Chủ tịch Hội đồng Châu Âu mãn nhiệm Herman Van Rompuy chúc mừng ông Donald Tusk (t), tân Chủ tịch, và Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini (p), tân lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu, Bruxelles, 30/08/2014.
REUTERS/Yves Herman
Vào thời điểm Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với xung đột tại Ukraina, hôm qua 30/08/2014, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí cử hai nhân sự lãnh đạo chủ chốt của khối 28 nước : Thủ tướng Ba Lan Donadl Tusk làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, còn vị trí lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu được phó thác cho Ngoại trưởng Ý, bà Federica Mogherini.
Với việc bổ nhiệm ông Donald Tusk, đây là lần đầu tiên một công dân nước cộng sản cũ Đông Âu được bầu vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của Liên Âu, 25 năm sau khối cộng sản tan rã, và 10 năm sau khi nhiều nước trong số đó gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Đầu tháng 12/2014, Thủ tướng Ba Lan sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy, chủ tịch thường trực đầu tiên của Hội đồng. Đây là một chức vụ có tầm quan trọng chiến lược, phụ trách việc điều hợp công việc chung của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, và đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại, cùng với Chủ tịch Ủy ban.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu mãn nhiệm Herman Van Rompuy ca ngợi ông Donald Tusk, người đảm nhiệm chức Thủ tướng Ba Lan từ 7 năm nay, « đã tham gia vào nhiều quyết định khó khăn nhất trong những năm và những tháng gần đây, liên quan đến đồng euro, cũng như các khủng hoảng quốc tế như trường hợp Ukraina… Đây là một nhà lãnh đạo của Châu Âu ».
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel chính là người đã đề cử Thủ tướng Ba Lan vào cương vị này ngay từ đầu tháng 7/2014, và hết sức hậu thuẫn việc bổ nhiệm này. Thủ tướng Đức hoan nghênh các nước Châu Âu đã bổ nhiệm được một « người Châu Âu xuất sắc, dấn thân và nhiệt huyết », 25 năm sau biến cố bức tường Berlin sụp đổ.
Là quốc gia thuộc khối cộng sản cũ, Ba Lan nằm trong số các nước có lập trường cứng rắn nhất đối với Nga, kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Các nhà quan sát ghi nhận sự lựa chọn Thủ tướng Ba Lan là một thông điệp rõ ràng của Châu Âu gửi tới Matxcơva.
Trưởng thành từ Công đoàn đoàn kết, phong trào dân chủ đã dẫn đến sự chấm dứt chế độ cộng sản tại Ba Lan năm 1989, ông Donald Tusk – được đào tạo theo ngành sử học – đã thể hiện mình như một con người hiệu quả, dẫn dắt đất nước thành công, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và lãnh đạo Ngoại giao tương lai, Chủ tịch mãn nhiệm Herman Van Rompuy khẳng định ê kíp lãnh đạo mới của Châu Âu sẽ phải đối phó với ba thách thức lớn : một nền kinh tế đang trì trệ, khủng hoảng tại Ukraina, và vị trí của Anh Quốc trong Liên Hiệp Châu Âu.
Dù Ba Lan không phải là thành viên khối euro, ông Donald Tusk sẽ chủ tọa các cuộc họp thượng đỉnh của khối euro, với tư cách Chủ tịch Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu tương lai nhấn mạnh đến « niềm tin tưởng sâu sắc » của Ba Lan vào sứ mạng của Châu Âu. Được đánh giá là không thật sự thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, ông Donald Tusk cam kết sẽ « sẵn sàng ở mức 100% vào tháng 12 tới », với lời chơi chữ : tôi sẽ « polish » tiếng Anh của tôi (trong tiếng Anh, từ « polish » có nghĩa là hoàn thiện, nhưng cũng còn có nghĩa là Ba Lan).
Theo một số bình luận gia, việc bổ nhiệm Thủ tướng Ba Lan vào cương vị này có thể coi là để bù lại những lo ngại khi Châu Âu lựa chọn vào chức lãnh đạo Ngoại giao một ứng cử viên rất ít kinh nghiệm, nữ Ngoại trưởng Ý, 41 tuổi, chỉ mới có 6 tháng đảm nhiệm chức vụ, và đồng thời bị chỉ trích về thái độ quá mềm yếu trước Matxcơva.
Theo RFI