Dự luật đánh thuế Internet gây công phẫn tại HungaryNgười biêu tình chống đánh thuế sử dụng internet tại Budapest ngày 26/10/2014. REUTERS/Laszlo Balogh
Trong vòng 48 giờ, tại thủ đô Budapest và một số thành phố khác trên toàn quốc, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn chống chính phủ Hungary vì một dự luật sẽ được đưa ra biểu quyết trước Quốc hội vào trung tuần tháng 11 tới. Đó là dự luật có nội dung đánh thuế việc sử dụng mạng Internet.
Báo chí Hungary nhận định: một biến cố rất bất ngờ đã tạo nên làn sóng biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong vòng hai năm trở lại, ngay vào thời điểm nước Hungary kỷ niệm cuộc cách mạng dân chủ 1956 vào ngày 23/10 qua. Đồng thời, cũng vào lúc nước này đang có những xung đột lớn với đồng minh Hoa Kỳ và EU trên hồ sơ Ukraina, vì quan điểm được choi là thân với Nga.
“Lại làm điều kỳ quặc Châu Âu không ai làm!”Đó là câu than thở trên báo chí Hungary bởi lẽ, quyết định của chính phủ Thủ tướng Orbán Viktor có vẻ khiến tất cả mọi người đều “bó tay” vì sự bất ngờ của nó: không chỉ không thông qua bất cứ một cuộc trao đổi chuyên môn nào, nhưng động thái ấy còn gây sững sờ ngay trong nội bộ đảng cầm quyền FIDESZ!
Sự việc khởi đầu bằng tuyên bố hôm 21/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia Hungary Varga Mihály, theo đó, sang năm, loại thuế đặc biệt đánh vào các hãng viễn thông sẽ được mở rộng sang tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Lý do được đưa ra, là càng ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ điện thoại thông qua mạng Internet.
Phát biểu nói trên của vị Bộ trưởng, thoạt đầu khiến nhiều người - kể cả không ít đảng viên FIDESZ - không thể hiểu một cách rõ ràng rằng chính phủ Hungary muốn đánh thuế đối với việc dùng Internet. Bởi lẽ, cách đây sáu năm, trên cương vị một chính đảng đối lập, FIDESZ còn mạnh mẽ phản đối và bài trừ khả năng này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, một số chi tiết về dự luật đánh thuế Internet đã được đưa ra: các hãng dịch vụ sẽ phải trả 150 Ft (chừng 0,6 USD) trên mỗi gigabyte dữ liệu dùng trên mạng. Bên cạnh đó, việc tính toán và chi trả khoản thuế mới này sẽ diễn ra hàng tháng, nghĩa là gần như nhà nước sẽ nhận ngay được tiền từ doanh nghiệp.
Ngay lập tức, công luận Hung nhận ra rằng đây là một khoản thuế hết sức đáng kể. Truyền thông Hungary làm một phép tính đơn giản, cho thấy: hàng tháng, chỉ cần cho tải mười bộ phim với chất lượng tốt, thì khoản thuế mà doanh nghiệp phải trả đã có thể lớn hơn khoản tiền thuê bao mà họ được nhận từ người sử dụng.
Mặc dù được coi là thuế đánh vào doanh nghiệp, nhưng bất cứ ai cũng nhận ra rằng, rốt cục, người tiêu dùng cũng sẽ phải chịu phần đáng kể. Bởi lẽ, các hãng dịch vụ sẽ tìm mọi cách để san sẻ khoản thuế mà họ phải trả, ví dụ bằng cách tăng giá thuê bao, hoặc hạ chất lượng Internet khiến ai muốn sử dụng ở mức độ như cũ phải trả nhiều tiền hơn.
Phản ứng gay gắt của công luậnTrong một thời gian ngắn kỷ lục (hơn nửa ngày đầu tiên), các “công dân mạng” Hungary đã quy tụ được gần 40 ngàn người cho hay họ sẵn sàng xuống đường để phản đối dự định mới này của chính phủ. Được tập hợp trên mạng xã hội Facebook, phong trào “Một trăm ngàn người phản đối thuế mạng” cứ một phút lại có thêm hàng trăm thành viên.
