NEW YORK (NV) - Người siêu giàu ở Mỹ đang trở nên siêu giàu hơn, trong khi khoảng cách biệt giữa họ với những người Mỹ còn lại đang tiếp tục lớn thêm trong mấy năm qua, CNN trích dẫn báo cáo của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed).
Theo nghiên cứu về tài chánh của người tiêu dùng được công bố mỗi ba năm, Fed nhận thấy giới giàu nhất chiếm 3% dân số toàn quốc kiểm soát hết 54.4% của cải cả nước trong năm 2013, tức hơi cao hơn so với báo cáo của ba năm trước.
Một người homeless tham gia tuần hành tại New York, ủng hộ cư dân tại Pan Am Shelter, Queens, 20 Tháng Tám, 2014. Căn chung cư này có vài chục gia đình vô gia cư trú ngụ, và bị cư dân địa phương cho là làm giảm giá trị nhà cửa của khu vực. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
Con số trên cũng cao rõ rệt so với con số 44.8% của năm 1989.
Trong khi đó của cải trong tay 90% dân số thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội lại giảm xuống còn 24.7% trong năm 2013, so với 33.2% của năm 1989.
Báo cáo cũng nhìn vào mức thu nhập của người Mỹ.
Trong khi thu nhập trung bình của người Mỹ sụt bớt 5% giữa 2010 và 2013, thì 3% dân số có địa vị trên chóp cao chiếm hết 30.5% của tất cả thu nhập.
Hoa Kỳ chiếm 42% triệu phú của cả thế giới, và 49% trong số họ có tài sản trị giá trên $50 triệu.
Còn giới trung lưu thì sao? Ông Edward Wolff, giáo sư kinh tế trường đại học New York University đưa ra câu trả lời: “Người Mỹ có khuynh hướng nghĩ rằng giới trung lưu của họ là giàu nhất thế giới, nhưng đứng trên phương diện của cải thì họ bị xếp hạng tương đối thấp trong các nước kỹ nghệ chính.”
Vụ khủng hoảng nhà đất khiến giới trung lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào cuối thập niên vừa qua. Trong năm 2010, tài sản trung bình của gia đình trung lưu là $77,000, tức giảm gần 40% so với năm 2007.
Ông Jim Davies, giáo sư kinh tế trường Western University ở Ontario, Canada, nói: “Giá nhà thay đổi có một tác động lớn đối với tài sản của giới trung lưu.”
Ðồng thời lương không tăng trong hơn một thập niên là yếu tố khác cản trở việc làm giàu của người Mỹ. Thu nhập trung bình của họ trong năm 2012 là $51,017, so với $56,080 của năm 1999.
Ngoài ra, nhiều lý do khác cho thấy tại sao thu nhập của giới trung lưu bị đi xuống, trong đó có sự mất quyền lực của nghiệp đoàn lao động, do việc làm bị đưa ra ngoại quốc và sự gia tăng sử dụng kỹ thuật thay thế lao động ở chỗ làm.
Hơn nữa người Mỹ còn phải bỏ tiền túi ra nhiều cho những chi tiêu căn bản như săn sóc y tế và chi phí giáo dục cao.
Giáo Sư Wolff kết luận: “Giới trung lưu không thể nào dành dụm được tiền nữa cả.”
Theo báo Người Việt