Nơi tôi ở, hôm nay chuyển tiết. Ngày đầu tiên trorng năm, đi làm về không phải mở máy lạnh. Thật sung sướng khi bước ra sân sau nhà, cái nóng trốn mất vào lòng đất để gió mát mân mê cành lá; cỏ ướt cơn mưa vội ban trưa cũng lả giọt đầu ngọn chào thu…
Việc thứ hai sau khi mở máy lạnh. Tôi thường mở laptop để đọc điện thư của bạn bè, buồn vui đời sống qua câu thăm hỏi, lời giễu cợt, làm vơi đi nhọc nhằn sau ngày làm việc.
Hôm nay, một ai đó đã gởi cho tôi bài viết với nhan đề: “Người Việt xấu xí”. Thật cáo lỗi với nhiều bằng hữu, đôi khi nhận được chút gì để đọc, tí tin nhanh hữu ích…, nhưng lại không biết người gởi để cảm ơn.
Bài báo “Người Việt xấu xí” chỉ ghi nguồn từ báo Thanh niên trong nước chứ không ghi tên tác giả. Nhưng làm nhớ ông Bá Dương bên Tàu đã nổi tiếng thế giới với tác phẩm “Người Trung quốc xấu xí”. Người ta viết cả cuốn sách còn dày hơn ông về những phê bình tác phẩm của ông. Dĩ nhiên là kẻ chống người bênh ông Bá Dương đã thẳng thắn nói ra những thói hư, tật xấu của dân tộc ông.
Điều những người phê phán ông không ngờ là chính họ đã làm cho ông càng nổi tiếng vì quyển sách đặc biệt và ồn ào đó ngẫu nhiên trở thành cẩm nang du lịch Trung quốc, bởi ai trên thế giới muốn đi du lịch Trung quốc đều muốn biết qua (biết trước) về dân tộc lạ lùng này; dân tộc nổi tiếng với dân tộc tính: nghe khen không vui, nghe chửi không buồn–miễn lấy được tiền là được. Người Tàu trở thành dân tộc giỏi buôn bán là vậy!
Nhưng dân tộc tôi cũng giống dân Trung quốc hay sao mà nhà báo trong nước bưng luôn cái tựa đề của ông Bá Dương cho bài báo của mình? Nếu tôi không đọc thì sao biết, không biết sao nói; không nói… thì lấy gì trả ơn người đã gởi cho tôi bài báo “Người Việt nam xấu xí”.
Bài báo có đoạn kết đáng đọc như sau:
“Tính cách có một phần yếu tố di truyền, song một phần lớn khác là do ảnh hưởng của sự giáo dục (trong gia đình, nhà trường) và môi trường xã hội tác động đến. Do đó, tính cách ấy không thể bất biến được. Muốn thay đổi tính cách, con người cần phải đặt trong môi trường nhất định. Nếu như trong một cộng đồng, một xã hội được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội, pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật không nể nang bất cứ ai, tạo ra xã hội thực sự dân chủ, minh bạch thông tin thì những thói xấu như tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện… sẽ khó có đất mà tồn tại.”
Đọc đến đây, tôi (ai) cũng hiểu xã hội Việt nam đang tồn tại những gì, thiếu sót những gì?
Đọc tiếp:
“Ngoài ra, xã hội cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ về việc chống lại các thói quen xấu đã, đang và có xu hướng được hình thành. Bản thân mỗi cha mẹ cần là một tấm gương sáng để con cái noi theo. Nhà trường cần chú trọng khâu rèn luyện đạo đức, nếp sống, thói quen cho trẻ. Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường và gia đình cần dạy dỗ nhiều hơn về văn hóa giao tiếp và ứng xử. Có như vậy mới góp phần đưa văn hóa VN trở thành một điểm sáng trong mắt bạn bè thế giới.”
Tác giả bài báo này thật cao tay! Chả động gì đến chính trị, không chống phá nhà nước! Chỉ nói về con người trong xã hội Việt nam hiện tại. Nhưng qua đó đã trình làng cho thế giới biết hiện tình xã hội Việt nam sau 40 năm thống nhất, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam, quê hương tôi bây giờ: cái cần không có, cái có không cần!
