Một cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”. Courtesy photo
Bộ phim mang đề tài lịch sử hiện đại của Việt nam là “Sống cùng lịch sử” đã được nhiều người trong giới chuyên môn điện ảnh phân tích khía cạnh điện ảnh cũng như quảng bá trên thị trường của nó. Bên cạnh đó sự ế ẩm của bộ phim cũng phản ánh sự quan tâm của người Việt đối với lịch sử hiện đại của dân tộc. Sau đây là ý kiến một số nhà giáo và trí thức về việc này.
Người Việt có quay lưng với lịch sử không?Bộ phim “Sống cùng lịch sử” đang gây xôn xao dư luận tại Việt nam. Sự xôn xao này có nguyên nhân là sự ế ẩm của bộ phim, vì khi công chiếu lần đầu tiên có bán vé, người ta chỉ bán được đôi ba vé. Bộ phim còn gây xôn xao nữa là do số tiền to lớn mà nhà nước bỏ vào đó.
Một điều nữa cũng được mọi người bàn tán là chủ đề của bộ phim. Bộ phim nói về trận đánh Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ đề lịch sử được một số người cho rằng không ăn khách, vì không được công chúng Việt nam quan tâm.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, thành viên Hội đồng di sản quốc gia không đồng ý với nhận xét cho rằng người Việt nam không quan tâm tới lịch sử.
“Nói là người Việt nam không quan tâm đến lịch sử là hết sức sai lầm, chỉ có điều là lịch sử đó thể hiện qua cái hình thái như thế nào. Ví dụ như phim ảnh mà nó sai lệch, nó không đúng sự thật, thì người ta không quan tâm. Và nó nặng tính tuyên truyền thì người ta không quan tâm. Trước kia ở Bảo tàng dân tộc học có cái triễn lãm về thời bao cấp có rất nhiều người xem. Những người làm phim biện bạch rằng như thế là quay lưng lại với lịch sử , hay không quan tâm tới lịch sử, như vậy là hoàn toàn sai.”
Vấn đề thể hiện lịch sử như thế nào nói chung và giảng dạy môn lịch sử như thế nào nói riêng, cũng đã được bàn đến từ bấy lâu nay ở Việt nam. Người ta nhận thấy rằng học sinh không thích môn học lịch sử. Hồi năm ngoái, học sinh một trường trung học ở Sài gòn đã ăn mừng vì họ không phải thi môn lịch sử. Các thầy giáo Đỗ Việt Khoa và Nguyễn Thượng Long có nói với phóng viên Việt Hà lúc ấy rằng việc giảng dạy môn lịch sử theo kiểu chỉ có một chiều ta thắng địch thua cho nên không hấp dẫn được thế hệ trẻ.
Thầy giáo Phùng Hoài Ngọc, nguyên Trưởng khoa ngữ văn, Đại học An giang cũng cho rằng môn lịch sử ở Việt nam mang tính chính trị nhiều quá:
“Nói chung là cách viết lịch sử của mình nó kém, người ta mất lòng tin. Đặc biệt là lịch sử hiện đại, nó bị chính trị quá nặng. Lịch sử trung đại giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn người ta cũng không thấy sự đánh giá trung thực các nhân vật lịch sử. Trước nữa thời Lý Trần Lê thì không có vấn đề gì.”
Tuyên truyền chân thật mới hiệu quảTheo nhiều giáo viên thì thời lượng của phần nói về lịch sử hiện đại, nhất là từ khi đảng cộng sản Đông dương được thành lập, chiếm một phần lớn trong toàn bộ giáo trình sử ở các lớp trung học phổ thông. Và nội dung giảng dạy mang nặng tính tuyên truyền. Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói về sự tuyên truyền như sau:
“Tuyên truyền thì không có gì xấu cả nhưng tuyên truyền nhiều khi lại sai lạc đi, và nó nhằm cái mục đích gì đó, người ta biết đấy là tuyên truyền, chứ sự thực không phải là như vậy. Sự học của chúng ta là như vậy đấy, nó nặng tính tuyên truyền.”
Một cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”. Courtesy photo.
Theo ông khi muốn tuyên truyền thì phải nêu cái chân thật thì sự tuyên truyền mới có hiệu quả. Theo nhà thơ Trần Mạnh Hảo, trong một lần trao đổi gần đây với chúng tôi, thì khi nghe những người cộng sản tuyên truyền thì phải nghĩ đến những điều ngược lại.
Trở lại bộ phim Sống cùng lịch sử, các nhân vật trong phim này là những anh hùng như Phan Đình Giót, La Văn Cầu… là những người làm những việc phi thường, hy sinh tính mạng cho chiến thắng của cách mạng. Những nhân vật anh hùng như thế này được kể ra rất nhiều trong các bài giảng lịch sử cách mạng Việt nam. Một trong những anh hùng đó là một người trẻ tuổi có tên là Lê Văn Tám đã dùng thân mình để đốt kho xăng của kẻ địch. Theo tiết lộ gần đây của một người làm trong lĩnh vực sử học là ông Trần Huy Liệu thì người anh hùng này chỉ là một sản phẩm tưởng tượng.
Một nhân vật lịch sử có thật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng xuất hiện trong bộ phim “Sống cùng lịch sử”. Theo nhà giáo Phùng Hoài Ngọc, thì những người muốn sử dụng ông Giáp để tuyên truyền đã thất bại:
“Khi ông Võ Nguyên Giáp mới mất thì có những nơi người ta hiểu lầm sự thành kính với ông ấy và họ tranh thủ. Nhưng cuộc đời ông Giáp như thế nào thì người ta biết hết rồi, trên mạng cũng nhiều, người ta muốn tuyên truyền về ông Giáp thì đâu có bằng cái thực tế mà người ta biết.”
Sau khi việc công chiếu bộ phim bị thất bại và đã có nhiều lời bình luận về thất bại đó trên báo chí, Nhà văn Thùy Linh viết về mối quan hệ nên có giữa những người làm nghệ thuật và sự định hướng tuyên truyền của đảng cộng sản:
“Đề tài phim lịch sử theo đơn đặt hàng nhà nước, ý muốn của nhà nước, tiền thuế của nhân dân nhiều năm nữa vẫn vậy, như nhiều chục năm trước đây. Đừng mong có tư duy khác, cách làm khác, nhất là cái nhìn khác về lịch sử, mặc dù nhà nước mong nhân dân "sống cùng lịch sử' như cái cách họ mong muốn... Giữa kẻ thống trị và nhân dân - kẻ bị trị dường như chưa khi nào cùng chung cái nhìn về Lịch sử, cho dù ai mà chả phải sống trong Lịch sử của đất nước mình? Chỉ có cách để không bao giờ có những bộ phim ra rạp mà không có khán giả là các nhà biên kịch và đạo diễn phải biết từ chối viết, đạo diễn những kịch bản như thế này... Có biết từ chối không? Hãy để việc này cho ban tuyên giáo. Phim của ban này làm thì bao nhiêu tiền cũng không ngạc nhiên. Và không có khán giả đến rạp thì là chân lý rồi...”
Ông Phan Đình Thanh, Phó cục trưởng cục điện ảnh thì nói rằng bộ phim “Sống cùng lịch sử” đã hoàn thành sứ mạng của nó, ông giải thích là chào mừng các ngày lễ cách mạng theo đơn đặt hàng của nhà nước. Nhưng sự không quan tâm của công chúng đối với “những câu chuyện lịch sử mang tính tuyên truyền” thì chưa được một giới chức có trách nhiệm nào của Việt nam nêu lên và phân tích cặn kẽ.
Theo RFA