Chủ nhật 26/10/2014, hơn mười ngàn người đã tập trung xuống đường, giăng các khẩu hiệu “Không đóng thuế cho bọn tội phạm!”, “Tự do Internet!”, “Tự do Hungary!”. Sau khi đồng thanh giơ cao điện thoại di động trước tòa nhà Bộ Kinh tế Quốc gia, nhiều người biểu tình đã tiếp tục tuần hành và tiến đến trụ sở đảng cầm quyền FIDESZ.
Tại đây, người biểu tình đã đập phá cửa kính và ném màn hình, bàn phím máy tính cũ vào trụ sở FIDESZ, khiến cảnh sát phải can thiệp và bắt giữ sáu người. Người tổ chức cuộc biểu tình, ông Gulyás Balázs phát biểu: “Nếu chính quyền khi thấy ngần này người xuống đường mà vẫn không lùi bước thì có thể nói rằng họ không phục vụ nhân dân”.
Một thời hạn 48 tiếng được đưa ra để chính phủ Hungary rút lại dự luật, tuy nhiên nội các nước này tỏ ra quyết tâm, và chỉ đưa ra mức thuế hạn chế, là tối đa 700 Ft/tháng đối với người kinh doanh cá thể, và 5.000 Ft/tháng đối với doanh nghiệp. Thủ tướng Orbán Viktor cho hay ông sẽ không nhượng bộ.
Chiều ngày thứ Ba 28/10/2014, vài chục ngàn người một lần nữa lại xuống đường trong một diễn biến được coi là hành động chống chính phủ lớn nhất trong thời gian qua. Phát biểu trong cuộc biểu tình, các diễn giả nhấn mạnh vừa là những công dân mạng, họ vừa đại diện cho cư dân Hungary, muốn chính phủ phải ngồi vào bàn thương nghị với họ.
Đoàn biểu tình đề nghị Thủ tướng Orbán Viktor hãy đối mặt với họ và giải thích lý do tại sao chính quyền Hungary lại cần đến một thứ thuế kỳ quặc như vậy. Phải chăng là vì Thủ tướng Hungary đã hoàn toàn rời xa thực tế và không có ai tư vấn cho ông những gì cần làm? - Nếu vậy thì những người biểu tình sẽ phải làm điều này.
Vì sao nên nỗi?Chính quyền Hungary lý giải việc họ đưa ra loại thuế mới này, là vì ngân sách quốc gia nước này rất cần thêm những nguồn thu. Bên cạnh đó, giới chức Hungary cho rằng, việc mở rộng phạm vi thuế đánh vào viễn thông dưới hình thức thuế Internet là hợp lý, để cân bằng cho việc người tiêu dùng ngày càng có xu hướng bỏ điện thoại truyền thống để chuyển sang gọi điện qua mạng.
Tuy nhiên, báo giới Hungary phanh phui rằng, rất có khả năng chính phủ Hung muốn có thêm nguồn thu để tăng lương cho các nhân viên công lực, những người trước nay vẫn phải nhận mức lương rất thấp so với mặt bằng lương ở Hungary. Các nguồn tin cũng cho biết, đây chính là ý tưởng của Thủ tướng Orbán Viktor nên có thể cầm chắc là nó sẽ được thông qua.
Với những người biểu tình, đây chỉ là một giọt nước tràn ly sau rất nhiều động thái bị coi là độc đoán, phi dân chủ của nội các Orbán từ hơn bốn năm nay. Nhiều người lần đầu xuống đường cho hay, họ vốn dĩ không quan tâm đến chính trị, nhưng tới giờ thì họ cảm thấy, chính quyền đã đi quá giới hạn cho phép.
Tại cuộc biểu tình hôm thứ Ba 28/10/2014, người sáng lập mạng xã hội Hungary iwiw - ông Várady Zsolt phát biểu rằng thuế Internet là biểu tượng của sự độc đoán từ phía chính quyền, và bằng loại thuế đó, nội các Hungary muốn bù đắp cho việc họ đã cầm quyền một cách rất tệ. Hơn thế nữa, thuế Internet có hại cho nền kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Nhìn rộng hơn, ông Várady Zsolt khẳng định: họ biểu tình không chỉ để phản đối việc đánh thuế Internet, mà còn để chính quyền ý thức được rằng, người dân có quyền tập trung nhau trên mạng cũng như trong đời thực để cất tiếng nói trong những vụ việc xã hội, chứ không thể để một nhóm người tùy thích điều hành đất nước theo ý họ muốn.
