Sáng hôm qua tôi đến phường trình diện định kỳ hàng tháng theo luật về quản chế. Có đến 8 người cùng làm việc với tôi, trong đó 6 người là sĩ quan công an. Buổi làm việc tập trung vào các bài viết đăng trên trang FB của tôi. Đầu tiên, tôi được yêu cầu ký tên vào các bản in sẵn, nhưng tất nhiên tôi từ chối với lý do rằng FB là một trang công khai để mọi người bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, ai thích vẫn có quyền đọc và bình luận, và đó không phải là một tài liệu phạm pháp để có thể bị áp dụng những biện pháp có tính cách tố tụng hình sự.
Một câu hỏi được nêu ra thường xuyên đối với mỗi bài viết của tôi là: “Anh viết bài này với mục đích gì, nhằm truyền đạt điều gì?” Tôi trả lời rằng, suy nghĩ là suy nghĩ, cảm xúc là cảm xúc, chẳng có mục đích gì, trừ phi các anh suy diễn một mục đích nào đó cho nó, nhưng đó là sự suy diễn của các anh, chứ không phải của tôi.
Đến bài viết về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đăng ngày 1/11 vừa qua, một sĩ quan công an nói rằng, “thằng Diệm đã lê máy chém khắp miền Nam để tàn sát đồng bào mà anh ca ngợi nó, lịch sử phải khách quan chứ!” Tôi đáp, “khi tôi viết nền giáo dục ở VN dạy học sinh gọi ông Diệm là thằng, thì có nhiều dư luận viên phản bác, nay anh gọi thế là đủ chứng minh lời tôi rồi. Việc vu cáo ông Diệm lê máy chém chỉ là luận điệu tuyên truyền của nhà nước này.”
Một sĩ quan khác nói lại, “vậy cái máy chém đặt ở Nhà trưng bày tội ác chiến tranh là gì?” Tôi đáp, “đó chỉ là công cụ tuyên truyền của các anh, ai làm chẳng được!” Anh ấy lập lại, “khi viết về lịch sử anh phải khách quan.” Tôi gật đầu, “đúng vậy, lịch sử phải khách quan, chứ không phải lịch sử bị tuyên truyền!” Một anh khác hỏi, “tại sao anh viết bài đó, nhằm mục đích gì?” Tôi trả lời, “tôi ngưỡng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm nên kể lại một câu chuyện có thật của tôi trong quá khứ, anh nghĩ tôi có mục đích gì?” Cuộc đối đáp về bài viết nêu trên của tôi dừng lại tại đó.
Chuyển sang đề tài khác, nhân tạp chí luatkhoa.org ra đời mà tôi đã chia sẻ với nhiều bạn đọc, một anh sĩ quan hỏi tôi, “anh có định lập đại học luật online như có người đề nghị hay không?” Tôi đáp, “tôi vẫn suy nghĩ về điều đó vì đấy là ước mơ của tôi từ rất lâu.” Quả thật, tôi có thích làm chính trị đâu, từ thuở niên thiếu tôi đã muốn trở thành một giáo sư đại học để nghiên cứu và giảng dạy những đề tài học thuật mình yêu thích mà thôi. Chính biến cố bắt giam tôi ngày 13/6/2009 đã đẩy tôi vào con đường chính trị một cách bất đắc dĩ. Âu cũng là định mệnh!
Nhìn chung, buổi làm việc vui vẻ dù hơi dài dòng, các anh nhân viên công quyền đều hành xử tử tế và đàng hoàng đối với tôi như mọi khi. Chúng tôi trao đổi thẳng thắn với nhau nhiều vấn đề. Tôi luôn tôn trọng chức trách mà các anh đảm nhận, ngoại trừ những đòi hỏi vượt khỏi nguyên tắc của tôi. Mỗi tháng tôi đều phải gặp các anh như những “người thân”, mà thân ai người đó lo!
Lê Công Định
facebook.com/LSLeCongDinh