Bài sau trích từ lá thư của độc giả tên Paul Trewhela gởi tuần báo văn của Anh, The Times Literary Supplement, đề cập đến tác phẩm "Shostakovich¹: A Life Remembered" của tác giả Elizabeth Wilson. Tựa đề của người dịch.
Elizabeth Wilson thuật lại hồi tưởng của Flora Litvinova về lần đến thăm nhà soạn nhạc vào năm 1956, lúc xe tăng Xô Viết tiến vào Budapest. Litvinova và chồng nói rất say mê về cuộc triển lãm của Picasso đang diễn ra tại Mạc tư khoa, và về cuốn phim gần đây quay cảnh nhà danh họa đang vẽ tranh "ngay trước mắt chúng ta."
Shostakovich cắt ngang lời họ: "Đừng nói với tôi về hắn, thằng khốn nạn... Vâng, Picasso, thằng khốn nạn ấy, ca tụng chính quyền Xô Viết và chế độ cộng sản chúng ta trong lúc những kẻ tôn sùng hắn ở đây bị trấn áp, bị theo dõi liên tục, và không được phép làm việc."
Litvinova xen vào: "Nhưng những người tôn sùng ông cũng bị trấn áp và theo dõi đấy thôi."
Shostakovich: "Đúng thôi, tôi cũng là thằng khốn nạn, tên hèn nhát vân vân, nhưng tôi đang sống trong tù. Chị có thể hiểu cho rằng tôi đang sống ở trong tù, và tôi rất lo sợ cho con cái mình và bản thân. Nhưng hắn sống trong tự do, hắn không phải nói láo... Cái gã Picasso ấy, có ai khiến hắn phải mở miệng nói đâu? Tất cả bọn họ Hewlett Johnsons, Picasso, và Joliot Curies, bọn họ đều là lũ ăn hại. Họ sống trong thế giới mà rõ ràng có những vấn đề, nhưng họ tự do nói sự thật và tự do làm việc, và họ có thể làm những gì theo tiếng gọi lương tâm của họ. Còn con chim hòa bình đáng ghê tởm của Picasso nữa! Tôi ghét cay ghét đắng nó! Tôi khinh bỉ nô lệ tư tưởng nhiều như tôi khinh bỉ nô lệ thể xác."
Trần Quốc Việt
______________
Chú thích
¹ Dimitri Shostakovich ( (1906-1975) là nhà soạn nhạc Nga lừng danh thế giới.
Nguồn:
Tuần báo The Times Literary Supplement số ra ngày 1/11/2013
http://www.york.ac.uk/me...GL-TLS%20Generic-006.pdf