Nhà toán học và triết gia người Pháp, René Descartes, sống vào thế kỷ 17, có nói một câu để đời mà người Việt
chúng ta thường hay nhắc tới: Tôi tư duy, nên tôi tồn tại (Je pense, donc je suis) hay tiếng Anh (I think, therefore I
am) – là một trong những tư tưởng quan trọng của triết học phương Tây.
Hiểu một cách nôm na ,ý nghĩa của câu nói trên là sống làm người ai cũng phải biết suy nghĩ, hay ít nhất, biết nghĩ
ngợi điều này điều kia. Nhưng câu nói trên nếu đem áp dụng vào thời đại này không chắc còn đúng. Theo một cuộc
nghiên cứu gần đây cho biết người thời nay lười suy nghĩ, rất sợ phải vận dụng trí óc. Thế nhưng người ta vẫn sống,
vẫn tồn tại trên cõi đời này đấy chứ, mặc dù lười biếng suy nghĩ, mỗi người vẫn tiếp tục góp phần vào những sinh
hoạt của xã hội. Vậy, câu nói của Descartes cũng có thể đổi lại chút xíu cho hợp với hoàn cảnh: Tôi không tư duy,
nhưng tôi vẫn tồn tại (I don’t think, but I still am). Descartes mà sống vào thời này chắc ông phải thất vọng ghê lắm.
Một trong những lời than phiền được nghe nhiều nhất của đời sống xã hội hiện đại là người ta bận rộn quá mức, có
quá nhiều việc phải làm và khi làm thì làm quá sức. Bạn cứ thử ra ngoài đường túm lấy một người mà hỏi thăm xem
cuộc sống của người đó ra sao, thường câu trả lời có sẵn ngay là “quá sức bận”, “bận điên lên” hay “bận không thể
tưởng tượng nổi”. Thế thì đâu còn ai được nhàn tản nữa đâu, đâu còn được “tà tà” như kiểu nói người Sài Gòn
trước kia.
Và khi người ta không vướng bận công việc, người ta lại bận vui chơi, bù khú với bạn bè, rồi thì bận chuyện nhà, bận
vợ bận con.
Và nếu có lúc nào đó được chút thì giờ rảnh để đầu óc có thể tự do mông lung – chẳng hạn như trong lúc xếp hàng
chờ trả tiền ở chợ hay kẹt xe trên đường – thì người ta lại lôi chiếc điện thoại trong túi ra xem có ai gọi không hay có
e-mail nào mới trong hộp thư không, hoặc bấm vài chữ gửi tin nhắn cho ai đó, mà toàn những việc không nhất thiết
phải làm ngay lúc đó. Vì sao lại có hiện tượng quái lạ như thế? Phải chăng vì người ta không thích được rảnh rang.
Hay rất có thể người ta tỏ ra bận rộn là vì người ta sợ phải suy nghĩ, tránh không muốn phải nhìn vào nội tâm của
mình, như kết quả một nghiên cứu mới đây cho biết.
Đa số những người tham gia cuộc nghiên cứu nói rằng họ cảm thấy không thoải mái khi một mình trong một căn
phòng để suy nghĩ mặc dù thời gian suy nghĩ chỉ kéo dài từ 6 tới 15 phút. Họ thà là chịu phạt hay chịu mất tiền nếu
có thể tránh không phải làm cái công việc khổ sở đó.
Không cần biết là cuộc trắc nghiệm được tiến hành ở ngay tại nhà hay ở phòng thí nghiệm, hoặc đề tài được đưa ra
để họ suy nghĩ là về một chuyến nghỉ phép sắp tới hay một dự tính trong tương lai, phần lớn những người tham gia
đều lắc đầu nguây nguẩy chì vì không ai thích phải vận dụng đầu óc.
Theo các nhà nghiên cứu, có thể là vì chúng ta, khi ở một mình, thường có khuynh hướng để suy nghĩ của mình
bám vào những vấn đề khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Con người là loài được tiến hoá để trở thành một giống
tự nhiên có khả năng giải quyết vấn đề và làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Do đó, có những thứ vẫn luôn âm thầm
lởn vởn trong tâm trí chúng ta và chờ cơ hội bùng lên, và những thứ đó lại thường là những chuyện nhức đầu mà
chính chúng ta chưa có cách giải quyết – trục trặc trong tình cảm, thất bại trong đời sống cá nhân, thất bại trong
công việc, nợ nần, bệnh tật, vân vân … Và cho tới khi có cách giải quyết, hay ít ra hiểu được vấn đề và chấp nhận
chúng, thì những suy nghĩ nhức óc đó cứ vang dội mãi trong đầu chúng ta. Và thế là lại mang vào ưu phiền. Và thế
là lại mất ngủ nhiều ngày. Vì vậy nên đâu ai lại muốn vướng vào cho khổ thân.
Lời giải thích trên phần nào hé lộ cho ta thấy vì sao người ta cứ cố phải bận bịu luôn tay luôn chân để tránh phải
trạm trán với những ý nghĩ tiêu cực đó.
Nhưng điều nghịch lý là chúng ta không thể giải quyết được vấn đề nếu không cho phép chính mình chút thì giờ để
suy nghĩ về nó. Dường như đó là cách sống vội vã của chúng ta trong thời đại này, coi trọng sự làm việc, hoạt động
hơn là suy nghĩ và tin rằng câu trả lời nằm trong lòng bàn tay chứ không nằm trong đầu của chính mình.
Nhà tâm lý học Stephanie Brown nói rằng càng ngày chúng ta càng coi sự bận rộn như một hiện tượng bình thường
trong nhịp sống hiện đại, trong khi thực tế đó lại là điều hết sức tai hại. Nhiều người tin rằng suy nghĩ và cảm xúc chỉ
gây cản đường và làm chậm lại công việc của chúng ta, nhưng thực ra thì lại hoàn toàn ngược lại.
