Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, Tướng Martin Dempsey và Tổng tham mưu trưởng quân độ nhân dân Việt
Nam, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt hàng quân danh dự tại Bộ Quốc phòng Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2014.
AFP
Tại Washington phóng viên Vũ Hoàng của RFA có cuộc trao đổi với T.S luật Cù Huy Hà Vũ về một số nội dung liên
quan đến dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí của Hoa Kỳ với VN và quan hệ của phong trào dân chủ ở Hong Kong
và Việt Nam.
Vũ Hoàng: Kính chào quý khán thính giả của đài Á Châu Tự Do, hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được tiếp
chuyện với T.S luật Cù Huy Hà Vũ để cùng ông trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc Mỹ mới đây nói sẽ dỡ bỏ
một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cách đây 4 năm, vào năm 2010,
Tiến sĩ đã công khai kêu gọi Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ cũng như kêu gọi Mỹ quay trở lại Đông Á về mặt
quân sự để cùng các nước trong khu vực chống lại sự bành trướng bằng vũ lực của Trung Quốc với câu nói nổi
tiếng "Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại". Đầu năm 2012, Tổng thống Obama đã tuyên bỗ
chiến lược "xoay trục quân sự sang chấu Á - Thai Bình Dương" và chính quyền Việt Nam cũng đã ngỏ ý mua vũ khí
của Mỹ.
Vậy phải chăng việc Mỹ mới đây cho biết sẽ bán cho Việt Nam một số máy bay săn tàu ngầm P3 theo mong muốn
của chính quyền Việt Nam như một sự nới lỏng cấm vận vũ khí là bước đầu tiên của việc hình thành liên minh quân
sự Việt Mỹ như Tiến sĩ đã kêu gọi?
T.S Cù Huy Hà Vũ: Trước đó 3 năm vào năm 2007, tôi đã có văn bản trực tiếp gửi cho đại Lê Đức Anh, trong
văn bản đó tôi đã quyết liệt yêu cầu Việt Nam phải liên minh quân sự với Mỹ bởi vì chỉ có Mỹ mới có thể giúp VN
chống lại hành vi xâm lược của Trung Quốc mà thôi. Đến năm 2010, tôi không thấy chính quyền VN phản hồi tích
cực với kiến nghị của tôi, cho nên đến năm 2010 như phóng viên hỏi, thì tôi đã phải công khai đòi hỏi chính quyền
VN, trên các phương tiện thông tin đại chúng, phải liên minh gấp với Hoa Kỳ về mặt quân sự để có thể bảo vệ thành
công tổ quốc VN, bảo vệ thành công sinh mạng cũng như lợi ích của nhân dân VN.
Trong tình huống như phóng viên vừa nói việc Mỹ mới đây hứa sẽ bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với VN thì đó có
vẻ như một sự xích lại gần nhau về mặt quân sự và đó có thể sẽ là bước đầu tiên hay tiền đề cho một liên minh
quân sự như tôi vừa nói. Lẽ ra với tư cách một người luôn cổ võ cho liên minh quân sự giữa Mỹ và VN thì tôi lại
không tán thành, nói đúng ra là tôi phản đối, bởi vì tôi cho rằng đây không phải là thời điểm, một cách cụ thể hơn là
phải có những điều kiện cho việc nới lỏng cấm vận vũ khí đó đối với VN mà Mỹ chưa đạt được.
Vũ Hoàng: Vâng, như T.S vừa đề cập đến điều kiện, thì chúng tôi muốn hỏi là điều kiện nào để Mỹ có thể bỏ
cấm vận đối với VN thưa ông?
