Sau khi ông Chấn được minh oan trở về trong vòng tay người thân và đang đòi bồi thường 10 tỉ đồng.
Trong thời gian gần đây những vụ điều tra viên bức cung dùng nhục hình dẫn đến nghi can (tức là người mới chỉ nghi ngờ phạm tội, bị bắt đưa về trụ sở CA điều tra) bị tử vong hoặc táng gia bại sản vì bi tù oan đã dấy lên một luồng dư luận phẫn nộ. Và, thật sự đã làm cho những người dân lương thiện nơm nớp lo âu, không biết mình bị bắt lúc nào và cũng có thể rơi vào trường hợp bị ép cung, bị đánh tơi tả dù chẳng có tội tình gì. Ấy thế nhưng vẫn phải nhận tội theo đúng “kịch bản” đã được các ông điều tra viên “sáng tác” sẵn bắt phải ký tên nhận tội. Mười người có đến cả mười đều phải ký để khỏi bị đánh. Chưa ai thoát cái “bẫy pháp luật” này.
Năm bị can là nguyên cán bộ công an Phú Yên trước vành móng ngựa.
Chuyện xảy ra từ lâu, các loại đơn từ khiếu nại chất thành núi. Nhưng đến nay Bộ Công An đã ban hành Thông Tư 28/2014 quy định về công tác điều tra hình sự. Lệnh này đến ngày 25-8-2014 sắp tới đây sẽ có hiệu lực.
Thông tư nghiêm cấm cán bộ điều tra có hành động bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình. Theo ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công An cho biết: Thông tư 28 đã được cập nhật so với quy định trước đây nhằm bám sát thực tế và ngăn ngừa những nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian điều tra các vụ án hình sự.
Ông Ngô Văn Cộ (cha anh Kiều) và chị ngô Thị Tuyết (chị anh Kiều) mang theo các chứng cứ ra tòa sơ thẩm tại Phú Yên tố cáo nạn nhân tử vong vì bị dùng nhục hình.
Có thể tóm tắt: Ngoài việc cấm yêu cầu các điều tra viên thực hiện nghiêm các quy định tố tụng, cấm bức cung, dùng nhục hình, thông tư cũng quy định các điều tra viên không được lấy lời khai ngoài trụ sở, khi không có giấy triệu tập... Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì phải có giấy triệu tập và phải làm việc (hay hỏi cung) tại trụ sở CA.
Thông tư này cũng nằm trong luật đã và đang được thi hành bởi từ xưa tới nay các điều tra viên (ĐTV) phải chấp hành theo đúng pháp luật chứ có luật nào cho phép các ĐTV được bức cung và dùng nhục hình đâu. Chỉ có mấy cậu tưởng mính là ông trời con, khi tóm được nghi phạm là có quyền điều tra bằng mọi cách nhanh nhất để tìm ra sự thật… đôi khi không là sự thật. Nói cho công bằng, các ông cán bộ điều tra dù có nặng tay, có tàn nhẫn, có đánh đấm thả dàn các nghi can cho sướng tay, cho “mày biết ông là ai” nhưng không ai dám cố ý đánh người bị tình nghi đến chết cả. Các ông cán bộ ĐT còn nhiều thứ “võ”, đánh theo kiểu không để lại dấu vết. Nhưng… chẳng may quá tay, khi máu “bạo chúa” nổi lên cứ đánh cho hả giận, đánh cho bõ ghét, đánh để nhanh chóng điều tra ra sự thật hoặc để lãnh giấy khen, lãnh thưởng. Thế nên “nạn nhân chết oan”… ngoài ý muốn. Khi nạn nhân chết rồi mới tìm mọi các chống chế, đôi khi các “sếp” thấy chứng cứ rõ ràng quá nên tìm cách chạy tội “không hề biết việc cấp dưới đánh người.”
Thông tư này có chủ ý nhấn mạnh đến những nghiêm cấm đã có sẵn, nhưng lâu ngày quá các anh ĐTV vá các sếp quên khuấy đi mất bởi được giao quyền hành điều tra mà không bị giám sát, không hề có sự theo dõi nào, cứ mặc sức thi hành theo ý muốn. Đây là một thông tư cần thiết trong lúc này. Tuy nhiên trước khi nhận định thông tư này đã đủ sức ngăn chặn tình trạng này chưa, hãy điểm lại vụ án oan tai tiếng gần nhất hiện đang làm dư luận vừa rùng mình khiếp sợ vừa phẫn nộ.