Tải để nghe thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest:
http://telechargement.rf...y_TaxInternet_301014.mp3Xa hơn nữa, có ý kiến cho rằng đánh thuế Internet còn nhằm răn đe và hạn chế những ý kiến chỉ trích chính phủ, đa phần được nêu ra trên các trang mạng. Người biểu tình cũng vạch ra rằng, trong khi Châu Âu cố gắng tạo điều kiện để người dân tiếp cận mạng Internet với chất lượng tốt nhất, nhanh nhất, thì Hungary lại có một dự luật “trái khoáy” đi ngược lại xu thế thời đại.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc biểu tình, những khẩu hiệu hay được sử dụng nhất đều có nội dung phản đối đảng cầm quyền độc đoán FIDESZ, đòi dân chủ, kêu gọi tinh thần hướng về Châu Âu. Một điều có lẽ chính quyền cũng không ngờ tới: chính các cử tri đã bầu cho họ cũng lên tiếng bất bình trước động thái này!
Sẽ vẫn được thông qua!Báo chí Hungary nhận xét, không khó nhận ra những tác động tiêu cực của dự luật đối với các doanh nghiệp nhỏ, cũng như với thói quen trong đời sống và sinh hoạt của cư dân, khi các dịch vụ truyền thống ngày càng được chuyển đổi sang hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, cho dù bị phản đối dữ dội, bị coi là “đi ngược chiều với thế giới” và ngay lập tức, bị công luận quốc tế chê cười và hứng chịu búa rìu từ Châu Âu, rất có khả năng là dự luật về thuế Internet sẽ vẫn được thông qua với một vài sửa đổi theo hướng gượng nhẹ nào đó, như truyền thông Hungary nhận định.
Bởi lẽ, cũng như trong trường hợp loại thuế đặc biệt nhằm vào các hãng viễn thông mà Hungary trước đây từng bị Ủy ban Châu Âu lên tiếng, rốt cục, rất có thể Châu Âu cũng buộc phải cho rằng việc đưa ra thuế Internet là công việc nội bộ của từng quốc gia, không vi phạm Luật Châu Âu và do đó EU không thể can thiệp.
Tất nhiên, cũng theo phân tích của báo chí Hungary, dự luật về thuế Internet có thể đi ngược lại nhiều nguyên tắc cơ bản của EU hoặc quốc tế, như quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và truyền bá các thông tin trên mạng, hoặc vi phạm lợi ích của các nhà đầu tư. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách Hung cần để tâm.
Thuế Internet được chuẩn bị đưa ra vào thời điểm mà “hầu như Hungary ở dưới mức trung bình trong tất cả các chỉ số kinh tế kỹ thuật số”, theo nhận định của Phát ngôn viên cơ quan chuyên trách công nghệ mới của Ủy ban Châu Âu. Do đó, EU cho rằng “sáng kiến” đánh thuế Internet của Budapest là hết sức tệ, cả trên lý thuyết lẫn trong thực tiễn.
Về tổng thể, các bình luận viên cho rằng, trong nội bộ chính phủ Hungary không có những bàn thảo và thống nhất mang tính chuyên môn khi đưa ra một chính sách mới, nên những “sáng kiến” kiểu như thuế Internet thường đem lại sự phản cảm sâu sắc trong cư dân và công luận quốc tế.
Dường như, những người hoạch định ra khoản thuế Internet - cũng như những điều tiết liên quan tới Liên mạng - không thật thấu hiểu sự hoạt động của mạng Internet, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, khi mọi phát triển trên thế giới hầu như đều diễn ra trên Liên mạng. Do đó, dự luật về thuế Internet không chỉ đi ngược lại xu thế chung, mà còn là một sự đe dọa đáng kể đối với cư dân!
Theo RFI