Ở cuối cuộc hành trình 25 năm đi tìm Tự Do • 28 đồng bào thuộc nhóm đầu tiên đã đặt chân lên miền đất hứa
• Thời Báo sẽ dành trọn số lãi của “Đêm Nhớ Sài Gòn 2” cho quỹ định cư
Trong cùng một thời gian nỗ lực vận động cho 2.000 đồng bào tỵ nạn tại Phi Luật Tân được định cư tại quốc gia thứ ba, năm 2006 luật sư Trịnh Hội, Chủ tịch tổ chức VOICE, cùng với các thiện nguyện viên đã đến Thái Lan thiết lập danh sách những thuyền nhân Việt Nam chống cưỡng bách hồi hương còn lưu lạc ở Thái Lan.
Trong hơn 6 năm liên lạc với chính phủ Thái Lan, Mỹ, Úc, Canada và Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc, VOICE đã được ông Jason Kenney, Tổng trưởng Di trú thời đó (nay là Tổng trưởng Phát triển Nhân dụng) đồng ý thay đổi chính sách Di trú, chấp thuận cho 105 đồng bào tỵ nạn tại Thái Lan được định cư tại Canada vì lý do nhân đạo.
Theo yêu cầu của Bộ Di trú Canada, tổ chức VOICE phải cung cấp 5 nhà bảo trợ cho 1 người tỵ nạn và những người bảo trợ phải cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về tài chính, nơi cư trú, và tìm việc làm cho những người tỵ nạn trong vòng 1 năm sau khi họ đến Canada.
Ngoài ra, VOICE cũng phải trang trải chi phí vận chuyển, tiền khám sức khỏe, lệ phí thị thực nhập cảnh cho những đồng bào tỵ nạn.
Sau hai năm liên tục kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng người Việt hải ngoại, VOICE đã đáp ứng được tất cả các điều kiện của chính phủ Canada.
Trong tổng số 105 thuyền nhân có tất cả 84 người đã được Cơ quan Di trú Canada phỏng vấn và 67 người đã khám sức khỏe và được cấp thị thực nhập cảnh Canada.
Lẽ ra, những đồng bào này sẽ rời khỏi Thái Lan vào tháng trước, tuy nhiên chính phủ Thái Lan do quân đội nắm quyền, không cấp giấy xuất cảnh, khiến việc ra đi bị đình trệ.
VOICE đã phải trả cho hãng hàng không $310 mỗi đầu người để thay đổi chuyến bay.
Nhờ sự can thiệp của Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc và chính phủ Canada, vào ngày 13/11, 28 đồng bào tỵ nạn thuộc nhóm đầu tiên đã đặt chân lên miền đất hứa. Họ đến phi trường Vancouver bằng phi cơ của hãng hàng không Phi Luật Tân, sau 2 ngày bị tạm giam tại trung tâm IDC, theo luật Thái Lan, và VOICE phải đóng tiền phạt $200 cho mỗi người.
Trong số này, có 7 người định cư tại Vancouver, 7 người đến Calgary cư ngụ.
Hôm thứ Bảy 15/11, lúc 3 giờ 21 phút, 14 người còn lại trong đó có 13 người thuộc gia đình các ông Hà Kim Thông, Kieng Sabay, Thach Thay, cùng với ông Huỳnh Hữu Hậu (định cư tại Ottawa), đã đến phi trường Pearson Toronto trên chuyến bay AC 142 của hãng hàng không Air Canada.
Ra đón tại phi trường có Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, dân biểu liên bang Parm Gill, đơn vị Brampton, đại diện chính phủ Canada, Thượng tọa Thích Tâm Hòa, đại diện Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân, Hội Người Việt, Hội Ái Hữu Cựu Sinh viên Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức Ontario, Hội Đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng, Trung tâm Cộng đồng Mississauga cùng với rất đông đồng hương người Việt cư ngụ tại Toronto.
Trược sự kiện đồng bào đã bỏ nước ra đi, cương quyết chống cưỡng bách hồi hương, đã được Canada đón nhận, trong một phát biểu tại phi trường, TNS Ngô Thanh Hải nói: “Nếu muốn chính phủ Canada quan tâm đến những nguyện vọng hoặc yêu cầu của chúng ta, thế hệ trẻ cần phải hiện diện trong sinh hoạt chính trị “dòng chính” và cử tri người Việt nên tham gia các cuộc bầu cử”.
Những đồng bào bất hạnh, bị lãng quên trong 25 năm qua, cho biết họ không thể nào tưởng tượng rằng sẽ có một ngày họ đến được bến bờ Tự Do. Tất cả đều mong ước sẽ có việc làm để xây dựng lại cuộc đời mới và con cái họ sẽ được đến trường, sau nhiều năm đã phải sống bên lề xã hội Thái Lan.
Tổng số chi phí, do VOICE đài thọ – từ ngân quỹ gây và lạc quyên được, cho 67 đồng bào tỵ nạn tái định cư lên đến $180.000, chưa tính đến tiền phạt trong hai lần phải hủy chuyến bay do chính phủ Thái Lan đình hoãn cứu xét hồ sơ xuất cảnh.
Theo dự trù, nếu không có gì trở ngại, 39 thuyền nhân đợt 2 sẽ rời khỏi Thái Lan vào tuần sau trong đó có 12 người định cư tại Vancouver, 12 người đến Toronto, 7 người đến Edmonton, 8 người đến Calgary, và những người còn lại sẽ ra đi vào đầu năm 2015.
Theo Ủy ban gây quỹ định cư người Việt tỵ nạn Thái Lan tại Toronto, tổng số ngân khoản để trang trải chi phí giúp những đồng bào bất hạnh hội nhập vào cuộc sống Canada, trong 3 tháng đầu, được ước tính khoảng từ $240.000 đến $250.000.
Cho đến nay, Ủy ban đã đạt gần đến mục tiêu về tài chánh. Ngân khoản này có được do người Việt hải ngoại đóng góp hoặc đến từ các đêm văn nghệ gây quỹ.
Riêng Quỹ Cộng đồng Thời Báo sẽ chuyển tất cả tiền thu được sau khi trừ chi phí của đại nhạc hội “Nhớ Sài Gòn 2”, được tổ chức vào đêm 21/12, ước tính khoảng $15.000, cho quỹ định cư người tỵ nạn Thái Lan.
Qua bao nhiêu gian nan, sóng gió, vượt qua một hành trình dài một phần tư thế kỷ, những thuyền nhân đi tìm Tự do cũng đã đến được bến bờ Tự Do.
Những người cuối cùng đến Canada vào đầu năm 2015 sẽ đóng lại trang sử “thuyền nhân” đầy máu và nước mắt, với hàng trăm ngàn người vùi thây trong biển cả, kéo dài trong 40 năm, khởi đầu từ ngày mất nước 30-04-1975.
Tổ chức VOICE cho biết hiện nay tại Thái Lan vẫn còn 800 đồng bào đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị nhưng chưa được giải quyết.
Theo Thời Báo