt cũng không dám gửi gắm con mình vào nền giáo dục Việt, và con cái thủ tướng Việt cũng phải tìm uy tín tài năng trong những tấm bằng ngoại.
Giỏi giang như thế, nên họ thành công rất sớm. Con trai cả, Nguyễn Thanh Nghị, giữ chức thứ trưởng Bộ Xây Dựng từ năm 2011, lúc mới 35 tuổi. Con gái Nguyễn Thanh Phượng không vào chính quyền nhưng là chủ tịch của quỹ đầu tư, hội đồng quản trị ngân hàng… từ giữa độ tuổi 20. Con trai út, Nguyễn Minh Triết, hiện nay mới chỉ 24 tuổi, đã từng giữ những chức vụ như Ủy viên Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam và đã làm Phó bí thư tỉnh đoàn Bình Định, nhiệm kỳ 2013 – 2017. Tính sơ, vị hoàng tử đỏ này phải hoàn tất việc học thạc sĩ (master) khi mới 23 tuổi, rất đáng tự hào, nhưng việc mới chân ướt chân ráo ra khỏi trường đã nắm chức Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam rồi phó bí thư đoàn một tỉnh, sự thành công này, giống như những chức chủ tịch của người chị, đã quá mức thăng hoa mà thành thăng thiên mất rồi.
Nguyễn Minh Triết cũng là người trẻ tuổi nhất trong “bốn lãnh đạo Việt tuổi trẻ, tài cao lại đẹp trai như tài tử” như đề tài của một bài báo. Mục đích của bài này chắc là để tuyên dương tự hào về những khuôn mặt lãnh đạo măng sữa, nhưng dù vô tình hay cố ý đã thành một nét gạch dưới chuyện thừa kế quyền lực, vì trong bốn người đã có hai là con của thủ tướng đương nhiệm. Không biết có phải vì thế mà bài này đã gần như biến mất trên mạng sau khi được trích lại trên trang mạng VOA?
Người thứ ba trong số bốn người là Nguyễn Bá Cảnh, con trai của Trưởng ban Nội chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh, từng là chủ tịch ủy ban nhân dân và bí thư thành ủy Đà Nẵng trong nhiều năm và cũng người thường được cho là có công biến Đà Nẵng thành “thành phố đáng sống nhất của Việt Nam”. Có thể chỉ là chuyện ngẫu nhiên, nhưng cái danh “thành phố đáng sống nhất” đang làm rùm beng báo chí thì con ông Thanh được cử vào chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng, người trẻ nhất trong số bốn người được chỉ định lần này ở tuổi 31. Hoàng tử đỏ này học cử nhân Việt nhưng cũng chọn bằng thạc sĩ ngoại.
Người cuối cùng trong số bốn hoàng tử đỏ là Trương Hải Hiếu, 33 tuổi, cũng cử nhân Việt và thạc sĩ ngoại (do thành phố cử đi học). Hoạt động trong Thành đoàn TP HCM, rồi bí thư phường, hiện nay là Phó chủ tịch quận 1. Thân thế Trương Hải Hiếu không rạng ngời như ba người kia, nhưng cũng không phải là tầm thường: cha là Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và mẹ là bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM.
Chỉ nhìn thăng tiến của nhóm bốn người cũng thấy vũ đài của họ từng là sân khấu quyền lực của thế hệ trước. Con ông Dũng được chơi trên sân quốc gia, cấp Bộ và miền Nam là nơi ông Dũng xuất thân. Con ông Thanh nổi lên ở Đà Nẵng tuy chính ông và gia đình hẳn đang ở Hà Nội. Còn thăng tiến của con ông bí thư thành ủy TP HCM thì diễn ra ngay trong chiếc bóng của cha mình.
Đây chỉ mới là nhóm bốn người “nổi” nhất trong số các hoàng tử đỏ của Việt Nam. Đi sâu vào cơ chế chính quyền quốc gia và địa phương hẳn còn nhiều hoàng tử công tử công chúa đỏ khác. Ngoài ra, còn con dâu con rể, xui gia con trai, xui gia con gái, những nút thắt quyền lực và tiền bạc tạo thành cả tầng lớp quý tộc đỏ (chính quyền) và thượng lưu mới (đại gia), và những quan hệ gắn bó giữa hai tầng lớp này có thể được suy ra khá dễ dàng, vì mối quan hệ đó rất tự nhiên và thường tình.
Còn nhớ năm ngoái, lẫn trong vụ siêu biệt thự ở Hải Dương làm dư luật xôn xao là sự kiện rằng Bùi Thanh Tùng, con trai ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, cũng là chủ nhân của căn biệt thự nghe đâu trị giá hàng trăm tỷ đồng VN (mức triệu đô la), giữa lúc thị phi vẫn có thể lên chức Phó Giám đốc Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội tỉnh Hải Dương khi mới 33 tuổi, và Lê Hồng Diên, con rể ông Quyến, cũng tăng chức lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ - Hải Dương. Tất cả dư luận báo chí dẫn đến “điều tra” cho có lệ của chính quyền và rõ ràng đã “không thấy hành vi sai trái.”
Nguyễn Phương