Hội thảo Đồng hành cùng Việt Nam lần thứ sáu tại Đại học Oregon, thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, hôm 6/11/2014.
Ngày 6/11, tại Đại học Oregon, thành phố Eugene, tiểu bang Oregon diễn ra hội thảo mang tên Đồng hành cùng Việt Nam. Đây là lần thứ sáu cuộc hội thảo thường niên này được tổ chức nhằm tổ chức trao đổi những ý kiến, quan điểm khác nhau về Việt Nam.
Mở đầu là lời đón chào của ông Dennis Galvan phụ trách các vấn đề đối ngọai của đại học Oregon gửi đến hơn 40 học giả, nhà nghiên cứu về Việt Nam đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều người đến từ Việt Nam. Ông Galvan cũng nhấn mạnh đến vai trò ngày càng tăng của vùng châu Á Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên quan trọng.
Lịch sửBuổi hội thảo bắt đầu bằng các bài phát biểu về lịch sử Việt Nam của Tiến sĩ Vũ tường từ Đại học Oregon và Tiến sĩ Christopher Goscha từ Đại học Quebec, Canada.
Tiến sĩ Goscha cho rằng nước Việt Nam hiện tại có nguồn gốc rất đa dạng gồm nhiều phần đất khác nhau với những lịch sử phát triển khác nhau.
Tiến sĩ Vũ Tường thì trình bày về lịch sử của quốc gia Việt Nam như là một đế quốc, có một quan hệ phức tạp với một đế quốc hàng đầu là đế quốc Trung Hoa. Ông so sánh quan hệ giữa quốc gia Việt Nam với đế quốc Trung Hoa cũng giống như quan hệ giữa các quốc gia cộng sản Đông Âu với đế quốc Xô Viết, mặc dù rất lệ thuộc nhưng đế quốc Xô Viết không phải là người thống trị các quốc gia đó.
Ông Vũ Tường cũng đề cập đến những nhà lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại có sử dụng đến sức mạnh của đế quốc Trung Hoa để giải quyết chuyện nội bộ của mình, nhưng đồng thời cũng thách thức đế quốc Trung Hoa. Ông dẫn chứng trường hợp ông Lê Duẩn, trong thời kỳ Việt Nam xung đột với Trung Quốc.
Những vấn đề hiện tạiAlex Thai Dinh Vo đến từ Đại học Cornell trình bày việc xem xét vụ án bà Nguyễn Thị Năm trong phong trào cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam.
“Xưa nay các sử gia khi nói về cải cách ruộng đất thì thường cho là do ảnh hưởng của Trung Quốc. Bài nghiên cứu của tôi nói về cái người quyết định xử tử bà Nguyễn Thị Năm chính là ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ Chí Minh viết một bài tựa đề là Địa chủ ác ghê để kết tội bà Năm vào ngày 21 tháng bảy năm 1953. Xưa nay các sử gia hay những người sống dưới chế độ cộng sản, các sử gia nước ngoài cho là cải cách ruộng đất là do lỗi của cố vấn Trung Quốc, hay ông Trường Chinh, hay những người khác, chứ ông Hồ thì không có liên quan.”
Ông Thai Dinh Vo còn cho biết thêm là tác phẩm Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh vừa ra đời khẳng định thêm kết quả nghiên cứu những tài liệu mà ông có.
Bàn về vấn đền Kinh tế, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đến từ Việt Nam nói về nội dung bài thuyết trình của ông:
“Bài của tôi trình bày câu chuyện tại sao việc gia nhập vào Tổ chức kinh tế thế giới lại không thành công trong việc đưa Việt Nam tiến lên con đường cải cách.”
Tiến sĩ Tự Anh lập luận rằng chính việc thành lập các Tập đoàn kinh tế nhà nước với quyền chỉ đạo trực tiếp nằm trong tay thủ tướng đã làm tê liệt sự cạnh canh trong nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam có luật về cạnh tranh, nhưng trong đó có điều khoản 25 miễn trừ một số điều cho các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ông nói thêm rằng sự thành lập các tập đoàn này xuất phát từ hy vọng và cả nỗi sợ hãi của ý thức hệ, vì đảng cầm quyền vẫn chủ trương con đường xã hội chủ nghĩa. Theo ông thì hiện trạng kinh tế Việt Nam không chính xác là chủ nghĩa tư bản phe đảng mà là chủ nghĩa xã hội phe đảng nhiều quyền lợi giành cho tầng lớp cán bộ ở mọi cấp.
Về chủ đề kiểm duyệt, ông Thomas Bass trình bày câu chuyện về sự kỉêm duyệt ở Việt Nam đã đẩy các nhà văn ra ngoài rìa. Ông là tác giả một quyển sách mới về ông Phạm Xuân Ẩn, một nhân viên tình báo của cộng sản trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Quyển sách này được nhà xuất bản Nhã Nam xuất bản ở Việt Nam nhưng đã bị kiểm duyệt rất nhiều vì chính quyền Việt Nam không muốn nhân vật Phạm Xuân Ẩn, người vốn đựoc phong là anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam lại là người có đầu óc thân với nước Mỹ!
Hội thảo thường niên Đồng hành cùng Việt Nam vốn được Tiến sĩ Phan Lệ Hà hiện làm việc tại Đại học Hawaii Manoa thành lập vào năm 2009 nhằm tập hợp các học giả, các nhà làm chính sách trao đổi các vấn đề về Việt Nam. Trong kỳ hội thảo lần thứ sáu này, trả lời câu hỏi của một học giả nước ngoài là liệu ông có thể hiểu được một quốc gia xa xôi như Việt Nam, Bà Phan Lệ Hằng nói rằng chính bà cũng chưa bao giờ dám nói là bà hiểu Việt Nam dù bà xuất thân từ chính trong lòng nước Việt Nam.
Kính Hòa tường trình từ Eugene, Oregon.
Theo RFA