T.S Cù Huy Hà Vũ: Như mọi người đều thấy, bước đầu tiên, theo tôi là chính quyền VN phải chấm dứt ngay
lập tức đàn áp nhân quyền, cụ thể là xóa bỏ ngay lập tức những điều luật phản nhân quyền và trả tự do ngay lập tức
và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm, chỉ có bằng cách chấm dứt đàn áp nhân quyền
như thế thì Mỹ mới có thể bước đầu nới lỏng cấm vận cho VN, đấy là chưa nói đến chuyện bỏ cấm vận vũ khí đối
với VN. Trong khi đó, tôi vẫn khẳng định rằng có nhiều cách và quan trọng nhất là chọn thời điểm để có thể thúc đẩy
quan hệ quân sự Việt – Mỹ để có thể tiến tới một liên minh thực thụ giữa Mỹ và VN, và chỉ có liên minh quân sự Mỹ -
Việt thì mới có thể bảo vệ tổ quốc VN, bảo vệ lợi ích của tất cả mọi người dân VN.
Vũ Hoàng: Cám ơn T.S Cù Huy Hà Vũ, với những gì ông vừa phân tích thì rõ ràng là vấn đề thời điểm rất quan
trọng. Hôm nay, có cơ hội đặt thêm một câu hỏi liên quan đến những vấn đề đang xảy ra ở Hong Kong là phong trào
đòi dân chủ ở Hong Kong với thành phần chủ lực là học sinh, sinh viên, thì T.S đánh giá thế nào về phong trào này
khi so sánh với phong trào dân chủ, nhân quyền ở VN thưa ông?
T.S Cù Huy Hà Vũ: Trước hết, tôi phải khẳng định rằng dân chủ là khát vọng của tất cả các dân tộc trên thế
giới. Để nói về phong trào dân chủ, đấu tranh ở Hong Kong thì tôi thấy việc đó hoàn toàn rất đáng hoan nghênh và
đáng khâm phục. Theo tư duy cũ kĩ, chúng ta có thể cứ nói là chính trị cứ phải đến tuổi nào đó, phải qua làm việc,
cọ xát nhiều với chính quyền, có những vấn đề tranh đấu với chính quyền trong một thời gian nhất định thì mới gọi là
làm chính trị. Nhưng theo tôi, dân chủ trước hết là khát vọng tự nhiên của con người và phương thức để đòi khát
vọng đó thành hiện thực thì người ta gọi đó là chính trị. Tôi muốn nói rằng đã là khát vọng thì có thể xuất phát từ
những người còn rất trẻ, cho nên, tôi thấy rằng thanh niên, sinh viên, học sinh Hong Kong đi đầu trong cuộc đấu
tranh này không những khâm phục mà tôi còn thấy đó là điều tất yếu, đó là điều đã, đang và sẽ phải xảy ra với VN.
Vì vậy, tôi thấy rằng giữa phong trào đấu tranh dân chủ ở Hong Kong hiện nay và phong trào đấu tranh dân chủ ở VN
có mối liên hệ, bởi vì 2 nước đều là châu Á, bởi vì 2 nước hiện giờ dưới các mức độ khác nhau đều nằm dưới sự
kìm kẹp của chế độ độc tài cộng sản. Thời gian tới, phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong có thể chưa đạt được
mục tiêu như họ đề ra là phải hủy bỏ danh sách “đảng cử dân bầu” như đã xảy ra ở VN, thì nó cũng đã châm ngòi
cho cả một phong trào phản kháng tiếp theo và chắc chắn. Trong tương lai không xa, không chỉ ở VN mà còn ở TQ
chúng ta sẽ thấy chế độ độc tài cộng sản sụp đổ và chế độ dân chủ của dân, do dân và vì dân trực tiếp bầu ra và
lựa chọn sẽ sinh ra và lúc đó mọi người dân cả VN và TQ sẽ hạnh phúc trong một thể chế mà ai cũng có quyền nói
lên suy nghĩ của mình và ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc của mình.
Vũ Hoàng: Vâng, một lần nữa thay mặt thính giả của đài RFA, chúng tôi xin cám ơn T. S rất nhiều đã có những
chia sẻ về mối quan hệ Việt – Mỹ cũng như tình hình biến cố vừa xảy ra tại Hong Kong. Một lần nữa, cám ơn ông rất
nhiều.
Theo RFA