Cô gái bé nhỏ, xinh xinh, có cái tên ĐTMH, đến cộng hòa Séc, trong một ngày mùa thu. Nhìn cô tươi cười đứng giữa quảng trường Vaclav của Praha cổ kính. Không ai lại nghĩ rằng, cách nay mấy tháng cô còn bị giam cầm trong nhà tù cộng sản VN. Và còn là món hàng để chính quyền công sản VN mặc cả với để quốc Mỹ, trong các thương vụ ngoại giao. Ai là công dân VN chắc cũng tự hào với chính quyền do đảng công sản VN lãnh đạo, liên tiếp lập những kỷ lục thế giới mới, tạo ra những danh từ, cụm từ mới cho vốn từ vựng của loài người. Đó là "THUYỀN NHÂN" của thập kỷ 80, thế kỷ trước, và bây giờ là "XUẤT KHẨU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM". Thật may mắn Minh Hạnh không phải nằm trong danh sách xuất khẩu sang Mỹ, như anh Cù Huy Hà Vũ, hay anh Điếu Cày.
Minh Hạnh được ra khỏi nhà tù VN không điều kiện, không có cái đuôi quản chế như các tù nhân lương tâm khác. Là vì chính quyền cộng sản VN không đặng đừng trước sức ép của chính giới Mỹ, và công luận của thế giới. Người có công nhiều nhất đánh động dư luận là bà mẹ yêu thương của Minh Hạnh, bà Trần Thị Ngọc Minh. Bà đã lặn lội khắp Âu Mỹ, để vận động kêu cứu cho con gái của mình. Bà bộc bạch:
Minh Hạnh khi sinh ra, tôi thiếu sữa, nên nó bé nhỏ là vậy, nhưng nó lỳ lắm, nó dấu gia đình đi hoạt động. Khi nó bị bắt tôi mới biết, tôi cản nó và nguyền rủa những ai lôi kéo nó để nó phải đi tù. Tôi không biết ông Trần Ngọc Thành là ai, mà xúi bẩy được con gái tôi, khi tôi là mẹ mà nói nó không nghe. Thế rồi qua các phiên xử chiếu lệ và bản án bỏ túi 7 năm tù giam của tòa án cộng sản VN đối với nó. Tôi phải lặn lội thăm nuôi, tìm hiểu những việc làm của nó, rồi tôi hiểu ra và ủng hộ nó, bây giờ thì tôi thương nó nhất nhà.
Khi hỏi tại sao Minh Hạnh được xuất cảnh qua cộng hòa Áo thăm mẹ? Minh Hạnh nói.
- Lần trước khi xin được viza qua Áo, em mua vé ra sân bay Nội Bài để bay, nhưng bị công an VN không cho đi, hành hung và bắt giam em. Nhưng lần sau họ gọi em lên, nói em được phép xuất cảnh, em đoán rằng do sức ép ở châu Âu lên chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nên họ phải cho em đi, chứ cũng chẳng tốt lành gì. Họ còn đe dọa em không được tự ý tiếp xúc với các hội đoàn, và cá nhân, ở hải ngoại, ngoài thăm mẹ, khi chưa được phép của họ. Nếu không, họ sẽ không cho em về lại VN.
Gặp gỡ với các anh chị trong nhóm xã hội dân sự Văn Lang ở cộng hòa Séc. Khi được tăng bó hoa, Minh Hạnh đã tặng lại cho mẹ của mình, tạo sự trong sáng và xúc động rất nhiều. Cô nói.
- Em ở tù hơn 4 năm, chuyển đi lại 6 trại giam, 3 phân trại, có lúc tưởng không sống nổi, nhờ có mẹ thăm nuôi, động viên, em mới có ngày này, cảm ơn các anh chị đã thương em.
Cô nhà báo người Séc hỏi Minh Hạnh, khi ở trong tù bị đánh có đau không? Minh Hạnh trả lời!
- Không hiểu sao, khi bị đánh em chỉ nghĩ đến sự việc hiện tại và bức xúc với việc làm vô nhân đạo của cai tù đối với em và mọi người, mà không hề thấy đau, chỉ sau đấy mới thấy ê ẩm.
Cô gái, mà tôi tưởng phải hằn học với những năm tháng tuổi trẻ của mình bị đầy đọa trong chốn lao tù. Khi những việc làm, đấu tranh cho quyền lợi người công nhân lao động của mình bị chính quyền cộng sản cho là phản động. Nhưng không, cô hồn nhiên và vui vẻ, luôn nở nụ cười trên môi, và rất thân thiện.
Khi nghe cô nói. Em sang bên này trước là thăm mẹ, sau nữa là vận đông, kêu gọi các cá nhân và tổ chức người Việt cũng như người nước ngoài, tạo sức ép để chính quyền VN trả tự do cho hai đồng sự của em là anh Hùng và anh Chương, hiện còn bị nhốt trong tù. Em sẽ trở lại VN tiếp tục con đường đấu tranh của mình, cho sự tự do dân chủ của quê hương.
Có thể có người cho rằng cô lên gân, chém gió, nhưng ở bên cạnh cô, mới cảm nhận đó là câu nói trung thực tự đáy lòng. Đi bên cạnh Minh Hạnh, thú thật nhiều lúc tôi thấy xấu hổ, và nhỏ bé trước cô. Mình rõ ràng là đấng nam nhi, đã ở trong lòng xã hội dân chủ châu Âu hơn 20 năm, mà bây giờ biết rõ những xấu xa, tội lỗi của chính quyền cộng sản, gây ra cho dân tộc VN, đã không dám đấu tranh, lại không dám lên tiếng ủng hộ lẽ phải, sợ hết điều này, điều nọ.
Được biết nhóm Văn Lang, với tiêu chí là VÌ MỘT XÃ HỘ DÂN SỰ, đang xúc tiến thành lập quỹ ỦNG HỘ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ cho VN. Minh Hạnh rất xúc động, trước sự quan tâm của các anh chị sống bên ngoài VN, vẫn hết lòng ủng hộ cho sự đấu tranh vì tự do dân chủ trong nước.
Bản thân tôi vẫn dõi theo những việc làm thiết thực của nhóm Văn Lang, và tâm đắc với ý tưởng mới mẻ này. Thôi thì mình chẳng có tài cán gì để làm được nhiều cho sự tự do dân chủ ở VN, hãy bằng những gì có thể ủng hộ Văn Lang. Cũng là góp phần nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chung vậy.
Tìm hiểu thêm về nhóm Văn Lang qua
www.vanlang.euViệt Nguyễn