Giải pháp côn đồ chống biểu tình
Chính phủ Hồng Kông có sử dụng lực lượng côn đồ để giải quyết cuộc biểu tình đòi Dân Chủ của sinh viên hay không?
Tờ nhật báo South China Morning Post loan tin cảnh sát Hồng Kông hôm thứ Bảy 10/4 đã bắt giữ 19 người, trong đó có 8 nghi can là thành viên của Hội Tam Hoàng -một tổ chức du đãng- với cáo buộc tấn công người biểu tình. Diễn biến cảnh sát bắt du đãng chống biểu tình không đủ để giúp đô trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh chứng minh là ông không sử dụng giải pháp côn đồ chống biểu tình.
Côn đồ xuất hiện trên đường phố, rồi tấn công sinh viên biểu tình trong lúc chính phủ Hồng Kông vẫn quyết liệt ra lệnh cho sinh viên giải tán, và sinh viên không nhượng bộ trong đòi hỏi dân chủ hóa chế độ "đảng cử, dân bầu."
Vài chục ngàn người biểu tình vẫn tập trung tại khu Admiralty -khu hành chánh của Hồng Kông- bất chấp lời kêu gọi giải tán của đô trưởng Lương Chấn Anh. Ông Lương nhấn mạnh vào nhu cầu tái lập giao thông để không bóp chết sinh hoạt thương mại của Hồng Kông, và để viên chức chính phủ có thể tới công sở làm việc, phục vụ quần chúng.
Ông Lương không nói chính phủ Hồng Kông sẽ phản ứng như thế nào trong giả thuyết người biểu tình không tuân lệnh giải tán. Trong lúc đó, người biểu tình cáo buộc những nhóm côn đồ tấn công họ là thành phần thân chính phủ.
Một số thương gia có thái độ chỉ trích sinh viên biểu tình gây trở ngại cho sinh hoạt buôn bán của họ. Đài truyền hình Hồng Kông loan báo có ít nhất 18 người bị thương vì những vụ xô xát xảy ra trong ngày thứ Bảy 10/4, trong số đó có 6 cảnh sát viên.
Chính phủ Hồng Kông vẫn giữ thái độ dùng dằng sau khi họ thất bại trong nỗ lực dùng lựu đạn cay giải tán biểu tình. Thị trưởng Lương Chấn Anh lúc thì đề nghị thương thuyết với nhóm biểu tình, nhưng rồi ngay sau đó lại thay đổi lập trường từ chối không tiếp xúc với phái đoàn sinh viên.
Việc sử dụng lực lượng côn đồ tấn công sinh viên biểu tình cũng không dứt khoát, cảnh sát vẫn bắt giữ những tay anh chị trong cuộc tấn công sinh viên tại khu Mong Kok, khi cuộc tấn công trở thành quyết liệt gây thương tích cho cả sinh viên lẫn côn đồ.
Ông Jones Lam, 63 tuổi, nói ông tham dự vào cuộc tấn công sinh viên vì "họ làm tắc nghẽn lưu thông, không cho thương gia, viên chức làm việc," trong lúc anh Nick Tse, 22 tuổi, sinh viên nghệ thuật, chỉ đống lều trại bị nhóm côn đồ đập phá, rồi than với phóng viên truyền thông, "Công trình chúng tôi tỉ mỉ dựng lên, giờ này họ giật đổ, phá tan."
Tổ chức Hiệp Hội Sinh Viên (HHSV) tuyên bố phản ứng của họ trước việc chính phủ dùng nhóm côn đồ tấn công họ là họ sẽ không tham dự cuộc họp sắp tới với văn phòng thị trưởng Hồng Kông. Bản tuyên cáo của HHSV viết, "Mới hôm qua, chính phủ tuyên bố thiện chí gặp gỡ sinh viên để giải quyết mọi bế tắc trong hòa hoãn, hôm nay họ thay đổi thái độ, tấn công chúng tôi như tấn công kẻ thù."
Một nữ nghị viên thành phố Hồng Kông, bà Cyd Ho Sau-lan, tuyên bố, "Nếu chính phủ dung dưỡng hoặc cho phép nhóm người tự xưng là nhóm yêu nước tấn công người biểu tình, thì chính chính phủ đã mở đầu một giai đoạn hỗn loạn và bạo động."
Đô trưởng Lương Chấn Anh lại ra thông cáo than thở, "Tuyệt đối không bao giờ tôi muốn bất cứ một công dân Hồng Kông nào bị thương tích hết, nhất là những người trẻ; tuy nhiên, tôi vẫn yêu cầu họ giải tán ngay tức khắc để trả lại sinh hoạt bình thường cho thành phố."
Khu Mong Kok là khu vực nổi tiếng có nhiều hoạt động găng đảng; tuy nhiên nhiều người tham dự biểu tình chống lại cuộc biểu tình của sinh viên phủ nhận họ không thuộc găng nào cả, như ông Steve Lin, 48 tuổi. Ông nói với phóng viên truyền thông, "Tôi chỉ là công dân Hồng Kông chống hỗn loạn; tôi không thuộc găng nào hết."