Càng dồn nén những cảm xúc tiêu cực trong lòng thì càng có nguy cơ tức nước vỡ bờ. Để kìm hãm lại người ta
càng cố gắng bận rộn hơn nữa để không phải nghĩ tới. Cứ cố dồn nén cảm xúc sẽ đưa tới những hậu quả tâm lý
không tốt như lo lắng, trầm cảm, dễ hốt hoảng; đó là chưa nói có thể đưa tới nghiện ngập và liên quan đến một vài
triệu chứng như hay lên cơn suyễn, yếu hệ miễn nhiễm và nhức đầu.
Kết quả nghiên cứu còn đi xa hơn cho rằng người không chịu dành thì giờ để suy nghĩ về mình có thể đánh mất khả
năng cảm thông với người khác.
Để bỏ đi cái thói lười vận dụng trí óc, các chuyên gia tâm lý khuyên nên tránh dùng đại danh từ ngôi thứ nhất khi
nghĩ về những chuyện rắc rối trong cuộc sống của mình. Thay vào đó, dùng ngôi thứ ba hoặc ngay chính tên của
mình khi phải nghĩ về chính mình. Giả dụ một người bạn đến với ta nhờ cố vấn về một chuyện khó khăn nào đó,
chúng ta vui vẻ giúp ngay và thường cho ý kiến thật nhanh, là vì theo tâm lý chung, chúng ta giải quyết chuyện người
khác nhanh hơn chuyện của chính mình. Lý do là vì hầu như ai cũng chủ quan cho mình là nhất nên đến khi gặp
chuyện thì lại đâm ra lúng túng không tìm được lý lẽ nào hợp lý để đả thông bế tắc đó. Giáo sư Ethan Kross thuộc
Đại học Michigan trưng ra các dữ liệu nghiên cứu cho thấy người ta có thể lợi dụng ngôn ngữ để tự lừa chính mình
và nghĩ rằng chuyện rắc rối của mình là đang xảy ra với người khác chứ không phải với họ.
Cảm giác tiêu cực là một phần trong đời sống của mỗi người, và cảm giác đó càng có nhiều hơn ở người bận rộn.
Nhưng cũng chính những cảm giác tiêu cực đó, nếu ta biết cách đối phó, sẽ làm nên con người của ta. Trong khi
sự bận rộn có thể lấp đi phiền muộn, nhưng nó cũng có thể hạn chế bớt khả năng vượt khó khăn của con người để
có được cuộc sống vui vẻ.
Có những lúc trong ngày chúng ta không làm gì cả, nhưng những lúc cứ tưởng là lười biếng đó lại không uổng phí
chút nào. Một số nhà nghiên cứu khoa thần kinh khám phá ra rằng khi chúng ta không làm gì cả, nhiều phần trong bộ
não với chức năng suy nghĩ những điều phức tạp lại bắt đầu làm việc.
Các nhà nghiên cứu còn khuyên rằng đôi khi trong ngày ta cũng nên để cho tâm trí bay bổng đi đâu đó. Và không
nên coi thường những lúc bị cho là mơ mơ màng màng đó, vì theo các nhà nghiên cứu, đó cũng là cách chúng ta
đang vận dụng trí óc để suy nghĩ. Loài người hơn các loài vật khác ở chỗ chúng ta có khả năng sống ngay trong suy
tư của chính mình, mà không cần đòi hỏi phải có những hành động và kinh nghiệm sống.
Người ta kể rằng Descartes có được những tư tưởng quan trọng nhất trong triết thuyết của ông là nhờ những lúc
ngồi một mình bên bếp lửa, là chỗ ấm áp duy nhất ông có được trong mùa đông. Khi có người nêu câu hỏi với
Isaac Newton là ông tìm ra định luật về trọng lực bằng cách nào. Ông trả lời, “Bằng cách suy tư về nó không ngưng
nghỉ”. Không làm gì cả nhưng chịu suy nghĩ có thể mang lại nhiều lợi ích như thế.
Nhưng không chỉ những người trẻ thời nay với đầy những phương tiện kỹ thuật làm cho họ lười vận dụng trí óc đâu
mà theo các nhà nghiên cứu, ngay cả những người trung niên siêng năng sinh hoạt cộng đồng cũng thế. Tuổi tác,
giới tính, cá tính, biết sử dụng những kỹ thuật tân tiến hay không cũng không có gì khác biệt.
Khoa thần kinh học cho thấy chỉ cần chịu vận dụng trí óc suy nghĩ chút thôi có thể mang lại nhiều lợi ích không ngờ.
Vậy thì tại sao người ta lại lười suy nghĩ như thế? Thường người ta đổ cho thế giới hiện đại ngày nay biến con
người thành như vậy vì có quá nhiều thứ chen vào đời sống không để chúng ta được yên. Nhưng cả ngàn năm
trước, các nhà sư Phật giáo cũng gặp vấn đề tương tự. Để vượt qua điều đó, các nhà sư tìm đến thiền. Ai cũng biết
thiền mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tinh thần mà cả thể chất nữa, nhưng thiền đòi hỏi phải có kỷ luật, siêng năng
tập luyện và cố gắng. Phải chăng những đòi hỏi này là quá nhiều đối với chúng ta trong khi những cám dỗ khác
mạnh mẽ hơn.Mỗi người trong chúng ta phải tự chọn lựa cho mình cách sống và rất tiếc phần đông chúng ta chọn
cách dễ hơn là để cuộc sống kéo chúng ta đi.
Huy Lâm