Anh Đỡ và anh Mươi khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra tại Sóc Trăng
Chưa ai quên vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm dài đằng đẵng và bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, bắt “diễn kịch giết người” mà ông không hề giết ai cả. Cho đến khi thủ phạm tự ra đầu thú ông mới được giải oan và hiện nay ông đang đòi bồi thường tới 10 tỉ đồng. Ai sẽ phải bồi thường cho ông Chấn đây?
Vụ thứ hai là vụ 5 anh CA Tuy Hòa dùng nhục hình dẫn đến cái cái chết của anh Ngô Thanh Kiều là thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gia đình nạn nhân đã ra trước tòa trưng ra những bằng chứng không thể chối cãi và dùng nhiều lời lẽ cay đắng kể tội tàn nhẫn của điều tra viên. Và các ĐTV đã từng bị kỷ luật và xã hội lên án, Thế nhưng gần đây nhất lại xảy ra một vụ án oan tại Sóc Trăng hiện đang làm nóng bỏng dư luận.
Vụ 7 thành niên bị bắt oan tại Sóc TrăngKhởi đầu từ một vụ sát hại anh xe ôm. Ngày 5-7-2013, anh Lý Văn Dũng chạy xe ôm chở hai cô gái (sau này mới xác định được là Lê Thị Mỹ Duyên và Phan Thị Kim Xuyến) đi làm như thường lệ. Khi đến đoạn đường vắng, Duyên và Xuyến đã rút dao thủ sẵn trong người ra sát hại anh Dũng với ý định cướp xe. Anh Dũng bị trọng thương nhưng vẫn ráng sức bỏ chạy kêu cứu rồi gục chết bên vệ đường thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân II, huyện Trần Đề, Sóc Trăng (cách nơi bị đâm khoảng 200 m). Nghe nạn nhân kêu cứu to quá, Duyên và Xuyến hoảng sợ, bỏ ý định cướp xe và chạy thoát.
Thạch Sô Phách diễn tả lại cảnh bị treo lên tường trong tư thế buộc phải đứng bằng hai ngón chân cái.
Sau đó, công an khởi tố bị can và bắt giam bảy thanh niên để điều tra. Sau 7 tháng, khi sắp có kết luận điều tra (có thông tin nói rằng lúc này ban chuyên án còn đang được đề nghị khen thưởng) thì hai kẻ phạm tội là Xuyến và Duyên ra đầu thú. Với lời khai và chứng cứ phù hợp của Duyên và Xuyến, Công an tỉnh Sóc Trăng đã trả tự do cho bảy thanh niên và đình chỉ điều tra họ.
Ngay sau đó, các thanh niên này tố cáo mình bị dùng nhục hình.
Đây là nguyên văn lời kể của anh Thạch Sô Phách, một trong bảy thanh niên bị bắt oan, giải thích lý do vì sao mình nhận tội dù không gây án: “Bị đánh quá, em nhận đại có giết người cho nó khỏe thân.”
Thạch Sô Phách là một trong bảy thanh niên bị bắt oan nói trên. Anh chàng này đến giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi trò “đông lạnh chim” mà anh từng nếm trải khi bị bức cung, nhục hình. Chính những trò nhục hình ấy đã khiến bảy người vô can đã phải nhận tội theo “kịch bản” của các điều tra viên.
Anh Trần Văn Đỡ được trở về mất người yêu, phải đi bắt chuột nuôi gia đình
Rất tự tin vì chắc chắn mình không phạm tộiSau bảy tháng bị tạm giam để điều tra, Sô Phách trở về nhà (ấp Lâm Vồ, xã Đại Ân II, huyện Trần Đề) cùng toàn thân chi chít hình xăm, mặt có nhiều vết sẹo. Đó là kết quả của những ngày tháng đối mặt với nhục hình trong trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng. Sô Phách kể:
“Không làm gì cả nhưng tất cả chúng tôi, bảy đứa đều nhận tội giết người. Biết nhận tội giết người là chết, là bị tử hình nhưng chúng tôi không đứa nào chịu nổi đòn tra tấn của các anh điều tra. Đòn của ông đại úy Hưng là ghê nhất.”
Anh Thạch Sô Phách bị vợ bỏ đang chật vật tìm việc làm để nuôi con
Bi kịch bắt đầu đến với Sô Phách vào chiều 6-7-2013 khi các công an xã đến hỏi thăm anh: “Có nghe tin anh Dũng xe ôm bị giết không?” và “Đêm qua làm gì, ở đâu?”. Phách nói rõ đêm qua nhậu ở nhà với cha ruột, anh ruột và bảy người khác là hàng xóm như anh Liêm, anh Than, anh Định, Khâu Sóc, anh Dương… Nhậu đến khoảng 8 giờ tối, say rồi ngủ tại nhà với con trai và vợ.
