Nói về cái chết của phóng viên chiến tranh James Wright Foley, bà Diane Foley, mẹ anh, sụt sùi bảo những phóng viên truyền thông khác -đồng nghiệp với anh- là anh "cống hiến mạng sống để trình bầy nỗi thống khổ của người bần dân Syria, quằn quại trong lửa đỏ chiến tranh."
Thương con rất nhiều, nhưng bà Diane cũng không hiểu con như đa số những bà mẹ khác, và cũng chỉ nói lên được một góc của cái nghiệp dĩ phóng viên chiến tranh mà Foley vương mang; không chỉ riêng bà mà tuyệt đại đa số những thân hữu, độc giả, khán giả của Foley, dù yêu thích việc làm của anh, nhưng không mấy người hiểu rõ cái nghiệp dĩ phóng viên chiến tranh -một thứ nghiệp chướng khá phức tạp. Điều đầu tiên họ không hiểu là phóng viên chiến tranh không phải là một nghề.
Foley vác máy, vác xác vào chiến trường không chỉ để mọi người nhìn thấy nỗi thống khổ của thường dân trong cuộc chiến tranh tàn bạo giữa quân đội Syria và lực lượng Hồi Giáo Quốc, qua hình anh chụp, phim anh quay, và bài tường thuật anh viết.
Động cơ chính thúc đảy anh làm công việc đó là say mê; anh mê mẩn đứng giữa nỗi đau khổ của nhân loại, giữa những núi xương, những sông máu, những khối uất hận cao ngất trời khiến hàng ngàn, hàng trăm ngàn con người chưa bao giờ quen biết nhau thận trọng bò sát mặt đất, liều lĩnh bay bổng lên cao, sử dụng mìn bẫy, bom đạn, hóa chất để giết nhau. Foley đứng đó, tức giận, phẫn nộ trước khuôn mặt tàn nhẫn vô nhân đạo, và vô lý của loài người; anh đi tìm, và tin là anh có thể tìm ra một chữ, một câu văn, chụp được một tấm ảnh, gây thảng thốt, giật mình cho thế giới, trước khuôn mặt gớm ghiếc của loài người.
Anh buông bỏ cái xã hội Hoa Kỳ thừa mứa tiện nghi, không ai chết đói, không ai chết lạnh, tìm đến tâm điểm của khổ đau, đến những điểm nóng nhất, nguy hiểm nhất của chiến cuộc để tìm chân lý giải thích chiến tranh; anh mài miệt đi tìm cho đến ngày 19 tháng Tám, ngày anh bị quân ISIS cắt đầu anh để trừng phạt một người Mỹ khác -ông Obama- về tội không ngừng truy kích chúng.
Bà Diane không nói sai, khi bà nói anh đứng về phía người bần dân Syria, nhưng bà không nói lên được tất cả sự thật. Foley viết tường thuật, bênh vực nạn nhân của cuộc tranh quyền giữa hai thế lực Hồi Giáo- bên nào cũng vô cùng tàn nhẫn. Anh không thể bênh vực tổng thống Bashar al-Assad hay bênh vực lực lượng Hồi Giáo Quốc ISIS chống ông ta -cả hai bên cùng không chùn tay trong hành động tàn sát thường dân.
Foley kinh tởm cuộc chiến tranh diệt chủng tại Syria; tuy nhiên bênh vực người dân thất thế -nạn nhân chiến tranh- không phải là lý tưởng của anh; nhiều lắm đó chỉ là lập trường Foley chủ trương trong những năm tháng anh sống tại Syria để quan sát và viết về chiến tranh Syria.
Trước đó, năm 2011, đã có lần anh cũng hòa mình, sống trong cuộc nổi dậy của người Libya, để chụp những bức ảnh ca tụng tinh thần người dân, tay không chống độc tài. Tháng Tư 2011, anh và ba phóng viên khác bị quân đội của nhà độc tài Muammar Gaddafi bắt, người phóng viên thứ năm -anh Anton Hammerl- bị tử thương. Foley bị giam 44 ngày; trong thời gian tù ngục đó anh nhìn thấy cái giá quá đắt anh đã trả để theo đuổi niềm đam mê tìm hiểu về chiến tranh, để chụp những bức ảnh, viết những câu tường thuật trung thực mô tả chính xác việc con người lăn vào điên cuồng giết người khác và bị người khác giết.
Trong thời gian anh bị Gaddafi giam giữ, mỗi ngày mẹ anh đến nhà thờ cầu nguyện xin Chúa che chở anh. Bà hàng xóm hỏi tên anh, để góp lời với mẹ anh, cầu nguyện xin Chúa cứu rỗi; rồi những người bạn học của anh 15 năm trước, những nam nữ sinh viên đang theo học Marquette University -ngôi trường anh tốt nghiệp cử nhân báo chí năm 1996.
Một buổi sáng, 28,000 sinh viên thì thầm xướng tên anh, trong một phút cầu nguyện tập thể, xin Chúa dắt anh trở về Milwaukee.
