Quốc hội CSVN đang nhóm họp tại Hà Nội, đưa ra bàn thảo sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 trong phiên họp ngày 13/11/2014, trong đó có quy định về chế độ sở hữu.
Theo đó, Bộ luật dân sự sẽ quy định 3 chế độ sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Sở hữu toàn dân được áp dụng cho đất đai, hầm mỏ, khoáng sản, sông, hồ đã được quy định trong Hiến pháp CSVN từ trước đó. Nhà nước CSVN sẽ vẫn giữ vai trò “đại diện chủ sở hữu”, nắm trọn 3 quyền: chiếm hữu, quản lý và định đoạt các tài sản thuộc “sở hữu toàn dân” – đối với đất đai là rõ ràng nhất.
Chế độ CSVN đã cướp đi một quyền rất thiêng liêng của người dân từ bao đời nay – đó là quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Chính vì muốn “xóa bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất”, CSVN đã gây ra cái gọi là “cải cách ruộng đất” tại Bắc Việt trong giai đoạn 1953-1956, làm cho hàng ngàn người bị chết oan, nhiều gia đình tán gia bại sản, xã hội Bắc Việt băng hoại về đạo đức. Do không có quyền sở hữu đất đai trong tay, vấn đề tranh chấp đất đai giữa chính quyền CSVN với người dân hiện nay thường có kết cục là người dân bị các lực lượng của chính quyền “cưỡng chế” ra khỏi nhà ở, đất đai sản xuất.
Chế độ sở hữu đất đai tại Việt Nam hiện nay đã dẫn đến việc quan hệ giữa người dân và chính quyền về đất đai là quan hệ hành chính – tức là người dân “xin” cấp đất và nhà nước “cấp quyền sử dụng đất”, là dạng quan hệ “xin – cho”. Khi chính quyền CSVN muốn thu hồi đất, chỉ cần ban ra “quyết định thu hồi” và đưa ra một mức giá. Nếu người dân không chấp nhận, không chuyển đi thì chính quyền sẽ “tổ chức cưỡng chế”. Mọi khiếu kiện về đất đai đều được giải quyết bằng quyết định hành chính, nếu người dân khởi kiện ra tòa, thì cũng là “vụ án hành chính”- với phần thắng luôn thuộc về phía chính quyền. Do vậy, chế độ “công hữu” đất đai tại Việt Nam đang thực sự đe dọa quyền lợi của người dân.
Tại các nước dân chủ, chế độ sở hữu đất đai có 3 loại: sở hữu cá nhân, sở hữu chung và sở hữu chung của cộng đồng – tức là thừa nhận và tôn trọng quyền tư hữu về đất đai. Mọi quan hệ, giao dịch liên quan đến đất đai là quan hệ dân sự, kể cả giữa chính quyền với người dân. Chính quyền không được phép “cưỡng chế” người dân ra khỏi mảnh đất của mình.
Trong năm 2012-2013, nhiều nhân sỹ, trí thức và các nhà hoạt động đã vận động CSVN trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai cho người dân, cũng như nhiều thay đổi cơ bản khác thông qua việc sửa đổi Hiến pháp CSVN năm 1992. Tuy nhiên, CSVN đã gạt bỏ mọi kiến nghị đó và gọi những nhân sỹ, trí thức đó là “suy thoái đạo đức, tư tưởng”, “đi ngược lại đường lối của Đảng và nhà nước” và có nhiều bài viết bôi nhọ họ trên các báo của Đảng CSVN.
Nếu còn chưa trả quyền tư hữu về đất đai cho người dân, thì tại Việt Nam sẽ vẫn còn cảnh “dân oan mất đất” và “khiếu kiện” kéo dài !
Nhật Nam / SBTN