Chữ “nếu” được dùng như con dao hai lưỡi thọc vào yết hầu chế độ. Nếu–nghĩa là “không có thật”; ít nhất là “chưa có” kỷ cương, đạo đức trong xã hội. Cái xã hội đương thời trong nước không có nghiêm minh về pháp luật; người thực thi pháp luật kết bè lập đảng nên xã hội không thực sự có dân chủ. “Truyền thông” mà tác giả bài báo dùng từ “thông tin” cho nhẹ bớt, chỉ là thông tin giả dối, một chiều; loại thông tin bưng bít của xã hội chủ nghĩa.
Và cũng chính từ cái xã hội “không có gì thật, toàn điều giả dối” ấy đã tạo ra hệ lụy là con người trong xã hội ấy đã biến chất từ một dân tộc có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, coi trọng hiếu đạo… trở thành đầy đường chỉ toàn những kẻ tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện….
Xin đọc lại đoạn văn để chia chung ngậm ngùi với người trong nước, “Nếu như trong một cộng đồng, một xã hội được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội, pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật không nể nang bất cứ ai, tạo ra xã hội thực sự dân chủ, minh bạch thông tin thì những thói xấu như tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện… sẽ khó có đất mà tồn tại.”
Riêng tôi, xin gởi đến tác giả bài báo lời cảm ơn về giá trị cáo trạng; và lời cảm ơn về cú pháp độc đáo, đáng học hỏi.
Xin thôi bàn về ý của bài báo; trở lại với nghĩa của những con chữ trong bài báo. Tác giả đặt vấn đề về tính cách con người trong xã hội hiện tại ở Việt nam. Thì. Bàn về tính cách một con người, là những thể hiện từ nhỏ, như bản ngã riêng của từng người. Rộng lớn hơn có tính cách một cộng đồng; một dân tộc… rộng nữa là tính cách một chủng loài, như loài người có nhân cách mà những chủng loài khác chỉ có đặc tính, như: Khỉ thích leo trèo, gà ưa bới móc, chuột thích đục khoét, chó thích sủa hùa,…
Trong tính cách mà nhà báo chỉ ra từ xã hội Việt nam đương đại như: tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện… chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là chỉ mười mấy người trong cái bộ “đỉnh cao trí tuệ” đã làm thay đổi được hàng trăm triệu người (cả dân tộc) trở thành tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện… vì họ dám làm – dù chỉ là hành động điên rồ của những người không tưởng. Trong khi hàng trăm triệu người (cả dân tộc) minh mẫn, cần cù, hiếu học, lễ nghi… đủ cả những tính tốt thì lại không thay đổi được mười mấy người không tưởng ở bộ chính trị trung ương đảng. Vì sao? Phải chăng, vì cái đích thực của tính cách người Việt là chờ người khác làm, mình chỉ có việc tìm cách hưởng lợi từ thành quả máu xương của người khác! Nên cuối cùng số đông trở thành tham ăn, háo danh, sĩ diện, tùy tiện,… dưới quyền điều khiển của nhóm người điên.
Nhìn ra hải ngoại, rất nhiều bậc cha mẹ người Việt chăm lo con cái bằng công sức trời biển của mình để thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt hải ngoại có đủ năng lực, tri thức ngang bằng với thế giới. Con em người Việt hải ngoại được trang bị kiến thức, tầm nhìn tận kẽ răng; người bạn trẻ Việt nam nào ở hải ngoại cũng đủ sức và sẵn sàng về làm Thủ tướng của nền đệ tam cộng hòa khi Việt nam không còn cộng sản.
Nhưng ai là người đi cướp chính quyền cho con ông, con bà về làm Thủ tướng; ai lật đổ chế độ cộng sản trong nước để có nền đệ tam cộng hòa cho con ông, con bà về ngồi ghế Tổng thống?