Mùa thu 2011, anh được trở về ngôi trường cũ để cảm ơn tình thương của học đường đối với một sinh viên cũ. Anh viết trên tờ nội san của trường, tờ Marquette Magazine, "Marquette University, từ giáo sư đến sinh viên, vẫn yêu thương tôi; tình thương đó khiến tôi muốn làm rạng danh trường nhiều hơn nữa."
Anh cho là cái job giáo viên tại Milwaukee junior high school mà anh đã đảm nhận sau khi tốt nghiệp Marquette University không phải là loại việc làm giúp anh vinh danh trường mẹ. Anh vác máy trở lại chiến trường Trung Đông lúc nào cũng âm ỉ khói lửa.
Lần thứ nhì anh bị bắt là ngày 22 tháng 11/2012; trong suốt 20 tháng giam giữ Foley, quân ISIS gửi cho hãng truyền thông Globalpost, nơi anh làm việc, và gia đình anh 6 bức email; bức điện thư nào cũng mở đầu bằng câu, "How long will the sheep follow the blind sheppard?" (Bao giờ bầy trừu mới thôi không theo tên chăn trừu mù nữa?)
Hãng Globalpost và gia đình Foleys vẫn đều đặn giữ liên lạc để trao đổi tin tức về anh; ngày 26 tháng 11/2013 ISIS gửi thơ cho gia đình Foleys đòi tiền chuộc; họ nhận được lá thư tiếp theo ngày 14 tháng Tám 2014.
Lá thư viết:
“HOW LONG WILL THE SHEEP FOLLOW THE BLIND SHEPPARD?
Sau đây là công hàm gửi chính phủ Hoa Kỳ và đàn trừu công dân Hoa Kỳ: chúng tôi đã để người Mỹ sống yên ổn sau cuộc thất trận của Hoa Kỳ tại Iraq, chúng tôi không chen vào nội tình nước Mỹ, không tấn công người Mỹ, mặc dù chúng tôi có khả năng thực hiện những việc đó.
Về số phận của tên Mỹ mạt vận đang bị chúng tôi cầm tù, KẺ NÀO MẠO HIỂM VÀO HANG HÙM SẼ BỊ HÙM ĂN THỊT.
Chúng tôi đã cho người Mỹ nhiều cơ hội để thương thuyết, trả tiền chuộc mạng cho con tin người Mỹ, như nhiều chính phủ khác đã đón nhận và đã làm. Chúng tôi cũng đã đề nghị trao đổi bằng cách Hoa Kỳ trả tự do cho nữ đồng chí của chúng tôi -bà Dr Afia Sidiqqi- nhưng người Mỹ cũng không nhận.
Đối thoại với người Hồi Giáo, Hoa Kỳ chỉ biết dùng tiếng nói của sức mạnh, tiếng nói Hoa Kỳ đã dùng khi toan xâm chiếm Iraq.
Hoa Kỳ không nhân đạo với người già yếu, phụ nữ, và trẻ con Hồi giáo, thì chúng tôi cũng sẽ không nhân đạo với người Mỹ.
Người dân Mỹ đầu tiên trả nợ máu là anh James Foley. Việc anh ta bị xử tử là hậu quả trực tiếp của việc Hoa Kỳ tấn công chúng tôi."
Việc hạ sát Foley được quân ISIS quay phim và phổ biến online, gây xúc động trong dư luận thế giới và tạo ra một cuộc tranh luận về việc chính phủ Mỹ có nên trả tiền chuộc mạng cho anh Foley không; bà Marie Harf, một phụ tá phát ngôn của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trình bầy lập trường của chính phủ Mỹ là không khuyến khích việc bắt cóc bằng cách đóng tiền chuộc mạng những con tin bị quân khủng bố bắt cóc.
Điều gây xúc động trong cái chết của anh phóng viên Foley là anh không chết trong lúc săn tin, săn ảnh -chết như một tai nạn nghề nghiệp; mà anh chết vì bị cắt cổ, hình ảnh cuộc hành quyết được quay phim, chụp hình và phổ biến rộng rãi trên mạng, với dụng tâm khiêu khích người Mỹ.
Quân ISIS đã thành công trong dụng tâm này; nhiều chính khách Hoa Kỳ đã lên tiếng đòi Hoa Kỳ tận lực để tận diệt ISIS.
Nhưng sau những xúc động đầu tiên, chính sách đối phó với ISIS của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ khôn ngoan hơn việc đưa quân Mỹ trở vào chiến trường Iraq.
Riêng Foley, nét mặt của anh không có một nét hốt hoảng nào cả; anh có vẻ chấp nhận chết trong cái nghiệp phóng viên chiến tranh anh yêu thích. Anh không phải là anh phóng viên chiến tranh đầu tiên, và cũng không hề là anh phóng viên cuối cùng ngã gục trên chiến trường.
Viết về Foley, tôi nghĩ đến Phạm Huấn, người phóng viên chiến tranh đã nhảy vào Tchepone trong trận ác chiến Lam Sơn 719
Nguyễn đạt Thịnh