Thế nhưng bảy ngày sau, ngày 14-7-2013, anh vẫn bị dẫn giải lên công an huyện trong tư cách của kẻ bị tình nghi giết người. Do không làm, Sô Phách rất hiên ngang và tự tin. Nhưng anh chỉ giữ được phong thái ấy trong vài giờ bị hỏi cung đầu tiên. Anh kể, “Mới vô, cán bộ nói tôi giành gái gú nên đánh anh Dũng xe ôm chết. Tôi nói tôi có quen ai đâu mà gái gú. Cán bộ nói đàn ông ai mà không gái gú, hồi đó tao cũng giành gái đánh lộn hoài. Tôi nói chú đánh thì chú đánh chứ tôi không có gái gú, không có giành gái gú đánh lộn…” Đến giai đoạn bị đánh vào đầu, bị đập ma trắc vào lưng bình bịch, Sô Phách vẫn hiên ngang,“Tôi không làm, chú đánh tôi đến chết cũng vậy thôi!”
Kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại: ‘đông lạnh chim’Và Thạch Sô Phách không phải chờ lâu, ngay sau đó anh lần lượt nếm trải những kiểu nhục hình mà thậm chí anh chưa từng nghe kể.
Theo Sô Phách, kiểu đơn giản là đánh vào phía sau gáy, nắm tóc kéo đầu giằng xuống bàn, đập ma trắc vào lưng, vào đầu. Kiểu đáng sợ là treo tay nghi phạm lên cửa sổ trong tư thế đứng không được, treo không xong. Kinh khủng nhất là trò dùng nước đá ướp vô bộ phận sinh dục.
Sô Phách kể, “Hai tay bị treo cao bằng còng số tám. Cái độ cao đủ để mình chỉ có thể đứng nhón bằng hai ngón chân cái. Nhón lâu thì mỏi nhưng không cố nhón thì hai tay bị còng siết đau điếng. Cái đó chưa đáng sợ bằng cái trò “đông lạnh chim” của ông đại úy Hưng thì không ai chịu nổi, chết còn khỏe hơn.”
Sô Phách kể, “Đại úy Triệu Tuấn Hưng dùng nước đá nhồi bóp vào vùng kín của tôi khiến bìu và dương vật co lại như hạt đậu. Mới đầu thì lạnh, tê dần, rồi đau nhức không sao tả được. Thiệt, chết còn sướng hơn!”
Đến bây giờ khi kể lại chuyện này anh còn rùng mình sợ hãi. Đúng là một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại mà các ông điều tra viên Sóc Trăng mới “sáng tạo” ra, cần phài vào “sà lim” vài chục năm để hoàn tất “bằng sáng chế” này.
Thực nghiệm hiện trường vụ án (diễn lại cảnh gây án), Duyên dùng dao Thái Lan để hạ sát anh Dũng. Duyên và Xuyến đã diễn lại cảnh gây án một cách lạnh lùng.
Và sau nhiều lần bị treo, bị cho chim ướp đá, bị ăn gậy nhừ tử (theo Phách có những ngày anh bị đánh đến gần 200 gậy), Sô Phách quyết định chọn cách nhận tội để “có chết cũng còn sướng hơn bị nhục hình.”
Dùng nhục hình để hoàn tất ‘kịch bản nhận tội’Chuyện kể đó của Thạch Sô Phách lý giải vì sao cả bảy người vô tội đều phải nhận tội giết người. Tất nhiên, Sô Phách không thể tự mình vẽ rồng vẽ rắn về diễn biến sự việc phạm tội khi anh không phải là tác giả. Với trình độ “chỉ biết viết tên mình”, anh cũng không đủ khả năng tưởng tượng ra một “kịch bản phạm tội” hoàn hảo đến như thế được. Anh chỉ có thể khai theo “kịch bản” của người khác.