Tính cách, hay còn gọi là nhân cách là những suy nghĩ và hành động rất riêng biệt của từng người. Nhưng tính chất chung của một cộng đồng, một dân tộc lớn hơn thì gọi là dân tộc tính. Phải chăng dân tộc tính của người Việt nam, ngoài những điều tốt đẹp như hiếu đạo, hiếu học… Dân tộc ta vẫn tồn tại thói quen ỉ lại vào người khác; chờ người khác dọn cỗ rồi mình chỉ ngồi vào bàn mà hưởng thụ. Cho rằng những người cộng sản sai trật từ đầu khi tin tưởng, đi theo chủ nghĩa cộng sản. Cho rằng họ thiếu tri thức, truyền thống, đạo đức, văn hóa…, thiếu tư cách. Nhưng điều đáng nhớ thì mọi người lại quên là họ dám cướp chính quyền (cưỡng chiếm miền Nam) để họ có được một xã hội mà thao túng theo sự điên rồ của họ. Khác hẳn với dân tộc tính hiếu đạo, hiếu học, cần mẫn, thông minh…, nhưng chỉ ngồi chờ bàn tiệc dọn sẵn. Được mấy người Việt hải ngoại nuôi dạy con cái thành tài với tôn chỉ “quang phục quê hương”; chỉ thấy họ rút hết tiền 401K ra cho con mở phòng mạch bác sĩ, văn phòng luật sư… chỉ dặn dò khi có cơ hội thì về nước tranh chức Thủ tướng nha con yêu. Thôi thì mở cho con cái tiệm nail cũng được vậy!
Tôi ít đọc báo trong nước vì dị ứng từ. Mong nhà báo của báo Thanh niên trong nước thông cảm cho một chiều đầu thu nơi tôi ở. Tôi cũng xin cảm ơn tác giả bài báo “Người Việt nam xấu xí” vì gấp cái màn hình laptop lại. Tôi chả còn gì để suy tư vì đã suy tư nhiều về tính cách chờ người khác làm của dân tộc mình. Nhưng một con én không làm nên nổi mùa xuân. Cùng lắm cũng chỉ ngồi nhớ về những tính cách đã làm thay đổi mình. Tôi nhớ về một người bạn nhỏ, đã lâu, thậm chí bạn tôi cũng không còn nữa. Nhưng anh ta mãi là cây thước đo trong tôi để tự điều chỉnh mình về cách sống. Chữ “nếu” tôi dùng khác với tác giả bài báo “Người Việt nam xấu xí”. Xin giả sử, “Nếu như người Việt nào cũng như người bạn nhỏ trong tôi, thì trăm triệu người Việt đã bóp mũi chết tươi mười mấy cái quái thai của mẹ Việt nam đang từng ngày tha hóa văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Kể về người bạn nhỏ của tôi. Mỗi cá nhân có tính cách riêng, hay còn gọi là tư cách cá nhân (của mỗi người). Tư cách một người đầu tiên đi vào ký ức tôi là người bạn nhỏ mà tôi đã từ thương mến chuyển sang thương tiếc vì anh ta không còn nữa, và đã lâu lắm rồi. Nhưng tư cách của (nó) luôn còn trong tôi để nhắc nhở–một cách sống ở đời. Chuyện “thằng bạn” con nhà cán bộ đi tập kết ở Bắc rồi trở về Nam sau 1975. Chẳng lạ gì cha nó là một người Nam bộ hệch hạc, quấn cái khăn rằn trên cổ, hút thuốc rê xen kẽ với thuốc Samit khi tiếp khách; hay nói về đảng và nhân dân, nhưng khi nhậu xỉn thì dẹp hết chuyện chính luận để ca vọng cổ… Trong khi mẹ nó là một phụ nữ miền Bắc nên nói giọng Bắc rặt, mấy anh chị em nhà nó cũng nói giọng Bắc vì sanh đẻ ngoài ấy.
Điều quan trọng là đám trẻ con (trong Nam) chúng tôi không chơi với nó trong sân trường đã đành. Chúng tôi tuy nhỏ nhưng đều được gia đình dặn dò cặn kẽ, “gia đình tôi không liên hệ với cộng sản”.
Nó biết. Biết chắc chúng tôi không chơi với nó chỉ vì nó là con của một ông Nam bộ nhưng đi theo Việt cộng. Nó chấp nhận bằng cách riêng của nó, nhưng tôi lại thấy theo cách riêng của mình là nó người lớn hơn chúng tôi. Tôi mang những suy nghĩ chỉ thầm kín vì nói ra chắc chắn sẽ bị bạn bè xem tôi là thằng phản bội, theo Việt cộng! Chỉ là đám con nít nhưng bản năng chụp mũ thấm nhuần như dân tộc tính không chừng.
Một hôm đi học về, có con nhỏ chung trường bị bọn ma cô gài bẫy đụng xe. Chúng đụng con nhỏ té trầy đầu gối, lác cùi chõ… nhưng cứ bắt lỗi con nhỏ và bắt bồi thường–với giá trên trời!
