Uy tín của tổng thống Hollande xuống thấp chưa từng thấy : cử tri không còn tin tưởng vào đảng Xã hội. Reuters
Cuộc tranh luận về cái gọi là thái độ khinh thường người nghèo của Tổng thống cánh tả Pháp François Hollande xảy ra vào lúc tỷ lệ được lòng dân của ông xuống thấp tới mức chưa từng thấy.Chính sách kinh tế-xã hội của chính phủ bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí cả từ phía đảng Xã hội của ông Hollande. Theo giới phân tích, đó là dấu hiệu cho thấy tư tưởng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Pháp đã bị mất phương hướng, không còn có mối liên hệ ưu tiên với các tầng lớp bình dân.
Trong cuốn sách « Merci pour ce moment » vừa được công bố, bà Valérie Trierweiler, đã có một thời gian chung sống với Tổng thống Pháp François Hollande, kể nhiều chuyện liên quan đến đời tư của hai người, đến tính cách của ông Hollande và bà tố cáo ông Hollande, tuy là chính trị gia cánh tả, nhưng lại không thích người nghèo và trong chốn riêng tư, ông đã nhẫn tâm hài hước gọi đó là những « người không răng ».
Giới phân tích cho rằng, cái gọi là sự tếu nhạo này cho thấy sự ly gián giữa chính quyền cánh tả và các tầng lớp bình dân còn lớn hơn cả thời ông Tony Blair làm Thủ tướng Anh hay thời ông Gerhard Schroder lãnh đạo chính phủ Đức, trong những năm 2000.
Bằng chứng là theo một cuộc thăm dò dư luận của Ifop, thực hiện cho báo cánh hữu Le Figaro, được công bố ngày 05/09/2014, nếu tổ chức bầu cử Tổng thống vào lúc này, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia sẽ giành được tới 54% số phiếu, tại vòng hai, trước ứng viên François Hollande. Một cuộc thăm dò dư luận khác cho thấy tỷ lệ được lòng dân của ông Hollande chỉ còn 13%.
Các nhà phân tích nhấn mạnh, kết quả cuộc thăm dò nói trên không thể hiện sự ủng hộ của người dân Pháp đối với đảng cực hữu, mà phản ánh sự bất bình, thiếu tin tưởng đối với cánh tả Pháp.
Theo ông Jérôme Fourquet, thuộc viện Ifop, vụ « người không răng » là một bằng chứng cáo buộc mới cho những ai đang muốn lên án mối quan hệ giữa tư tưởng xã hội dân chủ và người nghèo, sau một loạt những vụ bê bối trong cánh tả, như vụ ông Dominique Strauss-Kahn, nguyên Tổng giám đốc IMF sống xa hoa, buông thả, vụ cựu Bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac có tài khoản ở nước ngoài để trốn thuế, rồi vụ ông Thomas Thévenoud, mới làm Quốc vụ khanh về Ngoại thương được 9 ngày, đã phải từ chức vì quên khai, nộp thuế trong vòng ba năm.
Hậu quả của tình trạng mất phương hướng này lại càng lớn khi mà chính phủ Pháp và một bộ phận trong đảng Xã hội cánh tả đã không ngần ngại khẳng định xu hướng xã hội-tự do kinh tế, với phát biểu của Thủ tướng Manuel Valls như « Tôi yêu thích doanh nghiệp », hay việc ông Emmanuel Macron, trước hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, bà Laurence Boone, thuộc Bank of America, được đưa về làm cố vấn cho Tổng thống Hollande.
Đối với ông Frank Baasner, Giám đốc Học viện Pháp- Đức Ludwigsburg, thì cuộc khủng hoảng này có cội nguồn sâu sa hơn : « Đảng Xã hội Pháp dường như là đảng Xã hội cuối cùng ở Châu Âu đã không có thái độ dứt khoát giữa kinh tế thị trường và giấc mơ thay đổi xã hội chủ nghĩa, nhuốm mầu mac-xít ».
Chuyên gia này cho biết, ngay từ năm 1959, chủ nghĩa xã hội dân chủ Đức đã từ bỏ mọi quy chiếu đến đấu tranh giai cấp. Sự đoạn tuyệt lại được nhấn mạnh hơn vào đầu những năm 2000 với việc Thủ tướng Đức Gerhard Schroder áp dụng chính sách linh hoạt trên thị trường lao động, trong khi đó, xu hướng này, còn được gọi là chủ nghĩa Blair, tên của Thủ tướng Tony Blair, đã thắng thế mạnh mẽ tại Anh Quốc.
Theo nhà văn Pháp Eric Dupin, « chủ nghĩa Blair » kêu gọi các tầng lớp bình dân chấp nhận các hy sinh để có được triển vọng tăng trưởng, cũng như Thủ tướng Gerhard Shroder đã làm tại Đức. Thế nhưng, thảm họa của « chủ nghĩa Valls » là yêu cầu các tầng lớp bình dân chấp nhận hy sinh, nhưng không mang lại cho họ điều gì cả.
Theo RFI