Theo đúng “kịch bản” có sẵn, Sô Phách phải khai: Tối 5-7-2013, anh đi uống cà phê với Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc. Đến khoảng 22 giờ, Hol rủ cả nhóm về nhà mình nhậu. Trên đường đi, khi đến ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân II, Hol và nhóm bạn chặn đường đánh anh Lý Văn Dũng (ở thị trấn Trần Đề) với lý do giành gái. Sô Phách không biết trước nhưng vẫn phải tiếp tay với bạn, anh chạy quanh tìm gậy nhưng chưa có thì nhóm Hol và các bạn mình đã hạ gục anh Dũng xe ôm. Sau đó, cả nhóm đi tìm quán nhậu nhưng không có nên đi ăn bún rồi ai về nhà nấy. Mấy hôm sau, khi thông tin về cái chết của anh Dũng bùng nổ khắp làng quê,
Sô Phách ra đầu thú với công an…
Sô Phách còn phải khai thêm chính anh đã chứng kiến anh Hol dùng cây kéo đâm chết anh Dũng, các anh khác như Trần Cua, Trần Văn Đỡ… dùng gậy gộc, tay chân đánh anh Dũng đến gục xuống đường…
Cũng như Sô Phách, anh Trần Cua, Trần Hol, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Nguyễn Thị Bé Diễm đều thừa nhận hành vi giết anh Dũng một cách logic với hiện trường vụ án. Dĩ nhiên, những tang vật thu được như đoạn cây, kéo… họ phải thừa nhận đã dùng nó để gây án…
Khủng khiếp hơn, người ta còn làm cho một cô gái là Diễm (cùng bị bắt với mấy anh thanh niên kia) hoảng sợ quá đã buộc phải nhận liều đã che giấu tội phạm. Ghê gớm hơn Diễm còn phải trực tiếp chỉ tay vào mặt chồng sắp cưới (anh Trần Văn Đỡ) xác nhận chính Đỡ là người cầm kéo đâm vào nạn nhân!
Cả điều tra viên và kiểm sát viên bị khởi tốMới đây nhất, ngày 8-8, Cục Điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam (bốn tháng) Đại úy Triệu Tuấn Hưng, điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng, về tội dùng nhục hình. Cùng khởi tố tội này nhưng Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (điều tra viên công an tỉnh này) được cho tại ngoại. Liên quan vụ này, kiểm sát viên Phạm Văn Núi (VKSND tỉnh Sóc Trăng) cũng bị khởi tố (cho tại ngoại) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang toà cùng cấp để đưa ra xét xử Phan Thị Kim Xuyến về các tội Giết người và Cướp tài sản. Nếu bị kết án về các tội này, Xuyến phải nhận tối đa 18 năm tù (mức án cao nhất dành cho người phạm tội chưa thành niên). Riêng Lê Thị Mỹ Duyên, khi gây án chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên được đưa vào trường giáo dưỡng.
Duyên (phải) và Xuyến
Hung thủ khai 13 tuổi, giám định ra 18 tuổiTuy nhiên, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm phía Nam cử tổ công tác gồm Văn phòng Cơ quan CSĐT, Cục CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội, Phân viện Khoa học hình sự xuống Sóc Trăng hỗ trợ điều tra. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, vật chứng nạn nhân để lại hiện trường, lời khai và hung khí của bảy thanh niên bị bắt, tổ công tác nhận định hung khí của họ không phù hợp với các vết thương trên người của nạn nhân.
Từ lời khai của Duyên và Xuyến cùng với nhiều tài liệu chứng cứ khác, tổ công tác nhận định hai đối tượng này chính là hung thủ. Lúc thực nghiệm điều tra, Duyên và Xuyến đã diễn lại cảnh gây án một cách lạnh lùng. Các vết đâm bằng dao Thái Lan mà Duyên và Xuyến thực hiện phù hợp với các dấu vết trên người nạn nhân. Khi hai đối tượng bỏ trốn, áo khoác, thắt lưng bị rơi dọc đường phù hợp với vật chứng thu được.
Một nguồn tin mới nhất của báo Pháp Luật ngày 13-8 cho biết một giám định viên Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an (nhân viên tổ công tác nói trên) đã tiếp xúc với Duyên, nghiên cứu hành vi phạm tội, kể cả việc quan hệ tình ái giữa Duyên và Xuyến (Duyên đóng vai “chồng”, Xuyến đóng vai “vợ”) và nghi ngờ độ tuổi của Duyên phải lớn hơn 13 rất nhiều nên đưa Duyên đi giám định tuổi. Khi chụp toàn bộ hệ thống xương, cùng dựa vào các số đo, sự phát triển thể chất của Duyên, kết quả giám định là Lê Thị Mỹ Duyên khoảng 18 tuổi, chứ không phải 13. Với kết quả này, có thể Duyên sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Hậu quả đau đớn của một chuyện tìnhNhư trong bài đã đề cập, chính hành động của Nguyễn Thị Bé Diễm chỉ tay vào mặt chồng sắp cưới (anh Trần Văn Đỡ) để xác nhận anh này đã dùng kéo đâm nạn nhân đã khiến anh Đỡ hoàn toàn suy sụp.