Chúng tôi là dân… đi bộ, nên chuyện những người đi học bằng xe đạp (sau 1975) là chuyện dân nhà giàu. Chúng tôi chỉ đứng nhìn. Nó cũng là một thằng đi bộ (cho giống chúng tôi). Dù tôi biết nó có xe đạp ở nhà. Nhưng chính nó là người đầu tiên lên tiếng với bọn lưu manh. Nó ra mặt bênh vực con nhỏ chỉ biết là chung trường, khác lớp, và không quen.
Hồi nó bị cả chục đứa côn đồ đánh hội đồng thì tôi chịu hết nổi. Càng không tin hành động của mình được bạn bè hưởng ứng. Nhưng điều gì đó trong tôi đã thúc giục tôi quăng cặp táp, nhặt hai thanh củi đước của nhà nọ đang phơi củi ngoài lề đường, nhào vô, đưa nó thanh củi dài để chống đỡ tầm xa; tôi thanh củi ngắn hơn để bọc hậu cho nó và tự vệ mình, vì thằng này đánh lộn kiểu ngoài Bắc (không chừng), không thích hợp trong Nam. Nó chấp nhận trúng đòn để trả đòn chứ không tránh né! Tôi thấy đôi bên cùng thiệt hại, nhưng nó thắng trước yếu tố tâm lý là uy hiếp được tinh thần đối phương!
Hai thằng tôi hôm đó chống đỡ không tệ với hai thanh củi đước có phẩm chất tuyệt vời…
May sao cả đám bạn bè tôi đều giao cặp táp cho bọn con gái, rồi cả đám nhào vô với mỗi đứa một thanh củi đước, mặc bà chủ củi chửi bới như mất gà.
Vui nhất là đám con gái đánh hôi khi thấy phe ta đã áp đảo được phe địch. Con gái đánh lộn bất kể bạn hay thù, cứ quơ cặp táp trúng ai nấy chịu; bọn con gái đánh lộn như thầy cúng đuổi ma, khi đã lên đồng thì tiếng thét lanh lảnh làm cô hồn khiếp vía, cả bọn lưu manh bỏ chạy.
Trận hỗn chiến trở thành đề tài rôm rả trong sân trường hôm sau. Riêng thằng bạn nhỏ mang cái mặt bầm tím tới gốc cây tôi đang ngồi, nó đưa tôi chai dầu nóng, nói tôi mang về bóp cánh tay xưng vù vì hôm qua tôi đỡ cho nó một cái ống bơm xe đạp của thằng đánh lén…
Tôi với nó đã là bạn từ chai dầu nóng đó! Nhưng chưa thể ra mặt vì bạn bè tôi toàn những đứa có cha đi tù cải tạo; cha đứa nào chưa tới cấp bậc đi tù thì đang đạp xích lô, ba gác, làm phu khuân vác với từ ngữ mới gọi là “công nhân bốc xếp” ở bến tàu.
Trận hỗn chiến oanh liệt với thương tích đầy tự hào của nhiều bạn bè trong trường, nhưng vẫn chưa đủ để chấp nhận một thằng con nhà tập kết như nó. Nên nó vẫn đến sân banh cùng chúng tôi. Nhưng chỉ làm khán giả.
Đến trận banh mà bên thua không chịu chung độ cho chúng tôi một xô nước đá lạnh. Bên đó là cánh không đi học, suốt ngày chỉ đi vớt ve chai trên sông, mò bao ni lông theo con nước… còn chúng tôi là nhóm có đến trường. Đương nhiên những kẻ có chữ nghĩa thường hèn hơn người ta tưởng, nên chúng tôi chỉ có cách là không chơi nữa! Trong khi nó lầm lì tiến vô sân, thộp cổ thằng đầu gấu của bọn kia, đập cho một trận… tới ói ra tiền mua xô đá lạnh cho chúng tôi.
Nhưng nó vẫn là khán giả của những trận bóng chỉ ăn-thua, (hai trăm đồng đá cục, cho mượn cái xô, cho xin miếng nước). Bên thua phải hùn tiền mua xô nước đá lạnh cho bên thắng uống trước, rồi mới đến những người chiến bại. Vì thế ý chí quyết thắng của chúng tôi từ nhỏ đã cao, cao hơn $200 mua đá cục nhiều lắm!