Sáng Chủ Nhật 10/5, xô xát lại xảy ra giữa nhóm chống biểu tình và sinh viên; xe cứu thương chở một cảnh sát viên vào bệnh viện trong tình trạng cấp cứu; tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông kêu gọi du khách Mỹ tránh những khu hỗn loạn.
Ủy viên an ninh của Hồng Kông, ông Lai Tung-kwok, phủ nhận dư luận cho là cảnh sát sử dụng lực lượng côn đồ tấn công sinh viên. Ông Lai nói, "Không những chỉ là chuyện bịa đặt, nguồn tin này còn phủ nhận thái độ đứng đắn của cảnh sát trong lúc họ giải tán sinh viên."
Phóng viên Keith Bradsher của hãng tin Reuters tiếp xúc với cảnh sát chống biểu tình, và nghe những viên chức này than phiền về chính sách thiếu dứt khoát của đô trưởng Hồng Kông. Một cảnh sát viên dấu tên, nói, "Mỗi shift làm việc của tôi kéo dài từ 15 đến 16 tiếng đồng hồ để đối phó với sinh viên biểu tình, trong lúc sinh viên thay phiên nhau, người mệt được về nhà ăn uống, nghỉ ngơi, chợp mắt vài tiếng đồng hồ, nghỉ khỏe rồi trở lại thay chỗ cho người khác cần về nhà nghỉ ngơi, tắm gội."
Anh cảnh sát viên dấu tên này bảo Bradsher, "Nếu chính phủ cho phép cảnh sát ngăn cản sinh viên biểu tình không được rời bỏ chỗ biểu tình, thì cuộc biểu tình sẽ tan rã, vì sinh viên mệt mỏi."
Anh cảnh sát này còn rất trẻ và xác nhận với Bradsher là anh cũng mới tốt nghiệp đại học; trả lời câu hỏi "Anh có thẳng tay với những người bạn học cũ của anh không?" anh đáp, "Tôi vẫn thi hành bổn phận của một cảnh sát viên."
Đa số cảnh sát viên tránh không tiếp xúc với phóng viên truyền thông, nhưng anh Bradsher vẫn hỏi riêng được 6 người. Những người này cũng trách chính phủ Hồng Kông bó tay họ với thái độ thiếu dứt khoát.
Tuy nhiên, một cựu viên chức cảnh sát -ông Steve Vickers- nguyên giám đốc nha tình báo của cảnh sát Hồng Kông, công khai trả lời anh phóng viên Reuters. Vickers nói cây dù -được coi như hình ảnh tượng trưng cho cuộc biểu tình- còn được dùng làm khí giới để thọc vào ngực, vào mặt viên chức cảnh sát.
Vickers nói những ngày đầu tuần trước, sau khi dựng hàng rào cản sinh viên biểu tình, rồi dùng lựu đạn cay giải tán họ, cảnh sát bị dân chúng tràn ra đường phản đối, rồi được lệnh của đô trưởng Hồng Kông phải rút lui để tránh va chạm nặng hơn.
Trong lúc rút lui, cảnh sát để lại những hàng rào cản làm bằng sắt, hoặc bằng plastic nặng, giờ này đang bị sinh viên sử dụng như hàng rào ngăn chặn lưu thông.
Tối Chủ Nhật 10/5, đô trưởng Lương Chấn Anh cảnh cáo lần chót là cảnh sát sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tái lập giao thông vào sáng thứ Hai 10/6 -ngày thứ 9 của cuộc biểu tình đòi kiện toàn Dân Chủ trong phương thức bầu cử, tình hình Hồng Kông đã nhẹ thở hơn.
Giới lãnh đạo sinh viên và các chính khách thân Dân Chủ, kể cả nghị viên Lỗ Chí Cương (Law Chi-kwong) đã lên tiếng kêu gọi sinh viên không chiếm giữ mặt đường nữa. Lãnh tụ sinh viên Alex Chu (Alex Chow) ra thông báo đòi chính phủ phải bảo đảm an ninh cho người biểu tình.
Tình hình gay cấn giữa nhóm "tiến chiếm trung ương" (TCTƯ) và nhóm "chống TCTƯ" bớt căng thẳng. Trường học cũng mở cửa lại cho học sinh vào lớp.
Bên trong nội địa Trung Quốc, lệnh cấm các mạng lưới điện tử không được sử dụng những chữ "Hồng Kông", "hàng rào cản," "tiến chiếm trung ương", và "cây dù" vẫn chưa được hủy bỏ
Tóm lại, tình hình tạm lắng dịu tại Hồng Kông, có thể một phần nhờ chính sách sử dụng côn đồ chống biểu tình, phối hợp với áp lực của cảnh sát, và thái độ không quá khích của sinh viên.
Thảm kịch Thiên An Môn không xảy ra, nhưng tinh thần Thiên An Môn vẫn được sinh viên, học sinh làm sống lại, giúp nuôi dưỡng hy vọng dân chủ hóa Trung Quốc không đến nỗi tàn lụi dưới áp lực Cộng Sản.
NGUYỄN ĐẠT THỊNH