Các nhà khoa học của Tổ chức Khảo cứu Không gian Ấn Độ ăn mừng thành công phi vụ phóng phi thuyền vào quỹ đạo sao Hỏa, 24/9/2014.
NEW DELHI—
Ấn Độ đã phóng thành công một phi thuyền vào quỹ đạo của sao Hỏa, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên lên được Hành tinh Đỏ ngay trong cố gắng đầu tiên. Phi vụ liên hành tinh với chi phí thấp đã thu hút sự chú ý vào các tham vọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc thám hiểm không gian và công nghệ nội địa của nước này.
Các nhà khoa học của Tổ chức Khảo cứu Không gian Ấn Độ đã hoan hô, bắt tay nhau và cười rạng rỡ khi phi thuyền của Ấn Độ tiến vào quỹ đạo của sao Hỏa sáng sớm hôm nay.
Trước thời điểm chiến thắng đó, họ đã theo dõi trong một tiếng đồng hồ căng thẳng từ trung tâm phi vụ ở Bangalore khi phi thuyền nặng 1.350 kg trải qua một thao tác quan trọng: tái định hướng đường bay và nổ động cơ của phi thuyền trong khoảng 24 phút để làm cho nó chậm lại để có thể vào được sao Hỏa.
Các nhà khoa học gọi đó là “giấc mơ biến thành hiện thực.” Cùng tham dự với họ là Thủ tướng Narendra Modi, người đã chúc mừng cả nước.
Ông hãnh diện nêu ra rằng Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên đến được sao Hỏa ngay trong lần phóng đầu tiên mặc dù có rất nhiều điểm bất trắc với sự kiện hơn một nửa các phi vụ lên sao Hỏa đã thất bại. Ông Modi nói:
“Ngày hôm nay đã tạo nên lịch sử. Chúng ta đã dám vươn đến nơi chưa từng biết và đạt được điều gần như không thể.”
Phi thuyền “Mangalyaan” (tiếng Hindi nghĩa là Phi thuyền Hỏa tinh) bắt đầu hành trình 670 triệu cây số đến Hành tinh Đỏ cách đây 10 tháng.
Ấn Độ đã gọi dự án đầy tham vọng này là một chỉ số kỹ thuật, trình diễn khả năng của Ấn Độ trong việc tiến hành một phi vụ giữa các hành tinh được hoàn tất bởi chính các nhà khoa học Ấn. Ấn Độ nằm trong nhóm duy nhất đã thực hiên một phi vụ lên sao Hỏa sau Hoa Kỳ, Nga và Cơ quan Không gian Âu châu.
Nhà phân tích không gian Ajay Lele của Viện nghiên cứu Quốc phòng và Phân tích của Ấn Độ ở New Delhi gọi đây là một cột mốc quan trọng trong chương trình không gian của Ấn Độ.
“Không cần đến sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, Ấn Độ đã đạt được thành tích này với chi phí rất thấp. Do đó đây là sự trình diễn thành tựu kỹ thuật của Ấn và cũng là một phi vụ rất ít tốn kém. Ấn Độ được xem là một quốc gia đang phát triển và cho tới nay chưa có một quốc gia đang phát triển nào đạt được thành tích này.”
Như Thủ tướng Modi đã nêu ra, chi phí khoảng 74 triệu USD của phi vụ còn thấp hơn chi phí sản xuất bộ phim ăn khách “Gravity” của Hollywood.
Với năm bộ phận, mục tiêu của phi vụ sao Hỏa của Ấn Độ khá khiêm tốn: nghiên cứu bề mặt của Hành tinh Đỏ và tìm kiếm các dấu hiệu của khí methane, có thể là dấu hiệu của sự sống dưới bất kỳ hình thức nào.
Các nhà khoa học và kỹ sư của Tổ chức Khảo cứu Không gian Ấn Độ theo dõi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên màn hình sau khi phi thuyền của họ phóng vào quỹ đạo sao Hỏa thành công
Theo dự kiến, phi thuyền sẽ bay vòng quanh sao Hỏa trong khoảng sáu tháng và sẽ gửi về các hình ảnh và dữ liệu.
Phi vụ Sao Hoả chứng tỏ các tham vọng ngày càng nhiều của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian vào lúc Ấn Độ nhắm mục tiêu vào công tác thám hiểm không gian. Cho tới nay, chương trình đã có từ năm thập niên của nước này phần lớn tập trung vào thông tin và dự báo thời tiết.
Thủ tướng Modi dường như ủng hộ các tham vọng ấy.
“Cầu mong thành quả hôm nay sẽ thúc đẩy chúng ta với sức mạnh và lòng tin tưởng lớn hơn. Hãy định ra các mục tiêu táo bạo hơn và cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được các mục tiêu ấy. Hãy mở rộng các giới hạn của chúng ta ra hơn nữa.”
Trong khi phi vụ Sao Hoả đưa Ấn Độ vào một nhóm chọn lọc các quốc gia du hành vào không gian, một số người cho rằng nó có thể khiến nước này mở màn cho các chương trình mới tỷ như phi vụ du hành không gian có người lái.
Theo VOA