Đến chuyến vượt sông, chúng tôi đi đá trận lớn chưa từng có, vì lời thách đấu của xóm cầu sắt không phải chỉ là xô nước đá lạnh $200 như thường tình, mà cứ bên nào tung lưới được đối phương thì ăn hai ngàn đồng một trái ($2000/ trái); đá tới hết tiền mới thôi!
Thật ra cả bọn chúng tôi có hùn hết lại cũng không thể nào có tới hai ngàn–để, nếu thắng đá tiếp, nếu thua (chỉ một trái) là về.
Chúng tôi đầy tự tin với trình độ bóng đá, kỹ thuật cá nhân mà đứa nào cũng cho là mình giỏi nhất. Nhưng nói tới tiền thì đứa nào cũng nhì, nhường cái nhất cho đứa ra tiền cáp độ với phe thách đấu. Cuối cùng, cả bọn đều hạng “nhì” vì đâu đứa nào có tiền. Cả bọn chán nản rời sân trường khi trời đã sẫm tối vẫn chưa tìm ra được đứa nào “nhất”–là có hai ngàn, để sáng mai vượt sông đi đá độ với xóm cầu sắt.
Không ngờ khi nhà tôi đã sáng đèn, nó đẩy chiếc xe đạp một tay, một tay tự mở cửa rào nhà tôi để tiến vào sân. Tôi rất không ngờ nó tự đến nhà tôi, nhưng cứ ra tiếp bạn…
Nó nói, “Sáng mai, mày cứ gọi hết mấy đứa đá banh trong trường mình. Bọn mình phải sang sông. Đá cho tụi xóm cầu sắt hết gáy. Tụi nó đá không lại tụi mình đâu! Bọn bên sông chỉ ỷ có tiền, lếu láo…”
“Nhưng…” – Tôi nói,
“Tao có để dành được ít tiền. Nhưng ban chiều nói ra thì bạn bè…”
“…”
Cái thằng! Có lẽ nó là người đầu tiên dạy tôi về sự tế nhị ở đời. Hai đứa thỏa thuận xong về chuyện tiền bạc. Nó hỏi tôi, “Mày có quả bóng ở nhà không? Chơi với tao tí được không? Tao nghiện quá…!”
Tôi hiểu chữ “nghiện” của nó, nghĩa là nó thèm đá banh quá! Ừ, thì hai đứa tâng bóng tí thôi vì sân nhà tôi đâu đủ lớn để xổ giò.
Nó về. Tôi ngồi một mình ở gốc cây vú sữa rất lớn trước sân nhà. Nghĩ cách làm sao cho nó được đá banh chung với chúng tôi. Nhưng tôi vẫn không nghĩ ra được cách thuyết phục bạn bè, vì bạn bè tôi như đã nói ở trên, tuy chúng tôi nhỏ nhưng tinh thần quốc-cộng rất mạnh.
Sáng hôm sau–vượt sông. Cả nhóm như đoàn quân cảm tử. Không nói, cười, ồn ào như mọi khi. Sự trầm lặng của sức ép tiền tệ–rất tệ. Và tâm lý trộm cắp xua đuổi hết những nụ cười thường thấy trên môi bạn bè. Bởi tôi nói tiền do tôi trộm của mẹ tôi. Chỉ được phép thắng để tôi hoàn vốn cho mẹ tôi trong âm thầm…!
Trận cầu diễn ra khá vô tư đối với phe chủ chiến (vì xóm cầu sắt toàn dân buôn lậu hàng của thủy thủ viễn dương đưa về, lớp họ là xóm taxi đưa người vượt biên…) tiền bạc không khó khăn với họ nên không ngắt được tiếng cười vừa vô tư, vừa vô bổ của bọn nọ. Nhưng bọn nghèo chúng tôi thì căng thẳng; Mọi ngày, đứa nào bị má nó khóa cẳng vô cột nhà thì đứa nào thay thế; đứa nào đá ở vị trí nào, mang trọng trách gì… không cần bàn cãi vì đã đá banh với nhau từ nhỏ–ăn ý, hợp rơ… Thế mà hôm nay để thua tới trái thứ hai, 4 ngàn đi đời! Chính tôi cũng hoang mang với 1 ngàn cuối cùng–vì tối hôm qua nó đưa cho tôi 5 ngàn.
