Một quán cà phê internet tại Phnom Penh (DR)Sau nhiều quyết định cthắt chặt quản lý internet trong tháng 11, chính quyền Cam Bốt đang huy động một loạt bộ ngành tham gia chuẩn bị cho ra đời một dự thảo luật về thông tin internet. Dự luật này bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo nhằm mục đích bóp nghẹt quyền tự do thông tin của người dân trong một đất nước vốn quyền tự do ngôn luận không được tôn trọng và hệ thống internet mới bắt đầu được phát triển.
Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh tường trình : Dự thảo kế hoạch ngăn chận dân sử dụng phương tiện internet.. Giới hạn quyền tự do của dân, và mở rộng hầu như vô giới hạn quyền tự do của chính quyền, đó là mục tiêu mà thể chế chuyên quyền nhắm tới.
Liên quan đến điều này, công luận tại Cam Bốt những ngày gần đây tỏ thái độ xôn xao khi chính quyền thông báo đang lượng định những bước đi cụ thể để giới hạn việc sử dụng phương tiện internet trong xã hội. Một dự thảo luật về truyền thông mạng với sự đóng góp của nhiều cơ quan chính quyền như Cơ Quan Phát Triển Kỹ Thuật Thông Tin Quốc Gia, Hội Đồng Chính Phủ, Ngân Hàng Nhà Nước, Bộ Thương Mại, Bộ Thông Tin Truyền Thông chuẩn bị cho ra đời một luật mới về quyền tự do internet.
Bộ Trưởng Thông Tin ông Khieu Kanharith nói rằng, hiện nay chỉ mới có sự đồng ý ở cấp trung, và đang cần sự thảo luận thêm ở cấp cao trong mỗi bộ bên trên, do vậy dự thảo luật cần có thời gian trước khi ra đời. Theo thống kê của chính quyền, năm 2011 trên toàn quốc Cam Bốt có 1, 68 triệu người sử dụng internet, tăng khá nhiều so với con số 320.000 người vào năm 2010. Cạnh đó, cả nước có 3.000 blogger và 700.000 người sử dụng mạng xã hội Facebook. Con số này, chắc rằng nhà nước không nắm được số người Khmer ở hải ngoại đang sử dụng mạng Facebook để thảo luận về hiện tình đất nước.
Dân số Cam Bốt hiện nay có khoảng 14 triệu người, dân tại thủ đô Phnom Penh trên dưới 1,5 triệu rưỡi người. Và sự phân bố phương tiện internet không cân xứng, khi ở thủ đô, người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện internet qua các quán cà phê internet với giá 1.500 riel một giờ đồng hồ, có khi tại các siêu thị hay cửa hàng giải khát, khách sạn cung cấp miễn phí dịch vụ internet. Còn ở các tỉnh và nông thôn thì có nhiều giới hạn, người biết sử dụng thì ít và các dịch vụ mạng lại không có nhiều.
Việc đăng ký sử dụng internet hiện nay khá dễ dàng, chỉ cần khoảng 100 Mỹ Kim là nối mạng được tại nhà với chi phí hàng tháng có giá cạnh tranh khi Việt Nam đưa công ty internet của họ đến Phnom Penh làm ăn. Bên cạnh người sử dụng internet để biết thông tin hay chia xẻ thông tin thì cũng lại xảy ra tệ nạn chơi game online khiến giới trẻ dưới 16 tuổi bị ghiền nặng phải bỏ bê học hành.
Hồi đầu tháng này tại Siêp Riệp đã khai diễn một sự kiện kéo dài 5 ngày mang tên lễ hội của những blogger, có sự tham gia của 200 blogger và các chuyên gia tin học tại 15 quốc gia, một số quan chức chính phủ Cam Bốt cũng có mặt. Lễ hội bàn về vấn đề tự do internet.
Người phát ngôn của chính quyền là ông Phay Siphan nói dự thảo luật trong tương lai không phải để ngăn chận quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân, luật chỉ để bảo vệ các dữ kiện thông tin, ngăn chận kẻ xấu lợi dụng phương tiện internet để ăn cắp thông tin ngân hàng hay các định chế của nhà nước.
Phản ứng của giới bảo vệ nhân quyềnTuy nhiên, những người có trách nhiệm bảo vệ quyền tự do của công chúng thì lại không yên tâm trước những lời trấn an của chính quyền. Bà Sorn Ramana, một nhà điều phối kế hoạch tại Trung Tâm Nhân Quyền Cam Bốt nói rằng dự thảo luật về sử dụng internet chắc chắn không phải để phục vụ cho người truy cập internet, và bà cảm thấy không lạc quan về quyền tự do internet tại Cam Bốt. Bà nói, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ thấy có thêm người bị đàn áp, và dự thảo luật sẽ là công cụ trấn áp quyền tự do trên liên mạng của người dân.