Đến nay, khi mọi chuyện trắng đen đã rõ ràng, mối tình vốn nồng cháy ngày nào của họ có nguy cơ tan vỡ.
Bà Trần Thị Bỏ, mẹ ruột anh Đỡ, kể, “Thằng Đỡ nói nó bị đánh nhiều quá nên nhận đại có giết người. Nhưng nó không buồn vì giờ đã được giải oan. Nó chỉ buồn con Diễm, người mà nó yêu thương nhất lại chỉ vào mặt nó nói nó giết người. Con Diễm cũng thẹn, không dám gặp nó. Hình như là chúng nó chia tay luôn rồi…”
Bà Bỏ nói mình đã hết lời khuyên con trai nên tha thứ cho Diễm, vì trong tình thế ấy Diễm không thể làm khác được. Nhưng Đỡ lắc đầu, suốt ngày lầm lũi đi bắt chuột về bán cho các quán nhậu để lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em.
Bà con ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), nơi mà chị Diễm và anh Đỡ từng thuê nhà sống với nhau xác nhận cái đêm xảy ra án mạng, Đỡ ở nhà cùng Diễm và cả hai đi ngủ rất sớm. Vì vậy mà ban đầu, trước công an Diễm cương quyết bảo mình đã ngủ với Đỡ trong đêm đó. Chính sự cương quyết này đã khiến Diễm bị bắt giam với tội danh che giấu tội phạm. Và rồi dưới sức ép nào đó (không nói ra ai cũng biết), cuối cùng Diễm đã phải cắn răng làm cái điều khiến bây giờ anh Đỡ chưa thể nào bỏ qua được. Chuyện tình của hai người trẻ tuổi này gần như hoàn toàn tan vỡ!
Anh Đỡ mất người yêu còn anh Sô Phách thì về đến nhà vợ đã bỏ đi lấy chồng khác vì nghĩ anh không có ngày về. Anh Phách phải vất vả nuôi con thơ và mẹ già.
Khởi đầu một tư duy mớiTheo TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.Sài Gòn thì thông tư của Bộ CA là một khởi đầu cho một tư duy mới. Ông viết trên báo Pháp Luật TP:
“…KSV trong vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng như đã nói ở trên, nhất là trong việc bảo đảm tránh oan sai trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, thực tế nhiều KSV không nhận thức hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình nên trong các vụ án oan sai có một phần lỗi không nhỏ của kiểm sát viên (KSV). Vụ này sẽ là lời cảnh tỉnh cho các KSV lơ là trong nhiệm vụ, là bài học nhắc nhở KSV phải nghiêm túc hơn trong công việc. Ở đây, chúng ta cũng thấy một điểm tiến bộ là cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã rất tích cực và sòng phẳng với những người làm oan. Nó có thể là một việc hiếm thấy trước đây nhưng từ nay nó sẽ là điểm bắt đầu cho một tư duy mới nhằm hoàn thiện hơn nữa ngành kiểm sát…”
Tuy nhiên, theo tôi, thật sự là tư duy mới thì cần phải ghi thêm biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn khi các điều tra viên hỏi cung người bị tình nghi như lắp camara theo dõi, cần có luật sư của người bị tình nghi chứng kiến cuộc hỏi cung nếu được yêu cầu. Đồng thời áp dụng hình phạt thật nặng đối với những điều tra viên vượt quá giới hạn như mớm cung, ép cung, làm mẫu viết sẵn bắt người bí tình nghi viết lại và ký tên. Nếu dùng nhục hình đến tử vong hoặc gây thương tật cho nghi can cũng khép vào tội sát nhân như dân thường và phải bồi thường thiệt hại, chứ các cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm Sát không thể lấy công quỹ ra bồi thường vì đó cũng là tiền của nhân dân. Đó là những điều rất hợp lý, rất cần thiết trong lúc này. Ngoài ra, các ngành công an, tư pháp cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xem xét toàn diện kịp thời những vụ án mà người bị tình nghi có ý kiến, đơn thư kêu oan. Như thế may ra mới ngăn chặn được những vụ an oan sai đã từ lâu làm người dân bất an và phẫn nộ.
15 tháng 8-2014
Văn Quang