Tôi yêu cầu trận cuối với giá 1 ngàn. Bên kia không chấp nhận. Cả đội banh xóm cầu gỗ của tôi buồn bã như có đứa chết. Thằng “cáo già” bức xúc, khóc luôn trước trận tiền. Làm tất cả ngậm ngùi vì bạn bè thật sự nể nang đôi chân lắt léo của nó, con nít đâu biết nịnh bợ ai, thế mà cả đám phong tước “cáo già” cho nó vì nó coi thường hết hậu vệ đối phương, cỡ nào nó cũng lắt léo qua được banh để mở cánh hay đánh gót cho tiền đạo lấp lỗ châu mai… Hôm nay nó khớp giò vì tâm lý nên để mất bóng hoài, nó hối hận, tự cho lỗi thua là do nó không lên được bóng từ trung lộ…
Thằng khán giả trung thành của đội banh thảm bại đến vỗ về thằng cáo già, rồi nó tiến vô sân. Nó lột đồng hồ đeo tay, ra giá đồng hồ là mười ngàn. (Được đối phương chấp nhận). Yêu cầu của nó chỉ đơn giản là nếu chúng tôi thua một trái nữa thì nó thua cái đồng hồ cho bên thắng. Nhưng nếu chúng tôi thắng thì bên kia phải thua lại 4 ngàn.
Ông già ma cô–làm trọng tài tài chánh chứ không phải trọng tài trên sân, đòi giữ cái đồng hồ của nó để làm tin! Bỗng tôi thấy nghi ngờ ông già chỉ chuyên nghề cắp vặt, móc túi ở bến đò, bến xe. Tôi nói nó, “Đằng nào mày cũng ngồi ngoài. Theo sát ông già ma cô đó, đề phòng lão lợi dụng lúc bọn mình mê đá banh thì lão cuỗm cái đồng hồ của mày, trốn mất…”
Quả y như rằng, nó thộp cổ lão ma cô, đập cho một trận khi lão lặng lẽ cuỗm cái đồng hồ bỏ trốn. Trong sân, thằng bạn “thích đánh lộn hơn đá banh” của tôi, thộp cổ thằng giữ tiền của phe bên kia, đánh cho nó ói ra 4 ngàn với lý do: trọng tài trên sân là chú của mày, xử ép tụi tao để thắng! (Tao mới nghe mày gọi trọng tài là chú Út…)
Trận hỗn chiến xảy ra mau chóng, nhưng chúng tôi thua yếu tố sân khách. Đám anh em, bà con, bạn bè của tụi xóm cầu sắt đi coi đá banh ăn tiền liền tràn vô sân, tấn công đám tôi. Chúng tôi vừa chống trả, vừa rút về phía bờ sông.
Khi cả đám ra được tới bờ sông, cùng nhìn lại… một mình nó với cây tràm dài chừng ba thước, tả xung hữu đột với cả chục đứa vây đánh nó. Nhưng miệng hãy còn lanh lảnh hô to… “tụi bay chạy đi… tụi nó đông lắm…! chạy trước đi…”
Chúng tôi như thức tỉnh. Chẳng đứa nào lên tiếng mà mạnh đứa nào đứa đó kiếm một gốc đước, khúc cây tràm, cây mắm…, ở quê tôi thiếu gì. Chẳng đứa nào ra hiệu lệnh mà chúng tôi cùng quay lại! Phản công hung hãn đến đối phương tháo lui…
Bọn trẻ con vượt sông trở về. Đoàn quân chiến bại lẽ ra ngậm ngùi chia tay, sao bỗng dưng không đứa nào rời bờ quyết thắng chỉ cách đó vài giờ-lúc vượt sông đi chinh phạt người ta.
Sự quyến luyến nào giờ không hề có trong bạn bè vì từ khi biết nhau đến nay chưa phải chia tay đứa nào bao giờ. Nhưng khoảnh khắc trưởng thành của đám trẻ con đã tự đặt tay mình chồng lên, chồng lên… những bàn tay bạn bè. Tất cả đã là bạn từ nhỏ. Chuyện bắt tay tập thể, thề quyết chiến quyết thắng của chúng tôi trước những trận cầu quan trọng đã từng. Nhưng sự đặc biệt hôm đó là có bàn tay của thằng bạn ở ngoài Bắc mới theo cha hồi hương về lại trong Nam. Cú bắt tay tập thể mà tôi tin là bạn bè tới giờ vẫn còn nhớ như tôi đang nhớ, dù đã bao năm không gặp lại nhau–Làm sao quên được sự kiện đội banh xóm cầu gỗ có thêm một thằng Việt cộng con.