Ông David Isaksson, người đứng đầu nhóm tư vấn truyền thông mang tên Bản Phúc Trình Toàn Cầu nói rằng ông thông cảm với nỗi lo sợ của những người sử dụng mạng tại Cam Bốt, và tại nhiều quốc gia, những luật tương tự đã được sử dụng để đàn áp quyền tự do internet. Tự cho mình là một người không am tường về luật internet tại Cam Bốt, tuy nhiên David Isaksson nói, chính quyền có thể tạo ra cớ bảo vệ an ninh quốc gia để tước đoạt quyền tự do internet của dân chúng. Chính quyền cũng sẽ đàn áp người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động xã hội và văn hóa.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến, anh Teng Prach, 19 tuổi, sinh viên báo chí đang học tại Trung Tâm Huấn Nghệ Don Bosco ở thành phố Kep thuộc miền Tây Nam sát cạnh địa phương Hà Tiên của Việt Nam cho biết : anh coi internet là công cụ hữu dụng và anh sử dụng một trang blog để viết về quê hương Kep của anh cho mọi người được biết. Đối với cá nhân anh, phương tiện truyền thông mạng rất có ích để phát triển cuộc sống của anh, qua mạng anh tìm được các thông tin xã hội và quảng bá địa phương của mình ra các nơi khác.
Anh Teng Prach cũng chia xẻ ý nghĩ của anh về kỹ thuật thông tin, ban đầu khi đến với internet, anh đơn giản cho rằng đó chỉ là một máy tính với các phần mềm và phần cứng đơn giản. Nhưng khi sử dụng mạng một thời gian, anh mới tìm thấy trong đó nhiều điều hữu ích như các bài viết nói lên tình cảm suy tư của con người về xã hội, đây là phần quan trọng mà con người nên chia xẻ với nhau trong cộng đồng để hướng thiện trong cuộc sống.
Vì sao chính quyền lại lo sợ dân sử dụng internet ?Dù có một hiến pháp dân chủ đa đảng, nhưng chính quyền Cam Bốt ngày nay có khuynh hướng thu tóm quyền lực. Với hệ thống truyền thông hùng hậu, hiện đại như báo giấy, đài phát thanh, đài truyền hình, hệ thống điện thoại nhưng chính quyền vẫn không an tâm và muốn kiểm soát tuyệt đối hệ thống internet.
Trong phát biểu trên mạng Facebook gần đây, một cô gái Khmer còn trẻ sống ở hải ngoại đã hô hào thanh niên nam nữ trong nước hãy sử dụng mạng xã hội Facebook để nói lên sự thật của quốc gia, cũng như giới trẻ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến hiện tình xã hội nhiều bất công, nghèo đói, tham nhũng ở Cam Bốt.
Hiện nay, chính quyền không thể ngăn cấm các ý kiến chỉ trích mạnh mẽ trên mạng Facebook, đặc biệt là phần ý kiến từ người Khmer hải ngoại. Đây là điều mà chính quyền quan tâm, vì có nhiều ý kiến phê phán bộc trực guồng máy chuyên quyền, độc tài của Đảng Nhân Dân cầm quyền.
Nhiều người đã so sánh như sau : một viên đại bác chỉ làm nổ tung một chiếc xe tăng. Nhưng một bài viết phê bình sẽ làm lung lay nhận thức trong xã hội. Và chiến lược công đồn chỉ tạo nên hiệu quả nhất thời, trong khi chiến lược công tâm gây ra hiệu quả rộng lớn và lâu dài trên phạm vi không gian và thời gian. Tự do internet chính là phương tiện đánh vào lòng người rất hữu dụng mà người dân hay các blogger và dân Facebook đang triển khai làm lo sợ guồng máy chuyên chế chỉ thích trấn áp.
Do vậy chính quyền muốn gia tăng kiểm soát tư tưởng của người dân. Tuy nhiên ngày nay, người viết không cần đến tòa soạn để gởi bài nhờ đăng phổ biến thông tin, với chiếc máy tính, các blogger ở mọi nơi hay đúng hơn là website miễn phí của cá nhân được dùng làm tờ báo mạng để bày tỏ tâm tình, suy nghĩ của cá nhân về hiện tình đất nước, thể hiện thái độ đóng góp chân tình, thiết thực cho xã hội, và trong không gian tự do của liên mạng toàn cầu, chính quyền nhỏ hẹp dường như bất lực.
Source: RFI