Sự chấn chỉnh đội hình diễn ra mau chóng để từ đó không bao giờ đội cầu gỗ biết đi mua xô nước đá lạnh cho đội nào nữa. Bởi thằng Việt cộng con đá hậu vệ cứng như tường đồng, vách sắt. Nó có lợi thế to con, thừa sức, và sáng banh. Nó như cọp mọc thêm cánh với tâm lý: nó đã là bạn bè với chúng tôi, là hậu vệ chánh của đội tuyển xóm cầu gỗ, chỉ khi mẹ nó bắt rửa chuồng heo, chẻ củi…, thì nó mới vắng mặt trong những trận banh mà hồi đá không thể nào nghĩ là mình nhớ tới già.
Nó đá banh chung với chúng tôi, đi chơi chung, phá làng phá xóm cũng có hạng. Những mùa khô sau mùa mưa rồi lại mùa khô nẻ đất. Chúng tôi đã biết buồn với năm học cuối ở ngôi trường tràn trề kỷ niệm. Nó vẫn cộc tính, lầm lì, là đứa học trò duy nhất có bộ râu quai nón trong trường, nhưng bạn bè trai, gái trong trường đều quý mến sự tử tế, tính nhường nhịn của nó.
Nó lại còn hơn hẳn chúng tôi về mặt gái gú. Năm đó tết đến, nó hỏi tôi về việc quà tết cho gia đình con nhỏ cùng trường, theo như trong Nam thì phải có, cần những gì?
Một mình tôi biết nó có bồ, nhưng tôi chưa hề và chưa từng nghĩ tới quà tết cho gia đình bạn gái, vì có con nhỏ nào chịu làm bạn gái của tôi đâu mà biết! Kể ra nó lợi hại hơn tôi nghĩ về nó nhiều. Nhưng thằng khôn sớm nên đi sớm. Tôi với nó xay thuốc pháo cho lò pháo của nhà nó. Một tiếng nổ long trời lở đất. Tôi chết ngất (bất tỉnh) không biết bao lâu. Khi tỉnh lại thật đau lòng vì thấy nó nằm thẳng cẳng trên giường, mình đầy máu…
Mẹ nó quệt nước mắt, nói với tôi, “Mày tỉnh rồi à! Có thấy trong người đau đớn chỗ nào không?”
Tôi trả lời, “Cháu không sao…”
“Vậy, mày tắm rửa, thay quần áo cho nó giúp thím… Nó chết rồi. Nó chết…”
Mọi người lôi mẹ nó ra khỏi phòng.
Tôi với thằng em trai của nó tắm rửa cho nó bằng nước mắt của chúng tôi.
Tết năm đó, tôi đem dây pháo dài 10 thước, hộp bánh, hộp mứt, hộp trà… nó nhờ tôi giữ giùm để nó đi biếu tết cho nhà bạn gái của nó. Nhưng tôi đem ra mộ nó, gọi hết bạn bè tới ăn tết với nó, vì đem biếu giùm nó cũng được, nhưng biếu chi nữa cho đau lòng con nhỏ bạn–bỗng nghỉ học mà không ai biết lý do, trừ người biết không nói–cất cái bí mật của hai đứa nó đến muôn đời…
Tôi vẫn nhớ về tư cách một người là thằng bạn nhỏ trên đường tôi đi, từng ngày tôi sống. Tôi giữ nó trong lòng như cây thước đo để tự điều chỉnh cách sống của mình sao cho đừng hổ thẹn với bạn bè.
Ngày đầu thu năm nay đọc báo về tính cách người Việt–đi kèm với tính từ “xấu xí” nên tự ái dân tộc phát hỏa. Nhưng nghĩ lại toàn chuyện nhỏ. Chuyện lớn là người Việt phải bỏ được tính chờ người khác làm mà phải tự mình ra tay trước như thằng bạn nhỏ của tôi thì mới mong khá nổi.
Phan